Vượt qua nỗi sợ hãi
Tập dân chủ (bài 3): Tôi không cổ vũ việc chĩa súng bắn vào chính quyền, nhưng hành động của anh em nhà Đoàn Văn Vươn trong vụ Tiên Lãng tác động tích cực khơi dậy ý thức phản kháng trong dân chúng. Sự phản kháng này, xin đừng nhìn suy ở nghĩa tiêu cực, hãy nhìn xét nó như một tác động tích cực cho những chuyển thay của chính sách và cơ chế.
Về phía dân chúng, hình ảnh Đoàn Văn Vươn đáng là “tấm gương” vượt qua nỗi sợ hãi. Nỗi sợ và thái độ cam chịu đã hình thành như một thói tật cố hữu của người Việt, và điều này cần sớm thay chuyển.
Ở các quốc gia dân chủ, dân không sợ chính quyền mà ngược lại chính quyền phải sợ dân. Không có lý gì khi đã đóng thuế đầy đủ mà việc gì cũng phải khúm núm thưa gửi, báo bẩm. Ngược lại, thấy chủ trương cách làm đụng chạm đến quyền lợi thì phải lên tiếng, thấy chính quyền sai phải góp ý, thấy ngược ngạo phải phản ứng. Thậm chí nói như Hồ Chí Minh “nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.
Tôi không dám nói như cụ Hồ là “không cần đến nữa”, là “đuổi chính phủ”. Nhưng một người đứng lên sẽ kéo theo nhiều người khác. Một sự phản kháng sẽ kéo theo hàng loạt những vụ phản kháng khác. Không phải là sự nổi dậy chống phá lật đổ chế độ, mà là sự phản kháng cần phải có tác động làm thay đổi những chính sách, cơ chế hại dân. Không có sự phản kháng từ bên dưới, khó mong có được những chuyển thay từ phía trên.
Mấy chục năm làm báo, tôi chứng kiến nhiều vụ việc oan khiên, khi hỏi “tại sao ông bà bác chú anh chị không lên tiếng?”, đa phần đều chép miệng “thôi, phản đối thì được chi, có khi lại mang vạ vào thân”. Người trong cuộc đã vậy, người ngoài dù thấy chuyện cũng không phản ứng bởi “chuyện người khác chẳng đụng chạm chi tới mình”. Ý thức an phận, ngại đụng chạm, ngại lên tiếng và nỗi sợ hãi không biết tự lúc nào đã biến người Việt như một… bầy ốc luôn tìm cách chui mình trong vỏ.
Đa phần người Việt hay dạy con cháu: ra đường thấy chuyện này nọ thì tránh đi, đừng can dự vào. Cách dạy dỗ này đã hình thành nên một thế hệ trẻ ngại đụng chạm, dửng dưng với việc nước. Cứ nhìn vào lớp trẻ bây giờ xem: nói tục thì giỏi nhưng luôn tỏ ra thờ ơ, tránh né chính trị, dửng dưng, xa lánh các vấn đề quốc sự.
Tôi đi nhiều nơi, thấy không ở đâu dân lại sợ chính phủ, sợ công an, sợ người nắm quyền như người Việt mình.
Lớp già… hết dạy rồi. Thôi thì bây giờ phải trông vào thế hệ trẻ. Giáo dục con trẻ làm sao cho chúng biết tranh luận, biết cãi, biết phản đối- phản đối chứ không phải cái gì cũng đồng thuận, gật đầu. Giáo dục sao để sớm hình thành một thế hệ công dân làm cho chính phủ biết sợ chứ không phải sợ chính phủ.
Đó là một thế hệ người Việt vượt qua nỗi sợ hãi. Dân được thế, ắt chính phủ sẽ khác.
Sẽ hình dung ra sao một khi xã hội toàn những con người chỉ biết gật đầu? Đúng sai sao chưa biết, trước hết là nhạt nhẽo và nhàm chán như một xã hội rô- bốt.
Lời dặn của cụ Phan Chu Trinh “Dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở vua quan, giao phó tất cả quyền lợi vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường…” – trớ trêu thay lại có vẻ đúng với người Việt thời nay hơn là người Việt gần trăm năm trước.
Vì thế, “quả bom Đoàn Văn Vươn”, nhìn ở nghĩa này chính là bài học phản kháng cho tiến trình tập dân chủ của người Việt.