mardi 19 avril 2011

Thiên đường ảo, địa ngục thật

Một nhóm chín người bị dụ qua Trung Quốc lao động với mức lương cao và cuộc sống tốt. Nhưng vừa qua biên giới, họ bị “bán sống” cho các doanh nghiệp và bị buộc phải làm việc từ 12-20 giờ mỗi ngày.

Hai nạn nhân tên U. (26
tuổi, đề nghị giấu tên) và T. (25 tuổi, cùng ngụ H.An Phú, An Giang) là hai trong số chín người bị dụ vượt biên sang Trung Quốc để rồi bị “bán sống” vừa trốn thoát trở về.
Trong sự sợ hãi, cả hai kể lại với Tuổi Trẻ câu chuyện may mắn trốn thoát “địa ngục” với sự giúp đỡ của một người bản địa tử tế.
Danh sách 7 nạn nhân đang kẹt ở Trung Quốc
1. Phạm Văn Nam (còn gọi là Phạm Quốc Nam, 37 tuổi)
2. Ngô Phương Ngoan (20 tuổi)
3. Nguyễn Thị Thanh Kiều (20 tuổi, vợ Ngoan)
4. Đỗ Phú Cường (17 tuổi)
5. Dương Thành Nhân (22 tuổi)
6. Nguyễn Văn Điều (22 tuổi)
7. Một người tên Cường, còn gọi là Cường “đen”, chưa rõ năm sinh.
Vượt biên gian khổ Nhóm của U. và T. được Thời (ngụ Bắc Giang) rủ đi làm tại Trung Quốc với các điều kiện dễ dàng: không cần giấy tờ tùy thân, không cần có tay nghề, bao toàn bộ phí ăn ở, đi lại, có rất nhiều công việc để lựa chọn, đảm bảo trừ hết chi phí một người được trả lương tương đương 4 triệu đồng/tháng. Nếu đồng ý đi chung, Thời lo toàn bộ tiền ăn, ở, vé máy bay, vé tàu xe đi Trung Quốc.
Sau nhiều lần thuyết phục, lại có cả anh ruột của bạn gái Thời cùng đi nên cả hai đồng ý theo Thời qua Trung Quốc. Ngoài U. và T., còn có một số người khác nữa, tính cả Thời và bạn gái, nhóm có 11 người.
Đầu tháng 12-2010, cả nhóm đi xe đò từ An Giang tới Lạng Sơn. Trên suốt đoạn đường di chuyển này, ai có tiền tự mua đồ ăn, còn không thì nhịn, Thời và bạn gái không quan tâm. Đến Lạng Sơn, cả nhóm phải ở chung trong các phòng trọ tồi tàn ba ngày, Thời giải thích: “Chờ bà ma ma gửi tiền qua mới đi được”.
Khi “có tiền của ma ma”, cả nhóm sang Trung Quốc trên một ôtô loại bảy chỗ nhưng không có ghế. Đi được ít lâu, cả nhóm được thả xuống một đường mòn, phía trước là rừng núi hoang vu, phải đi bộ xuyên đèo, xuyên rừng. Mệt lả và sợ hãi, mọi người bàn nhau quay về. Thấy vậy, hai người đàn ông bặm trợn đi chung từ Lạng Sơn cầm dao gí vào một người trong đoàn, hỏi: “Đi hay về?”. Ở lưng chừng đèo, cả nhóm được nghỉ lại trong một căn nhà hoang sơ, trời quá lạnh, phải đốt lửa sưởi ấm, tranh thủ ngủ ít phút.
Tỉnh dậy khi trời còn chưa sáng, cả đoàn lại tiếp tục đi bộ, rồi nhập vào một đoàn người khác có hoàn cảnh tương tự, tới sáng thì được lên ôtô, cũng loại bảy chỗ ngồi không có ghế.
Đói rét, cực nhọc
Sau chặng đường dài từ biên giới vào sâu nội địa Trung Quốc, nhóm của U. và T. được đưa tới một nhà trọ của ma ma tại Quảng Châu chờ ít ngày. Bằng điệu bộ, U. và một phụ nữ đi chung đoàn hiểu ma ma yêu cầu tách họ ra khỏi nhóm, đi làm việc khác.
Do được một người Trung Quốc gốc Việt cảnh báo không được rời nhau, nếu không sẽ bị đưa vào nhà chứa nên hai người bám chặt tay những người đi chung. Cuối cùng, cả nhóm được đưa vào một xưởng sản xuất giày da ở Phúc Kiến làm việc.
Thời nói hằng ngày cả nhóm được ăn sáng, làm việc từ 8g30 tới chiều, tối đa là 12 giờ/ngày, làm được nửa tháng sẽ có ứng lương. Tuy nhiên, cả nhóm chỉ được ăn sáng trong 10 ngày đầu, sau đó phải nhịn và làm việc từ 7g30 tới 22g-23g, nếu cần hàng gấp chủ bắt làm tới sáng hôm sau.
Trong khi làm việc, chỉ được ăn bữa trưa và chiều với cơm trắng, củ cải xào và canh đậu hũ, nếu bệnh và nghỉ ở phòng trọ thì nhịn đói. U. gọi điện cầu cứu Thời, nhưng chỉ nhận được những lời hứa.
Đầu tháng 3-2011, Thời liên lạc với nhóm của U., hẹn trốn ra khỏi nơi đang làm việc Thời sẽ đón, đưa đi làm tại một công ty tốt hơn.
Cả nhóm lại theo Thời, trốn tới Quảng Châu. Tại đây, nhóm của U. và T. lại bị đưa vào một xưởng sản xuất giày nhỏ hơn, điều kiện tồi tệ hơn. U. bị bệnh, nằm nghỉ tại phòng và luôn bị ông chủ xưởng sàm sỡ, nên dù bệnh cũng phải cố xuống xưởng làm việc.
