mercredi 1 juin 2011

Trung Quốc tìm cách tháo gỡ căng thẳng tại Nội Mông


Ngày 30.5, hàng trăm người thiểu số dân tộc Mông Cổ đã xuống đường phản đối chính quyền tại thành phố thủ phủ Hohhot, khiến khu tự trị Nội Mông trở thành điểm nóng về sắc tộc ở Trung Quốc.

Những người biểu tình tại quảng trường Tân Hoa đã giăng biểu ngữ, hô khẩu hiệu "Bảo vệ thảo nguyên" và đổ xuống những con đường trong khu vực buôn bán. Lực lượng cảnh sát đã được điều động để thắt chặt an ninh. Một vài người đã bị bắt giữ. Giới sinh viên, những người tổ chức cuộc biểu tình qua mạng internet, thì bị nhốt trong các trường đại học. Vào cuối ngày, trật tự đã tạm thời vãn hồi.

Trước đó, một cuộc biểu tình khác rầm rộ hơn đã thu hút hơn 2.000 người Mông Cổ tham gia tại huyện Xilinhot từ ngày 23 đến 25.5. Bà Catherine Baber thuộc tổ chức Ân xá quốc tế cho hay vào thứ sáu tuần trước, lệnh thiết quân luật đã được ban hành tại một số nơi nhằm ổn định tình hình.

Sự bất bình của những người Mông Cổ thiểu số được châm ngòi khi ngày 10.5, một người chăn nuôi gia súc tên là Mergen đã bị một tài xế lái xe chở than người Hán cán chết, khi ông Mergen cùng với một nhóm 40 người chăn nuôi khác chặn con đường mà đoàn xe chở than đi qua để phản đối các xe tải giày xéo lên các bãi cỏ chăn thả, và đôi khi còn đâm vào đàn gia súc. Vài ngày sau, một nhóm người Mông Cổ đã kéo đến mỏ than để khiếu nại, xung đột nổ ra và một thợ mỏ người Hán khác đã dùng xe cần cẩu húc thẳng vào một người đàn ông tên Yan Wenlong, khiến anh ta tử vong.

Với nhu cầu khổng lồ về than đá để phục vụ sản xuất, việc khai thác mỏ than ở khu vực Nội Mông giàu khoáng sản đang được giới chức Trung Quốc đẩy mạnh, với sản lượng đã tăng lên 782 triệu tấn/năm. Tuy nhiên với người dân Mông Cổ bản địa, khai thác than chẳng khác nào lợi bất cập hại.

Theo New York Times, các nhà phê bình chỉ trích rằng khai thác khoáng sản ở Nội Mông không đem lại lợi ích gì cho người Mông Cổ thiểu số, mà còn gây ra những tác hại về môi trường, ép buộc người dân di dời và làm mất đi bản sắc văn hóa du mục đặc thù của họ khi các đoàn xe vận chuyển than đá cày xới qua các thảo nguyên. Vốn dĩ giữ gìn bản sắc văn hóa thiểu số ở đây đã rất khó khăn, do dòng di cư ồ ạt của người Hán khiến người Mông Cổ chỉ còn chiếm 20% trong tổng số 24 triệu dân trong khu tự trị. Nền giáo dục sử dụng tiếng phổ thông cũng khiến tiếng Mông Cổ ngày càng mai một.

Xưa nay, Nội Mông vẫn được xem là khá yên bình, do người Mông Cổ luôn an phận thủ thường khi cảm thấy đời sống của họ khá hơn với những cải cách kinh tế của chính quyền hiện tại. Tuy vậy rõ ràng vẫn còn đó những bất cập trong chính sách của chính quyền đối với người bản địa. Nhà nghiên cứu Nicholas Becquelin thuộc tổ chức Human Rights Watch cho biết trước đây một số chính sách của giới chức địa phương đã không được lòng dân bản địa cho lắm, ví dụ như quy định về quy mô bầy gia súc khiến thu nhập của người chăn nuôi kém hơn, còn việc di dời các bãi chăn thả lên vùng xa xôi hơn khiến hàng hóa trở nên khó bán.

Mâu thuẫn giữa người Mông Cổ và chính quyền từ lâu đã hình thành trong lặng lẽ, và cuộc xung đột mới đây tại mỏ than như giọt nước làm tràn ly.

Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng để tháo gỡ căng thẳng. Cũng trong ngày 30.5, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã họp với Bộ chính trị tại Bắc Kinh để đưa ra những giải pháp khẩn cấp cũng như những nỗ lực trong dài hạn để bình ổn tình hình xã hội tại Nội Mông.

Một tiêu điểm khác trong xung đột lần này là ông Hồ Xuân Hoa, bí thư Đảng ủy Nội Mông. Theo Wall Street Journal, tương lai chính trị của chính trị gia 48 tuổi tại trung ương sẽ được quyết định trong cách ông giải quyết mâu thuẫn lần này. Còn nhớ, bí thư Đảng ủy Tân Cương Vương Lạc Tuyền và bí thư Đảng ủy Tây Tạng Trương Khánh Lê đã không còn hy vọng tham gia vào Bộ chính trị sau khi để bạo động lan tràn trong các cuộc xung đột sắc tộc của người Tây Tạng năm 2008 và người Duy Ngô Nhĩ năm 2009. Thậm chí ông Vương Lạc Tuyền đã phải rời nhiệm sở.

Để xoa dịu sự phẫn nộ, mới đây ông Hồ Xuân Hoa đã gặp gỡ sinh viên và những người biểu tình, cam kết mang lại công lý cho hai người Mông Cổ đã thiệt mạng. Ngoài ra, ông còn hứa hẹn sẽ miễn phí giáo trình cho học sinh và sinh viên, cùng khoản chi 680 triệu USD để cải thiện nguồn nước uống, giao thông và nông nghiệp trong khu vực.

Quỳnh Như