vendredi 10 juin 2011

Trung Quốc liên tục gây rối khắp Biển Đông


 Đọc bản tin nầy để thấy tư cách hèn hạ tay sai của bộ chính trị đảng Cộng Sản

Việc các loại tàu Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông không phải là hiếm, nhưng số lần chúng gây rối và xâm phạm chủ quyền các nước khu vực trong nửa tháng qua đang tăng lên đột ngột với mức độ ngày càng trắng trợn.
Trung Quốc huy động nhiều loại tàu để xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như một nước ASEAN khác là Philippines, từ tàu đánh cá có tàu ngư chính yểm trợ đằng sau cho đến các loại tàu hải giám và cả tàu quân sự. Ngoài việc ngang nhiên tiến vào chủ quyền nước khác, chúng còn tiến hành các hoạt động phá hoại tại đây.
Các sự kiện gần đây trên Biển Đông được coi là hành động leo thang trong chuỗi các động thái xâm phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines, từ bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc các ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa, đến tấn công tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dưới đây là nhật ký những ngày căng thẳng về Biển Đông vừa qua:
Ngày 21 và 24/5: Tàu chiến và tàu hải giám Trung Quốc liên tục có hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng và thả phao gần một bãi cạn tại nơi chỉ cách đảo chính Palawan 125 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario cho rằng bất cứ việc xây cất nào của Trung Quốc tại khu vực trên đều "vi phạm rõ ràng" Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thì nhấn mạnh mối lo ngại số vụ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước này đang ngày càng tăng lên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo chối bỏ cáo buộc các tàu hải quân của họ xâm phạm chủ quyền Philippines. Bắc Kinh cho rằng một tàu nghiên cứu hải dương học của họ chỉ đang tiến hành các nghiên cứu bình thường tại Biển Đông.
Ngày 26/5: Sự kiện gây chấn động dư luận Việt Nam và khiến khu vực chú ý xảy ra lúc 5h5 sáng, khi nhóm 3 tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đang làm việc tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Chúng chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo, sau đó chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp nhằm cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc sau đó liên tiếp có hành động uy hiếp tàu Bình Minh 02 và quấy nhiễu liên tục trong vài tiếng mới chịu rút đi lúc 9h sáng cùng ngày. Tàu Bình Minh 02 sau khi khắc phục các thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường.
Ngày 27/5: Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm cho sứ quán Trung Quốc, trong đó yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 02. Nội dung công hàm nêu rõ Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam đối với thềm lục địa của mình.

Trao công hàm chúng vứt xọt rác  chứ có thèm đọc đâu.


Ngày 27/5: Báo chí Trung Quốc đưa tin nước này sẽ xây dựng một giàn khoan hiện đại và khổng lồ tại Biển Đông vào tháng 6. Ngay lập tức Philippines triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để yêu cầu giải thích về việc này. Đây là lần thứ hai liên tiếp đại sứ Trung Quốc tại Manila bị triệu tập, lần trước là vì các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Philippines.

Cộng sản VN không giám triệu tập Đại Sứ chủ TQ của chúng nó. Chỉ làm lấy lệ cho yên lòng dân.


Ngày 28/5: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đưa ra tuyên bố vô căn cứ về pháp lý khi cho rằng, Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý và việc các cơ quan hữu quan nước này thực hiện là tuân thủ luật biển và hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh còn khẳng định họ luôn nỗ lực duy trì hoà bình trên Biển Đông.
Ngày 29/5: Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo về sự kiện Trung Quốc phá hoại tàu Bình Minh 02, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Bà Nga cũng nhắc lại những yêu cầu đối với phía Trung Quốc như trong công hàm đã trao cho đại diện ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận bằng cách làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.
Ngày 31/5: Một lần nữa người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đưa ra tuyên bố ngang ngược khi cho rằng tàu hải giám Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc. Bắc Kinh còn ngang nghiên cho rằng hành động của Trung Quốc đối với tàu Bình Minh 02 là hoàn toàn chính đáng.
Cũng trong ngày 31/5, hội thảo quốc tế về Biển Đông bế mạc tại Indonesia và ra Tuyên bố Jakarta, trong đó nhấn mạnh Biển Đông là vấn đề đa phương. Các đại biểu dự hội thảo cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực và việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề là rất nguy hiểm.
Ngày 31/5: Trong lúc 4 tàu đánh cá của ngư dân TP Tuy Hòa đang hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở vị trí 8 độ 56’ vĩ độ bắc, 112 độ 45’ kinh độ đông, cách đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa khoảng 5 hải lý về phía đông nam, thì 3 chiếc tàu Hải quân Trung Quốc đã nổ súng bắn xuống nước uy hiếp, đe dọa không cho ngư dân Việt Nam hành nghề.
Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Phú Yên, tình trạng ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương quanh khu vực quần đảo Trường Sa, trong phạm vi vùng biển chủ quyền Việt Nam bị tàu quân sự Trung Quốc quấy nhiễu, dùng vũ lực, súng để bắn, dọa và chèn ép đã từng nhiều lần xảy ra. Cùng ngày, một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam là Viking II đang làm việc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc tới gây rối.
Ngày 2/6: Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm cho đại diện đại sứ quán Trung Quốc phản đối việc hải quân nước này dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong ngày 31/5. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
Trong một diễn biến khác cũng trong ngày 2/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố sẽ đệ trình thư lên Liên Hiệp Quốc để phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước này.
Ngày 3/6: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chối bỏ không có tàu Trung Quốc nào nổ súng uy hiếp ngư dân Việt Nam gần quần đảo Trường Sa. Ông này cho rằng thông tin ba tàu Trung Quốc nổ súng là không có thực và tuyên bố "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bên lề Đối thoại Shangri-La đã cam kết “duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.
Ngày 4/6: Bộ Ngoại giao Philippines ra thông báo khẳng định các hành vi xâm phạm của tàu Trung Quốc đối với chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này là "xâm phạm hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng DOC”.
Ngày 7/6: Trong chuyến thăm huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của tổ quốc luôn hoà bình, hữu nghị, ổn định, nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ".
 Đừng nghe nhửng gì cộng sản nói. Hãy nhìn kỷ nhửng gì chúng làm


Ngày 8/6: Phát biểu bế mạc Tuần lễ biển và hải đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền. Ông nhấn mạnh Việt Nam cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm về biển và hải đảo, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo.
Thủ tướng Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
Cũng trong ngày 8/6, tại hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (AFR) lần thứ 8 diễn ra tại Indonesia, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh rằng tất cả tranh chấp, bất đồng trong vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau.
Ngày 9/6: Lúc 6h sáng, một tàu cá của Trung Quốc với sự hỗ trợ của hai tàu ngư chính đã chạy ngang qua mũi tàu khảo sát Viking II đang được Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê. Tàu Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh cáo nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn lao vào cắt cáp thăm dò của tàu Viking II. Ngay sau đó hai tàu ngư chính và các tàu khác của Trung Quốc xông vào giải cứu cho tàu cá vừa có hành vi phá hoại.
Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định khu vực mà tàu Viking II đang hoạt động khi sự việc xảy ra nằm hoàn toàn trong phạm vi chủ quyền 200 hải lý của Việt Nam. Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động vi phạm chủ quyền của tàu Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay không để tái diễn các hành động tương tự và đòi phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại gây ra.
Tới buổi tối, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng biện minh rằng tàu cá của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực gần Trường Sa thì "bị tàu của Việt Nam đuổi theo. Trong quá trình đuổi đó tàu của Trung Quốc vướng vào cáp của tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam". Bắc Kinh chối việc tàu nước này quấy rối tàu khảo sát của Việt Nam đồng thời tiếp tục ra yêu cầu ngang ngược đòi Việt Nam "ngừng các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".
Như vậy chỉ trong vòng nửa tháng, các tàu Trung Quốc từ hải giám, ngư chính đến tàu cá đã hai lần ngang ngược xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam để tấn công, phá hoại cáp thăm dò trên các tàu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc còn dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam và nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Đình Nguyễn
  •