mercredi 29 juin 2011

Nan đề xuất khẩu nhiều không hiệu quả

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-06-28


Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam phụ thuộc xuất khẩu dẫn đến phát triển xuất khẩu ồ ạt không bền vững. Chính phủ đã nhận biết nhưng việc chuyển đổi cơ cấu vẫn mãi dậm chân tại chỗ.
 

AFP . Một công nhân đang kéo xe vật liệu xây 
dựng gần khu công nghiệp ở Hà Nội 

Việt Nam trù liệu việc giảm tốc độ sau một thập niên phát triển xuất khẩu bằng mọi giá để đạt tăng trưởng kinh tế. Theo các số liệu chính thức, trong 10 năm đầu thế kỷ 21 mức tăng GDP bình quân của Việt Nam là gần 8% và tăng xuất khẩu gần 19%.

Xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm 70% TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội nhận định:
“Hiện nay chúng ta đang xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và xuất khẩu trong 10 năm gần đây không thay đổi được nhiều. Xuất khẩu tới 70% là các sản phẩm thô là dầu thô, than đá, cao su, các khoáng sản, nông sản như gạo, cà phê nhân, hồ tiêu….còn sản phẩm công nghiệp như dệt may thì trong đó phần lớn nguyên liệu dệt may phải nhập từ Trung Quốc. Tức là xuất khẩu chậm chuyển biến, chậm tiến lên một nền xuất khẩu dựa vào công nghệ cao và dựa vào giá trị gia tăng cao hơn.”

Xuất khẩu tới 70% là các sản phẩm thô là dầu thô, than đá, cao su, các khoáng sản, nông sản như gạo, cà phê nhân, hồ tiêu….còn sản phẩm công nghiệp như dệt may thì trong đó phần lớn nguyên liệu dệt may phải nhập từ Trung Quốc.TS Lê Đăng Doanh


Cao su là nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD vào năm ngoái. Một trong các thí dụ điển hình được đề cập là, Việt Nam xuất khẩu mủ cao su tự nhiên rất nhiều nhưng lại phải nhập vỏ ruột xe cũng như hầu hết sản phẩm cao su. TS Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam nhận định:
“Ngành cao su xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm 80%. Sản phẩm cao su trong đó có lốp xe vẫn còn ít, chúng tôi cũng nhận thấy phát triển như vậy chưa bền vững cho nên sắp tới phải đẩy mạnh các sản phẩm cao su xuất khẩu giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô. Đấy là xu hướng của ngành cao su cho tương lai.


Công nhân mỏ than. AFP 


Chúng tôi cố gắng giảm xuất khẩu thô từ 80%-85% xuống còn 70%, để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước.”
TS Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương Mại Bộ Công thương xác nhận với báo chí là trong giai đoạn 2011-2020, Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5% đến 8% nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ gấp 1,5 lần thay vì hơn 2 lần như giai đoạn trước. Việc giảm tốc độ xuất khẩu khá lớn đòi hỏi tái cấu trúc cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.
Trả lời chúng tôi, TS lê Đăng Doanh bày tỏ e ngại nếu không có hành động kịp thời một số ngành hàng xuất khẩu qua gia công sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông nói:
“Cần suy nghĩ là trong những năm gần đây lạm phát tăng lên, Việt Nam đã phải điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, tăng giá xăng dầu, tăng tiền lương. Nếu như xu hướng này tiếp tục, thì ngành dệt may Việt Nam trong vòng 5 năm nữa, theo sự tính toán của cá nhân tôi, sẽ mất khả năng cạnh tranh với những sản phẩm của Bangladesh hay của Indonesia vì giá dệt may trên thị trường thế giới là một giá rất cạnh tranh và làm với thế giới anh không thể nào đòi nâng cao hơn giá đó.

