Ôi, Miền Tây!
13/03/2012
Vi Anh
-
“Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa đi học. Trong đó, ĐBSCL có đến 6,9% người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học… Có một thực trạng đáng buồn là nhiều gia đình ở nông thôn ĐBSCL cho con em học chỉ đến lớp 2-3, cao lắm chỉ lớp 5…” – ”Báo Người Lao Động
Ôi Miền Tây bị tàn phá môi sinh! Ôi dân Miền Tây nghèo nàn, thất học!.
Nào trên thượng nguồn, tin thông tấn xã Pháp AFP, đập của TC làm cạn nguồn nước, nguồn cá, đồng ruộng nhiễm mặn, lừng phèn. Hàng mấy chục đập thủy điện của Trung Cộng làm cho TC hay làm cho các nước thượng nguồn vay vốn TC trả dần gây tác hại môi sinh, cạn kiệt nguồn sống của Miền Tây. Sông Cửu Long dài 4600 km là con sông tặng cho Miền Tây Nam Việt nền văn minh Miệt Vườn như văn minh Ai cập là món quà của sông Nile. Trên thượng nguồn các nước – chánh yếu là TC – đã xây 11 đập thủy điện. Chưa đủ, TC còn cho vay vốn xây thêm 78 đập trên các con sông nhánh nữa.
Các nhà khoa học cho biết số đập thủy điện quá lớn và quá nhiều làm cạn kiệt nguồn cá trên sông Mekong. 65 triệu người dân vùng hạ lưu trong đó người Việt ở Miền Tây Nam Việt hay Đồng Bằng Sông Cữu Long bị thiệt hại nhiều nhứt và nặng nhứt. Mỗi năm mất 1 triệu tấn cá nước ngọt tươi là nguồn protein cần thiết và chánh yếu của hai phần ba số dân trong vùng.
Tin Đài VOA gần đây, nhân cuộc hội thảo 2 ngày từ 20/2 ở Bangkok về phát triển nguồn nước, lương thực, và năng lượng tại Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng qui tụ sự tham gia của Việt Nam, Campuchea, Lào, Miến Điện, Thái Lan, và miền Nam Trung Quốc, Ông Arjun Thapan, cố vấn cấp cao của Ngân Hàng Phát Triển Á châu ADB về cho biết “lưu lượng sông không đủ và các phương thức tưới tiêu tại vùng châu thổ này đang đe dọa trầm trọng tới vựa lúa của Đông Nam Á.. . Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì trên thế giới, bị đe dọa bởi tình trạng ngập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Kông do việc tận dụng con sông này quá mức ở thượng nguồn.”
Nào dưới chế độ CS Hà nội tòan trị, Miền Tây vô cùng thê thảm. CS Hà nội đánh bóng Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, đã đưa VN lên thành nước xuất cảng hạng nhì của thế giới. Nhưng thực tế dân Miền Tây có làm mà chẳng có ăn, càng làm càng nghèo, con em càng thất học, đất canh tác ngày càng teo lại vì cán bộ đảng viên lấy làm khu kỹ nghệ (danh từ CS gọi là Khu Công Nghiệp).
Mới đây Việt Báo trong một tuần đi hai tin Miền Tây đọc mà đau lòng xót dạ. Theo tin báo Người Lao Động của Đảng Nhà Nước CS – chắc chắn không lý do gì để nói xấu chế độ – cho thấy thảm trạng của Miển Tây và dân Miền Tây. Theo báo Lao Động trong nước ngày thứ Hai 5-3-2012 cho biết trình độ học vấn trung bình ở Miền Tây thấp hơn vùng khác, tỷ lê trẻ em bỏ trường cao nhứt nước, tỷ lệ trẻ em chết đuối vì đi cầu khỉ qua sông rạch cao nhứt nước. Số dân chưa tốt nghiệp tiểu học của Miền Tây tức Đồng Bằng Sông Cửu Long là 32,8%, cao nhất nước kể cả vùng sơn cước ở Miền Bắc.
Miền Tây Thiệt Thòi Giáo Dục. Và cũng chính báo Người Lao Động số sau đó có một bài bình luận của Ô Diệp văn Sơn báo động: theo thống kê về dân chúng trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), những người thiệt thòi nhất về phương diện giáo dục. Hơn 1/4 dân số chưa tốt nghiệp tiểu học. Ông viết “Nếu số học sinh THPT trên 1.000 người dân của vùng Bắc Trung Bộ là 43,01, Đông Bắc 39,05, đồng bằng sông Hồng 37,86, duyên hải miền Trung 36,64,… thì ĐBSCL chỉ 26,31. Tỉ lệ học sinh THCS ở ĐBSCL cũng thấp nhất nước. Bình quân, tỉ lệ lao động được đào tạo của ĐBSCL chỉ đạt khoảng 14,31%. Nếu ở đồng bằng sông Hồng, cứ khoảng 327.000 người dân là có một trường ĐH (bình quân cả nước khoảng 900.000 người) thì ở ĐBSCL, con số này lên tới 3,37 triệu. Tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ… của ĐBSCL cũng còn quá thấp.
“Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa đi học. Trong đó, ĐBSCL có đến 6,9% người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học…”
Báo Người Lao Động cũng ghi nhận: “Có một thực trạng đáng buồn là nhiều gia đình ở nông thôn ĐBSCL cho con em học chỉ đến lớp 2-3, cao lắm chỉ lớp 5…”
Trẻ thì vậy, lớn thì bị bọn “cướp ngày là quan” gồm cán bộ đảng viên mọi ngành nghê thi đua lợi dụng việc qui họach lấy đất của dân đền bù rẻ mạt và bán lại giá cao gấp 40 lần là chuyện cơm bữa ở Miền Tây.
Các “quan” cán bô đảng viên lấy đất để làm dự án, đặc biệt là Khu Công Nghiệp (KCN) nhiều khó tưởng tượng được. Đất trồng trọt vì thế ngày càng giảm đáng sợ. Có nhiều khu kỹ nghệ lấy rồi bỏ trống để coi chơi vì không có ngọai quốc đầu tư. Trong khi đó nông dân mất đất không có đất để làm ruộng rẫy.
Con số báo Lao Động nêu lên thấy mà hết hồn. Tại TP Cần Thơ ngày xưa người Việt thường gọi là Tây Đô [xin nói rõ thành phố Cantho tức nội ô và vùng phụ cận của thành phố Cantho chớ không phải tỉnh Phong Dinh thời VNCH và Hậu Giang thời CS], với một thành phố không có bao nhiêu đất ruộng rẫy như thế mà từ năm 2006 đến 2010 các quan chức đã nuốt hết 6.000 mẩu tây đất trồng lúa (1 mẩu tây là 10,000 mét vuông, 10 công ruộng chớ không phải ít ỏi gì ). Bao nhiêu gia đình phải dời nhà cửa, mồ mả tổ tiên, bao nhiêu nông dân phải thất nghiệp, vợ con nheo nhóc, mất cửa mất nhà, bỏ học bỏ hành.
Chưa đủ trong cuộc họp mới đây, Hội Đồng Thành Phố gồm những cán bộ đảng viên CS được đảng cử dân bầu gọi là thay mặt cho dân quyết định giảm thêm 1.800 ha đất nông nghiệp nữa, trong đó có 1.100 ha đất lúa.
Tiếng là vựa lúa của cả nước, mà nhà cầm quyền Miền Tây thi đua nhau làm ra khu công nghiệp dù rất nhiều khu đất để trống. Theo một khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha nhưng mới chỉ cho thuê được hơn 810 ha (tỉ lệ hơn 22%).
Nông dân lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch của bọn cướp ngày là quan. Quan quốc doanh mua gạo xuất cảng (danh từ CS gọi là xuất khẩu) ép gía lúa gạo để lời nhiều. Quan quốc doanh độc quyển nhập cảng và độc quyền cho giá phân bón, thuốc trừ sâu.
Với tình hình bi thảm như trên hỏi Miền Tây của văn minh Miệt Vườn làm sao còn, dân Miền Tây làm sao sống?!
Theo: VietBao