Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-06-19
Một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc đưa ra nhận định “người nghèo ở Việt Nam – nghèo vẫn hoàn nghèo.”
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Một người đàn ông sửa chữa xe đạp ở trung tâm thành phố Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2010.
Theo một thống kê mới nhất trong nước, tình hình thiếu đói đã tăng cao trong tháng Giêng, tháng Hai năm nay. Số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái với hơn tám trăm ngàn lượt. Đây cũng là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Thưa quý vị, hiện nay trên cả nước có trên ba triệu hộ nghèo, chiếm gần 14,5% và hơn 1,6 triệu hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,7%. Địa bàn các tỉnh miền núi có số hộ nghèo nhiều nhất – Lào Cai, Điện Biên, trên 50%, Lai Châu, Hà Giang, trên 40%, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, trên 30%.
Chuẩn nghèo
Một người bán trái cây dạo trên đường phố
Hà Nội ngày 16 tháng 9 năm 2010.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
“Chuẩn” nghèo được quy định của chính phủ Việt Nam dựa trên một số quy tắc về chuẩn nghèo của Liên Hiệp Quốc. Thay đổi tùy theo từng giai đoạn, từ 2000 – 2006 chuẩn hộ nghèo ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo là các hộ có thu nhập bình quân từ 80.000 đồng/người/tháng trở xuống, nông thôn đồng bằng là 100.000 đồng/người/tháng, hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân từ 150.000 đồng/người/tháng trở xuống.
Đến năm 2005, Quyết định của Thủ tướng chính phủ quy định chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010, khu vực nông thôn, các hộ gia đình có thu nhập bình quân 2.400.000 đồng/người/năm trở xuống là hộ nghèo. Còn ở khu vực thành thị là 3.120.000 đồng/người/năm trở xuống là hộ nghèo. Dự kiến chuẩn nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015: ở thành thị là 812.500 đồng/người/tháng, khu vực nông thôn là 562.000 đồng/người/tháng.
Tựu trung thu nhập bình quân của người nghèo Việt Nam ở khu vực thành thị cũng chỉ khoảng 40 đô la, còn ở nông thôn thì chưa đến 30 đô la/tháng. Số tiền này quả thật quá ít ỏi so với tình hình giá cả biến động hiện nay.
Ở nhà có mấy sào ruộng 6 tháng thì thu nhập một lần, không đáng là bao nhiêu mà tính ra là một ngày được có mấy chục ngàn thôi.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Nghệ An
Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư, nhóm hộ nghèo ở Việt Nam đa số là những người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa thuộc biên giới, hải đảo, miền núi. Nông dân ở vùng nông thôn, người làm công ăn lương, người hưu trí, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Nguồn thu nhập chính của người nghèo chủ yếu là từ nông, lâm, thủy sản, chiếm 55,5% tổng thu nhập, hay từ tiền lương tiền công chiếm 23,8% tổng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Huyền, người Xã Nam Thành, Huyện Yên Thành, Nghệ An nói về hoàn cảnh gia đình chị:
“Hiện giờ có ba cháu đi học, còn chồng chị thì bị tai nạn, rơi trên giàn giáo xuống bị gãy cổ, đưa đi bệnh viện ngoài Hà Nội tốn hết nhiều tiền lắm. Chừ đương nợ nần nhiều mà hoàn cảnh gia đình vẫn vất vả. Con thì đi học, còn một mình mẹ thì không có công ăn việc làm. Ở nhà có mấy sào ruộng 6 tháng thì thu nhập một lần, không đáng là bao nhiêu mà tính ra là một ngày được có mấy chục ngàn thôi. Cộng với lại mấy mẹ con bó rau hay mấy thứ lặt vặt trong vườn ra bán thì một ngày được khoảng 15.000 có khi còn không được.”
Thiên nhiên không ưu đãi
Một số hộ nghèo ở Thôn Hoàng Du. -
Xã Kì Khang Huyện Kì Anh-
Tỉnh Hà Tĩnh đến gặp Linh Mục
xin vay vốn hàng xáo.
Nguồn ảnh của LM Nga.
Nếu gặp thiên tai, dịch bệnh thì xem như cái đói bao trùm cả địa phương. Mới tháng 4, tháng 5 vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã xin chính phủ cứu đói khẩn cấp cho dân qua mùa giáp hạt. Thực tế trong mấy tháng đầu năm nay tình trạng thiếu đói tăng cao so với năm trước, và cao nhất kể từ năm 2007 đến nay. Nguyên nhân có thể do thiên tai, mất mùa cộng thêm vào.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nga của Giáo xứ Dũ Thành, Xã Kỳ Khang, Huyện Kỳ Anh, Hà Tỉnh nói về cái nghèo do thiên nhiên không ưu đãi đối với người dân ở đây. Linh mục cho biết:
“So với các tỉnh miền Trung, nhìn chung Hà Tỉnh chậm phát triển hơn. Tỉnh Hà Tỉnh là một trong những tỉnh nghèo của nước Việt Nam. Thiên nhiên không ưu đãi. Ở Huyện Kỳ Anh nơi Giáo xứ Dũ Thành tọa lạc mưa nhiều hơn ở những miền khác, về mùa nắng nóng thì cũng nóng hơn ở những nơi khác. Địa hình núi non nhiều, hiểm trở, đồng bằng ít, thủy nông để làm nông nghiệp cũng rất hạn chế, nên mùa màng ít năm được bội thu, mất mùa thì khá nhiều so với các huyện khác trong tỉnh.
Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có xu hướng gia tăng. Vùng Huyện Kỳ Anh và Giáo xứ Dũ Thành này chủ yếu về nông nghiệp, gọi là độc canh lúa nước. Có một số nghề phụ nhưng chưa phát triển lắm.”
Tha phương cầu thực
Một người bán chuối dạo ở TPHCM
hôm 01/06/2010. RFA photo.
Một Linh mục của một Giáo xứ ở Huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa cho biết, tại giáo xứ do ông phụ trách hiện nay hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em, gần như không thấy bóng dáng của thanh niên đâu cả. Các em vừa đến tuổi thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi trai có, gái có; các em học chưa đến cấp 2 là bỏ quê lên các tỉnh thành để kiếm sống, chủ yếu đi vào các tỉnh phía Nam, một số ít thì ra Hà Nội. Vị Linh mục này cho biết:
“Cái chủ yếu vẫn là do vấn đề kinh tế. Ở các vùng nông thôn đa số họ sống được chỉ nhờ có đồng ruộng, mà đồng ruộng bây giờ không đủ để sống được. Rồi do điều kiện chi tiêu giá cả tăng cao. Thành ra may lắm, nếu được mùa, thì họ chỉ đủ được cái lương thực để ăn thôi. Chứ còn những tiền chi tiêu khác, ăn học, chi tiêu sắm sanh trong gia đình là không có.
Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các gia đình không có đủ điều kiện để cho con em mình học tiếp ở các cấp cao hơn, do đó các em phải bỏ học. Chẳng hạn như tại các vùng quê như ở xứ mà tôi đang coi đây, số giáo dân có khoảng một ngàn mốt, nhưng số đi làm trong Nam tới 300 em, gần như giới trẻ không còn ở nhà là bao nhiêu.”
Cũng từ nghèo đói mà các vấn đề xã hội khác lại phát sinh, như vấn đề lao động vị thành niên, và số trẻ này phải xa gia đình, lìa bỏ quê đi kiếm sống. Một Linh mục của một Giáo xứ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Cái lý do chính là do nghèo, gia đình nghèo nên các em phải bỏ lên thành phố để kiếm sống, các em đa số từ nông thôn, rồi các em không có nơi nương tựa, đa số là như vậy.
LM một giáo xứ ở TPHCM
“Cái lý do chính là do nghèo, gia đình nghèo nên các em phải bỏ lên thành phố để kiếm sống, các em đa số từ nông thôn, rồi các em không có nơi nương tựa, đa số là như vậy. Các em ở ngoài đường mình phải tìm kiếm để giáo dục, giúp đỡ các em. Một số em mình giúp được thì giúp cho các em có nghề nghiệp, có chỗ ở. Số không có được thì mình phải giới thiệu chỗ khác.”
Trong tình hình giá cả tăng vọt liên tục như hiện nay, đối với nông dân nguồn thu từ nông nghiệp không đuổi kịp với mức tăng giá của đầu vào như: thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, chưa kể, còn chịu những rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Còn công nhân “làm công ăn lương” thì tiền lương không theo kịp trượt giá.
Tất nhiên, khi giá cả tăng cao, người nghèo với nguồn thu nhập eo hẹp sẽ phải dồn hết khoản tiền kiếm được cho việc duy trì cuộc sống, nên việc chi tiêu của họ chủ yếu dành cho những nhu cầu tối thiểu như: mua lương thực thực phẩm... Còn những chi phí cho các nhu cầu thuộc về chất lượng sống như nhà ở, điện, nước, vệ sinh, y tế, giáo dục, giải trí… chiếm có khi chưa đến 1/3 trong tổng thu nhập.
Đặc biệt, đối với những người lao động nhập cư ảnh hưởng còn nặng nề hơn, vì nhóm này phải chi tiền thuê nhà thường tăng từ 20-30%, tiền điện, tiền nước thường phải trả với giá cao hơn 2-4 lần, so với dân địa phương. Thật trớ trêu, vì nghèo nên họ tìm đến đô thị kiếm sống để mong thoát nghèo, nhưng cuộc sống ở đô thị cũng rất chật vật đối với họ.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao như hiện nay không chỉ là mối lo cho các nhà quản lý chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn là nỗi e ngại lớn của các nhà hoạch định chính sách xã hội. Vì cơn lốc của lạm phát sẽ cuốn đi tất cả mọi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là các thành phần nghèo trong xã hội.