vendredi 16 mars 2012

Chống học tiếng Hoa thế nào cho đúng?

Lê Diễn Đức
 
Trước hết tôi muốn nhấn mạnh học để biết thêm tiếng Trung là điều rất nên trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay và trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đang ngày mỗi mở rộng hơn cùng với sự phát triển kinh tế, quốc phòng của cường quốc này.
 
Biết thêm ngoại ngữ là đáng quý
 
Ở thế hệ tôi, trong những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với tiếng Nga, tiếng Trung đã đuợc đưa vào chương trình giáo dục từ cấp II, tức từ lớp 5 hồi đó.
 
Vào thời bấy giờ, đeo khăn quàng đỏ hát vang "Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa - Dập dìu thành phố hát lên lời chan hoà - Nhiệt tình đoàn kết anh em Việt - Trung - Xô...", chúng tôi say mê, tự hào được học hai ngôn ngữ của những người anh đầu đàn trong phe xã hội chủ nghĩa!
 
Nhưng chỉ được mấy năm. Không biết cuộc xung đột biên giới Xô-Trung nổ ra và sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa hai nước có tác động gì vào chương trình giáo dục hay không, nhưng lên cấp III tiếng Trung bị loại bỏ, chỉ còn tiếng Nga. Tất cả học sinh miền Bắc bấy giờ nuôi hoài bão chung của lão nông dân trong thơ Tố Hữu: được đi Nga du học, nên rất chăm chú học tiếng Nga.
 
Vào thập kỷ 90, khi Ba Lan không còn là nước cộng sản, buôn bán bắt đầu nhộn nhịp, hàng hoá Trung Quốc tràn ngập và cạnh tranh mạnh vì giá rẻ, cộng đồng người Việt sinh sống tại Ba Lan tấp nập nhắm hướng gió Đông, ban đầu đi Hongkong, sau đó đến nhiều miền của Trung Quốc đặt hàng quần áo, giày dép, nhập về thị trường Nga và các nước Đông Âu khác.
 
Không ngờ vốn tiếng Trung ít ỏi từ hồi bé đã giúp tôi hữu hiệu trong những lần giao thiệp ở Hongkong và trên Trung Hoa lục địa.
 
Vốn liếng ngôn ngữ "còm" của tôi được tiếp nhận bao dung và khích lệ bởi những người bạn hàng Trung Quốc, gây nên những tiếng cười sảng khoái, thân thiện khi tôi phát âm sai, hoặc chỉ nói đuợc vài tiếng mà cũng cố gằng đùa vui vẻ với các cô gái phục vụ ở nhà hàng, khách sạn hay nơi sản xuất.
 
Từ những trải nghiệm qua nhiều nước, tôi luôn khuyến khích các con mình học ngoại ngữ. Biết ít cũng được, nhưng biết thêm thứ tiếng nào là thêm một dấu cộng tích cực cho cuộc sống, tôi dạy các con như thế.
 
Hai con trai nhỏ của tôi hiện nay, từ lúc 5 tuổi đã học ở trường của đại sứ quán Pháp tại Ba Lan, trong đó ngoài tiếng Pháp, người ta dạy thêm tiếng Anh. Cả hai đứa nói giỏi tiếng Ba Lan vì được gửi nhà trẻ và mẫu giáo từ bé. Khi ở nhà chúng tôi nói chuyện với con chỉ bằng tiếng Việt, mà tôi thường nói đùa xem như một ngoại ngữ của trẻ em Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Mỗi lần chúng về Việt Nam, bà ngoại còn thuê cô giáo dạy thêm viết và đọc. Có lẽ nhờ sớm quen nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, khi sang Mỹ, hai đứa nhanh chóng đuổi kịp bạn bè trong lớp, không gặp khó khăn bao nhiêu về tiếng Anh trong buổi ban đầu.
 
Khi nói đến tiếng Nga, người Việt ở Hoa Kỳ có thể cảm thấy xa lạ, nhà quê, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, trước khi giữ các trọng trách của chính phủ dưới thời Tổng Thống Bush cha và Tổng thống Bush con, bà Condoleeza Rice là Tiến sĩ khoa học xã hội, một trong những giáo sư Xô-Viết học nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Bà không cần phiên dịch, nói chuyện bằng tiếng Nga trực tiếp với Putin trong những lần gặp gỡ.
 
Tôi thích câu nói của một bạn trên Facebook: Thậm chí rất nên học tiếng của kẻ thù.
 
