TỔNG THỐNG NGUYỄN TẤN DŨNG?
Thường Sơn, Phía Trước
Không khó để đoán ra cái đích mà
Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới trong tương lai không xa. Một cá nhân hoặc
một nhóm cá nhân sẽ sẵn lòng chấp nhận cơ chế chính trị nhiều hơn một
đảng hoặc nhiều đảng, thay cho lối mòn độc đảng quá rủi ro và chỉ chực
chờ bùng nổ như hiện nay.
Công tác nhân sự đã “cơ bản hoàn thành”
Thời gian đang chuyển dần về giữa năm. Hà
Nội cũng đang chìm trong cơn nắng nóng tăng nhiệt theo từng tuần lễ,
cùng với những trận giông bão khó có thể lường trước trong năm con Rồng
này. Sự biến đổi về thời tiết như thế cũng tiềm ẩn những toan tính âm
thầm trong nội bộ đảng và chính phủ. Sau vài vụ cưỡng đoạt đất đai ở
Tiên Lãng và Văn Giang, dư luận càng đồn đoán nhiều hơn về một vị tổng
thống trong tương lai không xa của đất nước Việt nam hậu cộng sản.
Đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa bao giờ kể từ năm 1975 cho đến nay,
vai trò của thủ tướng lại trở nên đáng giá và hướng đến hình ảnh độc tôn
như giờ đây. Được tích lũy qua hai nhiệm kỳ thủ tướng, gần như toàn bộ
khối nhân sự của những bộ ngành quan trọng nhất đang thuộc về những chủ
kiến sắp xếp và điều hành của Nguyễn Tấn Dũng.
Từ tháng 8/2012, khi chính phủ mới được
thành lập và nhận được sự đồng thuận hầu như không một chút khó khăn từ
Quốc hội, người ta đã có thể nhận ra những gương mặt thân cận nhất với
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước, Vương Đình Huệ – Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bùi Quang Vinh – Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông
Vận tải… Chưa kể đến một số hội đồng và ủy ban đóng vai trò tư vấn cho
chính phủ cũng bao gồm những người được cho là thuộc phe cánh của Nguyễn
Tấn Dũng.
Mối tương quan trong đảng giờ đây đã trở
nên lệch hẳn về đầu cân chính quyền. Ở đầu cân bên kia, Trương Tấn Sang,
bất chấp nhiều cố gắng để tự PR bản thân, nhưng ứng vào vai trò Chủ
tịch nước – một vị trí mà trước và sau đều thật khó biểu hiện quyền lực,
và thực tế là hầu như không có một quyền lực thực chất nào, đã trở nên
mờ nhạt, đặc biệt sau vụ nữ đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, cùng quê Long
An với ông Sang, bị Quốc hội bãi nhiệm.
Trên con đường hành sự của mình, thực ra
Trương Tấn Sang đã có nhiều cơ hội để tiến thân và trở nên một nhân tố
nào đó mang tầm đối trọng với Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng với sự yếu kém
cố hữu về công tác nhân sự và quan điểm dùng người rất thiếu nhất quán
mà đã không thể được cải thiện từ khi ông Sang còn là Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân thành phố và Bí thư Thành ủy TP.HCM, chính ông đã đánh mất
những cơ hội đáng quý của mình.
Tại đất Bắc Hà, nơi hội tụ quá nhiều nhân
sĩ và kịch sĩ, có thể nói chỉ riêng việc ông Sang tồn tại được trong
suốt nhiều năm trời mà không bị tuột dốc về mặt chính trị cũng đã là một
niềm an ủi lớn đối với ông. Chỉ có điều, để đạt được hiện tồn có vẻ bền
vững ấy, bản thân ông đã phải trả giá khá nhiều. Không còn tỏa sáng với
hình ảnh một vị lãnh đạo năng nổ và nhiều ý kiến sáng tạo, ông đã dần
lui vào hậu trường với nhiều uẩn ức không thể biểu hiện bằng lời nói và
càng không thể bộc lộ qua hành vi. Một số người thân quen với ông ở
TP.HCM đã phải ngạc nhiên khi bình luận khuôn mặt ông như được làm bằng
sáp, với nét chân tình đã chỉ bằng phân nửa người tiền nhiệm của ông –
nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Một hình ảnh độc tôn
Ngược lại với Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn
Dũng – với quầng mắt hùm hụp thâm sâu qua ngày tháng, lại được xem là
một nhân tố nổi bật trong việc dùng người và đối nhân xử thế.
