Tác giả/Nhân vật: Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận |06-04-2011
Sau tháng tư đen 1975, Tổng bí thư CS Lê Duẩn, trong men say chiến thắng và với đầu óc hoang tưởng tự đại, đã tuyên bố chắc nịch với đàn em đồng đảng: “Bây giờ thì không ai thắng nổi chúng ta. Thành ra trong 10 năm nữa, kinh tế chúng ta sẽ vượt Nhật, 15 năm nữa sẽ vượt Mỹ!” Lê Duẩn tưởng xây cũng dễ như phá một cây cầu. Đúng là giọng điệu tiên tri mê cuồng kiểu Cộng sản, y như Marx từng tuyên bố trong cơn bốc đồng tuổi trẻ: “Chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những ngày mai ca hát” (bài ca bi ai của trăm triệu oan hồn mà CS đã tạo ra tới nay chăng ?), hay y như Lênin từng huyênh hoang sau chiến thắng Cách mạng tháng 10: “Trong 30 năm nữa, chúng tôi sẽ tạo ra những con người mới. Lúc ấy, một bà bếp làm bộ trưởng cũng được!” (tay hoạn heo Đỗ Mười lên tổng bí thư phải chăng đã thể hiện lời tiên tri này?). Tiếp nối truyền thống loạn ngôn đó, mới đây có “Tiến sĩ” Nguyễn Xuân Kiên, Viện trưởng “Viện chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam và Đông Nam Á” (oách nhỉ!) cũng nói như đinh đóng chắc vào bùn rằng đến khoảng năm 2030, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất hoàn vũ… Than ôi, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (x. RFA 18-12-2008), “năm 2007, thu nhập trên đầu người dân ở Việt Nam thấp hơn chừng một phần ba của người dân tại Indonesia. Còn nếu so với Singapore thì thấp hơn chừng 40 lần. Với đà phát triển hiện nay của các nước được đem ra so sánh thì Việt Nam phải mất 51 năm mới theo kịp Indonesia, 95 năm mới theo kịp Thái Lan, và phải mất tới 158 năm mới ngang bằng Singapore”. Với tình trạng suy sụp kinh tế, lạm phát phi mã và thiếu hụt dự trữ bản vị hiện thời (đến độ nhà nước cấm buôn bán đôla và vàng miếng) thì chắc rằng khoảng cách vừa nói ngày càng lớn lao. Vậy thì nói chi đến việc ngang bằng với Nhật là cường quốc kinh tế số 1 châu Á và số 2 của toàn cầu ?
Kể từ hôm 11 tháng 03, cường quốc này trải qua một cơn chấn động dữ dội, gây ra vừa do động đất, vừa do sóng thần, vừa do rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Cả ba tai ương tính đến nay đã làm cho 30.000 người mất tích và vong mạng. Tuy nhiên, bên cạnh cơn chấn động do thiên nhiên gây ra cho người Nhật, còn có một cơn chấn động khác -đáng nói hơn- do người Nhật gây ra cho toàn thể thế giới. Đó là thái độ hết sức đáng khâm phục của họ trước thảm họa mà xem ra chưa dân tộc nào bắt chước nổi: Trước hết là bình tĩnh an nhiên: Dù đang sợ chết, họ vẫn tuần tự rời khỏi nơi bị nạn theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ, các em học sinh tiểu học vẫn xếp hàng đi theo giáo viên để di chuyển đến nơi an toàn. Khi xe điện ngầm và xe buýt ngừng chạy, nhân viên các công ty lặng lẽ về nhà với túi đồ cấp cứu vừa được phát. Tất cả đều đi, không hối hả. Rồi sáng hôm sau họ lại đến sở làm như mọi ngày. Các nữ phát thanh viên vẫn giữ nét tao nhã nghiêm trang, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động. Một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên… Thứ đến là đường hoàng lương thiện: Một hai ngày sau cơn động đất, nhiều cửa hàng và siêu thị tại những nơi bị thiệt hại nặng đã mở cửa lại nhưng trong tình trạng thiếu hàng trầm trọng mà người mua thì xếp hàng rất dài. Nước uống, bánh mì, thức ăn nhanh là những mặt hàng khan hiếm hơn cả, nên mỗi người chỉ được mua mỗi thứ một đơn vị, thế mà chẳng ai lên tiếng phàn nàn. Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh chẳng có ai canh gác. Đặc biệt không một con buôn nào lợi dụng tình trạng để tăng giá đầu cơ… Thứ ba là ứng xử tình người. Ngoài câu chuyện hết sức cảm động về cậu bé 9 tuổi ôm bao lương khô vừa được anh Hà Minh Thành tặng riêng đi thẳng lên chỗ thùng phát thực phẩm để bỏ vào đó rồi quay lại xếp hàng với lý do: “Vì còn có nhiều kẻ đói hơn con. Bỏ vào đó để phát chung cho công bằng chú ạ”, người ta còn chứng kiến vô số hành động nhân ái khác. Nhiều cửa hàng vui vẻ bán chịu cho những khách không hề quen mặt vì biết rằng khi đi lánh nạn họ chẳng đem theo được đồng nào. Các chỗ tạm trú qua đêm được nhân viên tòa hành chánh địa phương đem mền gối, cơm vắt, nước uống đến phân phát. Có nơi đồ phân phát thiếu vì số người tạm trú quá đông, nhưng không có chuyện giành giựt chút nào, mà chỉ có san sẻ… Thứ tư là ý thức trách nhiệm. Lúc động đất xảy ra, Quốc hội Nhật đang họp, đảng cầm quyền và các đảng đối lập tranh cãi nhau rất quyết liệt. Nhưng khi nghe báo cáo sơ khởi về thiệt hại do thiên tai gây nên thì tất cả đều xếp lại mọi chuyện để cứu dân đã. Chủ tịch đảng đối lập lớn nhất đề nghị ngưng họp một tuần để chính phủ chuyên tâm lo cho các nạn nhân và cam kết sẽ hợp tác trong mọi công tác cứu trợ. Toàn bộ nội các Nhật từ thủ tướng trở xuống đều tất bật cứu trợ hầu như 24/24. Công ty điện lực Tokyo đã rút 750 công nhân khỏi nhà máy Fukushima, chỉ để lại 50 người làm việc giữa phóng xạ muôn phần nguy hiểm. Tuy nhiên sau đó, số tình nguyện trở lại để cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ tăng lên tới 180 người. Dù biết trở lại đồng nghĩa với cái chết nhưng những hiệp sĩ samurai tân thời này vẫn bất chấp, bởi lẽ trên vai họ là sinh mạng của đồng bào. Tin mới nhất còn cho biết Thủ tướng Nhật Naoto Kan nói sẽ mổ bụng tự sát nếu không cứu vãn được tình trạng nguy kịch của phóng xạ lan xa từ nhà máy điện nguyên tử!
Trông người mà nghĩ đến ta. Đã không vượt Nhật về kinh tế, phải chăng Việt Nam dưới sự thống trị của CS vượt họ về các mặt vừa nói, hay là ngược lại? Nhìn lại những thiên tai mấy năm rồi như các trận trận lụt lớn, người ta đã thấy thế nào là ý thức trách nhiệm và ứng xử tình người từ phía nhà cầm quyền CS! Năm 2008, khi miền Bắc bị trận lụt lịch sử, giữa Hà Nội mênh mông sông nước, nhân dân đã chẳng được chính phủ giúp một gói mì khô mà còn phải nghe phê phán của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại nhà nước lắm”. Năm 2009, trong vụ xả nước đập thủy điện A Vương ở Quảng Nam không hề thông báo trước và tuôn ngay tại cao điểm mùa lũ làm chết hàng trăm người dân, các quan chức cấp tỉnh bảo đó là công ty tư nhân nên họ không chịu trách nhiệm. Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi bị báo chí hỏi thì phán A Vương làm thế là đúng và chê trách dân chúng quanh vùng không cảnh giác phòng chống bão lũ!?! Năm 2010, đang khi trận lụt tháng 10 dìm 4 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình, đúng tuần kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long, các quan chức trung ương vẫn cứ ung dung mừng lễ, ăn nhậu, bắn pháo hoa, mãi tới ngày thứ bảy mới hỏi thăm dân bị nạn. Rồi trong diễn văn ngày cao điểm, chủ tịch Nước chẳng hề mảy may nhắc tới hàng trăm đồng bào đã chết và hàng trăm ngàn đồng bào mất nhà mất cửa. Tiêu tiền cho đại lễ hết 4 tỷ rưỡi đô nhưng mỗi nạn nhân thì được cứu trợ 4 ký rưỡi gạo!!! Chưa kể quan chức địa phương còn bớt xén phẩm vật cứu trợ không chút ngại ngùng.