Không rõ ràng và mâu thuẫn 
 
Thông qua báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) vừa công bố lấy ý kiến dư luận về dự thảo chương trình đưa tiếng Hoa vào cấp tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, tiếng Hoa sẽ được giảng dạy ở hai cấp học này với số lượng 4 tiết mỗi tuần (báo Giáo dục Việt Nam ngày 13/3/2012).
 
Tôi nhận thấy nội dung của công bố lúc đầu đăng trên báo chí là không rõ ràng, gây ngộ nhận. 
 
Trước hết, dùng "tiếng Hoa" chung chung, Bộ GD & ĐT làm người tiếp nhận bị lúng túng, không biết tiếng Hoa ở đây là tiếng cụ thể nào, của địa phương nào, hay là tiếng Trung nói ở thể Quan Thoại chuẩn là ngôn ngữ chính thức của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa như trong thập niên 60.
 
Trong thực tế, Hoa ngữ chỉ là một trong họ ngôn ngữ Trung Quốc có ngữ điệu thuộc hệ ngôn ngữ Hán-Tạng: Hán ngữ, Hoa ngữ, hay Trung văn (Hànyǔ, Huáyǔ, hay Zhōngwén). Mặc dù văn viết (wén - ) giống nhau từ đầu thế kỷ 20 là bạch thoại (nghĩa là thứ tiếng bình dân dựa trên tiếng Quan Thoại) được sử dụng gần như cùng một bộ chữ Trung Quốc, nhưng các địa phương trên lãnh thổ Trung Quốc có "văn nói" (yǔ - ) rất đa dạng, theo Wikipedia.
 
Theo thông tin được cập nhật hôm sau thì thấy Bộ GD & ĐT xác dịnh đối tượng học tiếng Hoa là "học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam". Một loạt câu hỏi khác xuất hiện từ điểm này.
 
Nếu phổ cập 4 tiết mỗi tuần trong các trường, vậy vào các giờ học tiếng Hoa, học sinh không phải sắc tộc Hoa sẽ nghỉ học? hay là sẽ có riêng lớp và giờ phụ trội cho học sinh sắc tộc Hoa?  
 
Tại sao sắc tộc Hoa được ưu đãi học tiếng mẹ đẻ, trong khi rất nhiều dân tộc thiểu số khác song song tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam và vượt trội sắc tộc Hoa về dân số, thì không?
 
Kết quả tổng điều tra dân số chính thức của Tổng cục Thống kê năm 2009 cho thấy dân số các sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam như sau: Dân tộc Tày có 1.626.392 người - Dân tộc Thái có 1.550.423 người; Dân tộc Mường có 1.268.963 người - Dân tộc Nùng có 968.800 người - Dân tộc Khmer có 1.260.640 người - Dân tộc Chăm có 132.873 người - Dân tộc Hoa có 823.071 người (tập trung nhiều nhất tại Sài Gòn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bắc Giang ).
 
Như vậy nếu xét trên phương diện bình đẳng xã hội thì thứ tự ưu tiên chính đáng phải thuộc về các dân tộc thiểu số khác chứ không thuộc về người Hoa.
 
Rõ ràng chính sách phân biệt đối xử này trái với đạo đức và chắc chắn không được xã hội chấp nhận. Mặt khác, trong thực tế các dân tộc thiểu số tại Việt Nam vẫn có trường lớp dạy thêm tiếng mẹ đẻ. Một chính sách đúng đắn là hỗ trợ và khuyên khích nhân rộng học tiếng mẹ đẻ trong các cộng đồng, chứ không phải là đưa thành chương trình phổ cấp tại các trường trong khi nhà nước không đủ sức bao sân hết tất cả các sắc tộc.
 
Cũng theo tinh thần của Bộ GD & ĐT, thì tiếng Hoa cho học sinh sắc tộc Hoa, chứ không phải Trung văn là ngoại ngữ chính thức trong cho hệ tiểu học và trung học cơ sở.
 
Theo tôi, nếu trong tương lai, tiếng Trung được đưa vào chương trình giảng dạy là điều tốt, nhưng nên là ngoại ngữ thứ hai trong nhóm các ngoại ngữ khác mà học sinh có thể tuỳ ý tự chọn sau tiếng Anh.
 
Việt Nam cũng nên học tập các quốc gia có hệ thống giáo dục văn minh, có kinh nghiệm lâu đời, tức là ngoại ngữ thứ hai được tự chọn bắt đầu từ cấp II chứ không bắt đầu từ tiểu học.
 
Đổ lửa vào thùng thuốc súng
 
Nếu không phải là cố ý với ẩn ý nào đó, tôi cho rằng dự thảo đưa tiếng Hoa vào nhà trường của Bộ GD & ĐT trong tình hình hiện nay là ngu xuẩn.
 
