Bộ trưởng Nga đề nghị chôn cất Lenin
Cập nhật: 20:56 GMT - chủ nhật, 10 tháng 6, 2012
Tân Bộ trưởng Văn hóa Nga đề xuất đưa thi hài lãnh tụ cộng sản Lenin ra khỏi lăng để chôn cất và biến lăng thành bảo tàng.
Ông Vladimir Medinsky trả lời phỏng vấn của đài Tiếng vọng Moscow hôm 9/6.Hôm thứ Bảy, 09/6/2012, tân Bộ trưởng Văn hóa Nga, người được cho là gần gũi với đương kim Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng "Việc Lenin không được an nghỉ 88 năm sau khi ông chết là quá đáng."
Người từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Nga kêu gọi để Lenin được an táng trong một ngôi mộ bình thường như Lenin từng yêu cầu.
"Có thể khi đó sẽ có sự thay đổi tốt hơn cho cuộc sống của chúng ta," tân Bộ trưởng Văn hóa Nga nói.
Ông Medinsky gợi ý rằng nhà lãnh đạo cuộc cách mạng dẫn tới nền độc tài vô sản ở Liên Xô cũ từ năm 1917 cần được tiễn đưa trong một nghi lễ và có sự thừa nhận vai trò như một nguyên thủ quốc gia của ông.
Nếu điện Kremlin tán thành an táng Lenin, ngôi mộ của ông có thể sẽ đặt bên cạnh mộ của mẹ ở St Petersburg.
'Chủ đề không mới'
Theo bình luận từ BBC Tiếng Nga, chủ đề đưa Lenin ra khỏi lăng và chôn cất đã xuất hiện từ sau khi Liên Xô giải thể cuối năm 1991.
Trong số những người được cho là có ý kiến ủng hộ việc an táng Lenin có cựu Tổng thống Liên bang Xô Viết và người trước đó là cựu Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev.
Đức Thượng phụ Giáo Hội Chính thống Nga Alexyi II cũng được cho là tán thành việc an táng.
Một số nhà quan sát cho rằng khi đó ông đã quan ngại về phản ứng của một bộ phận dân chúng lớn tuổi ở Nga vốn coi Lenin như một biểu tượng của Liên Xô cũ và chủ nghĩa cộng sản.
Hồi cuối năm 2011, Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền của ông Putin, khi đó là Thủ tướng, đã mở một cuộc điều tra xã hội, thăm dò ý kiến về việc có nên đưa Lenin ra khỏi lăng hay không.
Trong số các ý kiến ủng hộ việc chôn cất Lenin, một số lý do có thể xuất phát từ việc cho rằng Lenin là một "lãnh tụ chính trị độc tài" và thậm chí là một "bạo chúa đẫm máu" phải chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát Sa hoàng cuối cùng của Nga và gia đình ông.
Những người này còn cáo buộc Lenin phải chịu trách nhiệm về cái chết và sự lưu đày của hàng triệu người Nga hoặc những người chống lại chế độ chuyên chế vô sản Bolshevik ở Liên Xô cũ do chính Lenin thiết lập.
Tuy nhiên, theo một bình luận được BBC Tiếng Nga giới thiệu, chủ đề mà tân Bộ trưởng Medinsky đưa ra là "không mới" và "không thời sự", nhưng thời điểm lại có thể trong "một tính toán" nhằm "thu hút sự chú ý nào" đó với cá nhân ông.
Vị bộ trưởng này vốn là một nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên được công chúng biết đến qua loạt sách “Những huyền thoại nước Nga”, “xét lại” nhiều vấn đề lịch sử.
Tờ nhật báo Kommersant năm 2009 đưa tin loạt sách này là sách lịch sử "được bán rộng rãi nhất" tại Nga.
Ông từng tuyên bố cáo buộc bài Do thái ở Nga thời Sa hoàng và Cộng sản bị phóng đại.
Cũng theo ông, quân Liên Xô chỉ “sát nhập” các nước Baltic và Ba Lan chứ chẳng phải là xâm lược.
Theo truyền thông Nga, năm ngoái khi ông Medinsky bảo vệ bằng tiến sĩ, các blogger nói nhiều đoạn trong luận văn là “thuổng” từ các nguồn khác.
Ông là một nghị sĩ của đảng Nước Nga Thống nhất từ 2004 đến 2011, và phần lớn sự nghiệp là làm trong ngành giao tế nhân sự.
Báo giới ở Nga xem ông là người trung thành của đảng này.