Cần suy nghĩ là trong những năm gần đây lạm phát tăng lên, Việt Nam đã phải điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, tăng giá xăng dầu, tăng tiền lương. Nếu như xu hướng này tiếp tục, thì ngành dệt may Việt Nam trong vòng 5 năm nữa, sẽ mất khả năng cạnh tranh với những sản phẩm của Bangladesh hay của Indonesia TS lê Đăng Doanh


Nếu đòi hỏi giá cao hơn người ta sẽ đặt hàng ở Bangladesh hay Indonesia. Trong khi đó ở trong nước những yếu tố đầu vào của ngành dệt may liên tục tăng lên, điện tăng, xăng dầu tăng, tiền lương tăng lên, cước phí vận tải tăng lên và do phá giá đồng bạc cho nên các sản phẩm nhập khẩu chiếm đến 70-75%. Giá thành hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam cũng tăng lên và lúc bấy giờ hàng dệt may Việt Nam không thể còn năng lực cạnh tranh với các sản phẩm của Indonesia và Bangladesh. Đó là một trong những điều hết sức đáng lo ngại.”

Chính sách nội địa hóa chưa thực sự phát huy Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày Việt Nam đồng thời là Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM nhận định là, chính phủ có những chủ trương tốt nhưng khi thực hiện thì không mang lại hiệu quả.


Xuất khẩu cao su tăng. Source CPV.org 


“Chúng tôi cho rằng chính sách nội địa hóa từ công nghiệp lắp ráp rồi sản xuất da giày dệt may… và nhiều ngành khác nữa chính là để giúp giảm nhập siêu. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cả doanh nghiệp lẫn chính phủ đều đánh giá là những chính sách đó chưa thực sự phát huy tác dụng. Do đó vẫn tiếp tục nhập khẩu và tình trạng nhập siêu tiếp tục xảy ra. Trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây chính phủ đã quyết liệt hơn trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.”

Chúng tôi cho rằng chính sách nội địa hóa từ công nghiệp lắp ráp rồi sản xuất da giày dệt may… và nhiều ngành khác nữa chính là để giúp giảm nhập siêu. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cả doanh nghiệp lẫn chính phủ đều đánh giá là những chính sách đó chưa thực sự phát huy tác dụng.
Về nông sản, mục tiêu giảm xuất khẩu thô để gia tăng các sản phẩm chế biến là một nan đề vì cần xây dựng thương hiệu, vốn đầu tư lớn và thời gian chuẩn bị cho công nghệ. Một vài sự rục rịch ở ngành cà phê nhưng chậm và sản lượng cà phê qua chế biến là không đáng kể, có chuyên gia nói rằng 15 năm nữa cà phê Việt Nam sẽ vẫn cứ xuất nguyên liệu thô là chủ yếu.
Đối với ngành cao su, TS Trần Thị Thúy Hoa nhận định:
“Chỉ tiêu đặt ra tới 2015-2020 tiến độ vẫn chậm thôi. Để cho khả thi, một mặt các doanh nghiệp trong nước phát triển lên tìm các sản phẩm thích hợp và thị trường thích hợp đối với sản phẩm cao su. Ngoài ra chính phủ nên tạo điều kiện cho đầu tư của nước ngoài vào. Để rút nhanh thời gian, nếu nước ngoài đầu tư vào sản phẩm cao su thì cần ưu tiên, ưu đãi để nâng lượng sản phẩm cao su lên giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.”
Việt nam đang đứng trước các câu hỏi hắc búa, bắt nguồn từ tình trạng xuất khẩu nhiều mà không hiệu quả, tạo ra mất cân bằng cán cân thương mại kéo dài. Hàng công nghiệp thì phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, trong khi khoáng sản nông sản xuất thô thì ít giá trị gia tăng. Nếu giảm tốc độ xuất khẩu nhanh thì hàng triệu người lao động mất việc làm dẫn tới bất ổn xã hội. Điều cần làm theo các chuyên gia là phải tái cơ cấu xuất nhập khẩu hay rộng hơn nữa là tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu bây giờ chưa bắt đầu thì biết đến khi nào mới tới đích.