Với các danh sĩ trong lịch sử, việc dùng
người thường có hai chiều hướng trái ngược: hoặc biết sử dụng người giỏi
hơn mình và qua đó chứng tỏ mình là người giỏi, hoặc dùng người kém hơn
mình và phải biết nghe lời. Có lẽ Nguyễn Tấn Dũng thuộc về trường hợp
thứ hai, cũng bởi trong con mắt tuyệt đại đa số nhân dân và giới quan
chức, đây không phải là một vị thủ tướng có đầy đủ sự sáng dạ và quyết
đoán. Thậm chí trong nhiều trường hợp và nhiều chủ đề khẩn cấp, Nguyễn
Tấn Dũng đã tỏ ra chậm chạp một cách không đáng có. Tầm nhận thức của
ông, so với Trương Tấn Sang, được người đời đáng giá thấp hơn.
Thế nhưng tất cả những gì mà Nguyễn Tấn
Dũng có được đến giờ này lại thuộc về công lao của tự thân ông. Đó là
một quá trình đấu tranh và vươn lên không mệt mỏi, để cuối cùng phần lớn
bộ máy nhân sự chính quyền các cấp, từ trung ương đến các địa phương,
đều được đánh giá là vây cánh cho ông.
Lợi thế lớn nhất của Dũng là cương vị Thủ
tướng – vị trí có thể ban phát rất nhiều bổng và lộc cho những địa chỉ
cần được ban phát. Từ nhiều năm qua, trong con mắt của lớp quan lại
thăng quan tiến chức nhờ luồn lọt và ân sủng của bề trên, Nguyễn Tấn
Dũng đã trở thành một ông vua không ngai. Mà thực tế với quyền lực tối
hậu và vẫn có chiều hướng được tập quyền hóa của mình, Dũng cũng chẳng
cần đến ngai, nếu tình thế không bắt buộc phải như thế.
Vị thế của Nguyễn Tấn Dũng càng được củng
cố không chỉ trong đối nội mà còn trên trường đối ngoại, sau lời đề
nghị viếng thăm Brazil nhưng bị từ chối của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng. Rõ là trong tầm quan sát của chính giới quốc tế và ở cả những
quốc gia đang phát triển, một con người quá nhu mì, luôn tìm cách tỏ ra
ôn hòa như Trọng đã chẳng thể hiện được vị thế lớn lao nào. Nói cách
khác, ông có vẻ chưa xứng đáng đại diện cho tầm cỡ quốc gia để đứng cùng
hàng hoặc ngang hàng với các nguyên thủ quốc gia khác. Cũng nói cách
khác, đặc tính chính trị thời nay không cần đến những chính trị gia quá
khuôn sáo hoặc giáo điều, cho dù đó có là người vô hại nhất đi chăng
nữa.
Tài sản và quyền lực
Giữ được quyền lực cũng có ý nghĩa không
kém thua so với giành giật quyền lực. Những gì mà Nguyễn Tấn Dũng giành
được trên chính trường đã để lại sự trả giá cho cả một nền kinh tế đang
trong tình cảnh suy thoái trầm kha và một xã hội hầu như biến mất nền
tảng đạo đức và văn hóa. Thế nhưng điều được gọi là sự sói mòn niềm tin
công dân đối với chính phủ có lẽ không thể quan trọng bằng việc chính
phủ ấy duy trì được quyền lực và hơn thế nữa, các quan chức chính phủ
gìn giữ được tài sản đã tích góp qua nhiều năm.
