mercredi 22 juin 2011

Hội thảo an ninh Biển Đông

Việt Hà, phóng viên RFA
2011-06-20

Một cuộc hội thảo về biển Đông quy tụ những học giả của nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ đượctổ chức tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington từ ngày 20 đến 21 tháng 6.
 
RFA PHOTO 
Hội thảo an ninh biển Đông ở Washington ngày 20 tháng 6 năm 2011.



Có mặt tại buổi hội thảo, Việt Hà của đài chúng tôi gửi về bài tường trình.


Bày tỏ quyền lợi của mình


Hội thảo an ninh tại khu vực biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức ở Washington trong hai ngày 20 và 21 tháng 6 hứa hẹn là một diễn đàn với nhiều trao đổi sôi nổi giữa các học giả và những người quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, nhất là vào giữa lúc những căng thẳng tại khu vực này đang gia tăng trong những tháng gần đây.


Ngay trong bài phát biểu mở đầu buổi hội thảo, cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, John Negroponte nhìn nhận những xung đột về lợi ích trên biển Đông giữa các nước trong khu vực:


Rõ ràng là có sự xung đột về lợi ích giữa các nước và các nước có sự diễn giải khác nhau đối với phạm vi về nguồn lợi hợp pháp trên biển.
 
Ô. John Negroponte

“Rõ ràng là có sự xung đột về lợi ích giữa các nước và các nước có sự diễn giải khác nhau đối với phạm vi về nguồn lợi hợp pháp trên biển, và đây cũng là trường hợp xảy ra tại biển Đông khi nhiều nước đã bày tỏ cho các nước khác biết về quyền lợi của mình theo nhiều cách khác nhau qua ngoại giao và trong một số trường hợp là sử dụng sức mạnh quân sự để xác định và bảo vệ quyền lợi của mình.”


Bài thuyết trình được nhiều người chú ý nhất và nhận được nhiều câu hỏi nhất trong chương trình buổi sáng đầu tiên là của giáo sư Su Hao, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học ngoại giao Trung Quốc.


Giáo sư Su Hao mở đầu bài thuyết trình của mình bằng cách chứng minh về chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông qua các dẫn chứng lịch sử. Ông nói Trung Quốc đã có chủ quyền về lịch sử không chối cãi đối với biển đông từ 2000 năm. Từ đời nhà Tống cách đây vài trăm năm, Trung Quốc đã có một cơ quan phụ trách hành chính về khu vực này và đã có đội tàu đi tuần trên biển.


Giáo sư Su Hao cũng nói đến những luận điểm dựa trên quy tắc quốc tế mà ông cho là ủng hộ quan điểm về chủ quyền trên biển đông của Trung Quốc:



Giáo sư Su Hao, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế 

thuộc trường đại học ngoại giao Trung Quốc 
tại Hội thảo an ninh biển Đông ở Washington ngày 20 tháng 6. 
RFA PHOTO.

“UNCLOS là một cơ sở pháp lý quan trọng và Trung Quốc đã tham gia hiêp ước này. Cho nên chủ quyền của Trung quốc trên biển Đông cũng được luật quốc tế đảm bảo. Ngoài ra còn các cơ sở pháp lý quốc tế khác mà chúng tôi có thể dùng để bảo vệ quan điểm của mình. Cộng đồng quốc tế thời hiện đại đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông. Cuối cùng là trong hệ thống luật quốc tế có một nguyên tắc là nếu một nước đã có tuyên bố về chủ quyền và một số nước đã chấp nhận tuyên bố này. Tuy nhiên rất tiếc là hiện có một số nước đã thay đổi quan điểm của mình.”

Theo ông thì Trung Quốc coi biển Đông là một mối quan tâm nhưng không phải là một mối quan tâm sống còn như đối với Tây Tạng và Đài loan. Điều này khác hẳn với những lời nói trước đây của Trung Quốc coi biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc


Ông cũng miêu tả mối lợi của Trung Quốc trên biển Đông đã tràn sang các nước khác ở khu vực và vì vậy cần phải có sự hợp tác chia sẻ quyền lợi cùng các nước.


Giải quyết tranh chấp qua đa phương


Theo giáo sư Su Hao, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn duy trì một chính sách hòa hợp, giải quyết vấn đề qua hòa bình và tránh sử dụng vũ lực. Và vì vậy cho đến giờ Trung Quốc là một cường quốc không có kẻ thù.


Đại diện học giả Trung Quốc nói Trung Quốc kêu gọi việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo đàm phán song phương nhưng cách tiếp cận đa phương cũng có thể coi là một giải pháp.


Theo tôi thì việc giải quyết tranh chấp qua đa phương cũng là một cách. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương.

GS Su Hao


“Theo tôi thì việc giải quyết tranh chấp qua đa phương cũng là một cách. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương để thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực biển Đông.”


Giáo sư Su Hao cũng cho rằng việc Hoa Kỳ tham gia một cách tích cực để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông cũng được Trung Quốc chào đón.


Tuy nhiên trong phần nói về những thách thức tại khu vực này, giáo sư Su Hao lại cho rằng những can thiệp của Mỹ có nhiều khi không tích cực và đó là lý do vì sao Trung Quốc không chào đón những can thiệp này.


Liên quan đến những diễn biến gần đây trên biển Đông, giáo sư Su Hao cho rằng hành động của các nước trong khu vực đã làm cho Trung Quốc lo lắng và những hành động của Trung Quốc không phải là hiếu chiến như những học giả nước ngoài nhìn nhận. Ông nói:

“Một vài nước nói rằng Trung Quốc những năm gần đây có thái độ quá mạnh đối với vấn đề biển Đông, nhưng tôi tin là lý do Trung Quốc có thái độ như vậy bởi một vài nước đã có những phản ứng quá mạnh đối với những gì đang xảy ra chống lại Trung Quốc. Đó là lý do làm cho Trung Quốc lo lắng và làm cho chúng tôi phải nói gì đó để bảo vệ chủ quyền đối với biển Đông.”


Đại diện của ASEAN tại hội thảo lần này là ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN. Ông Chalermpalanupap khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông qua hợp tác và theo luật quốc tế.




Ông Termsak Chalermpalanupap, 

Giám đốc Ban an ninh chính trị 
thuộc ban thư ký ASEAN tại 
Hội thảo an ninh biển Đông ở 
Washington ngày 20 tháng 6. 
RFA PHOTO

Ông cũng nói đến những nỗ lực mà ASEAN đã làm nhằm đưa tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông thành một bản quy tắc có tính ràng buộc nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này.

Ông Chalermpalanupap nêu quan điểm khác với đại diện từ phía Trung Quốc đối với những hành động của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua, mà ông gọi là hiếu chiến.

Theo thông tin mới nhất từ ASEAN thì hiện khối này đã có kế hoạch tiếp tục bàn thảo về vấn đề này để có thể đưa COC lên một mức cao hơn.

Người đại diện của ASEAN cũng cho rằng có lẽ để có thể giải quyết vấn đề biển Đông, việc đổi tên biển từ biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á hay biển hữu nghị có thể sẽ hợp lý hơn.


Các học giả đến từ Nhật bản và Ấn độ có mặt trong buổi hội thảo sáng 20 tháng 6 cũng bày tỏ sự quan ngại trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông vì cả hai nước này cũng có những tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên biển. Học giả đến từ Ấn Độ, ông Amer Latif, thuộc Trung Tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng những tranh chấp tại biển Đông cũng làm Ấn độ quan tâm vì thái độ hành xử của Trung Quốc ở đây cũng giúp Ấn độ hiểu được thái độ và hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn độ và với biển Ấn độ dương.


Buổi chiều 20 tháng 6, các học giả tiếp tục cuộc thảo luận về những diễn biễn gần đây trên biển Đông. Chúng tôi sẽ có bài phỏng vấn tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc học viện quan hệ quốc tế Việt Nam, người có bài thuyết trình về các diễn biến trên biển Đông trong hội thảo này.