Lược lại 39 năm Hiệp định Hòa Bình Paris dưới mắt người Mỹ
Ngày 27 tháng 1, năm 1973, các đại biểu của Hoa Kỳ, Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Cộng đã ký kết hiệp định về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam, trong đó thiết lập một lệnh ngừng bắn cho cuộc chiến tranh Việt Nam và quân đội Mỹ rút lui.
Các lần ký hụt
Các cuộc đàm phán hòa bình sơ bộ giữa Hoa Kỳ, đồng minh Nam Việt Nam, và kẻ thù miền Bắc Việt Nam bắt đầu vào năm 1968 dưới chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson. Các cuộc đàm phán này không hiệu quả và bị sa lầy chỉ vì không đồng ý về hình dạng của bàn đàm phán.
Các cuộc đàm phán tiếp tục sau năm 1969 khi Richard Nixon lên thay Johnson. Trong khi vận động tranh cử , Nixon đã hứa sẽ có “hòa bình trong danh dự.” Trong khi trên bàn đàm phán chính thức vẫn bao gồm các đại biểu của miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời, một chính phủ được Hà Nội thành lập tại miền Nam Việt Nam, các cuộc đàm phán dẫn đến hiệp định hòa bình diễn ra bí mật giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger và nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ.
Có rất ít tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình cho đến năm 1972. Nixon, phải đối mặt với một cuộc bầu cử, xem ra khỏi Việt Nam là một ưu tiên. Bắc Việt Nam cũng muốn hòa bình khi nhìn thấy hai đồng minh cộng sản lớn của họ, Trung Quốc và Liên Xô, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ
Kissinger và Thọ đã đạt một bước đột phá trong tháng 10 năm 1972. Mỗi bên đồng ý nhượng bộ đáng kể: Kissinger đồng ý cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam Việt Nam, trong khi Thọ đồng ý để cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục tại vị.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu–biết rằng cho phép khoảng 150.000 bộ đội Bắc Việt vẫn đóng quân tại miền Nam trong khi nửa triệu quân Mỹ ra đi, sẽ có nghĩa là đất nước của mình sẽ tiêu vong–phản đối các điều khoản của thỏa thuận, khiến đàm phán hòa bình tan vỡ. Nixon hứa với Thiệu sẽ gia tăng viện trợ quân sự thật mạnh và nói với Thiệu rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại Việt Nam nếu miền Bắc mở lại các cuộc xung đột. Nixon cũng đe dọa thu hồi tất cả các hỗ trợ nếu Thiệu từ chối thỏa thuận này, buộc Thiệu phải nhượng bộ.
Các cuộc đàm phán hòa bình đã được mở lại ngày 8 tháng 1 năm 1973, không lâu sau khi Mỹ phát động một cuộc tấn công 12 ngày ném bom quy mô miền Bắc Việt Nam vào dịp Giáng sinh, mục đích để chứng tỏ trung thành với miền Nam Việt Nam và hối thúc miền Bắc theo đuổi hòa bình. Ngày 23 tháng 1, Kissinger và Thọ đồng ý một thỏa thuận sẽ được ký chính thức bốn ngày sau đó.
Thỏa thuận, được gọi là Hiệp định Tái lập Hòa bình và Chấm dứt Chiến tranh ở Việt Nam, quy định ngừng bắn để cho phép Mỹ rút quân trong 60 ngày. Tất cả các tù nhân chiến tranh người Mỹ sẽ được miền Bắc Việt Nam cho trở về nhà. Thoả thuận này cũng kêu gọi các cuộc đàm phán giữa chính phủ miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền nam để giúp dẫn đến một “cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ thực sự” ở Nam Việt Nam trong tương lai.
Sau đó trong năm, Kissinger và Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973, Thọ từ chối giải thưởng bởi vì ông tin rằng hòa bình đã không đạt được.
Chiến tranh mở lại và kết thúc
Hiệp định Hòa bình Paris đã kết thúc sự tham gia trực tiếp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng nó đã không làm gì để chấm dứt cuộc xung đột giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, hai miền tiếp tục chiến đấu vào cuối năm đó. Tổng thống Thiệu tuyên bố hiệp định không còn hiệu lực vào tháng Giêng năm 1974.
Lực lượng Bắc Việt Nam tiến về phía nam và vào mùa xuân năm 1975 đã gần Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam. Thiệu yêu cầu người kế nhiệm của Nixon tăng viện trợ, nhưng bị từ chối. Ngày 21 tháng 4, ông từ chức và đưa ra một bài phát biểu cáo buộc Hoa Kỳ phản bội miền Nam Việt Nam và Kissinger buộc ông phải ký một hiệp ước mang lại thất bại cho ông. Quân Bắc Việt chiếm đóng Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4, buộc miền Nam Việt Nam đầu hàng và chiến tranh chấm dứt.
Chiến tranh Việt Nam làm mất hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu sinh mạng người Việt.
Dịch từ findingdulcinea.com
© Đàn Chim Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire