lundi 6 juin 2011

Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân

2011-06-04
Chỉ trong vòng tháng 5, đã có 4 tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản.

Nguồn báo Trung Quốc
Tàu ngư chính của Trung Quốc đang bắt tàu cá Việt Nam.
 

Đó là chưa kể những vụ việc tàu nước ngoài đuổi bắt và bắn ngư dân khi họ đánh bắt ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những sự việc liên tục lặp lại này khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của cách thức bảo vệ ngư dân và giải quyết xung đột lãnh hải của chính phủ Việt Nam.
Khánh An có bài tìm hiểu và tường trình sau đây.
Khi vụ việc hai ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Philippines bắn trọng thương vào ngày 16/6 chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 31/5, 4 tàu đánh cá ngừ của ngư dân Phú Yên lại bị 3 tàu hải quân Trung Quốc nổ súng đe dọa. Mặc dù đã quen đối mặt với việc bị tàu nước ngoài, đa số là từ Trung Quốc, đuổi bắt, cướp bóc, nhưng những tổn thất về kinh tế, thậm chí cả nguy cơ mất mạng, đã khiến cho một số ngư dân phải dè dặt hơn mỗi khi ra khơi.

Đánh cá như đánh bạc

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum. 
Ngư dân Dương Lúa của huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện giờ đang đi ở khu vực Trường Sa của Việt Nam mình. Nếu đi Hoàng Sa thì Trung Quốc họ bắt. Dạo này không ai dám đi ra đó nữa, giờ mình đi Trường Sa thôi chứ không ai dám ra Hoàng Sa nữa. Do vừa rồi tài sản mất hết, Nhà nước họ không quan tâm đến mình, không cho gì thì mình đâu dám ra đó nữa. Mình đi thì mình cũng phải tránh những khu đó đi chứ ra ngoài đó họ cũng bắt, họ thu, lấy cá lấy đồ, hút dầu hút mỡ như vừa rồi cũng bị mấy lần đó chứ.”
Tuy nhiên, ngay cả khu vực quần đảo Trường Sa cũng không phải là ngư trường bình yên cho ngư dân khi chỉ mới ngày 31/5 vừa qua đã xảy ra vụ tàu hải quân Trung Quốc nổ súng đe dọa tàu của các ngư dân Lê Văn Giúp, Lê Văn Khang, Nguyễn Văn Chiến và Lê Thái Bình.
Đoạn băng ghi âm ghi lại cuộc trao đổi giữa ngư dân Lê Văn Giúp và Đại úy Nguyễn Ngọc Ry của Bộ đội biên phòng Phú Yên cho thấy mức độ o ép của tàu Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam ngày càng tăng.
Mình về mình nói với họ mà họ đâu có quan tâm gì đâu mà khai báo, coi như hễ được thì mình ăn mất thì mình chịu.
Ngư dân Dương Lúa
Cụ thể, ngư dân Lê Văn Giúp cho biết tàu của Trung Quốc đã nổ súng liên tục 4 phát súng ngay sát tàu của ngư dân trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cách đảo Đá Đông của quần đảo Trường Sa chỉ 5 hải lý. Sau đó, các tàu này kẹp sát và chĩa súng vào tàu của ngư dân Việt Nam, không cho họ đánh bắt và buộc họ phải rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền.
Các ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết hiện nay Trung Quốc không còn bắt giữ tàu, người và đòi tiền chuộc như trước đây nữa, nhưng gia tăng đuổi bắt, tịch thu tài sản và những sản phầm mồ hôi công sức của họ. Ngư dân Dương Lúa cho biết thêm:
“Vừa rồi nó cũng bắt, lấy cá lấy đồ, nó cũng lấy hết chứ nhưng mà nó không thu tàu nữa. Nó đưa mình về nhưng nó hút dầu hết.”
Chính nguy cơ bị mất tài sản, trở về tay không và mang nợ nần đã khiến cho nhiều ngư dân không thể ra khơi thường xuyên như trước đây. Mỗi chuyến đi biển bây giờ đối với họ chẳng khác nào đánh một canh bạc, lời ăn lỗ chịu. Thậm chí, mỗi lần đụng tàu Trung Quốc, nếu sự việc không đến nỗi nghiêm trọng, họ cũng chẳng buồn thông báo cho các cơ quan chức năng. Ngư dân Dương Lúa nói:
“Mình về mình nói với họ mà họ đâu có quan tâm gì đâu mà khai báo, coi như hễ được thì mình ăn mất thì mình chịu.”

Lối giải quyết cũ đã thất bại

036k305-250.jpg
Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum. 
Hầu như đã thành lệ, mỗi khi xảy ra vụ việc tàu Trung Quốc hà hiếp ngư dân Việt Nam ở mức độ nghiêm trọng thì Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”. Thế nhưng theo một số ý kiến trong dư luận, những lời lẽ phản đối liên quan đến vấn đề hệ trọng về chủ quyền của Bộ Ngoại giao lại tỏ ra “khá ôn hòa”, không có sức mạnh và sự cương quyết đối với những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong khi đó, các cơ quan quản lý có trách nhiệm với ngư dân vẫn chẳng có biện pháp nào hiệu quả để bảo vệ ngư dân ngoài việc lặp lại điệp khúc “ngư dân có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản, khi được hỏi về biện pháp để bảo vệ ngư dân sau những vụ việc vừa xảy ra, cho biết hiện Tổng cục Thủy Sản đã trình thủ tướng Chính phủ “Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam” và một trong những chức năng của lực lượng này là bảo vệ quyền lợi của ngư dân và ngăn chặn những hoạt động xâm phạm lãnh hải. Tuy nhiên, ông cũng cho biết đề án này đã được đưa ra cách đây 2 năm nhưng mãi đến tận bây giờ mới được đưa ra xem xét lại. Trong thời gian chờ đợi để đề án trở thành hiện thực, các cơ quan chức năng cũng chỉ đưa các khuyến cáo đối với ngư dân:
Thứ nhất là đã khuyến cáo ngư dân Việt Nam là đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường, không có vấn đề gì cả, nhưng phải giữ liên lạc với các cơ quan chức năng Việt Nam. Nếu như có xảy ra hiện tượng tàu thuyền của nước ngoài o ép thì phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng của Việt Nam như bên hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng hoặc lực lượng của bên thủy sản để có thể ứng cứu và giúp đỡ ngư dân kịp thời trong những sự việc xảy ra ở tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Hành động gia tăng cướp bóc, đuổi bắt và bắn ngư dân Việt Nam của tàu Trung Quốc trong những ngày gần đây chỉ là câu chuyện cũ được lặp lại, nhưng nó cho thấy những biện pháp giải quyết bằng con đường “ngoại giao khôn khéo” trước đây là hoàn toàn thất bại.
Trong những ngày này, lời kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày 5/6 tới đây đã được hưởng ứng mạnh mẽ từ công luận ở khắp các tỉnh thành. Phải chăng đã đến lúc người dân Việt Nam không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi một giải pháp hữu hiệu từ chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền và nhân dân?