Không ít giáo viên trẻ tại TPHCM:
Sáng đứng bục giảng, chiều đi phụ hồ
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Sang-dung-buc-giang-chieu-di-phu-ho/76047
Thứ Bảy, 18.2.2012 | 08:34 (GMT + 7)
Giữa TPHCM, chúng tôi vẫn bắt gặp những giáo viên trẻ tại các trường công lập ban ngày dạy học, chiều đến tranh thủ làm bồi bàn, thậm chí phụ hồ để kiếm sống.
Họ là những giáo viên mới ra trường, đang trong giai đoạn thử việc 1 năm nên chỉ nhận được 85% lương. Họ buộc phải làm mọi thứ nghề để “nuôi” lại nghề dạy học bởi ngay cả cái phần 85% mức lương “còm” ấy, họ cũng phải đợi 1 năm để truy lĩnh khi được vào biên chế của ngành giáo dục.
Thử thách 1 năm chờ lương
Năm 2009, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diệu Huyền (SN 1985, quê Thừa Thiên - Huế) vào TPHCM tìm việc nhưng không thể đứng lớp tại các trường công lập ngay do yêu cầu bắt buộc phải có hộ khẩu hoặc giấy KT3 tại TPHCM.
Lăn lộn gần 2 năm tại TPHCM, Huyền mới có được giấy KT3 và xin được vào thử việc tại Trường Tiểu học Đại Thành. Đối với cô Huyền, thời gian 1 năm thử việc là cả một thử thách: Bắt đầu vào thử việc từ khoảng tháng 8.2011, nhưng đến giờ đã 6 tháng ròng, Huyền vẫn chưa nhận được một đồng lương nào.
Cô cho biết, giáo viên thử việc như cô được nhận lương thử việc bằng 85% lương chính, cộng với tiền đứng lớp 30% được khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Nhưng suốt thời gian dài miệt mài dạy học đó, Huyền bị nhà trường nợ lương với lý do: “Không kịp hoàn tất hồ sơ cho giáo viên mới ra trường!”. 6 tháng làm việc không lương, Huyền chỉ được nhà trường cho tạm ứng 4 triệu đồng, tức chưa được 700 ngàn đồng/tháng để... chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Trường hợp của cô Huyền không phải hiếm. Hầu hết giáo viên trẻ đến từ Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận... đều bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình bằng thử thách 1 năm chờ lương, nhiều nữ giáo viên thì đi dạy kèm, còn nam giáo viên khoẻ mạnh hơn thì đi làm phụ hồ, phục vụ.
Lê Thị Nga - dạy môn văn, Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6) - bức xúc: “Dù đã trải qua thời gian hơn 2 năm dạy tại trường Nguyễn Văn Luông, nhưng tôi vẫn chỉ nhận được 85% lương, tức là khoảng 2 triệu đồng/tháng”. Tương tự, Võ Kim Loan - dạy môn địa lý Trường THCS Nguyễn Văn Luông (P.11, Q.6), mỗi tháng cũng chỉ được ứng từ nguồn ngân sách của trường 1 triệu đồng/tháng do mới ra trường.
Nhưng do là giáo viên dạy môn phụ, Loan không thể kiếm được công việc dạy kèm như những giáo viên khác. Năm đầu tiên, cô vẫn phải xin tiền từ gia đình mỗi tháng 1 – 2 triệu đồng như thời còn là sinh viên.
Thầy giáo đi… phụ hồ
Sau giờ lên lớp, nhiều giáo viên phải tranh thủ đi làm thêm tại các quán càphê, dạy kèm, làm phụ hồ... để có thêm thu nhập, hoặc nghĩ tới việc bỏ nghề giáo để kiếm một công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
Đối với Diệu Huyền, mặc dù dạy “không lương”, nhưng cô vẫn quyết tâm theo nghề. Để có thêm chi phí cho cuộc sống hằng ngày, sau những giờ dạy ban ngày, buổi tối từ thứ hai đến thứ bảy, Huyền phải đi dạy kèm cho các trung tâm gia sư, mỗi tháng cũng kiếm thêm được 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, 1,5 triệu đồng đó cộng với gần 700.000 đồng (chia ra từ 4 triệu đồng tạm ứng) và tiền làm thêm ngày chủ nhật tại quán càphê vẫn là quá thấp và không đủ sống. Nhiều lúc Huyền vẫn phải mượn thêm tiền của bạn bè hoặc xin thêm tiền từ gia đình. Không như Huyền, vợ chồng giáo viên Lê Thị Nga - dạy môn văn, Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6) - lại có cuộc sống khó khăn hơn.
Cô cho biết, hồi mới vào nghề, từ tháng 9.2010 đến tháng 2.2011 nhà trường cũng chỉ hỗ trợ cho cô 1 triệu đồng/tháng, bởi vậy mỗi ngày phải chạy 50km để đi dạy kèm tại H.Bình Chánh, Q.12... để có thêm thu nhập. Nga tâm sự: “Thu nhập chính của vợ chồng tôi không phải là lương nghề giáo, mà là từ công việc làm thêm.
Chồng tôi cũng là một giáo viên dạy sử tại một trường cấp 2 thuộc Q.Tân Phú. Nhưng chiều nào anh ấy cũng phải làm phụ hồ sau khi dạy xong buổi sáng. Công việc tuy nặng nhọc không phù hợp với những người đứng lớp, nhưng chúng tôi cũng phải cố, mỗi ngày cũng kiếm thêm khoảng 100.000 đồng để có thêm chi phí sinh hoạt”. “Bây giờ giáo viên trẻ, đặc biệt là nam giới như tôi mà bám trụ với nghề giáo ngày càng hiếm, nhiều người đã chuyển nghề khác dễ kiếm sống hơn” – anh Sỹ Trọng – chồng cô Nga - tâm sự.
Anh Chiến–Trọng Lê