Khánh An, phóng viên RFA
2011-04-05
Một ngày sau khi diễn ra phiên xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ, tại Hà Nội hiện đang diễn ra một đợt theo dõi, kiểm soát và bắt giữ mới đối với những người đã đi theo dõi phiên tòa ngày hôm qua.
Bị bắt, bị đánh
Có thể nói, chưa bao giờ một phiên toà xét xử một nhà bất đồng chính kiến lại thu hút sự chú ý và tham gia của công chúng Việt Nam nhiều như phiên tòa diễn ra vào sáng 4/4 tại TAND TP Hà Nội, xét xử TS. Luật Cù Huy Hà Vũ về tội: “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, kết thúc với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.Hàng loạt các trang mạng xã hội, diễn đàn và các phương tiện thông tin “tự phát” đã tham gia tường thuật diễn tiến của phiên toà trong suốt ngày hôm qua. Trong khi các báo đài chính thức không được phép tác nghiệp tại phiên tòa được tuyên bố là công khai, thì rất nhiều người dân đã tự nguyện trở thành những người đưa tin bằng những phương tiện sẵn có như điện thoại, máy ảnh, camera của họ.
Cũng chính vì hành động tự phát này mà rất nhiều người trong số họ đã bị bắt giữ bằng nhiều hình thức khác nhau. Có người bị lực lượng bảo vệ bắt dồn lên xe buýt và chở đi xa khỏi khu vực tòa án rồi thả xuống, có người bị bắt đem về đồn công an, thậm chí một số trường hợp còn bị bắt theo kiểu vu khống ăn trộm như trường hợp của anh sinh viên Nguyễn Xuân Kim:
Kim chẳng thấy có biển nào cấm quay phim, chụp hình cả thì mình cũng cầm máy quay phim. Bỗng nhiên thấy có một đám người lại hô hào Kim là kẻ ăn trộm điện thoại, người ta bắt rồi người ta đánh, tra hỏi đủ thứ rồi dẫn về phường."Kim chẳng thấy có biển nào cấm quay phim, chụp hình cả thì mình cũng cầm máy quay phim. Bỗng nhiên thấy có một đám người lại hô hào Kim là kẻ ăn trộm điện thoại, người ta vu khống cho Kim là ăn trộm điện thoại, rồi người ta vây bủa lại rồi dẫn về chỗ đường Hai Bà Trưng, cách tòa nhà TAND thành phố Hà Nội khoảng 500m. Người ta bắt vào đấy rồi người ta đánh, tra hỏi đủ thứ rồi dẫn về phường."
SV Nguyễn Xuân Kim
Cùng với sinh viên Kim, hàng chục người khác cũng đã bị bắt giữ vào ngày hôm qua vì hành động quay phim, chụp ảnh hay gọi điện thoại bên ngoài phòng xử án. Trong số này có thể kể đến bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân, blogger Paulus Lê Sơn, trưởng nhóm cựu sinh viên Vinh – Nguyễn Văn Tâm, sinh viên Thái Văn Dung, blogger Cánh chim không mỏi và một số người khác nữa.
Sinh viên Nguyễn Xuân Kim cho biết, anh đã bị đánh đập nhiều lần kể từ khi bị bắt vào sáng hôm qua đến lúc được thả ra vào khoảng 2:30 sáng hôm nay:
"Lúc bắt về thì trước tiên, người ta chả cần hỏi gì cả, người ta đánh trước đã, rồi người ta hỏi: “Ai sai mày tới đây chụp ảnh? Mày chụp ảnh để làm gì?”, rồi người ta dẫn Kim về chỗ làm việc của công an Quận Hoàn Kiếm. Vào trong đấy người ta cũng tra hỏi rồi đánh tiếp, rồi bắt viết một bản tường trình. Theo nghĩa vụ công dân, Kim viết bản tường trình cho người ta. Rồi người ta bảo lên chỗ ký một biên bản vi phạm hành chính vì “gây rối trật tự nơi công cộng”. Kim bảo Kim không có làm gì gây rối trật tự công cộng cả thì người ta bảo là vì đi xem án, quay phim chụp ảnh cho vụ Cù Huy Hà Vũ."
Cùng với việc bắt ký nhận vào biên bản vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng, anh Kim còn bị cưỡng chế để lấy dấu vân tay cùng với một số người khác cũng bị bắt khi đi theo dõi phiên tòa ngày hôm qua:
"Lúc đấy vào tầm 1 giờ sáng, trong phòng đó có 11 người, 7 người đã lăn dấu vân tay, còn lại 4 người, trong đó có Kim cùng với một bạn tên Sơn ở Thanh Hóa, bác Nguyễn Xuân Tùng ở Hà Nội và một bác nữa không chịu lăn dấu vân tay. Tầm 1 giờ người ta gọi lên, cưỡng chế để lấy dấu vân tay. Người ta đánh, đánh cả người già. Người ta đánh và chửi thậm tệ. Vừa mới lên là người ta đã chửi một cách vô văn hóa theo kiểu côn đồ ấy.
Người ta bảo là “Tù nhân chính trị là chúng mày”. Mình bảo “Tôi có làm gì đâu mà gán ghép, chụp mũ cho người ta là tù nhân chính trị”, thì họ bảo là “Tao là trời, tao là Đảng, chúng mày phải nghe tao. Bây giờ chúng mày có làm không? Không làm là tao cưỡng chế đấy”. Thế là chúng nó đánh và cưỡng chế cả 4 người phải lăn tay vào để cho công việc làm của nó."
Khám nhà, tịch thu tài sản
Được biết, ngoài việc bị bắt giữ, đánh đập, hai trong số những người bị bắt là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân còn bị công an đến khám xét nhà, niêm phong và tịch thu một số đồ đạc vào đêm hôm qua. Hiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân và một số người khác vẫn chưa được thả ra. Sinh viên Kim cho biết trong lúc bị giam giữ, anh đã chứng kiến luật sư Quân bị đánh đập: "Trong lúc đấy thì anh lại nói chuyện với tụi em thì được hai cán bộ “chăm sóc tận tình” quay lại đánh trước mặt tụi em. Trước lúc về thì anh ấy bảo là “Hiện tại bây giờ Quân đang có giấy tạm giam 3 ngày vì điều 44. Chắc là chúc anh em đi bình an trước, Quân thị bị tam giam, bị bắt cóc tại đây rồi, có lẽ gặp anh em ít ngày nữa."
Sáng sớm hôm nay, vào khoảng 2:30 sáng, các sinh viên Thái Văn Dung, Nguyễn Xuân Kim và 2 người khác đã được thả ra. Riêng trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân, đêm hôm qua, công an đã thực hiện hai cuộc khám xét, lúc 10 giờ tại nhà và 1 giờ sáng tại văn phòng. Sáng nay, vào lúc 10 giờ, công an đã mời chị Hiền, vợ của luật sư Lê Quốc Quân lên làm việc.
Trước tình hình nhiều người trong cộng đoàn bị bắt giữ vô cớ, cộng đoàn Công giáo Vinh tại Hà Nội đã ra tuyên cáo phản đối những hành động trái pháp luật, vi phạm nhân quyền của các cơ quan chức năng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những người còn đang bị giam giữ.
Đại diện cho cộng đoàn, linh mục Lưu Ngọc Quỳnh cho biết:
"Việc tôi phải làm đó là những người của tôi bị bắt giữ, trong đó có cả luật sư Lê Quốc Quân nữa, với trách nhiệm đối với cộng đoàn, tôi sẽ lên tiếng và sẽ tiếp tục yêu cầu trả lại tự do cho Lê Quốc Quân. Đây là trách nhiệm, bổn phận. Những người Vinh tại Hà Nội mà bị bắt bớ một cách vô lý thì cộng đoàn có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ. Hôm qua, chúng tôi đã tổ chức cầu nguyện ngay lập tức. Sáng nay, các thành viên đã được thả về, còn lại Lê Quốc Quân. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để Lê Quốc Quân được sớm trả lại tự do."
Hôm nay, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế mà TAND thành phố Hà Nội đã xử ông Cù Huy Hà Vũ. Việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Việt Nam đối với chấp hành luật và cải cách vì không ai bị đi tù chỉ vì sử dụng quyền tự do ngôn luận. Theo đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và những tù nhân lương tâm khác.