jeudi 14 juin 2012

Tai nạn phóng xạ và sự trả giá về nhân mạng và kinh tế.


Rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng Gori-1 có thể giết chết 900.000 người
21/05/2012 17:22
(TNO) Một vụ rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân lâu nhất ở Hàn Quốc Gori-1 có thể khiến tới 900.000 người thiệt mạng trong thời gian dài và gây thiệt hại kinh tế 537 tỉ USD, theo một nghiên cứu được công bố ngày 21.5.
 
Việt Nam: Sự việc mất trộm một hộp đựng chất phóng xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm Việt Nam hôm 29/5 đang gây lo lắng cho người dân về mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe. Và trên thế giới cũng từng xảy ra một số vụ rò rỉ chất phóng xạ “ly kỳ” như vậy.
 
Brazil: Năm 1986, một người buôn bán sắt vụn đã nhặt được một thiết bị chứa chất phóng xạ, mang về nhà cưa ra để bán sắt vụn. Kết quả là chất phóng xạ đã phát tán trong một khu vực rộng lớn khiến hơn 100.000 người phải kiểm tra sức khỏe, phát hiện 270 người nhiễm xạ, 20 người phải điều trị và 4 người tử vong sau đó. Thiệt hại vật chất trong vụ này khoảng 30 triệu USD.

Giorgia: Tháng 1/2002, 2 người dân nước này đã phải vào bệnh viện điều trị do đã mang trên lưng một vật nặng khoảng 2kg. Các bác sỹ nghi ngờ 2 bệnh nhân này bị nhiễm phóng xạ, đã báo cho chính quyền. Sau đó, người ta đã phát hiện và thu hồi nguồn phóng xạ vô chủ bị 2 bệnh nhân trên bỏ lại sau một tảng đá lớn trên núi cao.

Ecuador: Ngày 9/12/2002, kẻ trộm đột nhập vào một nhà kho của công ty Interspec, tỉnh Esmeraldas lấy đi 5 thiết bị phát hiện giếng dầu, có chứa một kim loại phóng xạ mạnh. Sau vài ngày, công ty nhận được yêu cầu trả tiền chuộc. Họ chấp nhận trả 5.000 USD cho 5 thiết bị, nhưng chỉ được trả lại 3.

Thái Lan: Năm 2000, một nguồn phóng xạ Cobalt-60 được cất giữ cẩu thả tại một bãi đỗ xe đã bị một người nhặt rác lấy đi, tháo bỏ để lấy vỏ bọc bằng kim loại. Chất phóng xạ phát tán làm 10 người bị nhiễm nặng, trong đó 3 người bị chết.

Salvador: Năm 1989 cũng đã có 1 người chết vì một tai nạn chất phóng xạ tương tự.


Mỹ: Tháng 5/2006, một xe chở vật liệu có chất phóng xạ thấp đã bị lật trên đường ở Arizona sau khi đụng phải xe phía trước, khiến một người thiệt mạng. Cảnh sát sau đó đã phải phong tỏa hiện trường và tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực trên.

Nhật Bản: Tháng 8/2004, một sự cố rò rỉ hơi nước có chứa chất phóng xạ đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Mihama, làm chết 5 người và làm bị thương 7 người khác.


Nga: Năm 1995, phiến quân ly khai Chechnya đặt một lọ chứa chất phóng xạ Cesium-137 vào một khối thuốc nổ trong thùng rác tại một khu phố buôn bán đông người ở Moscow. Nhưng trái bom đó đã được phát hiện kịp thời nên không kịp phát nổ.

 Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl ảnh hưởng một khu vực rộng lớn hơn 1.200 km².

Ukraine: Vụ rò rỉ chất phóng xạ kinh hoàng nhất trên thế giới từ trước đến nay là thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra năm 1986 vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn khi có tới hơn 4.000 người bị chết và hơn 600.000 người bị nhiễm hay ảnh hưởng bởi chất phóng xạ. Khu vực ảnh hưởng trong vụ Chernobyl lên tới hơn 1.200km².
 
