jeudi 23 juin 2011

Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi bị chỉ trích là "hung hăng"

SGTT – Thứ năm, ngày 23 tháng sáu năm 2011SGTT.VN - Sau khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về thái độ hung hăng và tham vọng vô căn cứ ở biển Đông, hôm 22.6 Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Mỹ tránh xa và cảnh báo khả năng đáp trả quân sự.

Dùng bất cứ biện pháp nào cần thiết
Trên trang mạng báo Hoàn Cầu (Global Times), Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo với Việt Nam rằng, nước này sẽ thực hiện bất cứ biện pháp nào cần thiết, bao gồm cả hành động quân sự để bảo vệ quyền lợi ở biển Đông.

 

Hình minh hoạ tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc, sẽ chạy …

Báo Hoàn Cầu nhấn mạnh, “sự thất bại trong việc đạt được giải pháp hòa bình cho các tuyên bố tranh chấp, mà tập trung ở quần đảo Trường Sa, sẽ khiến Trung Quốc phải sử dụng cảnh sát biển và lực lượng hải quân, nếu cần thiết, để bảo vệ yêu sách của mình”.

Tuyên bố này của Trung Quốc xuất hiện ngay sau khi nước này cho biết chuẩn bị đưa tàu sân bay đầu tiên ra thử nghiệm tại biển Đông vào ngày 1.7 tới.

Đồng thời, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai cũng thúc giục Mỹ tránh xa các tranh chấp ở biển Đông, để cho các bên liên quan giải quyết, và cho rằng sự tham gia của Mỹ có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Đáng ngạc nhiên là ông Tiankai phủ nhận hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc, nói rằng nước này không chịu trách nhiệm gây nên các tranh chấp ở biển Đông, không gây ra các sự vụ gây hấn và “rất quan ngại về các khiêu khích thường xuyên của các nước liên quan ở biển Đông” (nói đến Việt Nam và Philippines - PV).

Đề cập tới vòng tham vấn đầu tiên Trung - Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày 25.6 tới tại Honolulu, Hawaii, thứ trưởng Tiankai cho biết, biển Đông không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của cuộc tham vấn, nhưng nếu Mỹ muốn đưa ra, Trung Quốc sẽ sẵn sàng nói rõ thêm về quan điểm của mình, “chúng tôi không phải là bên tạo ra các tranh chấp”.

“Mặc dù có một số xu hướng làm rối tình hình ở khu vực, nhưng không phải do Trung Quốc gây ra trước, chúng tôi không thay đổi quan điểm về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng các nước khác có thể kiềm chế, có trách nhiệm và thái độ xây dựng về vấn đề này cùng với chúng tôi. Nếu tất cả chúng ta có thể làm điều đó, các rắc rối có thể dễ dàng được giải quyết. Chúng tôi không muốn các tranh chấp như vậy ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực, hay quan hệ giữa các nước có liên quan”, ông Tiankai nói.

Khẩn trương khai thác chung

Còn trên tờ báo mạng China Daily, trong bài báo có tựa đề “Vì một trật tự ở biển Đông”, Jin Yongming, học giả thuộc học viện Thượng Hải về Khoa học xã hội và học viện Đại dương Trung Quốc đã công khai buộc tội Việt Nam và Philippines đã có những hành động đơn phương, là gốc rễ gây nên các tranh chấp ở biển Đông. Yongming cho rằng, hai nước đã thúc đẩy nỗ lực để khai thác các nguồn tài nguyên và chiếm đóng các phần ở Hoàng Sa và Trường Sa, phá bỏ các cột mốc mà Trung Quốc đã dựng lên để biểu thị đường biên ở Trường Sa.

 

Trung Quốc thường sử dụng các …

Cùng lúc, học giả Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ, không phải là bên có liên quan, mà đã “thêm dầu vào lửa” khi yêu cầu tự do hàng hải và cùng tập trận chung ở biển Đông.

Từ đó, Yongming nêu lên 3 giải pháp cho Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc nên tự tin và nói rõ với cộng đồng quốc tế về quan điểm của mình về vấn đề biển Đông để đảm bảo các nước khác trong khu vực không hiểu sai hoặc đánh giá sai.

Thứ hai, Trung Quốc nên trung thành với nguyên tắc “khai thác chung bất chất tranh cãi” và bất chấp sự thụt lùi của tình hình. Nhiệm vụ khẩn cấp là nhận dạng các khu vực tranh chấp, ở đó việc khai thác có thể được các bên chấp nhận được.

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc phải thiết lập một cơ quan cấp cao về các vấn đề hàng hải, có thể phối hợp các bộ ngành liên quan để đưa ra quyết định về hành động chung. Cơ quan này cần giải thích rõ ràng về đường chữ U ở biển Đông để “thu hút được sự ủng hộ về luật pháp” của quốc tế.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ngày 20.6 đã nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông đồng thời khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này là "không có cơ sở nào theo luật quốc tế."

"Một trong những lực lượng chính làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, và khiến cho khó đạt một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này, chính là lối hành xử hung hăng của Trung Quốc cùng những tuyên bố chủ quyền không có căn cứ mà nước này tìm cách đưa ra", ông McCain nói.

Thượng nghị sĩ John McCain khẳng định: “Điều khiến tôi lo ngại, và tôi cho rằng nhiều người trong số quý vị cũng vậy, là những tuyên bố đòi chủ quyền bành trướng mà Trung Quốc đang đưa ra ở Biển Đông; lý do đưa ra cho những tuyên bố này thì không có cơ sở nào theo luật quốc tế; và những hành động ngày càng quyết liệt mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm khẳng định quyền tự tuyên bố của họ, trong đó có cả những vùng biển thuộc phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của các nước ASEAN, cũng như hàng loạt vụ việc gần đây liên quan đến Việt Nam và Philippines."

Theo ông McCain, cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn" của Trung Quốc đòi chủ quyền với tất cả các hòn đảo tại biển Đông là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc và tất cả các vùng biển của các nước này là khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, cách hiểu của Trung Quốc về luật quốc tế sẽ làm xói mòn nguyên tắc lâu nay về tự do lưu thông hàng hải – vặn méo nó từ một khái niệm thúc đẩy đi lại mở sang một khái niệm hạn chế đi lại. Một số người ở Trung Quốc vẫn đang đề cập đến học thuyết này với tên gọi 'chiến tranh pháp lý”

Ông John McCain ngày 20.6 đã kêu gọi Mỹ tăng cường ủng hộ về quân sự và chính trị cho các quốc gia Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng gia tăng bất đồng trên Biển Đông.

Ông McCain cũng nói Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng những bất đồng giữa các thành viên ASEAN nhằm chia rẽ họ để thực hiện các kế hoạch riêng của mình.

CA THY (THEO GLOBAL TIMES, REUTERS, CHINADAILY)