samedi 4 juin 2011
Chính phủ Việt Nam cần dựa vào dân để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông
Một trong ba chiếc tàu hải giám Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam ngày 26/5 và uy hiếp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02.
Thụy My
Người Việt trong và ngoài nước lâu nay vẫn rất bất bình trước việc Trung Quốc thường xuyên bức hiếp ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên lãnh hải Việt Nam. Trước sự kiện mới nhất ngày 26/5, ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, dư luận lại càng thêm công phẫn.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TPHCM đã cho biết ý kiến về vấn đề này.
Thưa ông, trong thời gian gần đây các vụ tàu ngư dân Việt Nam bị bắt giữ dồn dập, đặc biệt là mới đây một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam bị tấn công. Có phải là Trung Quốc đã leo thang một bậc về vấn đề này ?
Theo quan điểm của tôi và nhiều trí thức cũng như người dân Việt Nam, thì bản chất của Trung Quốc là bản chất bành trướng của một nước lớn, không hề thay đổi. Những sử liệu mà vừa rồi trên mạng có tiết lộ, thì ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và kể cả trong hiệp định Genève thì Trung Quốc cũng đã ép Việt Nam rất nhiều. Và chúng tôi không thể nào quên được cuộc chiến tranh năm 1979, biết bao đồng bào chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh. Đó là chưa nói năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa, thì một bộ phận quân đội của chính quyền Sài Gòn cũng đã có nhiều người hy sinh. Đó là những người Việt hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Rồi sau đó trên bộ cũng như trên biển Trung Quốc cũng đã tấn công một số vụ, và nhiều chiến sĩ QĐNDVN đã hy sinh. Nói như vậy để thấy bản chất bành trướng của Trung Quốc là không thay đổi.
Vì vậy bản thân tôi không lấy làm lạ khi thấy Trung Quốc ngày càng tăng cường bắt ngư dân, cấm ngư dân đánh cá trong vùng lãnh hải của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Rồi gần đây như chị nói, có sự kiện đó. Điều này làm cho nhân dân Việt Nam rất bất bình, bởi vì Việt Nam là nước có chủ quyền. Hải phận quốc tế là vùng đã được quy định bởi luật biển, thì không có lý do gì Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành hải phận riêng của mình, và uy hiếp các nước nhỏ.
Vừa qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có tuyên bố phản đối những hành động đó của Trung Quốc. Nhưng mà theo tôi phản đối bằng lời nói không là chưa có hiệu quả. Như Philippines chẳng hạn, khi tàu Trung Quốc đến vùng của họ, thì họ cho không quân họ lên, cuối cùng là Trung Quốc phải rút.
Thành ra tôi nghĩ trong vấn đề này, chính phủ Việt Nam cần phải phối hợp với các nước ASEAN để quốc tế hóa Biển Đông, như chúng ta đã biết. Nếu một nước nào kể cả Việt Nam mà có ý định thảo luận song phương với Trung Quốc là sai lầm. Có thể nói lực lượng quân sự Việt Nam so với Trung Quốc thì không bằng, nhưng ý chí của nhân dân Việt Nam và nhất là tình hình quốc tế hiện nay là không cho phép Trung Quốc hoành hành như vậy được.
Vì vậy chúng ta phải liên kết với quốc tế, với các nước trong khu vực để ngăn chận âm mưu này của Trung Quốc. Và nhất là phải dựa vào lòng dân Việt Nam đang rất bất bình về việc này.
Tôi nói ví dụ như tại sao không để cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lên tiếng phản đối cái thái độ, việc làm ngang ngược đó của Trung Quốc, mà chỉ là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, mà lên tiếng cũng không đủ « đô » (dose : liều lượng) nữa. Thành ra chúng ta phải chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng nhân dân Việt Nam cương quyết như vậy đó. Và chính sức mạnh của nhân dân trong nước cũng như ở hải ngoại sẽ hỗ trợ cho chính phủ.
Chứ không thể là sinh viên biểu tình lại bắt bớ rồi thế này thế kia. Đáng lẽ sinh viên biểu tình thì cứ để sinh viên biểu tình. Bởi vì biểu tình phản đối Trung Quốc trong vụ Hoàng Sa và Trường Sa, họ biểu hiện lòng yêu nước của họ, thì tại sao mình lại ngăn cấm ? Mà mình phải thấy rằng, phải nói với Trung Quốc là đấy, dân tôi là như vậy đấy, thanh niên chúng tôi là như vậy đấy. Mấy ông mà làm lôi thôi thì nhân dân tôi sẽ đứng lên đấu tranh đến cùng.
Phải thấy đây là cái thế mạnh lòng dân của chúng ta! Chứ ngăn cản việc này thì tôi cho là không hợp lý, và không có đạo lý gì cả. Rất mong là trong tương lai chính phủ có một thái độ cương quyết hơn nữa. Mình phải triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại Việt Nam đến để mình phản đối.
Chúng tôi nghĩ là tình hình quốc tế hiện nay, tình hình trong nước cũng như trong khu vực cho phép chúng ta có thái độ kiên quyết để mà bảo vệ vùng lãnh hải của chúng ta, cũng như hoạt động bình thường của ngư dân chúng ta.
Phải chăng Việt Nam không đủ sức bảo vệ ngư dân trên lãnh hải của mình hay vì còn do sức ép nào khác ?
Vấn đề ở chỗ là tình hình hiện nay không cho phép Trung Quốc làm cái việc ngang ngược đó, nếu chúng ta có thái độ cương quyết. Chứ còn nếu chúng ta cứ nhân nhượng mãi thì Trung Quốc sẽ lấn tới, và người chịu thiệt hại nhiều nhất là ngư dân của chúng ta : bị bắt bớ, bị cấm đánh cá…Tức là như vậy chính phủ không bảo vệ được người dân khi người dân đang làm ăn chính đáng, trên hải phận của mình.
Nếu cần thì chúng ta có đủ dữ kiện. Trường Sa Hoàng Sa thì chúng ta đủ sử liệu, chúng ta có thể kiện ra các định chế quốc tế về vấn đề này. Có gì đâu mà phải ngại ? Và quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ bình đẳng. Nếu một bên đối xử bất bình đẳng, thì chúng ta có quyền nói tiếng nói của chúng ta.
Tôi nghĩ là chúng ta đừng có sợ ! Bởi vì đất nước chúng ta là một nước độc lập, và dân tộc chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm để chống xâm lược phương bắc rồi. Tất nhiên là về mặt sách lược, thì chúng ta cũng phải có mức độ mềm dẻo. Nhưng mà mềm dẻo trên nguyên tắc là bảo vệ cho được lợi ích của người dân, bảo vệ cho được vùng lãnh hải của chúng ta.
Không chỉ phát biểu của ngôn viên chính phủ là chừng mực, mà báo chí cũng né tránh, như từ thường xuyên được dùng là « tàu lạ », thay vì « tàu Trung Quốc »…
Bây giờ tình hình dân chủ ở Việt Nam có bước thụt lùi. Báo chí bây giờ không dám nói gì hết, bởi vì đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương ngăn cấm. Nhưng mà tôi cho rằng vấn đề là dũng khí của người làm báo. Phải đặt lợi ích dân tộc lên trên, chứ còn cứ toàn im lặng thì không đúng. Gần đây như chị biết đó, sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, học năm thứ ba Quốc gia Hành chánh ở Hà Nội, trong vụ Cù Huy Hà Vũ cũng rất dũng cảm nói lên tiếng nói của mình, rồi tiến sĩ Từ Huy…
Tôi nghĩ là báo chí không nên sợ. Không có gì phải sợ cả, mà phải nói lên tiếng nói. Như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói trong một hội nghị, nói với một trăm nhà văn, là không nên bẻ cong ngòi bút, mà phải nói lên sự thật ; phải nói tiếng nói để bảo vệ lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân.
Thì chúng tôi cũng rất buồn là tình trạng báo chí hiện nay như vậy. Nhưng tôi tin là trong tương lai, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, trong xu thế hình thành một xã hội công dân, tiếng nói của trí thức, của nhiều người kể cả sinh viên, giới trẻ… Thế hệ 8x, 9x đều đã nói lên tiếng nói của mình, thì tôi nghĩ là báo chí không thể nào im lặng được!
Có ý kiến đưa ra là lập một quỹ nào đó để bảo vệ ngư dân vì mỗi lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc là những người làm ăn chân chính phải phá sản. Trong khi chính sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên vùng biển cũng là một sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam…
Đúng rồi, tôi thấy thật ra đó là cái nghĩa vụ của nhà nước. Một khi ngư dân bị thiệt hại quyền lợi vì những việc làm không đúng của Trung Quốc như vậy, thì chính phủ phải đứng ra bảo hộ quyền lợi của ngư dân. Cũng như nông dân vậy thôi, nếu thất mùa thì phải hỗ trợ. Mà tôi cho trách nhiệm chính là của nhà nước. Chứ đừng để một số ngư dân trước đây là « vua biển », bây giờ phải gác, không còn hành nghề được nữa. Và tôi nghĩ là bên cạnh chính phủ thì tất nhiên là các tầng lớp nhân dân cũng nên ủng hộ. Việc thành lập một quỹ để hỗ trợ cho ngư dân là cần thiết.
Trở lại vụ vừa rồi, hình như VN có mạnh dạn hơn, không chỉ phản đối mà còn đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Liệu đây có phải là một động thái thay đổi thái độ ?
Việc quốc tế hóa tình hình Biển Đông, rồi gần đây có một số động thái…thì tôi nghĩ là đứng trước việc làm trắng trợn, hống hách của Trung Quốc, chính phủ Việt Nam không thể nào nhân nhượng mãi mà phải có thái độ quyết liệt hơn.
Thì chúng ta chờ xem trong tương lai, thái độ của Trung Quốc sẽ như thế nào, và chính phủ Việt Nam đối phó ra sao. Cũng tin tưởng rằng nhà nước Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trước những mưu toan của Trung Quốc muốn làm bá chủ Biển Đông. Cũng như một số nước, tôi thấy Philippines họ đâu có mạnh về quân sự, nhưng mà họ rất kiên quyết.
Dư luận hiện nay về vấn đề này như thế nào, và các diễn đàn trên mạng thì ông có theo dõi không ?
Tôi có theo dõi, và nói chung là dân Việt Nam rất cảnh giác đối với bành trướng phương bắc. Do đó mà đứng trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc, có thể nói là đại bộ phận nhân dân rất bất bình, nhưng họ không có phương tiện để nói lên tiếng nói đó thôi.
Thì một số cư dân trên mạng đã nói lên những tâm tư nguyện vọng, thái độ của họ rồi. Tôi cho là nếu có một cuộc trưng cầu dân ý về những vấn đề đó, thì chắc chắn là đại bộ phận phản đối việc làm đó của Trung Quốc.
Mà tôi nghĩ đó là cái thế mạnh, thì nhà nước Việt Nam nên dựa vào dân để đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chỉ dựa vào lực lượng quân sự thì không đủ, mà chính dân mới là yếu tố quyết định !
Xin rất cám ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
28/05/2011