Nguyên Hưng

Việt Báo (Theo_DanTri)

Nếu có tai nạn điện hạt nhân Ninh Thuận, Saigon củng sẻ bị ảnh hưởng. 

VietnamNet : Điện hạt nhân Ninh Thuận an toàn hơn Fukushima 
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có những tiêu chuẩn an toàn cao nhất, đây là khẳng định của Ông Sergey A. Boyarkin – Phó tổng giám đốc của Rosatom (Nga).

An toàn cao nhất không có nghỉa là tuyệt đối.
An toàn cao nhất, đúng tại Nhật với nhân viên có tin thần trách nhiệm, toàn cảnh trình độ kỷ thuật cao. Nhưng tại Việt Nam thì phải xét về toàn cảnh xã hội VN. Tình trạng rút ruột công trình. Tinh thần trách nhiệm cán bộ. Trình độ kỷ thuật và kinh nghiệm về hạt nhân của ban điều hành. Nếu phải mướn người ngoại quốc điều hành thì sẻ bị lệ thuộc.

Ông Phùng Liên Đoàn, một chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm:
Việt Nam không nên xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

TS Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn nha kinh tế, dự báo chiến lược EDF Paris, pháp (như EVN, VN), Giáo sư viện kinh tế chính sách năng lượng và trường Đại học Bách khoa Grenoble ở Pháp :
không ủng hộ việc xây cất nhà máy ĐHN ở Việt Nam. Có rất nhiều lý do chính đáng, xin phép tóm tắt như sau: 

 1-     ĐHN không kinh tế như người ta hiểu lầm vì trong giá thành kWh phải tính các chi phí về xử lý nhiên liệu, lưu giữ chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy sau này, an toàn, bảo hiểm…
2-     ĐHN không tăng trưởng tiềm lực khoa học công nghiệp và hiện đại hoá đất nước như có người mơ tưởng. Trái lại nó hạn chế tiến bộ vì nguồn tài chính khổng lồ bị ĐHN thu hút, không cho phép ta đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, có nhiều triển vọng hơn.
3-     Với lò PWR thế hệ II, nước ta sẽ bị ràng buộc với một công nghệ lỗi thời – lò thế hệ III thế giới còn thiếu kinh nghiệm.
4-     Chúng ta sẽ mất độc lập, tiếp tục lệ thuộc lâu dài với ngoại quốc về thiết bị, nhiên liệu nhất là Uranium làm giàu 3,5% .
5-     Viện cớ lý do thay đổi khí hậu, nhiều nước muốn xây cất trở lại các nhà máy ĐHN nên giá Uranium đã tăng lên gấp 2, gấp 3 lần trong hai năm nay. Trữ lượng Uranium trên thế giới hiện nay chỉ đủ để cung cấp cho 440 lò đang vận hành trong vòng vài chục năm mà thôi. Nếu nhiều nước muốn làm ĐHN thì giá Uranium sẽ tăng vọt rất nhanh và cơn khủng hoảng Uranium sẽ trầm trọng hơn các cơn khủng hoảng dầu mỏ. Như thế có nghĩa là ĐHN không kinh tế.
6-     Điểm quan trọng khác là nước ta chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên viên có kinh nghiệm nhiều về ĐHN và cơ cấu công nghiệp, hệ thống pháp lý của ta có thể nói là còn thô sơ.  
7-     Phát triển năng lượng bền vững sẽ gặp bế tắc vì ĐHN không phải là một năng lượng sạch, không thể giải quyết vấn đề môi trường. Đổi chất thải phóng xạ với CO2 chẳng khác gì như đổi Sida với dịch tả hay dịch hạch.
8-     Xây 1 lò ĐHN sẽ làm đất nước kẹt 1 thế kỷ. Sau 50 năm vận hành phải đợi 25-50 năm trước khi tháo gỡ nhà máy.
9-     Một lý do khác mà tôi không đồng ý là vì bên nhà đã thổi phồng nhu cầu điện lực năm 2020 (294 tỷ kWh) tức là 3 lần lớn hơn con số đã đưa ra vào năm 2010 không thiết thực chút nào cả. Không có nước nào có một tốc độ quá mạnh như thế. Tăng trưởng luỹ thừa 17% mỗi năm có nghĩa là cứ 3-4 năm ta phải nhân gấp đôi tất cả các nhà máy và hệ thống điện. Ta có đủ khả năng tài chính không? Sức người cũng có hạn. Chính sách năng lượng của ta còn nhiều nhược điểm, thiếu khách quan, khó thuyết phục, không có độ tin cậy về khả năng huy động vốn đầu tư trong khung cảnh toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
10- Lấy lý do cân bằng năng lượng một cách thô sơ để làm ĐHN là phi lý vì tài nguyên thiên nhiên của ta còn dồi dào. Tại sao ta không đợi các lò thế hệ IV sẽ xuất hiện vào 2030/2035 mà phải hấp tấp.


......Nhưng sự thật, vấn đề không phải chỉ biết ghép rủi ro động đất, sống thần , mà đáng sợ hơn, chính là ở con người. Theo nhà xã hội học Anh Quốc Anthony Giddens, ta nên chia ra 2 loại nguy cơ (risque): nguy cơ bên ngoài (externe) liên quan đến thiên nhiên (lũ lụt, động đất …) mà tổ tiên chúng ta đã biết từ thời xa xưa, thời kỳ chưa bị kỹ thuật- khoa học ‘đô hộ’, và nguy cơ do chính chúng ta ngày nay tạo ra, liên quan mật thiết đến các hoạt động chạy theo lợi nhuận, không có giới hạn của con người (thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi truờng, biến cố hạt nhân ...). Chúng ta chưa có kinh nghiệm về các loại nguy cơ thư hai này vì chúng ta đang tạo ra nó và đơn giản hoá bằng cách cho đó là do tạo hoá để an lòng. Đổ lỗi cho thiên tai như thế là hoàn toàn vô trách nhiệm. Sự thiếu năng lực, tính kiêu ngạo, tự đắc- tự phụ, tham nhũng của một số người có chức vụ, chưa kể dối trá, làm tăng các nguy cơ này.
Tôi đã bao lần lên tiếng không ủng hộ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam vì rất nhiều lý do dễ hiểu : nhân sự, trình độ chuyên viên, kinh tế, tài chính, thời gian xây cất kéo dài, lệ thuộc uranium làm giàu, máy móc dụng cụ và chuyên gia ngoại quốc, môi trường, cơ cấu pháp lý, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm văn hoá an toàn, tham nhũng, lưu trữ chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy. Nói rằng giá thành kWh điện hạt nhân ở nước ta sẽ kinh tế là nói láo, thiếu cơ sở khoa học, không biết tính toán tỉ mỉ.
Trước thảm hoạ Fukushima, từ lâu, tôi đã từng cho biết là điện hạt nhân ở nước ta sẽ không thể nào kinh tế đưọc, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, lúc tôi còn làm ở EDF. Ta thường coi nhẹ một vấn đề nan giải, vô cùng nguy hiểm, quan trọng nhất đối với hằng trăm thế hệ con cháu sau này : đó là việc lưu trữ chất thải phóng xạ mà chưa có một cường quốc nào tìm ra được giải pháp thỏa đáng. Còn việc tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân, kéo dài hằng chục năm vì mức phóng xạ còn cao, tuy lò đã nghỉ hưu trí! Có mấy ai biết được số tiền khổng lồ cần cho hai khâu lưu trữ chất thải phóng xạ và tháo gỡ (phải tính vô giá thành của điện ) .......... 

*******************************
 Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
KHÔNG NÊN ĐẶT CƯỢC TÍNH MẠNG DÂN TỘC !

Ngày 5/5/2012 tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, trong đó có vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng đã thông báo năm 2014 chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một ngày sau tuyên bố của Bộ trưởng, Nhật Bản đã chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nhân sự kiện này, VNT đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - người được dư luận đánh giá cao về những phát biểu ở Quốc hội khi ông giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - xung quanh sự kiện này.


