Thursday, April 14, 2011 7:14:50 PM . | ||
Ngô Nhân Dụng Ông Nguyễn Tấn Dũng là người nâng cao quyền hành của chức thủ tướng lên đỉnh cao nhất trong lịch sử hệ thống cai trị cộng sản ở Việt Nam. Vị thủ tướng đầu tiên là ông Phạm Văn Ðồng gần như không có quyền nào cả; tất cả các quyết định cho guồng máy nhà nước thi hành đều nằm trong tay chức tổng bí thư. Các ông Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt đã đoạt được nhiều quyền hơn nhờ thế lực và vây cánh của họ lên cao gần bằng những người nắm chức tổng bí thư. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng thì đã lấn áp cả Nông Ðức Mạnh và sẽ qua mặt luôn cả Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì Nguyễn Tấn Dũng là vị thủ tướng đầu tiên giành quyền kiểm soát các công ty quốc doanh vào trong tay mình. Ông Phan Văn Khải đã đặt ra hệ thống các tổng công ty, vì muốn bắt chước các chaebol của Nam Hàn; nghĩ rằng công ty càng lớn thì càng làm ăn giỏi. Ðó là một ảo tưởng. Ở Ðại Hàn người ta thành công vì trên căn bản các đại công ty là của tư nhân, họ làm việc lời ăn lỗ chịu, cho nên phải cố gắng kiếm lời. Còn ở Việt Nam thì các tổng công ty do nhà nước cai quản, các vị quản đốc tiêu tiền chùa, nếu tiền mất tật mang thì không phải họ mang tật mà công quỹ gánh chịu, toàn dân Việt Nam sẽ mang thương tích! Lúc mới lên, ông Nguyễn Tấn Dũng đặt ra một hình thức công ty mới, gọi là tập đoàn. Tại sao gọi tên tổng công ty không đủ mà lại phải đổi? Thứ nhất là những chữ Tập đoàn Kinh tế rất thông dụng ở Trung Quốc; dùng cùng một danh từ như Trung Quốc là noi theo chính sách của Hồ Chí Minh đời trước. Ông Hồ đã có công nhập cảng rất nhiều danh từ của phương Bắc, như chỉnh huấn, cải tạo lao động, đấu tố, đảm bảo, hộ lý, vân vân. Lý do thứ hai là nhân dịp đặt tên mới, sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nuớc, ông Nguyễn Tấn Dũng có cơ hội “tái cấu trúc” bằng cách tập trung tất cả các Tập đoàn Kinh tế vào trong tay Phủ Thủ Tướng! Trước kia các công ty than đá, dầu khí thuộc một bộ, các công ty vận tải hay tin học, viễn thông thuộc những bộ phụ trách các ngành này. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã rút tất cả ra khỏi quyền kiểm soát của các bộ trưởng để tập trung vào tay mình. Có thể coi ông là ông chủ lớn của tất cả các Tập đoàn Kinh tế và tổng công ty thuộc nhà nước Việt Nam! Cho nên phải gọi chung tất cả các xí nghiệp đó là Tập đoàn Kinh tế Nguyễn Tấn Dũng! Nắm các doanh nghiệp nhà nuớc là nắm quyền ban phát ân huệ. Tất cả các vị quản đốc doanh nghiệp nhà nuớc từ trên xuống dưới được hưởng địa vị, lương bổng, quyền hành, là do ông thủ tướng ban cho. Quyết định đặt một nhà máy ở đâu, cho ai vay mượn, cũng nằm trong tay ông thủ tướng. Nghĩa là các bí thư tỉnh, thành, quận huyện, vân vân, đều phải tìm đến cửa ông thủ tướng để vận động xin ân huệ! Vì thế, trước kỳ đại hội đảng Cộng Sản vừa qua, cả nước nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi sau những chính sách mất lòng dân và thất bại kinh tế thấy rõ như ban ngày (Vinashin, lạm phát phi mã, bô xít, cho thuê rừng vân vân) nhưng cuối cùng Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Minh Triết phải ra đi chứ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn vững như bàn thạch! Trong số các đại biểu đi bỏ phiếu có bao nhiêu người đã được Nguyễn Tấn Dũng ban phát ân huệ? Nhưng Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng lèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam đi về đâu? Ngày hôm qua, bản tin Bloomberg News loan báo một nhà phân tích của Công ty Standard & Poor's là ông Kim Eng Tan, ở Singapore-based đã báo động rằng nước Việt Nam có ổn định hay không tùy thuộc khả năng chính quyền có giảm bớt được tốc độ gia tăng của tổng số ngân hàng cho vay hay không. Năm ngoái, công ty S&P cùng với 2 công ty thẩm lượng tín dụng Moody's và Fitch Ratings đều đã đánh điểm tín nhiệm của nước Việt Nam rớt xuống hạng “đầu tư nhiều rủi ro.” Trước những vụ xì căng đan như vụ Vinashin không có tiền nhỏ trả định kỳ cho những món nợ khổng lồ hàng tỷ đô la, các ngân hàng quốc tế mất lòng tin vào khả năng trả nợ của cả nước Việt Nam, điểm tín nhiệm tất nhiên phải xuống thấp. Bản tin Bloomberg cũng nhắc nhở rằng cán cân mậu dịch thâm thủng của nước ta lên tới 1,15 tỷ Mỹ kim trong tháng 3, cao hơn số khiếm hụt 1,11 tỷ vào tháng 2. Số dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ còn $12,4 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2010 so với $14,1 tỷ năm 2009 và $23 tỷ năm 2008, theo con số của Ngân Hàng Thế Giới. Với số dự trữ ngoại tệ không đủ để trả một tháng hàng nhập cảng, tất cả các nhà cung cấp nước ngoài khi bán hàng cho người Việt Nam sẽ rất dè dặt không dám bán chịu, và các nhà nhập cảng trong nước sẽ khó đi vay nợ quốc tế để mua hàng. Ông Kim Eng Tan mô tả là các doanh nghiệp Việt Nam đang “chiến đấu vất vả” để có ngoại tệ cho họ tiếp tục làm ăn! Tất nhiên hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng giá; thêm một nguyên nhân khiến giá sinh hoạt lên cao, ngoài những lý do dễ thấy là điện, xăng tăng giá, hối suất đô la Mỹ lên cao, dân lo đổi tiền mặt lấy hàng hóa để ngừa lạm phát. Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã tăng lên tới 14% trong tháng 3 vừa qua đúng như đã được tiên đoán. Nhìn vào các con số đó, phải kết luận Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng đang ăn vào vốn, loay hoay không thấy đường thoát! Trong khi đó, tập đoàn này lại càng ngày càng sa lầy trong các vụ xì căng đan không thể bưng bít được. Vụ Vinashin thua lỗ hàng tỷ Mỹ kim chưa biết sẽ giải quyết ra sao, lại thêm một cái “lỗ thủng lớn” mới được khui ra, là vụ công ty tài chánh ALC II, tức Công ty Cho thuê Tài chính II thuộc Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, còn gọi la Agribank. “Cho thuê Tài chánh” là một từ mới, quen gọi là lease financing trong thuật ngữ tài chánh tiếng Anh, người Trung Quốc gọi là “tô nhấm (cho thuê) lý tài (cho vay)” ở Ðài Loan gọi là “tô nhấm tài phí.” Nó bao gồm hai hoạt động: Cho vay tiền (tài chánh), và Cho thuê những máy móc, dụng cụ, thiết bị mua được nhờ số tiền cho vay đó. Nói giản dị, công việc của ALC II là cho vay nợ, cũng giống như ngân hàng vay vậy. Ðiểm mới mẻ là khi dùng thủ tục “lease financing” này thì ngân hàng chủ nợ không đưa tiền cho con nợ, tức người đi vay. Chủ nợ sẽ mua các máy móc, thiết bị mà người vay cần, rồi sau khi mua về sẽ cho người vay sử dụng các máy đó trong thời hạn của món nợ. Con nợ sẽ phải trả tiền lãi và vốn định kỳ, không khác gì quý vị ở Mỹ trả nợ khi đi vay tiền mua nhà. Khác với các món nợ mua nhà, những máy móc mà con nợ lease financing sử dụng vẫn thuộc quyền sở hữu của ngân hàng chủ nợ. Làm ăn trong ngành “Cho thuê Tài chánh” như vậy phải coi là “ăn chắc!” Ngân hàng cho thân chủ vay tiền mua máy, nhưng ai cũng chỉ cho vay sau khi đã xem xét dự án họ muốn dùng cái máy đó vào việc gì. Tất nhiên, ngân hàng sẽ phải coi dự án đầu tư đó có lời hay không, có sinh ra tiền để trả nợ hay không rồi mới đưa tiền cho vay chứ? Ăn chắc hơn nữa, là cái máy đưa cho thân chủ sử dụng đó trước sau nó vẫn thuộc sở hữu của ngân hàng. Theo hợp đồng, nếu người vay không trả được tiền hàng tháng là ngân hàng cứ tới đem cái máy đó về nhà mình! Nó khác với cái nhà mà quý vị vay tiền để mua, vì quý vị là chủ nhân cái nhà đó; ngân hàng muốn xiết nợ thì phải đi qua tòa án rất lôi thôi! “Cho thuê Tài chánh” là một ngành làm ăn rất chắc chắn như vậy. Nhưng khi dụng cụ tài chánh đó được trao cho Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng thì nó lại nát như tương! Thiên tài của ông thủ tướng và của cái đảng Cộng Sản (mà ông đang làm lãnh tụ không ai thay thế được) là cái gì hay ho đến đâu, khi đưa vào tay các ông nó cũng nát bét! Ban kiểm toán công ty ALC cuối tháng 10, 2010 cho biết, năm 2009 ALC II lỗ tới 3,004 tỷ đồng bạc Việt Nam (gấp 8.5 lần vốn điều lệ chỉ có 350 tỷ). Công ty ALC II làm thất thoát số tiền của Nhà nước tới 4.617 tỷ đồng. Trong số các món nợ có đến 60% là nợ xấu, tức là người vay không trả được đúng hạn! Trong ba tháng cuối năm 2009, ALC II thiếu 1.763 tỷ đồng không có tiền để trả ai hết; và đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4.000 tỷ. Ðúng là tiêu tiền chùa! Theo báo Tiền phong, công ty ALC II được thành lập năm 2006, đã đưa quá nhiều tiền cho các công ty ít vốn và mới thành lập vay; tiền đầu tư tập trung vào ngành vận tải biển quá lớn (chiếm 56.6% tổng số nợ), là ngành mà họ không có kinh nghiệm! Kinh khủng hơn nữa là công ty ALC II đã mua những thứ máy móc từ các công ty không có quyền sở hữu trên các máy móc đó! Blog của Ðào Tuấn kể chuyện: “Công ty ALC II mua một xe cẩu thủy lực 250 tấn của công ty Quang Vinh với giá 65 tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ 7 ngày trước, Quang Vinh mua chiếc xe này với giá chỉ chưa tới 32 tỉ đồng!” Quang Vinh được lời 33 tỷ trong một tuần, đúng là tiền trên trời rớt xuống! Thế mới Vinh Quang! Tiêu tiền chùa như thế, nhưng tiền chùa ở đâu ra? Báo Tiền Phong cho biết: “ALC II còn rất mạnh tay trong huy động vốn với mức huy động vượt trần lãi suất, thậm chí thoát ra khỏi ‘hạn mức bảo lãnh của Agribank’ tức là ngân hàng mẹ đẻ!” Ông Nguyễn Thế Bình, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Agribank chỉ biết nói: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm!” Ðây là một thủ thuật ăn cướp giữa ban ngày: Công ty ALC II, một thứ ngân hàng thuộc Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng, đã nhân danh “lợi ích chung” đi vay tiền của các ngân hàng quốc doanh cũng thuộc Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng, lãi suất cao bao nhiêu cũng chịu. Sau đó, đem tiền đi mua máy móc, thí dụ cái cần cẩu, với giá bao nhiêu cũng trả. Thế là 33 tỷ đồng của nước VN, của 85 triệu người Việt Nam được “đánh bùn sang ao” chuyển vào tay một nhóm tư nhân! Có bao nhiêu nhóm đã hưởng lộc trời như vậy? Những ai đứng đằng sau họ? Chỉ có Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng biết với nhau mà thôi! Những thành viên trong Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng có đủ cách moi tiền công quỹ. Blog của Ðào Tuấn cho biết: “Tổng công ty xăng dầu lỗ 3.600 tỷ chỉ trong 3 tháng.” Làm thế nào để khỏi bị lỗ? Ðã có cách: “Họ xin có một tỷ giá riêng!” Tức là người thường muốn đổi lấy một đô la Mỹ phải trả 18 đến 21 ngàn đồng Việt Nam. Ví dụ với tỷ giá riêng chỉ cần 12.000 đồng đổi được một đô la, thì coi như “nhân dân” Việt Nam vừa mới trợ cấp cho công ty xăng dầu 6.000 đồng. Ðổi một lần độ 100 triệu đô la thì toàn dân Việt Nam đã đóng góp cho Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng độ 600 ngàn tỷ đồng! Toàn dân Việt Nam đang bị rút ruột một cách tinh vi như thế! Nhưng cũng có một số người sẽ chịu tai nạn trực tiếp vì vụ ALC II này. Blog của nhà báo Bút Lông báo tin rằng nếu ALC II phá sản thì “Quỹ Hưu Bổng Xã Hội của các công chức về hưu có thể mất 610 tỉ đồng vì đã đầu tư 1.010 tỉ đồng vào ALC II. Ngân hàng mẹ, tức là Ngân hàng NN&PTNT chỉ bảo lãnh đến mức 400 tỉ đồng mà thôi!” Quý vị công chức nghỉ hưu nếu mất tiền hưu bổng có thể được an ủi: Trong tai nạn lớn của toàn dân thì những mất mát của mình còn quá nhỏ! Quý vị đã hy sinh cả đời phục vụ cho một tập đoàn thống trị; nay chịu hy sinh thêm một chút nữa cũng được. Có thể Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng sẽ tặng cho mỗi vị một huy chương anh hùng kinh tế! Hết cái lỗ hổng Vinashin lại đến cái lỗ ALC II! Ðã bao năm khai thác tài sản của nước Việt Nam, sức lực của người Việt Nam, không biết bao giờ đến lượt cái tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng mới về hưu? | ||