Nhưng với Nguyễn Tấn Dũng, sau khối tài
sản khổng lồ mà có thể sánh ông với những đại gia giàu có nhất vùng Đông
Nam Á, cái mà ông cần không chỉ là tiền bạc.
Con đường bằng phẳng nhất, diễn biến một
cách hòa bình nhất vào những năm tới chỉ có thể là một cuộc chuyển giao
quyền lực êm ái, một cuộc cách mạng nhung mà không phải đổ máu.
Những gì mà Bắc Kinh đang buộc phải tính
toán thì Hà Nội cũng không nằm ngoài kịch bản đó. Trước làn sóng công
phẫn của người dân ngày càng lan rộng và có thể đạt đến một điểm kích nổ
vào bất kỳ thời điểm nào, một chính phủ muốn duy trì vị thế của mình,
và trên hết là vị thế bảo đảm cho các tập đoàn độc quyền quốc doanh và
những tập đoàn tư nhân mới nổi như nhóm lợi ích ngân hàng, trong đó có
Ngân hàng Bản Việt của con gái Nguyễn Tấn Dũng, có điều kiện để tiếp tục
đè gánh nặng tham nhũng và thủ lợi lên đôi vai gày guộc của người dân
đóng thuế và các thành phần doanh nghiệp khác, chỉ là tấm bình phong dân
chủ cần phải được dựng lên càng khéo léo càng tốt.
Vào tháng 11/2011, lần đầu tiên Nguyễn
Tấn Dũng đã khiến cho giới phân tích trong và ngoài nước ngạc nhiên bằng
hành động tuyên bố về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
trước Quốc hội, đồng thời trở thành quan chức cao cấp đầu tiên trong
đảng đề xuất đất nước cần có một bộ luật biểu tình.
Với những người ngây thơ, thái độ thay
đổi bất ngờ của Nguyễn Tấn Dũng là có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh
bộ mặt quốc gia cần có sự cải thiện ít nhất về phấn sáp. Nhưng những
người có kinh nghiệm trong giới phân tích chính trị và cả báo chí lại đã
tỏ ra đặc biệt thận trọng. Không chính khách nào cho không ai cái gì,
cũng như không hành động nào của chính khách lại không xuất phát từ một
động cơ cụ thể. Nhất là sau sự việc người con trai của Nguyễn Tấn Dũng
là Nguyễn Thanh Nghị được tiến cử vào vị trí Thứ trưởng Bộ Xây dựng, còn
con gái của ông là Nguyễn Thanh Phượng lại nắm giữ vị trí chủ chốt tại
một ngân hàng tư nhân rất có tiềm năng là Bản Việt…
Với vai trò độc tôn trong hệ thống chính
quyền và gần như độc tôn trong cả hệ thống đảng, những gì mà Nguyễn Tấn
Dũng cần làm giờ đây và trong tương lai là gìn giữ được quyền lực và tài
sản của ông và của gia đình ông. Về việc này, những người như Nguyễn
Tấn Dũng chắc chắn đã suy ngẫm một cách hết sức nghiêm túc, vì khác với
các nước phương Tây, Việt Nam lại quá gần Trung Quốc, luôn kế thừa quốc
gia khổng lồ này không chỉ vô số thủ đoạn chính trị mà cả những hậu quả
chính trị không thể lường trước.
Trong lịch sử Việt Nam qua các triều đại,
đã có nhiều cuộc cách mạng với nhiều đợt hồi tố mà đã làm tiêu tán tàn
sản lẫn tính mạng của những quan chức thuộc triều đại cũ. Còn hiện tại,
vị thế của chính quyền đương nhiệm lại quá khó để tồn tại thêm một thời
gian đủ dài, đủ lâu cho các quan chức hưởng thụ khối tài sản tích cóp từ
nhân dân.
Nhưng quá trình tích cóp vô thiên lủng
như thế cũng lại gây ra một sự phát tác theo chiều hướng ngược lại: đến
lúc này, ngay cả những quan chức lạc quan nhất trong đảng cũng phải thừa
nhận số phận của đảng cầm quyền chỉ còn được tính theo đơn vị từng năm
một. Đã có không ít kẻ âm thầm dịch chuyển tài sản, tiền bạc và cả người
thân ra nước ngoài – một biểu hiện hoàn toàn tương đồng với giới quan
chức Trung Quốc. Cũng đã có những đồn đoán không mấy thầm kín về một khả
năng biến động mạnh sẽ diễn ra vào những năm 2014-2015, khi không khí
phẫn uất của người dân đã tích lũy đủ lớn để có thể tạo ra sự đào thải
chính quyền từ chính bản chất của nó.
Sẽ là “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng”?
Ngã rẽ duy nhất trong cơ chế chuyển giao
quyền lực không đổ máu và ít hao tiền tốn của chỉ còn là động thái thỏa
hiệp với nhân dân – một thứ nhân dân giả hiệu nào đó do giới quan chức
nặn ra, hoặc cùng lắm thì mới phải thảo luận về dân chủ với những người
đối lập với chính quyền – nhưng lại được đại đa số xem là nhân dân đích
thực.
Cũng bởi thế, không khó để đoán ra cái
đích mà Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới trong tương lai không xa là một
cuộc chuyển giao quyền lực, hay nói cách khác là sự thay đổi vị trí
quyền lực, từ vai trò thủ tướng sang vai trò của một người đứng đầu quốc
gia trong điều kiện hiến pháp được cách mạng hóa. Để có được kết quả
ấy, một cá nhân có thể sẵn sàng hy sinh cả điều 4 Hiến pháp và sẵn sàng
chối bỏ tư tưởng cộng sản – điều mà từ lâu họ đã không còn thuộc về nó,
nhưng lại vẫn cần nó vào bất cứ hoàn cảnh nào cần phải bảo vệ quyền lực
của mình. Cũng có nghĩa là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân sẽ sẵn lòng
chấp nhận cơ chế chính trị nhiều hơn một đảng hoặc nhiều đảng nhưng có
vẻ ổn định và đỡ tốn xương máu, thay cho lối mòn độc đảng quá rủi ro và
chỉ chực chờ bùng nổ như hiện nay.
Vấn đề còn lại chỉ là cuộc đấu tranh giữa
các phe phái xem ai có thể trở thành thủ lĩnh dân tộc trong tương lai,
bất kể người dân có muốn bầu cho họ hay không. Không phải các thành viên
của Bộ Chính trị đảng không tơ tưởng về vấn đề nhạy cảm của thủ tướng.
Thậm chí từ nhiều năm trước đây, một phương án chuẩn bị cho Đảng Cộng
sản tiến hành tranh cử trong điều kiện đa đảng đã được chấp bút. Chỉ có
điều, như một thông lệ bất thành văn, trước khi Bắc Kinh lên tiếng chính
thức về một chủ đề cực kỳ quan trọng nào đó, không một ai trong giới
lãnh đạo Việt Nam dám thở mạnh.
Những ngày gần đây, lần đầu tiên có dấu
hiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bắt đầu tìm cách nổi lên như một
quyền lực mới, tuy còn rất mỏng manh. Cùng với Trương Tấn Sang, đó sẽ là
những thách thức đầy ngán ngại đối với Nguyễn Tấn Dũng trên con đường
vươn tới cơ chế cộng hòa đại nghị và chức vị tổng thống Việt Nam của
ông.
Ít nhất, đó cũng là một giấc mơ riêng của
những quan chức như Nguyễn Tấn Dũng mà người khác không có quyền xâm
phạm. Chỉ là không có bất kỳ sắc màu nhân dân nào trong giấc mơ đó mà
thôi.
Từ nay trở đi, câu chuyện mà chúng ta
đang kể sẽ còn tiếp diễn với những chi tiết phong phú và không kém quyến
rũ, khiến những người đau đáu về hiện tồn và tương lai Việt Nam không
thể bỏ qua. Cũng trong câu chuyện này, tâm điểm Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ
là một nhân tố mà chúng ta luôn cần quan tâm và cần luận bàn vào những
thời khắc gay cấn nhất trên chính trường Việt Nam.
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012