samedi 17 mars 2012

Cuộc đấu tranh chống kiểm duyệt và thay đổi xã hội ở Việt Nam

Hồng Phúc chuyển ngữ, 
Amruta Karambelkar, Eurasia Review

Các quốc gia phi dân chủ thường được biết đến bởi các hành vi kiểm soát cá nhân, kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, nghệ thuật và các hình thức biểu đạt phổ biến khác. Logic cơ bản nhất là để ngăn chặn bất kỳ sự thách thức nào đối với quyền lực nhà nước. Vi phạm pháp luật do đó được xử lý với mức độ rất nghiêm trọng nhằm thể hiện sự không dung thứ với một số hành động. Việt Nam tiếp cận cách thức này một cách rập khuôn. Việt Nam hình sự hóa và cấm lưu hành các thông tin mang tính đối lập với chính phủ. Truyện tranh của Nguyễn Thành Phong có tiêu đề ‘Sát thủ đầu mưng mủ’ là cuốn sách mới nhất bị cấm xuất bản. Tuy nhiên, lệnh cấm đã không ngăn cản những thanh niên tìm đọc nó, vì họ có thể truy cập trực tuyến trên mạng cũng như tìm mua tại các thị trường chợ đen. Hiện nay Việt Nam có hơn một triệu người sử dụng mạng Facebook mặc dù trang web này đang bị chặn. Phải chăng những phát triển này cho thấy i) cuộc đấu tranh chống kiểm duyệt và ii) tâm lý thanh niên trong một xã hội Việt Nam đương đại đang ‘phá vỡ sự kiểm duyệt’? Bài viết này cố gắng đưa ra các giải thích đó.

 
Bìa sách "Sát thủ đầu mưng mủ". Ảnh: VnExpress

Kiểm duyệt không hiệu quả
Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam cấm phân phát những thông tin mang tính phản đối chính phủ. Chính phủ thường trừng trị thẳng tay những người bất đồng chính kiến, (nói chung là các nhà báo và nhà văn) đặc biệt là những người thể hiện các ý tưởng đối nghịch với các chính sách hay ý tưởng chính thức của Đảng Cộng sản. Các tài liệu khiêu dâm thường xuyên bị tịch thu và đốt hủy. Bên cạnh đó, chính phủ kiểm duyệt internet rất nghiêm ngặt. Các quán cà phê internet được hướng dẫn phải theo dõi những hoạt động của người sử dụng, cùng lúc phải kiểm tra để không có thông tin bí mật hay tài liệu phản động nào được truy cập. Tuy nhiên, nhiều trong số những quy định đó thường không được tuân theo. Nếu các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện thì hầu như việc này có thể giải quyết bằng cách trả tiền hối lộ. Chơi game trực tuyến cũng không được phép nhưng các dịch vụ này thường được điều hành trong bóng tối để tránh bị bắt.

Nói chung, luật kiểm duyệt tại Việt Nam rất phức tạp, nó cho phép mỗi cá nhân tìm chiến thuật không gian riêng để có những biểu đạt riêng của họ. Liên quan đến kiểm duyệt internet, việc này hầu như không có hiệu quả vì các kỹ thuật yếu kém, và tường lửa tại Việt Nam có thể bị bẻ khóa dễ dàng. Bên cạnh đó, kiểm duyệt internet chủ yếu bao gồm các trang web bằng tiếng Việt hoặc về các vấn đề tại Việt Nam; các trang web tiếng Anh hiếm khi nhận được sự quan tâm của chính phủ. Và hầu hết các tờ báo trực tuyến Việt Nam được xuất bản từ nước ngoài. Samantha Libby so sánh sự việc này với nghệ thuật trực quan tại Việt Nam và phát hiện một điều thú vị, rằng các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam không thể hiểu nổi những gì đang đe dọa họ. Những người ở Việt Nam vẫn có thể mua truyện tranh của Nguyễn Thành Phong ở trang amazon.com hay các thị trường chợ đen, và các blogger vẫn tiếp tục viết về những ý tưởng tự do và dân chủ.

Chính phủ xem thay đổi hành vi của thanh niên là mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Một mặt họ tiếp tục xử lý nghiêm các vụ bắt giữ, mặt khác họ đang cố gắng thích nghi để đối phó với dân số trẻ trong nước. Lo sợ sự ra đời của Facebook, chính phủ Việt Nam đã ra mắt trang web mạng xã hội go.vn và các trò chơi trực tuyến mà được cho là đúng với văn hóa Việt. Họ đang phải vật lộn để duy trì sự ảnh hưởng tư tưởng của họ đối với các thanh niên Việt Nam.

Mặc dù vậy, thanh niên đã trưởng thành để có sự lựa chọn riêng của họ. Đỗ Quỳnh Trang, một sinh viên 19 tuổi, ủng hộ việc kiểm duyệt các thông tin có nội dung bạo lực hoặc khiêu dâm. Nhưng cô chọn mua truyện tranh ‘Sát thủ đầu mưng mủ’ vì cuốn truyện có nhiều tiếng lóng ngồ ngộ, bất chấp cảnh báo rằng cuốn truyện chỉ nên dành cho những người từ 18 tuổi trở lên (The Associated Press, 2012).

 
Kiểm duyệt Internet ở các nước trên thế giới. Ảnh: RSF
Lương tâm phản đối

Chính phủ Việt Nam quyết định những gì công dân của họ nên hoặc không nên xem. Tuy nhiên, thái độ của thanh thiếu niên có vẻ hơi nổi loạn. Nhưng điều gì đang gây ra sự thay đổi thái độ giữa các thanh niên?(một người có chút suy nghỉ bình thường củng không thể chấp nhận-blogger)

Thực tế hiện trạng kinh tế – xã hội của Việt Nam ngày nay hoàn toàn khác với cách nó được dự đoán bởi chính phủ. Các nghệ sĩ đương đại trình bày điều này khá hiệu quả. Truyện tranh của Nguyễn Thành Phong có các tiếng lóng và ngôn ngữ phổ biến cụ thể dành cho thế hệ trẻ. Cuốn truyện có các hình ảnh đào sâu vào quân sự, tham nhũng cũng như phản ánh sự chênh lệch kinh tế của xã hội đương đại Việt Nam. Chính phủ và các thế hệ lớn tuổi phản đối các thành ngữ như vậy, điều mà họ cho đây là sẽ gây phương hại đến nền văn hóa của Việt Nam.

Các hệ thống giá trị tại đây đang thay đổi với những thay đổi tương ứng trong hệ thống chính trị. Đây là thế hệ 9X (sinh vào những năm 1990, sau giai đoạn Đổi mới), họ có nhiều lựa chọn và đòi hỏi nhiều hơn. Sự thay đổi này là kết quả của việc toàn cầu hóa của Việt Nam, trong đó giới trẻ được tiếp xúc với nhiều hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Lối sống của họ không khác nhiều nếu so với những người đồng lứa tuổi ở những nơi khác. Người Việt hải ngoại là công cụ trong việc chuyển tải thông tin mà giới trẻ cho đến nay không có được, và nói chung việc này đã tạo ra sự nhận thức rộng lớn hơn. Như vậy, mặc dù nhà nước quản lý thông tin khá chặt chẽ nhưng thanh niên ngày nay vẫn tìm cách truy cập các thông tin mà họ mong muốn. Việc này ngụ ý rằng họ có vẻ như không hài lòng bởi sự kiểm soát của chính phủ. Các nguyện vọng của họ đang thay đổi mà hầu như chính phủ không thể nào được đáp ứng được.

Vì vậy, một trong những lý do ‘đã phá vỡ sự kiểm duyệt là xã hội đang ngày càng thay đổi đối với các thanh niên vì sự toàn cầu hóa’. Một lý do khác có thể là sự bất đồng ở các tầng lớp chính trị. Nền kinh tế mở cửa đã có tác động lên giai cấp cầm quyền, làm cho họ trở thành tầng lớp thượng lưu. Trong đó, những người bình thường phải sống một cách khổ hạnh thì tầng lớp chính trị lại có lối sống hết sức sang trọng. Luật pháp cũng được áp dụng một cách không đồng đều. Để minh chứng cho việc này, các kênh truyền hình vệ tinh quốc tế được giới hạn trong các thành phần lãnh đạo chính trị cấp cao và các quan chức, trong khi đó những người khác chỉ được xem truyền hình quốc gia. Thế hệ già nua với các niềm tin cộng sản có thể không sẵn sàng thách thức giai cấp thống trị bao dung của họ, nhưng dân số trẻ như Nguyễn Thành Phong và một số blogger khác bằng nhiều cách lại chọn bày tỏ các quan điểm bất đồng ​​của họ. Họ cố gắng biểu hiện các hình ảnh thực trong môi trường xung quanh họ. Bằng cách đó, họ chấp nhận các nguy cơ để vượt qua sự kiểm duyệt của chính phủ.

* Amruta Karambelkar là Nghiên cứu sinh thực tập tại SEARP thuộc Institute for Peace and Conflict Studies. Địa chỉ email liên lạc: amrutak@gmail.com.
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT