mercredi 15 février 2012

Trung Quốc có đáng sợ không? Nhìn vào tương lai Trung-Mỹ

09/02/2012

Đinh Xuân Quân
-
Nhân dịp Phó TT Tập Cần Bình đến thăm Mỹ trong vào tháng 2 này, đây là một dịp nói về Trung Quốc với những thành công và những thử thách của họ. Trung Quốc là một cường quốc về kinh tế (GDP lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ mà thôi và có thể qua mặt Mỹ vào năm 2030 hay 2050 tuỳ theo chuyên gia). Không những TQ là một cường quốc kinh tế mà còn đang trở thành một cường quốc quân sự đe doạ nhiều nước láng giềng tại Đông Nam Á và có thể cạnh tranh với Mỹ.

Đầu năm 2012 Tổng thống Barack Obama đã đến Ngũ Giác Đài công bố chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Bản phúc trình 1/ của Ngũ Giác Đài nêu các ưu tiên cho Á châu và chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc đang thách thức vai trò cường quốc của Hoa Kỳ. TT Obama nhắc là Hoa kỳ sử dụng tất cả các phương tiện không những quân sự mà còn là ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội và sẽ đầu tư vào tất cả những gì cần thiết để chống chính sách chống tiếp cận của Trung Quốc bằng nhiều khả năng quân sự. Bản phúc trình 2/ của Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ (Trung tâm Nghiên cứu vì nền An ninh mới của Hoa Kỳ – Center for a New American Security – CNAS) thúc giục gia tăng sức mạnh hải quân để bảo vệ tự do giao thông ở Biển Đông và giúp Đông Nam Á bảo vệ độc lập.
Vậy sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc thực hư ra sao?
Nhiều người cho là việc TQ nắm công khố phiếu, có chính sách cạnh tranh bất chính (tỷ lệ hối đoái, cạnh tranh thương mại, vv) và cách TQ sử dụng tài nguyên là mối đe doạ.
Về công khố phiếu: Trung quốc mua một số công khố phiếu của Mỹ khoảng $2 ngàn tỷ 3/ chưa kể khoảng $800 tỷ tại Âu châu. Nhờ việc này nhiều người đã cho là TQ là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, có thể gây khó khăn và ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao cũa Mỹ.
Việc mua công khố phiếu Mỹ là có lợi cho TQ vì nếu không, số tiền này không gây lời và nhất là ít rủi ro và không dễ tìm một thị trường vững chắc như vậy. Trong một thời gian TQ đã rút ít tỷ ra khỏi công khố phiếu nhưng thị trường công khố phiếu của Mỹ đã không nhúc nhích vì lại có các nước khác đầu tư vào.
Việc giữ công khố phiếu của Mỹ không giống việc cho vay ngân hàng. Người gởi tiền ngân hàng không có tiếng nói trong việc quản lý ngân hàng. Việc duy nhất có thể làm là rút tiền ra khỏi công khố phiếu Mỹ. Nếu rút tiền ra thì cũng không có thị trường nào trên thế giới, dù Âu hay Á, có khả năng hấp thụ số tiền lớn này. Khi xuất khẩu qua Mỹ thì TQ có thặng dư tiền dollar. Họ dùng dollar đầu tư vào công khố phiếu giúp cho Mỹ tiếp tục nhập khẩu hàng của TQ.
Nếu TQ phá thị trường này thì chính họ là người đầu tiên bị ảnh hưởng khi có xáo trộn trong thị trường tài chính thế giới.
Tỷ lệ hối đoái: Nhiều công ty Mỹ và chính phủ Mỹ than phiền TQ kềm hãm tỷ lệ hối đoái và cạnh tranh không chính đáng, giúp họ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Tỷ lệ hối đoái là quan trọng nhưng việc tăng tỷ lệ hối đoái của đồng Nhân dân tệ cũng sẽ không giảm cán cân thương mại Mỹ-Trung. Ví dụ điển hình là Nhật đi từ trên 300Y/dollar nay còn 80Y/dollar mà Mỹ vẫn nhập khẩu hàng Nhật. Về kinh tế thì nếu Mỹ mua hàng là vì các công ty Mỹ sản xuất tại TQ sẽ kiếm lời cao hơn vì các công ty này không phải trả hưu bổng, bảo hiểm y tế, xã hội, vv (TQ bóc lột công nhân của họ). Một ví dụ ở cấp vi mô (micro) là Apple. Apple lời trên $108 tỷ trong khi các công nhân Trung Quốc sản xuất máy Apple (qua hợp đồng) bị cư sử không mấy tốt qua các công ty ký hợp đồng (sub-contractor) với Apple.
Việc tăng tỷ lệ chỉ làm giảm thâm thủng thương mại một phần mà thôi.
TQ và dân số: Trên ba thập niên phát triển kinh tế đã mang nhiều hiệu quả tốt như là giúp giảm bớt số người nghèo, tăng số dân sống trong thành thị nhiều hơn nông thôn, và nhờ vậy TQ kiểm soát tốt dân chúng.
Theo nhận định của Phó TT Joe Biden vào ngày 06/02/2012, một tuần trước khi tiếp Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì TQ sẽ không tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tăng trưởng do tình trạng xã hội bị lão hóa, hậu quả của chính sách một con.
Theo các chuyên gia4/ thì tăng trưởng sẽ gặp khó khăn vì vào giữa thế kỷ 21 số người trên 60 tuổi sẽ cao hơn ở Mỹ và 100 triệu người sẽ trên 80 tuổi. Xã hội lão hoá sẽ là một khó khan cho tăng trưởng kinh tế. Vào 2020 sẽ có 40 triệu thanh niên đến tuổi lấy vợ mà không tìm được vợ. Sự mất cân bằng trong vấn đề này sẽ gây nhiều khó khăn cho TQ và cho cả những nước láng giềng.
Trên thực tế, với giáo dục và dân trí cao hơn, dân chúng cũng đã xuống đường và đã xẩy ra vụ Thiên An Môn vào 1989. Hiện nay dân số thành thị không mấy ủng hộ chính sách của nhà cầm quyền, vì vậy lúc nào TQ cũng kiểm soát chặt chẽ sợ một “Mùa Xuân A rập” mới tại TQ. Đó là chưa kể các chính sách Hán hoá tại Tây Tạng hay Tân Cương đã gây nhiều chống đối trong các vùng này. Theo báo chí thì Trung Quốc sẽ “kiên quyết trấn áp.” Trả lời báo chí về những diễn biến tại Tây Tạng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao TQ tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết trấn áp mọi mưu toan kích động bạo lực, phá vỡ thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Làn sóng phản kháng chính quyền của người Tây Tạng ở đây vẫn âm ỉ kéo dài và có thể nổ ra bất cứ lúc nào.Các làn sống phẫn nộ tại Tân Cương cũng chưa tắt.
Tăng trưởng, chính sách cạnh tranh, thương trường, vv: Chuyện lao động rẻ là bình thường trong quy trình phát triển, giống như các nước khác trước đây như Taiwan, Nhật, Nam Hàn, vv. Họ sử dụng lao động rẻ từ thôn quê và dần dần lao động rẻ sẽ biến mất. Mới đây đã có nhiều “vấn đề” về lao động từ nông thôn và một nghiên cứu cho thấy gần một nửa nông dân Trung Quốc bị trưng thu đất đai một cách bất công 5/. Theo nghiên cứu thì từ 1990 đến nay, hơn 43% nông dân Trung Quốc bị chính quyền trưng thu đất đai và được đem bán lại với giá trung bình cao gấp 40 lần so với giá đền bù. Một cuộc điều tra trên 17 tỉnh và khu vực do trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh tiến hành, được công bố trên báo 21st Century Business Herald, đã đưa ra những số liệu chi tiết như 12,7% người nông dân bị trưng thu đất mà không được nhận bồi thường, 9,8% khác bị chính quyền quỵt tiền đền bù. Như vậy là lao động từ nông thôn sẽ còn nhiều nhưng sẽ cạn dần vì lương công nhân ở Quảng Đông đã tăng 20% trong năm qua.
Ngoài ra TQ đang bị kiện trên thế giới vì dùng mọi phương tiện, từ xuất khẩu lao động cho đến bán hàng giả, gián điệp công nghiệp cho tới hạ giá đồng tiền, giới hạn xuất khẩu nguyên liệu để gây khó khăn cho các nước phát triển. Trên thương trường và tại WTO, Trung Quốc đã bị chỉ trích. Vấn đề là Trung Quốc tung hàng trăm ngàn công nhân ra nước ngoài với giá rẻ mạt để tham gia vào các công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Theo thống kê chính thức, hơn 810.000 công nhân Trung Quốc lao động có “khai báo” tại nước ngoài, trong số này có 450.000 lao động mới “xuất khẩu” trong năm 2011.
Theo GS Lang Xian Ping (Lang Hàm Bình) thì Trung chỉ lo làm tiền nhưng không có trách nhiệm với dân chúng.6/ Theo ông thì cơ cấu kinh tế không mấy bình thường. 70% GDP được đầu tư vào công nghiệp xây cất và các công nghiệp phụ thuộc và chỉ còn 30% dành cho dân chúng. Nên nhớ là số dân thành thị nay cao hơn dân nông thôn và họ cần nhiều chi tiêu xã hội từ nhà cửa đến trường học, y tế, xã hội. Trong số 30% GDP này thì còn xuất khẩu và tiêu thụ của dân TQ (1.3 tỷ người) chỉ chiếm 8% của GDP mà thôi. Như vậy TQ có một cơ cấu kinh tế bất bình thường.
TQ và ngoại giao: Vì chính sách ngoại giao hung hăng trong những năm 2009-2011, NT Clinton nói là Mỹ sẽ siết chặt quan hệ với đồng minh như Nhật, Nam Hàn, Taiwan, Philippines, Singapore và Úc và cũng có quan hệ với các nước khác như Ấn, Indonesia, và cả với VN. Theo nhà phân tích Robert Karniol, VN 7/ đang chuẩn bị để bảo vệ tốt hơn đòi hỏi chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Tờ “Hoàn Cầu thời báo”, một tiếng nói chính thức của chính quyền TQ đã tỏ ra rất hung hăng, đe doạ sẽ cho VN và Philippines nghe tiếng súng đại bác, trong khi đó Bộ Ngoại Giao của Trung Quốc lại có phần ôn hoà.
Theo BT Quốc Phòng Leon Panetta8/ thì ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm 2013 sẽ vào khoảng 525 tỷ đôla, thấp hơn 2012.  Mới đây, học viện Brookings 9/ đã có một buổi thảo luận về chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á. Chính sách của TT Obama là tái cân bằng hướng đến Châu Á, gồm các chính sách cụ thể về mặt quân sự, kinh tế, thương mại cũng như những sáng kiến về mặt ngoại giao. Hội thảo nhằm trình bày chính sách bố trí lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và những diễn biến của Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương về mặt thương mại còn gọi là TPP.
Như vậy, về ngoại giao, năm 2012 Trung Quốc thấy là đang bị Mỹ “bao vây” mặc dù nhẹ nhàng.
Tạm kết:
Đối với Trung Quốc, Mỹ dàn binh bố trận, lúc nào cũng sẵn sàng, và luôn luôn liên kết thêm đồng minh. Mục tiêu của Mỹ là muốn đưa Trung Quốc đi đến một giải pháp ôn hoà qua hợp tác ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Năm 2012 là năm có thay đổi lãnh đạo tại Mỹ, TQ, Nga và Pháp.
Việc phân tích TQ cho thấy mặc dù họ có nhiều điểm mạnh nhưng thử thách cũng khá nhiều, kể cả bất ổn xã hội và bị chống đối bởi các dân tộc thiểu số. Theo tác giả thì TQ không mạnh như người ta tưởng, trái lại, thử thách còn đầy rẫy.
Cuộc gặp mặt Tập Cận Bình với Phó TT Biden và chính quyền Obama sẽ cho biết phần nào hướng đi trong tương lai tại vùng Thái Bình Dương. Liệu TQ còn tiếp tục hung hăng hay sẽ ôn hoà hơn?
Trong dịp này, hai bên sẽ thử thách lẫn tìm hiểu nhau. Liệu VN có lợi dụng được cơ hội này để thay đổi cơ cấu, tự mình thực hiện cuộc đổi mới lần thứ hai, mà không cần phải ngó chừng (để bắt chước) kẻ đàn anh mà cũng là kẻ thù khổng lồ phương Bắc?
TS ĐXQ


/ Sustaining Global Leadership: Priorities for 21st century Defense, Pentagon, DC Jan 3rd, 2012
2/Patrick M. Cronin and Robert D. Kaplan: “ Cooperation from Strength: US Strategy in the South China Sea”, Center for a New American Security, Jan 2012FROM STRENGTH: U.SRATEGy ANH CHINA SEA
3/ Five myths about China’s power – By Minxin Pei, January 26, 2012
4/ Steven Mufson and John Pomfret There’s a new Red Scare. But is China really so scary? February 28, 2010.
5/ RFI ngày 7/02/2012
6/ GS Lang Xianping, Asia News 7/02/2012
7/ BBBVietnamese.com, “Chiến thuật giữ Biển Đông của Việt Nam” – thứ hai, 16 tháng 1, 2012
8 Reuters 26/1/2012
9/ Brookings Institute , 06/02/2012