mercredi 28 mars 2012

XIN CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG NẠN BUÔN NGƯỜI

Tình trạng buôn người là một vấn nạn lớn mà quốc tế đang gia tăng nỗ lực để bài trừ. Một số người Việt đi lao động ở nước ngoài có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Sau đây là những hướng dẫn để giúp đồng bào nhận diện được thế nào là buôn người lao động và làm sao để tìm sự giải cứu nếu là nạn nhân.
Ai là nạn nhân của nạn buôn lao động ?
Khi người lao động: (1) bị bóc lột trầm trọng, (2) bị lường gạt hay cưỡng bách vào tình trạng bị bóc lột, và (3) không thể thoát khỏi cảnh bóc lột vì bị tịch thu giấy tờ, bị đe doạ, bị khống chế, hay bị nợ nần.

 

Ví dụ: Anh A ký hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động để đi Malaysia làm việc. Hợp đồng hứa trả 250 Mỹ kim một tháng cho 8 giờ làm việc mỗi ngày và 6 ngày một tuần, có bảo hiểm và được nghỉ các ngày lễ. Anh thế chấp nhà và đất ruộng cho ngân hàng để trả phí dịch vụ cho môi giới và công ty xuất khẩu lao động. Tuy nhiên khi đến nơi, chủ sử dụng lao động đã bắt anh A lao động 12 giờ mỗi ngày nhưng chỉ trả anh 150 Mỹ kim một tháng sau khi khấu trừ nhiều khoản linh tinh. Anh A làm nhiều đơn thỉnh nguyện nhưng không được giải quyết. Anh không thể bỏ việc vì phải làm để trả nợ; anh không thể bỏ đi làm nơi khác vì chủ đã tịch thu hộ chiếu; anh lại không có tiền để mua vé máy bay hồi hương chưa kể là trở về tay không thì sẽ mất nhà cửa, mất ruộng đất. Chủ còn hăm dọa sẽ giao anh cho cảnh sát và anh sẽ bị giam cầm vì không có giấy tờ hợp lệ. Anh A là nạn nhân của nạn buôn lao động.
Hiện nay 128 quốc gia đã có luật phòng, chống buôn người, với các điều khoản về bảo vệ nạn nhân và trừng trị thủ phạm. Ngày 31.3.2011 Quốc Hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ Luật Phòng, Chống Mua Bán Người. ( Ảnh chụp một số bị cáo ra tòa vì tội tổ chức xuất khẩu lao động trái pháp luật ).
Phải làm gì nếu là nạn nhân buôn người ?
Nạn nhân hãy liên lạc ngay với các cơ quan chính quyền và các tổ chức phi chính phủ chuyên trách chống buôn người ở quốc gia sở tại để họ giải cứu, bảo vệ, và hỗ trợ cho việc hồi hương. Hiện nay gần 150 quốc gia trên thế giới đã thông qua luật chống buôn người, và ở nhiều quốc gia đã có những tổ chức địa phương hay quốc tế chuyên bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn người.
Các người thân của nạn nhân ở Việt Nam có thể liên lạc bằng E-Mail về địa chỉ: E-Mail: chongbuonnguoivn@gmail.com, hoặc gọi điện thoại về 2 số điện thoại khẩn cấp dưới đây:
- Điện thoại: 01234.182.240, địa chỉ: 180/2 Nguyễn Lương Bằng, P. Quang Trung, Q. Đống Đa, Hà Nội.
- Điện thoại: 01287.140.954, địa chỉ: 38 Kỳ Đồng, P. 9, Q. 3, Sàigòn.
Chúng tôi sẽ giúp chuyển hồ sơ đến các cơ quan hay tổ chức hữu trách ở các quốc gia nơi nạn nhân đang lao động để tìm sự can thiệp.
=====================================
10 ĐIỀU LƯU Ý KHI ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
1. Bạn chỉ ký mượn tiền của ngân hàng và trả các khoản chi phí sau khi đã ký bản hợp đồng với công ty môi giới Xuất Khẩu Lao Động ( XKLĐ ). Công ty môi giới XKLĐ phải đưa bản hợp đồng cho bạn ký ít nhất 5 ngày trước ngày xuất cảnh.
2. Trước khi ký kết hợp đồng bạn cần dành thời giờ để đọc kỹ các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ của chủ sử dụng lao động nước ngoài, công việc, thời gian lao động, lương căn bản, lương phụ trội, điều kiện sinh hoạt, chi phí… và so sánh chúng với các thông báo tuyển dụng, hợp đồng cung ứng lao động mà công ty môi giới XKLĐ đã ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài. Bạn cần giữ kỹ các bản sao hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ để dùng khi có tranh chấp.
3. Khi trả bất cứ khoản chi phí nào cho công ty môi giới XKLĐ bạn cần đòi hỏi biên lai, biên nhận. Biên lai, biên nhận phải phản ảnh đúng và đủ các khoản phí bạn đóng cho công ty môi giới XKLĐ. Bạn cần giữ kỹ các biên lai, biên nhận để dùng khi có tranh chấp.
4. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động bạn cần gọi điện thoại, gửi thư, email, fax cho công ty môi giới XKLĐ để yêu cầu can thiệp và ghi chép lại nội dung và ngày tháng năm của những trao đổi đó.
5. Bạn cần mang theo trong người các thông tin liên lạc ( số điện thoại, fax, email, địa chỉ ) của đại diện công ty môi giới XKLĐ, Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ để dùng khi cần sự giúp đỡ nơi xứ lạ quê người.
6. Để tránh bị lường gạt, bạn không nên tin vào lời giới thiệu, hứa hẹn của các “cò môi giới” – dù đó là người quen hoặc là người được người quen giới thiệu – và không giao tiền cho họ. Bạn tuyệt đối không nên ký hợp đồng với những công ty không có chức năng XKLĐ. Nhiều công ty không có chức năng XKLĐ vẫn tuyển người trái phép. Bạn nên tránh những công ty đã có thành tích lường gạt công nhân về hợp đồng, vi phạm hợp đồng đã ký kết, hay phạm luật XKLĐ.
7. Bạn không nên đi XKLĐ khi chủ sử dụng lao động ở nước ngoài là một công ty môi giới lao động ( outsourcing ). Loại công ty này thường ăn chặn tiền lương, bóc lột sức lao động nên bạn dễ lâm vào tình trạng bị buôn người.
 

8. Bạn không nên ký kết nếu bản hợp đồng “nội” và bản hợp đồng “ngoại” có nội dung khác biệt với nhau. Nếu có sự khác biệt thì đó là dấu hiệu của sự lường gạt. Bạn không nên ký kết nếu không được cung cấp bản hợp đồng ít nhất 5 ngày trước khi lên đường đi lao động.
9. Bạn không nên để công ty môi giới XKLĐ tịch thu các giấy tờ, hợp đồng, biên lai, biên nhận của bạn. Điều này thường xảy ra khi công nhân ra phi trường để lên đường đi lao động.
10. Khi về nước, bạn không nên thanh lý hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ khi mọi quyền lợi của bạn chưa được thỏa mãn. Một số quyền lợi chính yếu khi bạn phải về nước trước hạn hợp đồng do lỗi của công ty môi giới XKLĐ hoặc do một sự kiện bất khả kháng là bạn có quyền đòi lại tiền dịch vụ, tiền môi giới và bồi thường thiệt hại.

Theo EPHATA số 499