May mắn cứu vớt cho sự ngu xuẩn này là Bộ GD & ĐT đã đưa ra xin ý kiến rộng rãi của dư luận, chứ chưa phải là sự thực thi hay thử nghiệm.
 
Không cần phân tích nhiều, suốt trong thời gian dài, nổi cộm từ năm 2009 và đỉnh điểm từ mùa hè năm 2011, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Trung Quốc và đối với dân đã làm mất hoàn toàn niềm tin vào sự chính danh của chế độ.
 
ĐCSVN đã và đang trắng trợn đưa đất nước vào sự lệ thuộc và vòng khống chế của Trung Quốc về kinh tế, an ninh quốc phòng và xã hội.
 
Chúng ta có thể bắt đầu bằng sự kiện khai thác Bauxite Tây Nguyên trong năm 2009. Bất chấp ba lần viết thư kêu gọi của Tướng Giáp, làm ngơ trước các ý kiến phản biện của nhiều đại biểu quốc hội, trước thư thỉnh nguyện với hai ngàn chữ ký của các chuyên gia, trí thức và công dân Việt Nam cảnh báo rủi ro kinh tế, nguy cơ ô nhiễm môi sinh và an ninh quốc phòng trên vùng chiến lược, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn vội vã cho Trung Quốc thực hiện dự án, mà hôm nay bê bối diễn ra đang kéo theo nhiều ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài dự toán.  
 
Tiếp đến, việc thay đổi ngày đã định cho lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đúng vào ngày quốc Khánh Trung Quốc, ngày 1 tháng 10, đồng thời dự tính cho ra mắt bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long” được đầu tư tiền tỷ và bị Hán hoá gần như 100%, đã làm cho dân chúng sửng sốt và bất bình.
 
Người Hoa hiện đang nắm trong tay gần 300 ngàn hécta rừng đầu nguồn của Việt Nam với hợp đồng thuê 50 năm. Không chỉ riêng dân chúng bình thường, hành vi này đã bị các lão tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh cùng nhiều nhà cách mạng lão thành sừng sỏ khác phê phán dữ dội.
 
Người Trung Quốc đã và đang thực hiện hơn 90% tổng thầu EPC những đề án đầu tư công quan trọng nhất của Việt Nam. Việt Nam sẽ lệ thuộc lâu dài vào công nghệ lạc hậu, dịch vụ bảo trì, trong khi công trình nào cũng có vấn đề, không bàn giao chậm thì trục trặc kỹ thuật. Từ các công trình này, hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc ngang nhiên có mặt ở nước ta trên khắp ba miền, còn nhà nước dường như phủi tay bất lực trước tình trạng lao động bất hợp pháp của họ và các vụ gây rối trật tự xã hội do họ gây ra.
 
Suốt từ năm 2007, mạnh tay và rộng khắp từ hè năm 2011, ĐCSVN đàn áp thô bạo những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên biển đảo Việt Nam. Hành động yêu nước của nhân dân bị nhà cầm quyền mặc nhiên xem như tội phạm. Công an không ngừng sách nhiễu, trấn bức, bắt giữ tuỳ tiện các biểu tình viên, điển hình nhất là không có xét xử của toà án, đưa chị Bùi Thị Minh Hằng vào trại cải tạo giáo dục một cách phi lý, ngông cuồng, vi phạm cả hiến pháp của chính chế độ.
 
Rồi tỉnh Lào Cai đi theo vết đổ của Hà Nội, cũng đổi ngày thành lập tỉnh trùng với ngày quốc khánh Trung Quốc. Tiếp theo là các sự cố cờ Trung Quốc 6 sao xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam và trong buổi đón tiếp Tập Cận Bình, ông chủ tương lai của Trung Nam Hải.
 
Hàng triệu người Việt cay đắng và xót xa trước sự im lặng nhục nhã của các phương tiện truyền thông nhà nước trong các ngày kỷ niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh chống lại bành trướng Bắc Kinh, bảo vệ Tổ quốc.
 
Danh sách có thể còn rất dài nữa, nhưng thiết nghĩ đã quá đủ để chứng minh cho bản chất qụy lụy Trung Quốc của ĐCSVN, âm mưu bán rẻ lợi ích và chủ quyền đất nước để duy trì độc quyền cai trị và đặc lợi để làm giàu riêng.
 
Cho nên, thông tin đưa tiếng Hoa vào trường phổ thống cơ sở, lại đúng ngay vào ngày tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc đối đầu chống Trung Quốc xâm lược quần đảo Trường Sa trong ngày 14/03/1988, ngay tức khắc trở thành mồi lửa ném vào thùng thuốc súng căm giận.
 
Các diễn đàn điện tử trong và ngoài luồng sôi sục mấy hôm nay. Trên Facebook người ta lập “Hội phản đối Bộ giáo dục dạy tiếng Hoa trên lãnh thổ Việt Nam”. Đọc các comments trên mạng mới thấy dư luận biểu thị thái độ phẫn nộ kinh hoàng như thế nào.
 
Trịnh Kim Tiến, một cô gái trẻ từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc viết: “Khi nào chó sủa được tiếng người thì may ra mình mới cho con mình đi học tiếng Hoa, còn nếu không thì chó mãi mãi chỉ được làm chó”.
 
Có thể phản ứng của một số người hơi thái quá, như tôi đã phân tích ở đầu bài viết về việc học tiếng Trung. Nhưng, trước sự thật về một tiến trình của dân tộc Việt ngày càng gần tới đích bị Hán hoá như Ngàn năm Bắc thuộc trong lịch sử quá rõ ràng qua danh sách các sự kiện nêu trên, thì phản ứng dù thái quá hơn nữa, cũng là điều dễ hiểu và không có gì ngạc nhiên!
 
Kiệt sức
 
Học sinh đang "lùn" vì học quá tải?” là bài viết mô tả sức nặng của chiếc cặp đựng sách vở với quá nhiều môn học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự trưởng thành của các em học sinh nhỏ.
 
Trong khuôn khổ hướng dẫn của Bộ GD & ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2011-2012 đối với giáo dục tiểu học theo hướng điều chỉnh nội dung, giảm tải các môn học và hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, bài báo trích lời ông Trần Thành Mỹ, giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết “tình trạng vẹo cột sống ở tuổi học đường được đánh giá là loại tật có chiều hướng gia tăng ở học sinh với tỉ lệ rất đáng lo ngại, đứng thứ nhì sau cận thị học đường. Tật này chủ yếu là do mang vác nặng, quá sức, hoặc mang vác lệch một bên, liên tục trong thời gian dài”.
 
Mới đây, ngày 29/2/2012, bài “Càng giảm tải càng quá tải” cho thấy “sau nhiều lần Bộ GD & ĐT thay sách giáo khoa, nhưng quá tải vẫn hoàn quá tải khiến dư luận bức xúc. Năm học 2011-2012, Bộ đã triển khai giảm tải chương trình từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tuy nhiên sau hơn 5 tháng triển khai, ghi nhận từ các trường cho thấy việc giảm tải còn vụn vặt, thiếu logic, và dường như chỉ là cách đối phó nhằm làm “hài lòng dư luận”.
 
Một bài khác với tựa đề “Quá tải vì... bồi dưỡng học sinh giỏi” cho thấy, “ngoài lịch học thêm kín mít, học sinh ở nhiều trường còn phải “chạy đua” học các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, mặc dù có em chỉ đạt học lực trung bình”.
 
Bài báo dẫn lời một phụ huynh: “Thấy con về bảo được đi bồi dưỡng học sinh giỏi mà giật mình vì lực học của con ở cấp I chỉ trung bình. Giờ ngày nào con tôi cũng ngập trong bài tập cô giao, không có thời gian nghỉ ngơi. Gia đình vừa mừng lại vừa lo con quá sức”.
 
Trong tình cảnh học hành ở Việt Nam như thế mà Bộ GD & ĐT lại định cho thêm 4 tiết tiếng Hoa (hay tiếng Trung) mỗi tuần nữa lên đôi vai bé bỏng của các em nhỏ ư?  
 
Kết luận
 
Mọi giải trình nên hay không nên với đề án bắt các em tiểu học và trung học cơ sở học thêm Trung văn hay tiếng Hoa cho riêng sắc tộc Hoa, đều vô ích. Có quá nhiều thứ không hợp lý, lủng củng, mâu thuẫn và chưa thích ứng!
 
Bộ GD & ĐT đang đứng trước ngổn ngang, bề bộn của vô số các việc khác phải làm và hoàn thiện, trước khi có thể tham lam, phản khoa học, chất thêm sức nặng vào con thuyền chịu đựng của học sinh mà nước đã sắp tràn vào.
 
Còn nếu vì sự lệ thuộc, bám chân Trung Quốc mà vội vã thực hiện thì hậu quả là sự chống đối của toàn dân sẽ còn lên cao hơn gấp bội!●
 
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog