Vì sao Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp?
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-03-15
2012-03-15
Từ sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, tình hình đạo pháp tại VN lâm nguy đáng ngại với sự đàn áp tôn giáo tiếp diễn.
Nói theo lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á Châu – “một cách có hệ thống và trầm trọng”. Đạo Phật Giáo Hòa Hảo cũng không thoát khỏi số phận này.
Kể từ khi Đạo PGHH được Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập tại Miền Tây hồi năm 1939 với Giáo Lý Tu Nhân theo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”, với phương pháp hành đạo đơn giản chủ yếu hướng tâm, chủ trương nhập thế cứu giúp nhân sinh, tu nhân tích đức, ăn chay niệm Phật, thì cho tới nay, nền Đạo quy nguyên Phật Pháp này xem chừng như ngày càng lâm nạn trong nước, nhất là sau biến cố 30 tháng tư năm 1975.
Theo nhiều tín đồ PGHH chân tu tại Miền Tây thì đã có hàng ngàn đồng đạo của họ bị hành hung, giam cầm, đe doạ thường xuyên chỉ vì Đức Tin Tôn Giáo và quyết không theo Giáo Hội PGHH mà họ cho là “giáo hội quốc doanh”. Và kể từ thời điểm biến cố ấy, đã có không ít tín đồ PGHH tự thiêu vì Đạo Pháp, cũng như gần đây, ngày càng có nhiều tín đồ tuyên bố phát nguyện tự thiêu để phản đối hành động đàn áp của giới cầm quyền.
Cư sĩ PGHH Trần Văn Kiệm ở tỉnh Đồng Tháp mô tả thêm về tình cảnh khó khăn của tín đồ PGHH hiện giờ:
"Dạ bây giờ tín đồ PGHH còn rất khó khăn, chưa được ổn thỏa, chưa được tự do. Nhà nước tiếp tục hà khắc.
Anh em PGHH mãn tù tội trở về quê thì các đồng đạo tới thăm nhưng nhà cầm quyền không cho thăm. Vào Lễ 18 tháng 5 thì PGHH quốc doanh chỗ ông Nguyễn Văn Tôn thì được tự do, còn tín đồ PGHH chân chính dù làm lễ tại nhà cũng gặp khó khăn, bị công an tới bao vây; đi đám thì bị ngăn cản, bị đánh; đi cầu nguyện cho đồng đạo chết thì họ không cho đi; còn đám giỗ thì họ tới không cho nói đạo. Họ đem lực lượng tới, mướn dân xã hội đen…nhằm làm cho đồng đạo chúng tôi đau khổ và hoang mang."
Anh em PGHH mãn tù tội trở về quê thì các đồng đạo tới thăm nhưng nhà cầm quyền không cho thăm. Vào Lễ 18 tháng 5 thì PGHH quốc doanh chỗ ông Nguyễn Văn Tôn thì được tự do, còn tín đồ PGHH chân chính dù làm lễ tại nhà cũng gặp khó khăn, bị công an tới bao vây; đi đám thì bị ngăn cản, bị đánh; đi cầu nguyện cho đồng đạo chết thì họ không cho đi; còn đám giỗ thì họ tới không cho nói đạo. Họ đem lực lượng tới, mướn dân xã hội đen…nhằm làm cho đồng đạo chúng tôi đau khổ và hoang mang."
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, trụ trì Quang Minh Tự tại ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang, vừa mãn hạn tù gần 7 năm trời trở về, cho biết về tình hình đàn áp tiếp tục đến với ông và người thân cùng đồng đạo:
"Lúc tôi đi tù về, cô bác vô thì công an ngăn cản, không cho thăm. Con cháu tôi ra thì họ đánh đập, bóp cổ làm xể mặt, trầy mình, sút tóc. Rồi hôm nay là ngày cúng Rằm vốn là tục lệ của ông bà mà họ lại ngăn chận, không cho người ta vô cúng. Hôm nay cũng là ngày đám giỗ của ông nội, mà hồi trào quốc gia trước kia dự cả mấy trăm người – thân chủ tôi rất nhiều, thì hôm nay khách tới dự bị họ chặn lại. Con cháu tôi ra bị họ xô, đánh đập, nào là bóp cổ nó. Lúc đó em tôi điện ra Đại Sứ Quán để can thiệp. Một lúc sau họ rút đi bớt, không ngăn chận nữa. Nhưng lúc ấy khách xóm giềng người ta đã về cỡ 5-10 mâm trở lên rồi."
Không có tự do tín ngưỡng
Theo cư sĩ Lê Minh Triết tại huyện Chợ Mới, An Giang thì hiện giới cầm quyền và công an tìm đủ mọi cách để “ngăn chận tâm hồn tín đồ PGHH hướng về đạo Pháp”.
"Nếu nói đám giỗ thì cũng thuộc về tại gia. Còn một vài trường hợp nữa, chẳng hạn như, khóa niệm Phật tại những Đạo Tràng như Đạo Tràng Minh Thiện-Huệ Thọ ở Ô Môn, Cần Thơ thì mặc dù hiện giờ nhà nước ngưng đem lực lượng tới làm gì quá đáng, nhưng cơ quan truyền thông của giới cầm quyền cứ nói nay tới bắt, mai bắt, mốt bắt. Họ chặn tất cả bà con cô bác có lòng muốn viếng Đạo Tràng này để dự khoá niệm Phật. Họ bây giờ dùng lối tuyên truyền để xuyên tạc để ngăn chận tâm hồn của tín đồ PGHH hướng về Đạo.
Gần đây hơn là tại những Đạo Tràng như Đạo Tràng của Bùi Văn Trung và Đạo Tràng của đệ Nguyễn Văn Tèo ở vùng Châu Phú, An Giang, vừa rồi khi tín đồ niệm Phật đi ra thì bị chính quyền tới gây khó khăn, chận bắt.v.v…Nói tóm lại là lúc nào cũng như lúc nào, tín đồ PGHH đang bị giới cầm quyền tìm đủ mọi cách hạn chế sinh hoạt tôn giáo của họ."
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình trạng Giáo Lý của Đức Thầy bị phương hại cũng vì không có tự do tín ngưỡng thật sự:
"Đối với tu sĩ PGHH hiện nay, thì đảng CS bề ngoài nói là cho có tự do tín ngưỡng chớ không có tự do gì cả. Nếu ai theo đảng thì được tự do, còn ai không theo thì họ bóp cho chết thôi. Trong tất cả chùa chiền PGHH ở VN, chỉ có cái chùa tôi là còn độc lập thôi, còn bao nhiêu thì họ đưa người vô nắm giềng mối để làm sai chân lý hết. Đã biết rằng chừng nào chế độ này không còn nữa thì mới nói tới có đổi mới. Chớ con rắn hổ mà nó lột 100 lần đi nữa cũng vẫn là rắn hổ. Khi nó lột, nó mềm, đợi ít bữa cứng cáp rồi nó cắn người ta chết như thường. Nếu còn chế độ CS này thì không khi nào có thay đổi gì đâu. Họ thay bề ngoài thôi. Quý ông ở ngoài chỉ nghe chút ít thôi chớ trong nước bữa nay họ làm vầy, mai làm khác. Nhà nước không cho có tự do thì Giáo Lý của Đức Thầy, họ thêm, bớt đủ cách, làm sai chân lý. Những người tu mà không theo họ thì họ áp chế hoài, làm hại đủ cách hết!"
Kể từ tháng Tư năm 1947, khi Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng Hạ thuộc vùng Đồng Tháp về tay người CS sau khi Ngài đồng ý tham gia Uỷ ban Hành chánh Việt Minh nhằm duy trì sự đoàn kết các tầng lớp đồng bào để chống thực dân, cho tới trở về sau, nhất là sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 khi nhiều tín đồ PGHH chân chính bị bách hại, có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là tại sao tín đồ PGHH chân tu không được giới cầm quyền để cho họ yên thân ăn chay, niệm Phật, như cư sĩ Trần Văn Kiệm cho biết:
"Dạ Đức Thầy tôi là một vị Phật tái thế cứu đời. Vì thời thế Đức Thầy cùng với Hồ Chí Minh liên hiệp kháng chiến, làm uỷ viên đặc biệt. Nhưng không biết lý do nào mà CS tìm cách ám hại khiến Đức Thầy vắng mặt 65 năm nay rồi. Rồi ngay sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, không biết lý do nào mà chùa chiền, trụ sở PGHH mấy ổng ra lệnh đập bỏ, bắt những người tu chân chính vào tù, không cho tu."
Cư sĩ Lê Minh Triết có cái nhìn bao quát hơn, lưu ý tới “bàn tay nhúng máu anh em”.
"Dạ lý do chính về phía người CS thì tôi không rõ tâm hồn họ như thế nào, nhưng riêng về khía cạnh khách quan thì vấn đề giữa PGHH với người CS, nếu nói về dĩ vãng, có mắc mứu từ lâu. Thứ nhất, khi có phong trào năm 1945, thì đây là cơ hội để người CS đàn áp PGHH. Báo giới và nhiều người có trình bày là lúc đó tín đồ PGHH bị CS sát hại rất nhiều. Kế đó dẫn tới việc Đức Huỳnh Giáo Chủ bị mất tích cũng do người CS. Bây giờ, tín đồ PGHH bao giờ người ta cũng tôn trọng lời dạy bảo của Đức Thầy là không trả thù, và coi họ như anh em. Nhưng riêng người CS thì họ đã nhúng tay vào máu. Cho nên khi nhìn thấy tín đồ PGHH có sự tập hợp đông đảo thì họ sợ mình đã làm cái gì đó. Chớ thật ra tôi biết những người tu hành của Đạo PGHH, không bao giờ có cái tâm hồn trả thù hay ghét bỏ gì họ. Nhưng vì người CS đã nhúng tay vào máu nên họ sợ."
"Có đảng thì không có đạo"
Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm đề cập tới chuyện “nhật-nguyệt bất tương hợp” khiến đạo pháp bất an, tín đồ phải chịu đắng cay, đau khổ:
"Vì mặt trăng với mặt trời không thể nào phù hợp, đi đôi được. Thì tự do với CS cũng không thế nào hoà hợp, tuy hoà hợp bề ngoài. Nhưng CS có cho đạo pháp được yên đâu ?
Có đạo thì không có đảng, mà có đảng thì không có đạo. Mà đảng thì chê đạo là mê tín. Người của đảng diệt tất cả, không cho có đạo nào hết. Hôm nay có là do họ diệt chưa được, nên để phô trương bề ngoài với quốc tế thôi. Hồi 20 năm trước, lúc “15 năm diệt đạo”, người ăn chay đi dọc đường cũng bị bắt. Người mặc áo đen cũng bị bắt. Hô Hoà Hảo thì họ muốn bắt đi tập trung giờ nào thì bắt. Tôi lúc đó cũng bị tập trung nữa. Như vậy đồng đạo chơn chánh, lo tu hành thì quý ông đó không bao giờ hợp được. Vì người đạo thì thiện lành. Mà người thiện lành thì ai dân cũng mến, cũng kính, cũng yêu. Còn CS hại dân, hại nước thì ai ai cũng ghét. Nhưng họ cầm quyền - bạo quyền và độc tài, thì nhân dân phải chịu đắng cay trong lúc đau khổ này, chịu mãi mấy năm nay."
Như chúng tôi vừa đề cập, là trong thời gian qua, có không ít tín đồ PGHH trung kiên với đạo pháp đã tự thiêu. Và mới đây, xem chừng như ngày càng có nhiều tín đồ sẵn sàng tẩm xăng để phản ứng lại hành động đàn áp vô cảm của giới cầm quyền. Phương cách phản ứng như vậy có ý nghĩa ra sao ? Cư sĩ Lê Minh Triết nhận xét:
"Tôi có gặp đồng đạo tẩm xăng vừa rồi ở khoá niệm Phật tại nhà của đệ Tèo, hỏi tại sao mình xem nhẹ bản thân của mình như vậy, thì đệ đó trả lời rằng “em không muốn làm việc này, vì mình rất quý trọng bản thân. Nhưng họ dồn mình”. Theo lời đệ này kể thì công an dùng xe bít bùng chận đường rất đông, sử dụng dùi cui, roi điện cùng tất cả phương tiện bắt người. Họ chuẩn bị sẵn rồi. Mấy đệ này thấy tình hình nguy kịch, không còn cách nào khác là phải châm xăng. Nên sau khi đệ Tâm đó đã châm xăng rồi thì phe chính quyền họ rút. Ở đây tôi xin kể cho qúy vị nghe là tại vì giới cầm quyền ép vào đường cùng khiến tín đồ PGHH phải tự vệ, dù người tín đồ PGHH rất quý trọng xác thân của mình."
Cư sĩ Trần Văn Kiệm khẳng định tín đồ PGHH chân chính sẵn sàng hy sinh để bảo tồn đạo pháp:
"Đạo của chúng tôi luôn cầu cho quốc thái dân an và cầu cho bá tánh vạn dân tu sửa tâm tánh. Nhưng bị nhà cầm quyền quật ngã. Bao nhiêu đó làm chúng tôi đau khổ. Chúng tôi là những tín đồ chân tu, nhưng luôn bị nhà cầm quyền đàn áp, khống chế. Chúng tôi chỉ tay không, và không làm gì sai. Vì tấm lòng đạo pháp bất khuất, chúng tôi phải hy sinh để giữ đạo. Nếu không giữ được thì chúng tôi chỉ còn nước chết."
Giữa lúc đạo pháp tiếp tục gặp vô vàn khó khăn, các tín đồ PGHH luôn bày tỏ mong muốn được tự do tín ngưỡng cũng như những cơ sở tôn giáo của họ trước kia phải được giới cầm quyền giải quyết, như cư sĩ Lê Minh Triết bày tỏ:
"Dạ mong muốn của tín đồ PGHH, trước nhất về phương diện đạo pháp thì chúng tôi mong làm sao tôn giáo của mình không bị bàn tay của nhà nước xen vô, và người PGHH được tự do truyền đạo, tự do hành đạo, tự do làm tất cả công tác của tôn giáo mình, trong khi Ban Trị Sự phải không do Nhà nước chỉ đạo, mà phải do tín đồ PGHH chọn người đủ tài, đức để lãnh đạo giềng mối của PGHH.
Và tất cả những cơ sở thờ tự của PGHH trước ngày 1975, thì tín đồ PGHH mong muốn làm sao có lại được những cơ sở này. Tôi nghĩ đây là mong muốn đúng lẽ thật và hiển nhiên thôi, bởi vì những cái đó là của mình. Nhưng cho đến bây giờ, Nhà nước vẫn không đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi."
Trước tình trạng đạo pháp tiếp tục bị bách hại như vậy, nhiều tín đồ PGHH không thuộc Ban Trị Sự Nhà nước bày tỏ quan ngại rằng giới cầm quyền quyết tâm xoá sổ đạo pháp chân truyền của Đức Thầy, dù họ chỉ mong được hành đạo bình thường theo Giáo Lý của đạo PGHH mà Đức Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng để tiếp nối truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương.