Hà Nội-Bắc Kinh ‘đấu khẩu’ vụ bắt ngư dân Việt gần Hoàng Sa
Đăng vào ngày 23/03/2012 @10:32 SángBẮC KINH (NV) - Bắc Kinh hôm Thứ Năm nhìn nhận vụ bắt giữ hai tàu đánh cá với 21 ngư dân của Việt Nam đòi tiền chuộc và coi đó là những hoạt động ngư nghiệp bất hợp pháp tại phần biển đảo của họ, sau khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam đòi Trung Quốc trả tự do cho ngư dân và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 21 tháng 3, 2012 phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đòi Trung Quốc thả hai tàu và 21 ngư dân của huyện đảo Lý Sơn đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ ngày 3 tháng 3, 2012 khi họ đánh cá gần Hoàng Sa. Họ bị kéo về đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và đòi tiền chuộc 70 ngàn nhân dân tệ (khoảng ($11,000 USD).
Ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói, “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển chung quanh. Ngư dân Việt đến đánh cá, khai thác hải sản ở khu vực này là chuyện bình thường.”
Nhưng tại Bắc Kinh, Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại kêu gọi Việt Nam “ngừng đánh cá bất hợp pháp ở trong biển Ðông”.
Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 sau một trận hải chiến với hải quân VNCH nhưng Hồng Lỗi hôm Thứ Năm nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại quần đảo Hoàng Sa”. Và “Các tàu đánh cá của Việt Nam vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Các hành động (bắt giữ) của nhà cầm quyền Trung Quốc là bảo vệ luật pháp”.
Trên bản tin của Hoàn Cầu Thời Báo, Hồng Lỗi kêu rằng một số lớn tàu thuyền đánh cá của Việt Nam đã tới khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) để khai thác hải sản. Hồng Lỗi đòi Việt Nam “giáo dục ngư dân và chấm dứt những hành động như vậy trong vùng biển của Trung Quốc”.
Báo chí tại Việt Nam đưa tin hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập sâu vào hải phận Việt Nam đánh cá chỉ bị xua đuổi mà không thấy bắt giữ hay phạt tàu nào.
Từ nhiều năm gần đây, lời qua tiếng lại về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt lên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đều là hai hập trường đối chọi nhau hoàn toàn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bên nào cũng cả quyết các quần đảo và biển chung quanh là thuộc chủ quyền nước mình “không thể tranh cãi”.
Trung Quốc từ năm 1988 tới 1995 mới đem tàu tới cướp một số đảo nhỏ hay bãi đá ngầm tại khu vực quần đảo Trường Sa rồi cậy thế nước lớn hò hét cả vùng biển rộng lớn là của mình từ thời cổ đại. Quần đảo Hoàng Sa thì cướp trọn từ năm 1974.
Bây giờ, với một quân đội và hải quân ăn trùm cả khu vực, Trung Quốc ngày càng ỷ thế bá quyền nước lớn, lấn mãi tới.
Việt Nam cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối hoặc gửi công hàm tới Bắc Kinh mỗi khi xảy ra những vụ bắt giữ tàu đánh cá hay cản trở hoạt động thăm dò dầu khí ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của mình. Tất cả những phản đối này đều bị Bắc Kinh phản bác và Việt Nam không có một hành động nào khác hơn để bảo vệ ngư dân và chủ quyền lãnh thổ của mình.
Theo AFP, hôm Thứ Năm, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Việt Nam Cao Ðức Phát đề nghị thành lập một “lực lượng kiểm soát nghề cá” tương tự như của Bắc Kinh vừa để bảo vệ ngư dân vừa để chống lại các hoạt động ngư nghiệp bất hợp pháp của nước ngoài trên vùng biển Việt Nam.
Báo chí Việt Nam vài năm trước chỉ dám loan tin “tàu lạ” đã đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, nhưng nay đã nói rõ là tàu Trung Quốc.
Vụ phản đối Trung Quốc khi bắt giữ 2 tàu đánh cá huyện đảo Lý Sơn ngày 3 tháng 3, 2011 là vụ rắc rối mới nhất xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa. Ðiều đáng nói là vụ việc diễn ra đúng vào ngày TTXVN loan tin hai nước thành lập ‘đường dây điện thoại nóng’ để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh bất ngờ trên biển.
Không thấy có tin tức nào cho biết ‘đường dây điện thoại nóng’ đó đã giúp giải quyết gì trong vụ bắt giữ 2 tàu và 21 ngư dân Lý Sơn chưa? Không ai biết.
Cuối tháng 2 vừa qua, Việt Nam cũng phản đối Trung Quốc bắn và cản trở một tàu đánh cá của Quảng Ngãi chạy tới đảo Phú Lâm tránh gió bão. Tàu này vừa bị bắn, ngư dân bị đánh đập và bị tịch thu hết sản phẩm, trang bị nghề cá và dụng cụ hải hành đều bị cướp sạch.
Từ đâu năm đến nay, Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc có các hoạt động bất hợp pháp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng cũng chỉ là những lời phản đối suông, không có tác dụng tích cực.
* Tàu hải giám ép sát dàn khoan dầu
Ngày 22 tháng 3 năm 2012, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc đưa ra một ký sự gồm 2 hình ảnh nói rằng các tàu Hải Giám 75 và Hải Giám 83 của cơ quan thanh tra nghề cá của Trung Quốc hoàn tất chuyến tuần tra thứ 3 trên biển Ðông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).
Một tấm hình cho thấy tàu Hải Giám 71 chạy rất gần một dàn khoan dầu trên biển Ðông không thấy nói của nước nào, mà chỉ thấy báo này nói là chạy gần một trong hơn 30 dàn khoan “bất hợp pháp” của nước ngoài trên biển Ðông. Một tấm hình cho thấy 3 người quay phim đứng trên một chiếc tàu quay phim một dàn khoan họ gọi là “bất hợp pháp”.
Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố bản đồ hình “Lưỡi Bò” chiếm đến 80% biển Ðông rồi nói thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ðây là lý do tại sao năm ngoái tàu Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của hai tàu Việt Nam nằm sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 15 tháng 3, 2012 trang thông tin mạng Bauxite Vietnam có một bản tin ngắn kèm theo 2 tấm hình nói ngày 9 tháng 3, 2012 vừa qua, một số tàu hải giám của Trung Quốc đã tới rất sát dàn khoan mỏ dầu Chim Sáo của Việt Nam (lô 12W trong khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn) trong đó có tàu Hải Giám 71. Mấy tàu này chỉ bỏ đi khi một chiếc tàu kéo dịch vụ của Việt Nam tiến đến.
Không thấy báo chí chính thống của Việt Nam đề cập trong khi nhà cầm quyền nín lặng.
Chiếc tàu Hải Giám 71 được tờ Hoàn Cầu Thời Báo chụp đưa lên mạng trong bản tin hình về cuộc tuần tra của đội tàu Hải Giám của tỉnh Quảng Ðông gần đây. (T.N.)
Theo Người Việt Online