Những ngày gần đây, thái độ vô trách nhiệm đó còn bày tỏ qua việc 14 thiên lôi ở Ba Đình đưa ra phán quyết xanh rờn về vụ vỡ nợ 100.000 tỷ của con tàu Vinashin: “Bộ Chính Trị đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin!” Thủ tướng mặt dày Nguyễn Tấn Dũng, kẻ chịu trách nhiệm cao nhất, thì thừa nhận bản thân và bộ sậu chỉ có mỗi một cái tội “chưa”: chưa thực hiện tốt chức năng chỉ đạo; chưa hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư; chưa kiểm soát thanh tra kỹ lưỡng; chưa phát hiện đầy đủ ngăn chận kịp thời… Và cuối cùng hứa “lèo” trước Quốc hội rằng sẽ “không để xảy ra vụ việc tương tự”!
Thái độ có đường hoàng lương thiện, thượng tôn luật pháp như người Nhật hay không còn thấy rõ qua lắm vụ việc mới rồi. Điển hình là vụ dân oan Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội. Sau khi bị tên trung tá côn đồ Nguyễn Văn Ninh đánh cho gãy cổ, nạn nhân còn bị giam tại đồn cả 6 tiếng không cho ăn uống. Đến khi đưa vào bệnh viện còn bị còng tay như một tội phạm nguy hiểm. Ngày an táng, công an lại buộc nhà quàn đọc điếu tang là bị chết do tai nạn, còn tung cả hàng trăm nhân viên chỉ cốt theo dõi thân nhân bằng hữu đưa xác, rồi âm mưu gài bẫy để bắt lỗi và bắt giam giáo dân Thái Hà. Đại lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ thọ nạn hôm 28-03 mới rồi tại An Giang cũng bày tỏ cho thấy sự thiếu phục thiện lẫn thói gian manh tàn bạo của nhà cầm quyền. Ngoài việc hàng ngàn công an, dân phòng võ trang tận răng được tung ra để ngăn chặn, sách nhiễu, đánh đập các tín đồ Hòa Hảo tổ chức đại lễ, còn có việc cướp hòm gỗ (biểu tượng phản đối), đoạt xe máy, giật máy ảnh và điện thoại của những dân lành không một tấc sắc trong tay. Đặc biệt hơn hết là vụ xử án Luật sư Cù Huy Hà Vũ vào ngày 04-04 tới. Sau những trò thô bỉ của công an như dàn dựng màn kịch “bắt quả tang quan hệ với gái làm tiền”, vu khống mạ lỵ đương sự trên báo chí công cụ, tùy tiện lục soát hành lý, tư gia, văn phòng, chuyển từ vụ việc hình sự bịa đặt sang vụ án chính trị với tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, cướp các lẵng hoa của người ái mộ tặng cho Luật sư; đến những thái độ ngang nhiên xem thường công dân và công luận của bộ máy hành chánh như chẳng thèm trả lời các khiếu nại của gia đình Luật sư về việc bị tổn hại thanh danh và quyền lợi, bất quan tâm đến các yêu cầu về tôn trọng nhân quyền và thủ tục tố tụng của nhiều tổ chức quốc tế lẫn quốc nội; đến những hành xử gian trá ngụy biện, trắng trợn vi phạm các Công ước quốc tế Nhân quyền và chính Hiến pháp nước Việt, như bộ máy tư pháp (công an, viện kiểm sát) ra một bản cáo trạng hoàn toàn mang tính áp đặt thô bạo, quy kết vô lý cho ông Hà Vũ; như tòa án nhất quyết tiến hành vụ xét xử theo điều 88 Bộ Luật hình sự là điều luật quái đản không có trong thế giới văn minh, bất chấp vô số lời kêu gọi phải trả tự do cho ông lập tức và vô điều kiện…
Những hành vi bạo tàn gian trá, thất nhơn ác đức, khinh luật pháp vô trách nhiệm như thế (và còn muôn vàn vụ việc khác nữa) chính là những gì mà Việt Nam vượt quá Nhật Bản và vượt quá thế giới, và đó cũng là cơn chấn động do nhà cầm quyền CSVN gây ra cho lương tâm con người và cho nền văn minh nhân loại của thế kỷ 21. Chúng ta có chấp nhận cho tình trạng đó tồn tại chăng?
BAN BIÊN TẬP
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 120 (01-04-2011)