‘Quá tải’, 10 bệnh nhân nằm chung, gãy giường bệnh viện
06/02/2012
Người bị bệnh ung thư thì quá đông và ngày một gia tăng. Bệnh viện ở Việt Nam “quá tải” đã từ nhiều năm qua. Nay, theo một bản tin mô tả trên tờ Lao Ðộng ngày Thứ Bảy, 5 hay 6 người bệnh cùng ngồi trên một cái giường để truyền hóa chất tại bệnh viện Ung Bướu Trung Ương thường được gọi là bệnh viện K ở Hà Nội là chuyện bình thường.
Thậm chí, có lần đến 10 người ngồi trên một giường nên bị gãy.
Nằm ngồi ngổn ngang tại bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. (Hình: Lao Ðộng) |
“Hai tháng trước, giường bệnh cuối cùng ở buồng bệnh 1 đã gãy, lúc đó có 10 bệnh nhân ngồi trên đó. Ðến nay, giường vẫn chưa được sửa, nên tạm thời chỉ để 4 người ngồi”, y tá Tạ Thị Hồng – khoa Nội 1 – kể trên báo Lao Ðộng.
Môi trường sống bị hủy hoại, hóa chất đầy ngập trong rau quả và các loại thịt, thực phẩm khô. Những tin tức loại này không thiếu trên báo chí tại Việt Nam.
Trong bản tin của tờ Lao Ðộng nói trên, một phòng bệnh nhân của bệnh viện K chỉ dành cho 4 người, rộng chừng 20m2 nhưng thường xuyên có tới 30 con bệnh.
“Người trẻ, nam giới nhường người già, phụ nữ chỗ ngồi trên giường bệnh, ra ngồi hành lang mà truyền. Bất cứ chốt cửa, tay cài nào cũng thành chỗ móc để họ treo dây truyền”, báo Lao Ðộng kể.
Sự “quá tải” của bệnh viện nói trên được tờ báo mô tả như “đi trẩy hội”. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 240,000 đến 250,000 bệnh nhân ung thư cần điều trị “cứ năm sau bệnh nhân tăng khoảng 30% so với năm trước” theo lời Bác Sĩ Trần Văn Thuấn, phó giám đốc bệnh viện K. Cả nước có khoảng 35 bệnh viện điều trị bệnh ung thư thì 10 bệnh viện ở Sài Gòn và Hà Nội. Số còn lại ở các địa phương “nhưng năng lực không đồng đều” nên người bệnh có khuynh hướng tìm đến các bệnh viện có tiếng để xin chữa trị.
———–
Báo Lao động: Bệnh viện gãy giường vì quá tải
Thứ Bảy, 4.2.2012 | 09:02 (GMT + 7)
8 – 10 người bệnh cùng ngồi truyền hóa chất trên một chiếc giường bệnh, đó đã là chuyện ngày thường ở Bệnh viện Ung bướu TƯ (K) cơ sở 1.
Buồng bệnh chưa đầy 20m2 nhưng luôn tải tới 30 người bệnh. Người trẻ, nam giới nhường người già, phụ nữ chỗ ngồi trên giường bệnh, ra ngồi hành lang mà truyền. Bất cứ chốt cửa, tay cài nào cũng thành chỗ móc để họ treo dây truyền.
Bệnh viện – “biển” người
Ngày 1.2, bà Hà Thị Cẩm (ở Thanh Trì, Hà Nội) lên BV K truyền hóa chất đợt thứ 5 sau khi phát hiện bị ung thư (UT) vú tháng 9.2011. Ngồi cùng giường với bà còn 5 bệnh nhân khác. Bốn giường khác trong buồng bệnh cũng đều đều quân số 5 – 6 người/giường. Căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 20m2 vốn thiết kế chỉ cho 4 bệnh nhân, hôm nay tải tới 25 người bệnh.
Nằm ngồi ngổn ngang tại Bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: X.H |
Bà Cẩm đính chính với chúng tôi: “Còn vài bệnh nhân nữa phải ngồi ngoài hành lang. Âm lịch, hôm nay mới chỉ là ngày mùng 10 tết. Tâm lý nhiều người bệnh muốn qua rằm tháng giêng rồi mới lên BV nên ở đây còn vắng. Ai ở đây cũng vậy, truyền hóa chất mệt đến mấy cũng là ngồi chứ không ai được nằm giường, đều phải chia sẻ chỗ ngồi ấy cho 5 – 7 người khác. Ngày thường, ở đây mỗi giường bệnh cõng 8 người là bình thường. Muốn duỗi chân cũng không dễ”.
Đã gần 11h trưa mà hành lang khoa Nội 1 vẫn đông như… trẩy hội, chỉ có điều hầu như ai nấy cũng đều mệt mỏi, bơ phờ. Chúng tôi bước len qua lối đi một cách rất giữ ý, để tránh chạm người bệnh đang nằm giường xếp hay ngồi với cây truyền dịch bên tay. Bà Nguyễn Thị Hải (ở Lạch Tray, Hải Phòng) cũng đã truyền hóa chất 5 đợt. Những lần truyền ngoài giờ, bà vào đây từ 4h30 sáng để chờ được truyền từ 5h sáng. Lần thì chờ đến 1h đêm mới truyền xong. Ngồi ở hành lang, người ra vào, có lần bà không cố định được kim truyền nên chệch ven, phải tiêm thuốc chống thối thịt, hoại tử tay.
Chữa từ gốc bằng cách phòng bệnh
BV K đã có thêm cơ sở 2 đi vào hoạt động từ năm 2010 với công suất 200 giường bệnh, giảm tải cho cơ sở 1 chỉ có 500 giường bệnh. Thế nhưng, đây vẫn là BV bị quá tải nhiều nhất (250 – 300% công suất). TS Trần Văn Thuấn – PGĐ BV K – cho biết: “Cứ năm sau bệnh nhân tăng khoảng 30% so với năm trước. Hằng năm, luôn có khoảng 240 – 250 nghìn bệnh nhân UT cần điều trị.
Thế nhưng trên cả nước chỉ có 35 BV, khoa, đơn vị điều trị căn bệnh này, đáp ứng được 20% nhu cầu của người bệnh. Trong số 35 đơn vị chuyên khoa UT thì đã có tới 10 cơ sở là ở Hà Nội và TPHCM. 25 cơ sở còn lại nằm ở các BV tuyến tỉnh khác, nhưng năng lực điều trị của tuyến dưới còn chưa đồng đều, vì thế bệnh nhân vẫn dồn về 2 TP lớn điều trị. Tình trạng quá tải là tất yếu”.
Cơ sở 3 của BV K đã khởi công xây dựng vào năm 2002, nhưng đến nay chưa khánh thành. Các BS BV K hy vọng khi đi vào hoạt động, cơ sở 3 với công suất 1.000 giường bệnh sẽ giảm tải phần nào. Thế nhưng, cũng chính người trong cuộc, TS Thuấn khẳng định: “Xây thêm bệnh viện, mở rộng phòng bệnh, bổ sung giường bệnh để điều trị cho được nhiều bệnh nhân mới chỉ là giải quyết từ ngọn. Bởi với sự gia tăng dân số, khó tránh khỏi bệnh nhân mới mỗi năm lại sẽ tăng hơn. Làm được từ gốc là tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự biết cách phòng bệnh bằng cách thực hành lối sống lành mạnh, có ý thức giữ sức khỏe, khám bệnh định kỳ phát hiện bệnh sớm thì mới giải quyết triệt để vấn đề, thông qua đó mà quá tải sẽ tự giảm đi”.
Quang Duy