Thời tiết tại Trung Quốc lúc này rất lạnh, tuyết rơi dày, trong khi cả nhóm không có đủ áo ấm, phải đi xin quần áo cũ để mặc. Không ai dám tự ý ra ngoài vì không biết đường, không biết tiếng và bị Thời dọa: “Ra ngoài bị công an Trung Quốc bắt sẽ bị giam ba tháng, phạt 100 triệu đồng”.
Quá đói, nhóm của U. và T. phải chia nhau đi tìm cái ăn trong các thùng rác gần xưởng giày để nhặt loại bánh hết hạn sử dụng hoặc đồ ăn thừa bỏ đi.
Do U. liên tục chảy máu cam, bị bệnh nặng phải nhập viện, sau đó U. lại nói dối có thai nên được một người bản địa thương tình đưa người tới buộc chủ xưởng giày phải thả U. và T.. Hai người được đưa về biên giới giáp với Móng Cái (Quảng Ninh) với lời dặn: “Về đi, đừng bao giờ trở lại!”.
Ở Móng Cái, U. lại gặp Thời, Thời cùng một nhóm người bặm trợn tính toán nợ nần thế nào không rõ, U. phải gọi cho người nhà gửi tiền cho Thời mới được tự do với lời dặn: “Đừng có về quê, đừng lắm mồm”.
Nước mắt người ở quê
Đầu tháng 4-2011, U. về tới nhà, báo tin cho Tuổi Trẻ. Chúng tôi có mặt tại An Giang để gặp người thân những nạn nhân hiện còn ở Trung Quốc. Bà Phan Thị Phượng (42 tuổi), có con trai là Dương Thành Nhân (22 tuổi), kể: “Nó gọi điện về và nói được ít lắm, hình như có người ở cạnh nên không dám nói nhiều. Nó khóc, nói: “Con bị gạt, đông người bị gạt như con lắm, ở đây đói lắm”. Tôi khuyên nó cố trốn về thì nó nói: “Không trốn được, chỉ có khi chết thì hồn con sẽ về thăm mẹ”. Nó dặn tôi ở nhà gắng lo cho các em, nó bị lừa rồi...”.
Bà Trần Kim Dạn (52 tuổi) - có con trai, con dâu và cháu ruột đang kẹt tại Trung Quốc - cho biết người thân của bà không có liên lạc gì. Lúc U. mới về, bà có liên lạc với người thân ở Trung Quốc, nghe kể lại câu chuyện lao động cực nhọc này, hoàn toàn không biết gì thêm.
Trong thời gian có mặt tại An Giang, chúng tôi liên hệ được với một số nạn nhân qua điện thoại, họ đều thuật lại câu chuyện đúng như U. đã kể. Hiện bảy người trong nhóm của U. đang ở lại Trung Quốc trong tình cảnh mỗi người mỗi nơi, không thường xuyên liên lạc được với nhau.
Có ba người là Đỗ Phú Cường (17 tuổi), Phạm Quốc Nam (còn gọi là Phạm Văn Nam, 37 tuổi) và Dương Thành Nhân thông báo đã trốn ra ngoài, đang tìm đến công an Trung Quốc. Gia đình ba người này cho biết công an địa phương có mời tới lấy lời khai, xác minh nhân thân, cả ba đã được giao cho Đại sứ quán VN tại Trung Quốc.
Theo ông Trần Văn Hải - phó trưởng Công an thị trấn An Phú (H.An Phú), công an tỉnh cử người về thị trấn xác minh về Đỗ Phú Cường cùng hai người khác bị công an Trung Quốc bắt.
Ông Trương Thanh Tuấn - phó trưởng Công an xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) - cho biết có ông Hậu - người của Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh An Giang - tới Công an xã Vĩnh Hội Đông xác minh nhân thân của Phạm Quốc Nam. Ông Hậu có thông báo về việc ba người ở An Giang gồm Cường, Nhân, Nam và một người ở Thanh Hóa bị Công an tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) bắt do nhập cảnh trái phép.
Ông Hậu còn cho chúng tôi xem cả bản fax bằng tiếng Việt của Đại sứ quán VN tại Trung Quốc - trong đó có tên những người bị bắt. Tuy nhiên, thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng - phó trưởng Phòng PA72 Công an tỉnh An Giang - lại nói: “Phòng PA72 xác nhận chỉ nhận được đơn tố giác của gia đình các nạn nhân, đang cho người đi xác minh chứ không có thông tin gì về các lao động trên từ Trung Quốc”.
Ông Tùng cũng nói trong Phòng PA72 Công an tỉnh An Giang có cán bộ tên là Nguyễn Út Hậu, đồng thời cho biết đang xác minh, không thể trả lời có hay không việc bắt giữ người ở Trung Quốc.
N.HẬU - T.TÚ

Thân nhân những nạn nhân ở
An Giang bị lừa sang lao động
tại Trung Quốc thấp thỏm …

 Bà Phan Thị Phượng - có con trai
là Dương Thành Nhân hiện đang lao động
cực nhọ tại TQ

Bà Trần Kim Dạn - có con trai,
con dâu và cháu ruột đang kẹt
ở Trung Quốc 
Một phụ nữ kêu cứu
Qua điện thoại, chị L.M. nhờ phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ cơ quan chức năng nhờ giải cứu chị về VN càng sớm càng tốt. Chị cho biết được đưa sang Trung Quốc để làm vợ “đại gia” nhưng thực chất là làm ôsin chăm sóc hai người cao tuổi, một người mù, một người điếc và làm công việc giống như phục vụ tình dục cho một người làm thợ hồ. Chị cũng không biết mình đang ở đâu, chỉ nghe loáng thoáng là Đại Sa gì đó.
Theo chị L.M., đầu năm 2011 chị làm công nhân Công ty Tỉ Xuân ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Một người bạn rủ chị sang nhà bà Y. ở cùng huyện với mục đích cho một số người Trung Quốc “xem mặt”. Bà Y. nói những người Trung Quốc này muốn cưới chị L.M.. Biết chị L.M. có chồng con nhưng chưa đăng ký kết hôn nên bà Y. xúi chị bỏ chồng để sang Trung Quốc lấy chồng “đại gia”. Chị L.M. đồng ý và gửi giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho bà Y. làm hộ chiếu.
Chị L.M. kể ngày 18-3, chị và khoảng bảy cô gái khác cũng ở Đồng Tháp được bà Y. đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội. Sau đó, một nhóm người Trung Quốc đón họ tại sân bay Nội Bài và đưa lên ôtô về cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Từ cửa khẩu, xe chạy tiếp ba ngày nữa thì tới một nơi có nhiều đồi núi.
Chị L.M. được đưa về một gia đình bình thường và được thông báo là sẽ làm vợ một người đàn ông. Theo tìm hiểu của chị, người đàn ông này đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để đưa chị về đây.
Tại “nhà chồng”, ngoài việc phụ hồ, chị còn chăm sóc cha mẹ của chồng - một người mù, một người điếc. Biết mình bị lừa, chị L.M. rất muốn trở về với chồng con nhưng vì sợ bị trả thù, bị bắt đền hợp đồng nên phải cắn răng chịu đựng.
Chúng tôi đã tìm gặp anh Đ. (chồng chị L.M.) và được anh này xác nhận những gì chị kể là đúng. Bản thân anh Đ. cũng có đơn gửi công an huyện tố cáo hành vi lừa phụ nữ đưa qua Trung Quốc của bà Y.. Lãnh đạo huyện Tháp Mười đã nắm được sự việc và chỉ đạo cơ quan điều tra.
N.HẬU - T.TÚ