Chúng ta sẽ sụn lưng nếu làm ĐHN


- Dư luận xã hội đánh giá ông là một trong những đại biểu Quốc hội có những ý kiến rất sâu sắc liên quan đến nhiều vấn kinh tế - xã hội, đặc biệt, ông từng có ý kiến không đồng thuận về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và về vụ nợ nần cả trăm nghìn tỷ ở tập đoàn Vinashin. Nhưng hình như ông rất ít nói đến dự án ĐHN, vì sao vậy?


- Dự án xây dựng hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 11 năm 2009, tại Kỳ họp thứ 6 QH khoá XII. Khi đó, tôi là một trong những người phát biểu ý kiến phản đối và là một trong 39 người biểu quyết không đồng tình với dự án này. Tôi nhớ là cùng với 39 người không đồng tình, còn có 18 người không biểu quyết (tức là bỏ phiếu trắng).


- Ông có thể nói rõ lý do khiến ông có những ý kiến không đồng thuận?


- Một dự án phát triển kinh tế - xã hội phải được đánh giá trên ba phương diện: sự cần thiết, tính khả thi và tác động của dự án.


Về sự cần thiết của dự án, Tờ trình của Chính phủ cho biết với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam trung bình 8 – 9 %/năm thì nhu cầu điện năng vào năm 2020 sẽ là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Trong khi đó, Việt Nam không còn khả năng phát triển nhiệt điện do hết than, không còn khả năng phát triển thủy điện vì chỗ nào làm thủy điện được thì đã tận dụng gần hết, làm điện gió, điện mặt trời thì đắt, do đó phải làm ĐHN.


Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của nước ta chỉ đạt 6 – 7 %/năm và trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính và khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khả năng tăng trưởng cao hơn là rất khó. Theo tôi, để giải quyết vấn đề thiếu điện, một mặt, Việt Nam cần tích cực giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng điện; mặt khác nên chủ động giảm tăng trưởng GDP. Trong nhiều năm, để tăng trưởng GDP, chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhưng đổi lại, dân ta bị mất đất, môi trường bị tàn phá, người lao động có việc làm, nhưng mức lương chỉ từ 1,2 - 1,5 triệu/tháng. Vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả sản xuất rất thấp. Hiện nay chỉ số ICOR (hiệu quả kinh tế) của Việt Nam là 7 tức bỏ ra 7.000 đ thì chỉ thu về được 1.000 đ. Chỉ số này ở khu vực kinh tế nhà nước còn lên đến 9,1. Như vậy, nếu không tăng được hiệu quả đầu tư, không chống được tham nhũng, lãng phí thì càng tăng trưởng mạnh lại càng thất thoát nhiều.


Thứ hai là tính khả thi của dự án. Đây là một dự án không có tính khả thi. Xét về mặt nhân lực, chúng ta chưa có bất kỳ một cán bộ kỹ thuật nào về ĐHN chứ chưa nói đến chuyên gia. Hiện nay chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài để học về ĐHN. Nhưng làm ĐHN khác với đóng gạch. Học đóng gạch chỉ cần một tháng, học làm ĐHN không những đòi hỏi thời gian dài mà còn đòi hỏi tác phong công nghiệp, trước hết là tính kỷ luật, sự cẩn trọng, chính xác. Phải nói thẳng là về tác phong công nghiệp thì người Việt Nam mình hạn chế rõ ràng. Nhiều người tham gia giao thông, cứ thấy vắng bóng cảnh sát là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Không hiếm trường hợp người ta tháo cả giằng cầu đi bán. Có người còn lấy cắp cả hộp phóng xạ về nhà, bán không ai mua thì đem làm đòn kê chẻ củi. Tính kỷ luật trong xã hội thấp như vậy thì không chắc người được đào tạo về ĐHN sẽ không bị ảnh hưởng hoặc những người phục vụ xung quanh không bị ảnh hưởng.


Về nguyên liệu, nếu làm ĐHN, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê thì lượng uranium trên toàn cầu chỉ còn khoảng 15 triệu tấn, đủ phục vụ cho 440 lò phản ứng HN đang hoạt động trong vòng vài chục năm nữa. Và như vậy, khi uranium trở nên khan hiếm thì giá của nó vô cùng đắt đỏ; đến lúc ấy, chắc chắn ta không thể chịu đựng được, đành bỏ không nhà máy ĐHN.


Thứ ba là tác động của dự án. Tôi xin nói về tác động tài chính trước. Về kinh phí làm 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra con số 13,2 tỷ USD, nay tương đương 260.000 tỷ đồng. Song Quốc hội lại yêu cầu làm bằng công nghệ an toàn nhất. Ngay tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định rằng không thể có giá rẻ như vậy. Và trên thực tế, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ với Nga trong đó Nga cam kết cho vay khoảng 8 tỷ USD (chưa tính phần vốn đối ứng trong nước) cho việc xây NMĐHN Ninh Thuận 1; còn với Nhật tuy chưa ký Hiệp định, nhưng cũng đã đồng ý cho công ty Nhật triển khai làm nhà máy thứ hai dự báo giá thành cũng không thấp hơn. Đó là chưa kể đến chi phí chôn lấp chất thải HN trên dưới 2 tỷ euro/nhà máy. Chi phí dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng (chừng 40 – 50 năm) cũng khác hẳn chi phí tháo dỡ một nhà máy lắp ráp ô tô. Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, ở CHLB Đức, để dỡ bỏ 2 nhà máy ĐHN, người ta phải chi tới 4,1 tỷ euro. Nói thẳng là nếu làm ĐHN chúng ta sẽ sụn lưng.


Tác động đến xã hội cũng là điều cần cân nhắc. Làm ĐHN, chắc chắn chúng ta phải vay tiền; mà khả năng vay từ nguồn ODA (viện trợ trả chậm, không lấy lãi hoặc lãi suất thấp) là không có. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ 60%. Gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến những bất ổn xã hội. Đó là chưa kể tâm lý lo lắng của người dân, nhất là ở vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhà máy ĐHN. Gần đây, tôi có đọc một số ý kiến của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara phản ánh tâm trạng lo lắng về ảnh hưởng của ĐHN đối với quê hương mình. Đó là những ý kiến rất cần được quan tâm.


Tổ tiên run rủi?


- Thảm họa đến từ thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng trên thực tế thảm họa đến từ con người không phải là không thể xảy ra, liệu công nghệ hoàn hảo như chúng ta kỳ vọng sẽ đẩy lùi được thảm họa?


- Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình. Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm ĐHN thì xảy ra thảm họa ĐHN ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao? Nên nhớ công nghệ cao đến đâu cũng có rủi ro. Lấy ví dụ, cầu Cần thơ do chuyên gia Nhật Bản thiết kế và chỉ đạo thi công bị sập cầu dẫn; Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công nghệ tiên tiến của Pháp cũng dật dờ lúc đóng lúc mở suốt từ ngày khánh thành đến nay. Chúng ta không nên đặt cược tính mạng dân tộc vào kỹ thuật nước ngoài. Nếu còn thoát ra được thì nên cố gắng thoát ra. Thảm họa có thể xảy ra từ thiên nhiên hay từ những bất cẩn của con người mà Chernobyn là một ví dụ điển hình về sự bất cẩn ấy.


- Nếu không làm ĐHN, Việt Nam sẽ không thể khắc phục được tình trạng thiếu điện đang ngày càng trở nên trầm trọng?


- Năng lượng điện của hai nhà máy ĐHN dự kiến chỉ đóng góp được 4% vào tổng năng lượng điện quốc gia, trong khi lãng phí điện ở nước ta rất lớn. Trong sản xuất, 1kwh điện ở Việt Nam chỉ làm ra được 0,8 USD, trong khi đó cũng 1kwh ở Nhật Bản, người ta làm ra 4,6 USD; ở Singapore 3,4 USD; ở Indonesia 2,7 USD và ở và Philippines 2,1 USD. Vì điện được sử dụng hiệu quả hơn nên mức tăng trưởng điện năng trung bình (do phát triển thêm nhà máy điện hoặc mở rộng quy mô các nhà máy điện hiện có) ở Nhật trong những năm qua chỉ là 0,8%/năm; ở Singapore 4,4%; ở Indonesia 6,3% và ở Philippines 4,6%; trong khi ở Việt Nam là 14,4%, cao hơn cả Trung Quốc (13%). Để đạt 380 tỷ kwh vào năm 2020, nước ta sẽ phải nâng mức tăng trưởng năng lượng điện lên 17%/năm. Nhưng nếu không nâng cao được hiệu quả sử dụng điện thì càng tăng trưởng nhiều càng bất lợi.

Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, nếu tính cả kinh phí chôn lấp chất thải HN và dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng, tổng giá thành làm ĐHN sẽ cao gấp 43 lần nhiệt điện, 41 lần điện từ khí, 27 lần điện từ gió biển. Trong khi đó, với trên 20 tỷ USD dự kiến đầu tư cho hai nhà máy ĐHN, chúng ta hoàn toàn có thể làm một nhà máy nhiệt điện công suất 18.750 MW, gấp 4,6 lần 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.

- Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố ĐHN, ngày 6/5 Nhật đã chính thức đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuổi cùng, trong khi đó nước Nhật vẫn là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN? Ông suy nghĩ thế nào về sự kiện này?


- Việt Nam lựa chọn Nga và Nhật là hai nước có khoa học - công nghệ phát triển và cũng là hai nước có thảm họa hạt nhân lớn nhất làm đối tác giúp xây dựng 2 nhà máy ĐHN đầu tiên. Với những thông tin mà mình có được, tôi không hiểu rõ lý do lựa chọn hai nước này. Nhưng điều quan trọng hơn là không hiểu vì sao nước ta vẫn kiên trì phát triển ĐHN, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển như Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Italia,… và chính nước Nhật đã từ bỏ chính sách phát triển ĐHN. Thủ tướng Nhật Naoto Kan khi còn tại chức đã khẳng định: “Xem xét nguy cơ nghiêm trọng của các tai hoạ hạt nhân, chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa trên lòng tin là chỉ cần tìm cách bảo đảm an toàn hạt nhân.” Và ngày 6/5 vừa qua, nhà máy điện HN cuối cùng ở Nhật đã phải đóng cửa theo yêu cầu của người dân Nhật. Người dân Nhật cũng rất có thiện chí khi biểu tình đòi Chính phủ không được bán công nghệ ĐHN cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, vừa qua, một số nhà khoa học và các giới khác ở Việt Nam cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản với mong muốn nước Nhật không đưa công nghệ ĐHN vào Việt Nam. Còn vì sao Việt Nam vẫn kiên trì thì câu hỏi này chỉ có thể tìm câu trả lời đầy đủ nhất từ Chính phủ.


- Theo nhìn nhận của ông, vì sao Nhật chấm dứt ĐHN?


- Thảm họa HN ở Fukushima đã làm tăng sự tàn phá của trận sóng thần đối với đất nước Nhật, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đến đời sống người dân Nhật nói chung và người dân tại Fukushima nói riêng. Nếu ĐHN có góp được phần nào cho sự phát triển của nước Nhật trong giai đoạn vừa qua thì bây giờ nó lại chứng tỏ sức tàn phá quá khủng khiếp. Và ở một nước dân chủ như Nhật thì Chính phủ phải có những quyết định hợp với lòng dân. Chấm dứt ĐHN chính là để đáp ứng nguyện vọng của người dân.


- Bộ trưởng Nguyễn Quân khi trả lời trực tuyến báo chí đã chính thức thông báo ĐHN chưa thể bắt đầu vào năm 2014. Theo ông, có nên lùi thời hạn xây dựng ĐHN tới năm 2020?


- Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, cho rằng nên lùi thời gian ít nhất là 10 năm và chỉ nên làm vài lò phản ứng để có kinh nghiệm đã. Nhưng dự kiến của Việt Nam là đến năm 2025 - 2030 sẽ đứng vào hàng thứ 15 thế giới về ĐHN. Thiết tưởng, chạy theo thành tích trong lĩnh vực này nguy hiểm hơn các lĩnh vực khác nhiều. Mà trên thế giới, cũng không ai người ta khuyến khích mình thi đua như vậy. Ngược lại, chúng ta phải nghiên cứu xem vì sao nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang từ bỏ ĐHN.


Theo tôi, là một nước nhiệt đới, chúng ta nên đầu tư học hỏi, nghiên cứu làm điện từ năng lượng gió, từ nhiệt của mặt trời, chứ không nên phát triển ĐHN. Giá thành ban đầu có thể đắt nhưng khi cải tiến được công nghệ sẽ rẻ. Năm ngoái, tôi đi châu Âu, thấy những dàn điện gió trải khắp nước Hà Lan và những tấm pin mặt trời trải khắp nước Đức, tôi cứ mong một ngày nào điện gió, điện mặt trời cũng phổ biến trên khắp đất nước ta.


- Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
THU HÀ (thực hiện)

Nguồn : Văn Nghệ Trẻ số 22 (282), ngày 27/5/2012


^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^

Cựu Thủ tướng Nhật Naoto Kan lên án điện hạt nhân: “Tốt hơn cả là nên vứt nó đi”

Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hùng lược dịch từ The New York Times
 
clip_image001
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, đứng giữa, phát biểu trong một phiên điều trần của Quốc hội tại Toyko hôm thứ Hai


