lundi 18 avril 2011

Cao ốc bọc kính cũng gây ngộ độc

SGTT.VN - TP.HCM đang phát sinh một tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm, đó là ngộ độc ánh sáng do các toà nhà bọc kính tạo ra. Với nhiều quốc gia trên thế giới, ngộ độc ánh sáng được đưa vào danh mục quản lý nhà nước, nhưng tại Việt Nam, “căn bệnh” trên mới dừng ở mức khuyến cáo.

Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 60 công trình sử dụng kính phản quang che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình.

Những tổ hợp kính màu xanh hay trắng này trông khá đẹp, mềm mại và có khả năng giảm tới 15% nhiệt lượng trong các toà nhà cao tầng.

Nhưng trớ trêu là nếu nó làm lợi cho người bên trong bao nhiêu thì làm hại cho người bên ngoài bấy nhiêu.

Vào những ngày nắng, nó trở thành một tấm gương khổng lồ hắt nắng và sáng chói chang vào khu nhà đối diện và đường đi.

Cán bộ sinh viên của trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn đang khổ sở với ánh sáng gắt của toà nhà trung tâm thương mại trên góc đường Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn, chiếu hắt thẳng vào khuôn viên nhà trường từ lúc 3 – 5 giờ chiều.

Vào thời điểm đó, xe cộ kể cả xe máy và xe hơi chạy qua đoạn đường này đều bị chói mắt vì ánh sáng xanh trên nền đường hắt ánh sáng ngược lên, còn nhìn thẳng vào toà cao ốc là điều không thể vì nó trở thành một khối sáng trắng loá gây nhức mắt.

Điều này đặc biệt trở nên nguy hại cho xã hội khi những toà nhà có bốn mặt đều bọc kính phản quang. Nhiều gia đình phải cửa đóng then cài vào buổi sáng hay chiều khi ánh nắng phản chiếu từ các khối nhà bọc kính phản quang đối diện rọi vào.

GS.KTS Trương, đến từ Singapore cho hay vào những năm 1985 – 1995 ở Singapore lúc đó cũng có một số toà nhà sử dụng kính phản quang, nhưng chính quyền sớm nhận thấy tác hại của loại vật liệu này cho nên cấm sử dụng.

Cách nay năm năm, hội đồng Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cũng luôn nhắc nhở các công trình cao tầng về điểm này, nhưng xem ra không hiệu quả vì nó chỉ là khuyến cáo chứ không phải là cấm, cho nên các chủ đầu tư vẫn chọn loại kính này.

Có lẽ công nghệ và máy móc sản xuất loại vật liệu này, kể cả thành phẩm không còn được sử dụng ở các nước tiên tiến nữa cho nên nó được nhập vào Việt Nam, vì giá rẻ nên dễ dàng được chấp nhận chăng?

Hiện nay ở thành phố, cao ốc bọc kính phủ một lớp chống phản quang đã xuất hiện nhưng rất hiếm hoi như toà cao ốc hoa sen của Bitexco có phủ bên ngoài một lớp gốm chống nóng và triệt tiêu hiện tượng phản sáng.

Chúng ta thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu một lúc nào đó không chỉ hàng chục mà hàng trăm cao ốc bọc kính phản quang mọc lên như nấm ở thành phố này?

Các nhà nghiên cứu thường nói, các nước đi sau có một lợi thế trời cho là tiếp thu được kinh nghiệm thành công và thất bại của người đi trước khi áp dụng vào nước mình, nhưng xem ra ở Việt Nam điều này chưa thấy được bao nhiêu!

Bài và ảnh: TS Nguyễn Minh Hoà