Vụ tàu Trung Quốc phá hoại sâu bên trong khu vực chủ quyền của Việt Nam ngày 26/5 đang bị phản đối kịch liệt, trong khi thái độ leo thang gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông được coi là không phải vấn đề của riêng Việt Nam.
Một trong 3 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò của Việt Nam. Ảnh: PVN. |
Trung Quốc ngang ngược xâm phạm
Lúc 5h5 sáng 26/5, nhóm 3 tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện để tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đang làm việc tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Tọa độ tàu Việt Nam bị tấn công ở vị trí 12 độ 48 phút 25 giây bắc và 111 độ 26 phút 48 giây đông.
Các tàu hải giám Trung Quốc đã chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo. Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PVN, cho biết tàu của Việt Nam đã liên lạc nhưng không được phía tàu Trung Quốc đáp lại. Nhóm tàu hải giám này sau đó chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp nhằm cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến bất cứ tranh chấp nào. Các tàu Trung Quốc sau đó liên tiếp có hành động uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Sau nhiều tiếng quấy nhiễu, nhóm 3 tàu hải giám Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 lúc 9h sáng cùng ngày. Trong khi đó, tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong cả ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Tới 6h sáng ngày hôm sau, tàu Bình Minh 02 tiếp tục trở lại hoạt động.
Kịch liệt lên án Trung Quốc
Ngay trong ngày 27/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 02.
Nội dung công hàm nêu rõ hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Nhưng trong cuộc họp báo hôm 28/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du lại đưa ra một tuyên bố cho rằng Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý và việc các cơ quan hữu quan nước này thực hiện là tuân thủ luật biển và hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh còn khẳng định họ luôn nỗ lực duy trì hoà bình trên Biển Đông.
Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo về sự kiện tàu Trung Quốc phá hoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố: "Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Bà Nga cũng nhắc lại những yêu cầu đối với phía Trung Quốc như trong công hàm đã trao cho đại diện ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của phía Trung Quốc và khẳng định khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982, không phải khu vực tranh chấp hay do Trung Quốc quản lý.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận bằng cách làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. "Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhưng chính các hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông", bà Nguyễn Phương Nga nói thêm.
Trong khi đó, chiều 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du một lần nữa đưa ra tuyên bố ngang ngược: "Tàu hải giám Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc".
Đây là diễn biến mới nhất về thái độ của Trung Quốc luôn tìm cách rêu rao đòi chủ quyền vùng biển hoàn toàn thuộc Việt Nam, trong khi Bắc Kinh không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Trung tâm trong chính sách gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông là yêu sách về "đường lưỡi bò" bị nhiều nước trong khu vực phản đối.
Tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Ảnh: PVN. |
Trung Quốc leo thang gây hấn
Sự kiện ngày 26/5 được coi là hành động leo thang trong chuỗi các động thái xâm phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam, từ bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc các ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa, đến tấn công tàu khảo sát địa chấn nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hành động trái với các thỏa thuận của phía Trung Quốc như trên thực chất là một phép thử đối với yêu sách đường lưỡi bò vô lý của nước này. Theo đó, nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và ASEAN thì họ sẽ tính toán khác, còn ngược lại họ sẽ thành công.
Chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia bình luận trên tờ Finacial Times rằng việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát của Việt Nam là sự thể hiện mức độ gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Việt Nam nói riêng và vùng Biển Đông nói chung.
"Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền bằng những hành động như vậy. Vụ chạm trán hôm 26/5 sẽ làm tăng sự bất an của những nước gần Trung Quốc tại Đông Nam Á, đối với các hành vi gây hấn ngày càng tăng trong vùng biển khu vực", chuyên giá Carl Thayer nói.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu hôm 29/5 cũng nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động thăm dò của PVN trên vùng biển Việt Nam. "Các hoạt động của PVN gồm khảo sát địa chấn, khảo sát công trình, khoan và rất nhiều hoạt động này đã bị các tàu Trung Quốc đến gần hoặc cho máy bay khảo sát quấy nhiễu. Đã từng có trường hợp họ cắt cáp".
Trước hành động trắng trợn của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế như Liên Hợp Quốc. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress thì cho rằng, có thể đưa vụ Trung Quốc xâm phạm Việt Nam ra Toà án quốc tế vì hành động này vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN. |
Trung Quốc gây căng thẳng cho cả khu vực
Các hãng tin lớn trên thế giới như Financial Times, AP, AFP, BBC, Bloomberg và báo chí trong khu vực đều đưa tin về sự kiện tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và thái độ phản đối kịch liệt của Hà Nội. Truyền thông quốc tế phân tích rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà có liên quan đến nhiều nước khác trong vùng Biển Đông.
Việc Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh trên Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng cũng như với Mỹ. AFP dẫn lời Tổng thống Aquino của Philippines nói về những vụ va chạm với Trung Quốc: "Khi những vụ việc như thế này xảy ra, chúng châm ngòi chạy đua vũ trang trong khu vực. Và khi chạy đua vũ trang tăng lên, liệu đó có phải là mối nguy cơ đưa đến xung đột tăng lên?".
Hôm 5/4 vừa qua, Philippines cũng gửi kháng thư ngoại giao lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đòi kiểm soát tới 80% Biển Đông và khẳng định rằng yêu cầu của Bắc Kinh "không có cơ sở trên phương diện luật pháp quốc tế".
Quan điểm về "đường lưỡi bò" của Philippines cũng giống Việt Nam. Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Việt Nam Nguyễn Duy Chiến hôm 29/5 nhấn mạnh: "Yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế nào cả. Nó trái với Công ước Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có VN và đã bị nhiều nước phản đối".
Báo chí khu vực Đông Nam Á cũng liên tục đưa ra các bài viết và bình luận sau khi Việt Nam bác bỏ quan điểm của Trung Quốc trong sự kiện ngày 26/5. Tờ The Nation của Thái Lan cho rằng các nước ASEAN và Trung Quốc "đã mệt mỏi vì không đạt được tiến triển cũng như một cơ chế phát triển chung, sau 15 năm ngoại giao lặng lẽ và kiên nhẫn trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông".
Tờ Daily Inquirer của Philippines thì cho biết giới chức quốc phòng nước này đang họp bàn cách tăng cường lực lượng quân sự trước những hành động mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói, ông muốn ASEAN có sự tham gia nhiều hơn nữa trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Một tờ báo khác của Philippines là Philstar hôm 30/5 còn dẫn tuyên bố của Thượng nghị sĩ nước này là Miriam Defensor-Santiago cho rằng Trung Quốc đang cố chèn ép Philippines và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên khổng lồ ở Biển Đông.
Bangkok Post của Thái Lan thì nhận định "những cơn gió mới lại đang quét qua chính trị Biển Đông sau một thời gian yên tĩnh. Theo đó cần có sự hợp tác xuyên biên giới, và cả may mắn nữa, để tránh xảy ra xung đột.
Đình Nguyễn