lundi 20 juin 2011
Lao động nước ngoài tràn ngập Việt Nam:
Tấp nập lao động phổ thông Trung Quốc
20/06/2011 2:05
Luật không cho phép các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động (LĐ) phổ thông là người nước ngoài. Thế nhưng, tại nhiều địa phương hiện vẫn tồn tại hàng ngàn LĐ phổ thông nước ngoài, dù từ năm 2009 Thủ
tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát xử lý số LĐ này...
Phố Trung Quốc bên hông công trường
Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đi kèm một nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) do nhà thầu Trung Quốc (TQ) đảm nhận là hàng trăm công nhân (CN) TQ đổ về. Cứ thế, xung quanh NM những "phố Tàu" cũng xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.
Chạy dọc con đường nối từ TP Hải Phòng ra bến phà Rừng, qua xã Ngũ Lão, H.Thủy Nguyên, khách sẽ thấy bất ngờ bởi nơi đây mọc lên hàng loạt hàng quán với biển hiệu chữ Tàu, đèn lồng treo đỏ rực. Một bà hàng nước chỉ vào khu nhà dành cho CN TQ: "Hàng trăm CN người Hoa họ ở trong kia nên ngoài này mới biến thành một góc phố Tàu thế chú ạ".
Tại Thủy Nguyên, Hải Phòng có hàng chục biển hiệu tiếng Trung như thế này - Ảnh: K.T.L
Theo số liệu từ Công an xã Ngũ Lão, hiện trên địa bàn xã có khoảng 300 người TQ đang tạm trú, đại đa số là CN làm việc tại công trường NMNĐ Hải Phòng II.
Đi dọc con đường nhỏ từ Ngũ Lão hướng về xã Tam Hưng, những biển hiệu chữ TQ màu đỏ vẫn liên tục mọc lên, từ hàng ăn, quán massage chân cho đến dịch vụ cà phê, cắt tóc...
Nằm ngay bên công trường NMNĐ Hải Phòng II cũng là một khu tập trung khá đông CN người TQ. Chúng tôi bước vào một căn nhà khoảng 40m2 ở xóm 5, Tam Hưng, nơi có 4 người TQ đang thuê trọ. Dưới bếp, một phụ nữ đang nấu cơm. Chị tên Đỗ Thị Hương, 35 tuổi, từng đi Đài Loan vài năm nên có vốn tiếng Trung kha khá, giờ làm nghề nấu cơm thuê cho mấy người TQ.
Nếu ngay từ việc cấp phép, cho vào VN đã được sàng lọc, chỉ đồng ý cho người có trình độ vào, hạn chế người LĐ chân tay thì chúng tôi cũng đỡ vất vả trong việc quản lý an ninh trật tự ở địa bàn
Ông Nguyễn Văn Hát
Trưởng công an xã Bình Khê, H.Đông Triều
Qua phiên dịch của chị Hương, chúng tôi trò chuyện với ông Vương Bân, 52 tuổi. Ông Vương nói đã bỏ vợ ở TQ và giờ sống với một người phụ nữ Việt. "Chúng tôi làm việc lắp máy tại công trường, một ngày được 120 tệ (khoảng gần 400.000 đồng). Nhưng phần lớn tiền chuyển về tài khoản ở TQ, ở đây chỉ nhận được một phần nhỏ để chi tiêu hằng ngày", ông Vương nói.
Ngồi bên cạnh ông Vương Bân là Trần Thông, 24 tuổi. Thông đang xem tivi với toàn kênh tiếng Trung. Thông bảo, cậu ta muốn cưới một cô gái Việt làm vợ, nhưng không biết tiếng nên rất khó làm quen.
Cả xã Tam Hưng cũng có khoảng 300 người TQ tạm trú. Theo ông Lại Thế Minh, Trưởng công an xã, so với năm trước thì lượng người TQ giảm đi khá nhiều bởi NMNĐ Hải Phòng I đã cơ bản hoàn thành, NMNĐ Hải Phòng II chưa vào giai đoạn cao điểm.
"Hiện nay, đại đa số CN nước ngoài đã có khai báo tạm trú tạm vắng, có vài trường hợp nam CN lấy phụ nữ ở địa phương, nhưng khi hết nhiệm vụ tại VN, họ cũng đã đưa vợ về TQ. Còn một vài trường hợp hiện đang sống với phụ nữ người Việt tại xã nhưng không đăng ký kết hôn", ông Minh nói.
Cũng ghép cốt pha, buộc sắt...
Cách những con "phố Tàu" ở Hải Phòng vài chục cây số, tại Đông Triều, Quảng Ninh, hơn 700 CN nước ngoài đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân bản địa.
Chúng tôi đến cổng NMNĐ Mạo Khê - Vinacomin (440 MW) tại xã Bình Khê, H.Đông Triều khi trời đã chập choạng tối. Trên con đường nhỏ trước cổng NM, vài tốp CN TQ cởi trần đi dàn hàng ngang chiếm nửa lề đường.
Trong quán bia, một nhóm khác oang oang tiếng xì xồ, vài người khạc nhổ bừa bãi.
Từ đầu năm nay, khi công trường NM sôi động với lượng CN TQ về nhiều, cuộc sống của dân cư quanh NM đã thay đổi đột biến. Khi trời tối, ánh đèn điện của biển hiệu chữ Trung lập lòe chi chít, có những tấm biển đề song ngữ như vịt quay, nhà hàng, có cả biển hiệu toàn chữ Trung khiến người Việt nhìn vào đành... chào thua.
Ông Vương Bân và Trần Thông ngồi xem tivi kênh tiếng Trung tại nhà trọ
Hàng trăm CN nước ngoài cũng tạo ra một số việc làm và thu nhập cho vài hộ gia đình quanh NM qua việc cho thuê chỗ ở, bán quán..., nhưng họ lại khiến nhiều người dân bản địa mất đi cơ hội có việc làm và nếu có việc cũng phải chịu thiệt thòi vì không biết ngoại ngữ.
Thả "Dê" vào nhà dân
Ông Đoàn Trung Tâm ở thôn Đông Sơn, Bình Khê (H.Đông Triều, Quảng Ninh) dở khóc kể về tình huống mấy người CNTQ vào tán tỉnh con gái ông. "Hồi tết năm rồi, hai đứa con gái tôi đi làm xa về nhà. Hôm mùng 1 tết có 3-4 anh người TQ đến, toàn anh đã gần 40 tuổi. Ngôn ngữ không biết, hai bên chỉ ra hiệu cho nhau. Một anh mang gói bánh đến, tôi bảo đặt lên bàn mà ăn, anh ta không nghe, có thể do hai bên không hiểu nhau, anh ta nổi cáu, xé tung gói bánh vương vãi khắp nền nhà". Suốt 3-4 ngày sau, ngày nào nhóm CN cũng đến, có khi còn chạy vào buồng ngó nghiêng tìm cô gái trước sự khó chịu của chủ nhà. Có hôm, khách không mời ngồi đến 10-11 giờ đêm mới về. Sau này, ông Tâm phải cương quyết khách mới không dám đến nữa.
Anh Lê Văn Hưng, nhà ở Bình Khê, người làm tại công trường đã nửa năm, chỉ sang một người TQ bên cạnh: "Cậu này cũng làm ghép cốt-pha, buộc sắt như chúng tôi, nhưng lương họ được gấp 3 lần, khoảng 500.000-600.000 đồng/ngày. Anh ta hưởng lương cao vì anh ta là người TQ, chủ nói gì là hiểu. Chúng tôi không có phiên dịch nên chỉ làm việc theo bằng các động tác tay, chân ra hiệu".
Lượng CN TQ quá đông ở vài nơi đôi khi còn lấn át cả dân bản địa.
Một chị bán hàng nước ngay cổng NM ta thán: "Đội CN này bạo lắm, họ mua túi bánh mình đòi 17.000 đồng nhưng họ chỉ trả 15.000 đồng rồi cầm bánh bỏ đi. Ngôn ngữ bất đồng, họ không mặc cả mà toàn bớt tiền kiểu đó, chúng tôi cũng không biết làm sao...".
Ông Lê Văn H., một người dân gần đó lắc đầu: "Tôi thấy bảo một số CN làm ở đây là những người dân tộc miền núi sống ngay gần khu vực Móng Cái của mình. Họ thường cởi trần trùng trục đi trên đường, khuya về cũng nói oang oang, có khi say rượu còn đi tiểu ngay lề đường".
Điều đáng nói là công trường NMNĐ Mạo Khê đang có tới 760 CN người TQ, trong khi đó chỉ có hơn 100 CN VN. Anh Phạm Văn Hảo, Phó phòng Hành chính Ban quản lý dự án NMNĐ Mạo Khê, cho biết có khoảng 80% LĐ TQ trên công trường là LĐ phổ thông, còn lại 20% là kỹ sư, công nhân kỹ thuật... "Chúng tôi cũng muốn nhà thầu lấy nhiều CN VN, nhưng CN của mình không biết tiếng nên rất khó giao tiếp, phía nhà thầu họ cần đảm bảo tiến độ nên họ đã lấy LĐ từ TQ sang để dễ điều hành. Đây là hợp đồng EPC nên chủ đầu tư cũng không thể can thiệp sâu vào chuyện nhà
thầu tuyển người", anh Hảo phân trần.
Theo ông Nguyễn Văn Hát, Trưởng công an xã Bình Khê, từ ngày có NM, khối lượng công việc của anh em công an đã phải tăng lên rất nhiều.
Thời gian gần đây, khi huyện tổ chức một đội công tác đặt trụ sở ngaytại NM, tình hình mới tạm yên ổn.
"Qua hoạt động quản lý trật tự địa bàn, chúng tôi nhận thấy phần lớn những người có hành động thô lỗ, hay uống rượu, hò hét là những người LĐ giản đơn. Chính vì vậy, nếu ngay từ việc cấp phép, cho vào VN đã được sàng lọc, chỉ đồng ý cho người có trình độ vào, hạn chế người LĐ chân tay thì chúng tôi cũng đỡ vất vả trong việc quản lý an ninh trật tự ở địa bàn", ông Hát cho biết.
Káp Thành Long
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
La publication de nouveaux commentaires n'est pas autorisée.