TOKYO - Với sự cảnh báo mạnh bạo bất thường, vị Thủ tướng Nhật của giai đoạn khủng hoảng hạt nhân năm ngoái đã nói trong cuộc điều trần tại Quốc hội hôm thứ Hai rằng Nhật Bản cần phải huỷ bỏ điện hạt nhân vì nó quá nguy hiểm. Ông tuyên bố rằng thảm họa Fukushima đã đẩy Nhật Bản đến gần kề vực thẳm của “sự sụp đổ có mức độ quốc gia”.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban điều tra về phong cách làm việc của chính phủ Nhật Bản nhằm giải quyết thảm họa hạt nhân, cựu Thủ tướng Naoto Kan cũng cảnh báo rằng các phe nhóm thuộc kỹ nghệ điện hạt nhân đầy quyền lực đang cố gắng đẩy Nhật Bản trở lại với điện hạt nhân mà “không bày tỏ sự hối tiếc” về thảm họa hạt nhân xảy ra tại Fukushima.
Buổi điều trần của ông Kan được mọi người quan tâm nhiều nhất trong cuộc điều tra sẽ kéo dài 6 tháng, bắt đầu bởi cuộc điều trần trước cơ quan lập pháp mà cơ quan này cảm thấy rằng lần điều tra nội bộ thực hiện bởi chính phủ đã có vẻ như có hành động bao che cho những sai phạm của chính phủ. Ông Kan dùng lần điều trần này để đả kích vị Thủ tướng đương nhiệm - Yoshihiko Noda, người thay thế ông vào tháng Tám 2011, là người có lập trường ủng hộ điện hạt nhân.
Ông Noda đã từng kêu gọi cho tái vận hành những nhà máy điện hạt nhân không bị hư hại nhưng phải ngưng hoạt động từ khi xảy ra thảm họa vì công chúng lo lắng cho sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Ông Noda tuyên bố Nhật Bản cho phép các nhà máy điện hạt nhân hoạt động để tránh kinh tế không bị tê liệt do tình trạng thiếu nguồn điện. Ông Noda đã phải đối mặt với sự chống đối kịch liệt từ nhiều cử tri Nhật Bản. Họ nói chính phủ đang hấp tấp cho chạy trở lại các nhà máy điện nguyên tử mà không chứng minh được rằng những nhà máy này an toàn, yêu cầu hãy để cho công chúng có đủ thời gian bàn thảo về vấn đề Nhật Bản có thật sự cần điện hạt nhân hay không.
Trong phiên điều trần, Ông Kan tuyên bố rằng mức độ an toàn của cá nhà máy điện hạt nhân không đạt yêu cầu vì chính sách điện năng đã bị “nhóm lợi ích điện hạt nhân” tước đoạt – nhóm từ dùng cho các công ty quyền thế, những cơ quan quản lý và những nhà khoa học ủng hộ điện hạt nhân cùng nhau liên kết chặc chẽ nhằm thúc đẩy thực hiện điện hạt nhân. Ông tuyên bố rằng chỉ có một cách duy nhất để phá vỡ sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích” này là thành lập một tổ chức điều hành quản lý hạt nhân mới với thành phần nhân lực điều động từ nước ngoài như các chuyên viên người Mỹ và Âu châu.
“Gorbachev đã từng nói trong tập hồi ký của ông ta rằng thảm họa Chenobyl đã phơi bày những căn bệnh trầm kha của hệ thống Soviet”, ông Kan tuyên bố, khi đề cập đến thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân tại Ukraine, vụ nổ đã làm cả một vùng rộng lớn của Âu Châu bị nhiễm phóng xạ. “Thảm họa Fukushima cũng gây ra tình trạng nhiễm phóng xạ tương tự cho Nhật Bản”.
...
Ông Kan đã dùng phần lớn thời gian của ba giờ điều trần để phát biểu chống lại những phê phán về cách thức giải quyết thảm họa hạt nhân năm ngoái – thảm họa làm cho cả một vùng Đông Bắc rộng lớn của Nhật Bản bị bao phủ bởi phóng xạ.
Ông chê trách các cơ quan kiểm soát hạt nhân và tập đoàn chủ nhân nhà máy, Tokyo Electric Power, gọi là Tepco, đã giữ kín không cung cấp kịp thời cho ông các chi tiết quan trọng về thảm họa trong những ngày ngay sau khi trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 phá hư toàn bộ hệ thống làm nguội tại khu nhà máy Fukushima Daiichi, làm cho các lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy.
Ông nói rằng ông đã rất lo sợ tình trạng nóng chảy bổ sung có thể “làm thoát ra không khí và nước biển một lượng phóng xạ vượt nhiều lần, không, vượt nhiều tá lần, nhiều trăm lần so với mức độ phóng xạ thoát ra do thảm họa Chernobyl”.
...
Nhưng những nhận xét mạnh bạo nhất được ông phát biểu vào cuối buổi điều trần, khi đoàn điều tra hỏi ông về việc ông có lời nhắn nhủ gì cho vị Thủ tướng đương nhiệm. Ông Kan trả lời rằng thảm họa nổ nhà mày điện hạt nhân Fukushima đã làm cho Nhật Bản đến sát với quyết định di tản cư dân của thành phố Tokyo và 30 triệu dân chúng vùng chung quanh, và sự mất đi thủ đô Tokyo có thể làm tê liệt toàn bộ chính quyền nhật Bản, đưa đến “sự sụp đổ toàn bộ khả năng hoạt động của cả nước Nhật”.
Ông nói rằng viễn cảnh mất đi Tokyo đã làm ông nhận ra rằng điện hạt nhân quả thật là quá
nguy hiểm, những hậu quả của một tai nạn hạt nhân quá to lớn không thể chấp nhận được.
“Không thể nào bảo đảm an toàn một cách tuyệt đối hoàn toàn để quyết đoán chắc là ngăn ngừa nguy cơ sụp đổ của cả nước”. Ông Kan tuyên bố “ kinh nghiệm với thảm họa hạt nhân đã làm cho tôi tin chắc rằng cách thức tốt nhất để làm cho nhà máy điện hạt nhân an toàn là đừng lệ thuộc vào nó, mà hãy vứt bỏ nó đi”.
Tuy nhiên, ông Noda dường như đã không chú ý đến các cảnh báo. Vài giờ sau đó, Thủ tướng chỉ ra rằng ông có thể sớm đưa ra quyết định khởi động lại nhà máy hạt nhân Oi ở phía tây Nhật Bản, ông hy vọng đó sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc vận hành lại các nhà máy đang tạm dừng hoạt động của Nhật Bản.
M.F.