Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-06-24
Các tổ chức tài trợ quốc tế, các nhà mạnh thường quân trong và ngoài đều chia sẻ với nhà nước, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người nghèo.
RFA PHOTO. Một người bán hàng rong ở
khu phố sang trọng tại trung tâm TPHCM,
ảnh chụp năm 2011.
Trong bài trước Quỳnh Như đã giới thiệu với quý vị về tình trạng của người nghèo trong nước hiện nay. Bên cạnh Chương trình Xoá Đói Giảm Nghèo của chính phủ, các tổ chức tài trợ quốc tế, các nhà mạnh thường quân trong và ngoài đều chia sẻ với nhà nước, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người nghèo.
Liệu người nghèo có thể thoát khỏi cảnh túng thiếu hay không? Quỳnh Như nói chuyện với một số người có liên quan về vấn đề này. Mời quý vị cùng theo dõi.
Chương trình 167
Từ năm 2004 chính phủ đã phát động chương trình xoá đói giảm nghèo trong cả nước mang tên, “Chương trình 134 – 135”. Đến năm 2006 Thủ tướng Chính phủ lại phê duyệt Chương trình Phát triển Kinh tế-Xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, và một số quyết định khác cho các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng núi có nhiều dân tộc ít người gặp khó khăn về kinh tế. Và gần đây nhất do tình hình giá cả tăng vọt chính phủ đề ra chương trình 167 hỗ trợ cho một số hộ nghèo.
Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Nam Thành, Huyện Yên Thành, Nghệ An, ông Phan Thế Trung, người đã gắn bó với công việc ở xã này hơn 30 năm cho biết về chương trình giúp cho các hộ nghèo trong xã do ông quản lý:
Thực tình nhà nước có hỗ trợ các hộ nghèo, thứ nhất là về tiền điện, mỗi tháng được thêm 30.000 đồng thứ hai, các cháu thuộc diện gia đình nghèo đi học được miễn học phí. Phan Thế Trung
“Thực tình nhà nước có hỗ trợ các hộ nghèo, thứ nhất là về tiền điện, mỗi tháng được thêm 30.000 đồng. Thứ hai, các cháu thuộc diện gia đình nghèo đi học được miễn học phí, có bảo hiểm y tế, chữa bệnh không mất tiền. Nhà nước có chủ trương xoá đói giảm nghèo, Quyết định 167 của Thủ tướng chính phủ hỗ trợ các gia đình nghèo làm được nhà nước hỗ trợ trực tiếp 7.200.000 đồng, và cho vay 8 triệu với lãi suất thấp.”
Ngoài ra, còn có những chương trình hỗ trợ vốn để các hộ nghèo làm kinh tế gia đình. Chủ tịch Xã Nam Thành nói tiếp:
“Có các chương trình cho phụ nữ vay tiền của ngân hàng chính sách. Tùy tình hình cụ thể vay bao nhiêu, với số tiền bao nhiêu là do tình hình cụ thể của từng dự án của từng gia đình, so với nhu cầu của gia đình và điều kiện cụ thể của từng trường hợp. Rồi nhà nước cũng cho sinh viên vay tiền để học. Đối với các hộ nghèo ở xã đồng bằng thì nhà nước có chính sách như vậy.”
Bên cạnh chương trình xoá đói giảm nghèo của chính phủ, các dự án của những tổ chức quốc tế phối hợp với các đơn vị trong nước tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ người nghèo cũng nhiều vô kể. Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những đơn vị hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khoẻ Sinh sản, nói rằng:
“Hội cũng đã cho phụ nữ vay vốn từ lâu rồi, tín dụng cho phụ nữ nghèo thì Hội cũng đã làm. Nó ở rất nhiều các chương trình, dự án khác nhau, chú ý để tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.”
Các tổ chức tôn giáo luôn đi đầu trong công tác xoá đói giảm nghèo, và xem phần việc “đời” này cũng là một sứ mệnh của tôn giáo. Linh mục Nguyễn Ngọc Nga, quản xứ Dũ Thành, xã Kỳ Khang, Huyện Kỳ Anh, Hà Tỉnh, người khởi xướng chương trình Thương Việt Nghèo nói với phóng viên của Đài chúng tôi rằng:
Người lao động nghèo tại TPHCM,
ảnh chụp năm 2011. RFA PHOTO.
“Theo tinh thần của giáo hội, sau Cộng đồng Vatican II thì linh mục quản xứ không chỉ coi sóc con chiên mà cả người ngoài công giáo nữa, nếu mình đến bất cứ điạ chỉ nào. Để có thể cải thiện tình hình xã hội trong địa bàn Hà Tỉnh và góp phần cải thiện đời sống, an sinh xã hội của người nghèo, mọi người đều phải ý thức để xoá đói giảm nghèo. Trong đó trách nhiệm lớn hơn là của lãnh đạo chính quyền các cấp. Về phiá công giáo các vị lãnh đạo tinh thần, các linh mục cũng phải dấn thân hơn nữa để có thể làm cho xã hội Việt Nam, và đặc biệt nói riêng là tỉnh Hà Tỉnh có thể phát triển được nhanh hơn.”
Lá lành đùm lá rách
Ngoài ra, với tình thần lá lành đùm lá rách, các tập thể hay cá nhân cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Chị Mai Trâm ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Ở đây, khi đề ra phong trào xoá đói giảm nghèo, có những cơ quan, hay tổ chức quần chúng được nhà nước giao cho thực hiện việc đó để vận động quyên góp trong dân chúng như: Mặt trân Tổ quốc hay Hội Liên Hiệp Phụ nữ vận động những người dân trong khu phố tham gia đóng góp mổi người một ít cho phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ cho các hộ khó khăn. Bên cạnh đó còn có các tổ chức, đoàn thể tôn giáo, các Chùa, Nhà thờ, Hội, Câu lạc bộ có những người tình nguyện tham gia hoạt động từ thiện và vận động sự đóng góp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhất là trong thời gian hiện nay tình hình kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. Bên cạnh đó có những cá nhân có điều kiện họ tập họp với nhau quyên góp mỗi người một ít để có những đợt đi làm từ thiện giúp đỡ những người dân ở những vùng khốn khó.”
Anh Vũ Hiếu Thịnh, một nhà kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh kể về một kế hoạch của nhóm anh, giúp cho mười người khiếm thị ở Buôn Mê Thuộc có một mái nhà che mưa nắng và lao động để ổn định cuộc sống của họ:
Khi đề ra phong trào xoá đói giảm nghèo, có những cơ quan, hay tổ chức quần chúng được nhà nước giao cho thực hiện việc đó để vận động quyên góp trong dân chúng. Chị Mai Trâm
“Nhà của số anh chị em bị mù ở Buôn Mê Thuột bị sập, thành ra tụi tôi có vận động các anh chị em giúp đỡ cho bà con xây được cái nhà để ở cho ổn định không sợ mưa nắng nữa, đồng thời mấy anh chị em cũng làm thêm một mái che và một nhà kho để nguyên phụ liệu và thành phẩm là những cây chổi, tránh được bụi không bay vô người gây dị ứng hoặc hít vô mủi gây độc hại cho sức khoẻ. Nói chung hiện nay tình hình anh em trên đó sống cũng ổn định. Lâu lâu tụi tôi cũng có gọi điện hỏi thăm.”
Mặc dù người ta thấy có rất nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo vượt khó, và tỉ lệ nghèo có giảm bớt trong chừng mực nào đó, nhưng vài năm sau hầu như lại quay về nguyên trạng “nghèo”. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ giảm đôi chút, không đáng kể.
Trưởng Đại diện Liên Hiệp quốc tại Hà Nội, ông John Hendra, cho biết những dữ liệu mà cơ quan ông thu thập được từ các nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho thấy tình trạng nghèo đói ở Việt Nam đã tăng 2,1% kể từ sau đợt lạm phát cao, kéo theo chỉ số tiêu dùng tăng hồi năm 2008.
Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên tại Hà Nội vào cuối tháng Năm vừa qua, ông Hendra cũng nói rằng, “Việt Nam là một trong số năm quốc gia có tỉ lệ lạm phát ở mức cao nhất thế giới, đồng thời ông cũng nhận định, điều này sẽ gia tăng tỉ lệ nghèo đói lên 1-2%, hoặc cao hơn thế nữa.”
Vấn đề xoá đói giảm nghèo không đơn thuần là một vấn đề xã hội, xét ở khiá cạnh kinh tế có một mối liên hệ hữu cơ giữa đói nghèo và lạm phát, khi tỉ lệ lạm phát tăng cao, tỉ lệ giảm nghèo sẽ bị giảm, nên tầng lớp nghèo khó sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Các chuyên gia đã đưa ra một dẫn chứng, năm 2008, là năm mà CPI có mức tăng kỷ lục 20%, số lượt nhân khẩu thiếu đói cả năm lên tới hơn 4 triệu lượt.
Số liệu thống kê mới công bố chính thức cho thấy, mức lạm phát trong tháng Năm là 19,78% so với một năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tư đã tăng 17,51% so với cùng thời gian này năm 2010, dự báo CPI bình quân của năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Do vậy người ta e rằng mục tiêu xoá đói giảm nghèo do Quốc hội đặt ra là giảm 2%, sẽ khó đạt được. Tình trạng lạm phát đẩy người nghèo càng nghèo hơn. Số hộ nghèo vừa vươn lên được ngưỡng hộ cận nghèo, về bản chất vẫn “hoàn nghèo”.
Ngoài ra cái nghèo còn liên quan đến sự phân chia các tầng lớp trong xã hội. Bà Magdalena Sepulveda, chuyên gia Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền và đói nghèo nhận định:
“Hiện nay vẫn có nhiều người sống trong vùng đói nghèo và không tiếp cận được với các dịch vụ xã hội.”
Thật vậy, những người có điều kiện, đầu tư cho việc học tập và mở mang kiến thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhờ đó họ có kiến thức, năng lực để tiếp cận thị trường lao động và tìm được công việc có thu nhập cao. Trong khi đó người nghèo không có điều kiện học tập, trình độ năng lực hạn chế khó tìm được việc làm ổn định, nên thu nhập thấp.
Đây cũng có thể là một nguyên nhân thứ hai dẫn đến hệ luỵ “nghèo vẫn hoàn nghèo” ở Việt Nam vì tình trạng không có việc làm ổn định, sẽ dẫn đến vấn đề thu nhập của người nghèo bấp bênh, và rủi ro thất nghiệp cao.
Việt Nam có hơn 3 triệu hộ nghèo
RFA 30.05.2011
Tổng số hộ nghèo của Việt Nam hiện nay là hơn 3 triệu, và số nằm trong diện cận nghèo là hơn 1 triệu 600 ngàn hộ.
Đây là số thống kê do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội của Việt Nam công bố vào ngày hôm qua.
Số hộ nghèo và cận nghèo vừa nói được xếp theo chuẩn là ở nông thôn thu nhập 400 ngàn đồng một tháng trở xuống, và ở thành phố từ 500 ngàn đồng trở xuống nằm trong diện nghèo.
Tỉnh Điện Biên là nơi có số hộ nghèo nhiều nhất chiếm hơn 50%; Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang là những nơi có số hộ nghèo từ 40% đến 50%.
Hôm 19 tháng 5 vừa qua, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 80 về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
xem phần 1:
http://namdigidoc.blogspot.com/2011/06/cai-ngheo-o-viet-nam-phan-1.html