mercredi 13 avril 2011

Tại Sao Việt Cộng Chọn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương Làm Quốc Lể



LÝ THÁI HÙNG
thứ năm 3 tháng giêng 2002


(VNN) Ngày 27 tháng 12 vừa qua, các tờ báo của Việt cộng đã đồng loạt loan một bản tin về việc Hà Nội chính thức chọn ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày quốc lễ với nội dung ngắn gọn như sau: "Ngày giỗ tổ Hùng Vương (10-3 Âm Lịch) hàng năm sẽ trở thành ngày Quốc lễ". Ðó là nội dung văn bản mới, do phó thủ tướng chính phủ Phạm Gia Khiêm ký. Theo đó, Thủ tướng chính phủ đã nhất trí với đề nghị của Bộ văn hóa thông tin về việc xem xét bổ sung bộ luật lao động để nhân dân cả nước được nghỉ làm việc vào ngày này". Cùng với việc loan tải bản tin này, tờ Nhân Dân số ra ngày 31 tháng 12, đã liệt kê ra 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm 2001 mà sự kiện nổi bật thứ nhất mà tờ báo này viết là: "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nội dung quan trọng, được nêu rõ trong văn kiện đại hội lần thứ IX của Ðảng.
Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Việt cộng cho rằng việc đảng quyết định "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là để "xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Nếu chỉ đọc bản tin của các báo về quyết định chọn ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày Quốc lễ kể từ năm 2002, người ta dễ có ấn tượng là Việt cộng đã "bẻ cua" quay về trở về với truyền thống dân tộc, khi tôn vinh ngày kỷ niệm Quốc tổ làm ngày quốc lễ, sau nhiều thập niên chủ trương xóa bỏ các giá trị truyền thống của dân tộc, để áp đặt chủ nghĩa Mác - Lênin ngoại lai lên toàn thể đất nước từ năm 1945 đ ến nay. Tuy nhiên, đọc qua sự liệt kê có chủ mưu của báo Nhân Dân về 10 sự kiện văn hóa tiểu biểu trong năm 2001, chúng ta mới thấy rằng chủ trương của Việt cộng trong việc đề xướng ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày quốc lễ hoàn toàn không do động lực xiển dương công đức của tổ tiên mà là do nhu cầu "xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Nghĩa là Việt cộng muốn dùng chiêu bài quốc tổ để che đậy bớt màu sắc Mác Lê, trong tiến trình thoát xác để cứu nguy sự tan rã của đảng. Tại sao?
Trong lý luận của chủ nghĩa Mác Lê, thế giới của những người vô sản không có ý niệm dân tộc. Trong tiến trình vô sản hóa nhân loại, những người cộng sản chủ trương bôi xóa mọi giá trị về truyền thống, văn hóa của mỗi dân tộc, và cải tạo xã hội bằng bạo lực cách mạng, dựa trên quan điểm duy vật biện chứng, làm cho cho chủ nghĩa duy vật trở thành triệt để và nhất quán trong lãnh vực lịch sử, xã hội. Từ cái nhìn này, những người cộng sản đã quan niệm rằng động lực phát triển xã hội là đấu tranh giai cấp, trong đó giai cấp vô sản là nhân tố quyết định để thanh toán mọi nền tảng cũ xưa trong cái gọi là tương quan sản xuất.
Vì thế mà từ khi đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào năm 1930 mà tiền thân là đảng Cộng sản Ðông Dương, rồi cướp chính quyền năm 1945 và cho đến khi thống trị trên toàn thể đất nước Việt Nam năm 1975, những người cộng sản Việt Nam đều rập theo khuôn mẫu nói trên để xóa bỏ những nền tảng văn hóa dân tộc, hủy diệt các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, Việt cộng và nhiều đảng Cộng sản khác cũng đã gian manh "biến chiêu" theo hình thức thỏa hiệp giai đoạn khi họ gặp trở ngại trong vấn đề xóa bỏ các giá trị truyền thống hay gặp phải những vấn nạn cần huy động sức dân bằng chiêu bài dân tộc. Vì thế mà trong suốt mấy thập niên nắm quyền và cải tạo xã hội Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tung ra nhiều chiêu bài về đoàn kết dân tộc, ca tụng truyền thống hào hùng, các chiến công của tổ tiên để kích động người dân tham gia vào một số kế sách như chống Pháp, chống Mỹ trước năm 1975, chống Trung Quốc năm 1979 hay là mới đây trong kế hoạch chống Hạ viện Hoa Kỳ về đạo luật nhân quyền cho Việt Nam năm 2001.
Ngoài ra, từ năm 1987, khi tung ra chính sách mở cửa, Cộng sản Việt Nam đã không chỉ đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin trong hàng ngũ đảng viên trung kiên mà còn lúng túng đối phó về những phản ứng khinh thường của người dân về các quy ước cai trị độc đoán của chủ nghĩa này trong xã hội. Một lần nữa, đảng Việt cộng đã phải xả sức ép của dân bằng cách mặc nhiên công nhận sự phục hoạt một số sinh hoạt lễ hội có lâu đời trong xã hội. Dần dà những lễ hội này đã trở thành một nếp sinh hoạt bình thường trong dân gian mà Hà Nội đã không còn có thể cưỡng lại được. Nghĩa là do sức ép thay đổi của xã hội và nhất là do ý thức xiển dương các truyền thống của tổ tiên, người dân Việt Nam đã lần lần định hình được sinh hoạt lễ hội cổ truyền khiến cho Việt cộng không thể không chấp nhận. Vì thế mà từ năm 1998, qua chỉ thị số 27 của của Bộ chính trị Trung ương đảng Việt cộng vào ngày 12 tháng 1 năm 1998, Hà Nội đã cho phục hoạt lại các lễ truyền thống, bao gồm cả những nghi thức về việc cưới, việc tang mà từ trước đến nay không hề đề cập đến.
Sau khi tung ra chỉ thị này, Cộng sản Việt Nam như muốn tạo ấn tượng rằng họ chủ động ban bố các ngày lễ này, nên mới cho tổ chức đình đám ngày lễ hội Thăng Long và ngày giỗ tổ Hùng Vương từ năm 1999 với nhiều cán bộ cao cấp tham dự. Trong ba năm 1999, 2000 và 2001, Cộng sản Việt Nam đã tổ chức linh đình ngày giỗ Hùng Vương và trong nội bộ đã gọi đây là ngày quốc lễ nhưng chưa chính thức công bố ra ngoài. Sự kiện phải chờ đến 3 năm sau mới công bố ra bên ngoài ngày giỗ Hùng Vương là ngày Quốc lễ cho thấy là Việt cộng đã phải cân nhắc vì quyết định này đi ra ngoài phạm vi của chủ nghĩa Mác Lê. Sự chọn lựa này cho thấy là Cộng sản Việt Nam đã gặp quá nhiều bế tắc trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và nhất là đảng đã không cưỡng lại được xu thế định hình của các lễ hội truyền thống dân tộc trong xã hội mở hiện nay. Rốt cuộc là đảng Việt cộng đã phải dùng chiêu bài Quốc Tổ để vừa giảm sức ép truyền thống, vừa mua thời gian thoát hiểm.
Nhìn như vậy chúng ta mới thấy là "sức mạnh dân tộc" và "tinh thần xiển dương truyền thống" của người Việt Nam vô cùng mạnh mẽ và không thể bị bôi xóa trong bất cứ chế độ độc tài nào. Người Việt Nam đã không hề bị đồng hóa trong ngàn năm nô lê của Tàu, không hề bị biến chất trong nhiều năm cai trị của thực dân Pháp và điều hiển nhiên, người cộng sản cũng đã không thể bôi xóa các lễ hội truyền thống dân tộc trong mấy chục thập niên đi theo con đường Mác Lê. Chính nghĩa dân tộc và ý chí đấu tranh bất khuất của người Việt Nam trong nhiều thập niên qua, đã khuất phục bạo lực, khi đảng Cộng sản đã phải công nhận ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày Quốc lệ Ðây là một thắng lợi của toàn thể người Việt Nam ở trong nước và đặc biệt hơn là đối với 3 triệu người Việt ở hải ngoại.
Thật vậy, sau năm 1975, say với men chiến thắng, Việt cộng đã xóa bỏ mọi quy ước truyền thống của dân tộc, dựng lên một số những quy định ngược ngạo ở trong nước. Nhưng người Việt tại hải ngoại đã cố vượt qua mọi trở ngại, cùng nhau góp phần tổ chức ngày kỷ niệm Quốc Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Việc chúng ta cùng nhau tham gia tổ chức ngày lễ truyền thống này, không chỉ để xiển dương công đức của tiền nhân mà còn là để chọn một ngày chung cho mọi người Việt quần tụ với nhau để xác định lẽ chính thống dân tộc và quan trọng hơn là phủ nhận mọi quy ước của chế độ Việt cộng đang áp đặt trên đất nước. Trong tinh thần đó, cách đây hơn 10 năm, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đề nghị chọn ngày kỷ niệm Quốc Tổ Hùng Vương làm ngày Quốc Khánh. Ðề nghị này của Mặt Trận đã được nhiều đoàn thể hưởng ứng và nhiều nơi đã tổ chức ngày lễ này một cách trang trọng không chỉ để xiển dương công đức tiền nhân mà còn để phủ nhận ngày 2 tháng 9 của Việt cộng.
Tóm lại, Việt cộng là một tập đoàn phản dân hại nước. Việt cộng là một tập đoàn phản Tổ và những kế sách của họ đưa ra hiện nay chỉ là mua thời giờ để củng cố và bảo vệ "tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Nhìn rõ như vậy chúng ta không thể nhẹ dạ tin vào những đòn tuyên truyền gian trá của Việt cộng. Chúng ta cương quyết không cho Việt cộng núp dưới chiêu bài Quốc Tổ để củng cố "định hướng xã hội chủ nghĩa". Muốn làm sáng ngời cái đức của Quốc Tổ và đánh đổ mọi quy ước của Việt cộng, chúng ta phải cùng nhau tổ chức ngày kỷ niệm Quốc Tổ thật long trọng trong tinh thần Ngày Quốc Khánh Việt Nam, mồng 10 tháng 3 âm lịch, cho đến khi đất nước có Tự Do Dân Chủ thật sự.
Lý Thái Hùng
January 2, 2002.