jeudi 9 juin 2011

Trung Quốc sẽ ' trừng phạt kinh tế ' Việt Nam.

Thách thức về chủ quyền ở Biển Đông

Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố quyết tâm bảo vệ biển đảo, có cảnh báo Trung Quốc sẽ 'trừng phạt kinh tế' Việt Nam.

Ông thủ tướng đã có bài phát biểu tại buổi lễ hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011 vào tối thứ Tư 08/06 tại Nha Trang.

Trong bài phát biểu, ông tuyên bố "khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất" để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc".

Ông nói: "Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình."

"Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta."

Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng như vậy về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.

Mới đây, dư luận Việt Nam vô cùng bất bình xung quanh việc tàu Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát của PetroVietnam, kết quả là hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào hôm Chủ nhật 05/06.

Trong khi đó, một tờ báo có uy tín bằng tiếng Trung đặt tại Hong Kong cảnh báo Trung Quốc có thể "trừng phạt kinh tế" Việt Nam sau căng thẳng mới rồi trên biển.

Tới nay Trung Quốc vẫn khẳng định các tàu hải giám trong vụ cắt dây cáp tàu Bình Minh 02 của PetroVietnam hôm 26/05 đã "hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc", cho dù vị trí sự cố nằm sâu trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam.

Thử thách
Bài bình luận đăng hôm 08/06 trên Tín Báo, tờ báo kinh tế độc lập ở Hong Kong, viết rằng "rất có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng trừng phạt kinh tế với Việt Nam" để trả đũa.

"Trung Quốc có thực hiện điều đó hay không là phụ thuộc vào mức độ hành động đối đầu của Việt Nam."

Hiện Trung Quốc đang có mức thặng dư thương mại khổng lồ 13 tỷ đôla với Việt Nam.

Một tờ báo thuộc loại chính thống hàng đầu của Trung Quốc là China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng ngày cũng có bài phân tích của tác giả Cung Kiến Hoa rằng tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) là "phép thử thực sự" cho Trung Quốc.

China Daily ấn bản tiếng Anh viết: "Việt Nam và Philippines đang củng cố lực lượng trên biển bằng cách khai thác dầu, điều quân tới các vị trí chiến lược và dùng thu nhập từ dầu lửa để đầu tư cho quân đội".


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu mạnh mẽ tại Nha Trang
"Chiến lược chung của các nước này tại tranh chấp Biển Đông là thách thức lớn cho nguyên tắc gạt bất đồng để cùng phát triển của Trung Quốc."

Ông Cung Kiến Hoa khẳng định Trung Quốc "tuân thủ tuyệt đối" Tuyên bố chung đã ký với các nước Asean về cách hành xử ở Biển Đông thế nhưng một số quốc gia khác thì lại vi phạm.

"Việt Nam, Philippines và một số nước khác đã sử dụng Asean như diễn đàn chính trị khu vực nhằm điều phối quan điểm chung và giành lợi thế trước Trung Quốc.

Cũng Việt Nam và Philippines, theo China Daily, đã cố gắng tăng áp lực chính trị lên Trung Quốc bằng cách "lôi kéo" các quốc gia khác vào tranh chấp.

Tầm quan trọng chiến lược

Báo này phân tích rằng đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông mang tầm quan trọng chiến lược, đặc biệt vì hai lý do.

Một là tuy Trung Quốc là nước lớn nhưng lại chưa phải cường quốc biển. Tuy thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền rất rộng, nhưng Trung Quốc lại chỉ kiểm soát được số ít đảo trong Biển Đông và do vậy "thiếu các kênh nối biển ra đại dương".

Thứ hai, không có hải quân hùng mạnh và quan tâm đúng mức, Trung Quốc đang ở trong vị thế bất lợi. Để chuyển từ cường quốc lục địa sang cường quốc biển, Trung Quốc phải giải được bài toán Biển Đông.

"Trung Quốc kiên trì đường lối giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng hành động hung hăng của một số nước thành viên Asean đã làm tăng sự khác biệt."

Bài báo mô tả một nước Trung Quốc với đường lối đối ngoại hiền hòa, gạt bất đồng và chỉ chủ trương tự vệ, thúc đẩy hợp tác và hữu nghị, đồng thời hết sức kiên trì và kiềm chế.

"Tuy nhiên, một số nước đã nhiều lần thách thức quyền lợi của Trung Quốc."

Tác giả Cung Kiến Hoa cũng đề xuất rằng Trung Quốc cần tránh điều mà ông gọi là "cái bẫy của một số nước", dùng tranh chấp Biển Đông để cản trở phát triển của Trung Quốc.