Việt Nam nợ hơn 100 tỷ đô la
Cập nhật: 14:47 GMT - chủ nhật, 25 tháng 11, 2012
Chuyên gia thống kê Việt
kiều hàng đầu Vũ Quang Việt đã đưa ra ước tính nợ công của Việt Nam dựa
trên các số liệu chính thức mà Hà Nội mới công bố.
Nợ công theo chuẩn quốc tế được hiểu là nợ của chính phủ cộng thêm nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Việt Nam không coi nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một phần của nợ công và do đó không tính khoản hơn 62 tỷ đô la của khối này vào nợ quốc gia.
Theo cách tính của Việt Nam, Tiến sĩ Việt nói, nợ công ở mức gần 67 tỷ đô la Mỹ, tức 55% GDP.
Nhưng ông Việt cho rằng nợ theo định nghĩa quốc tế phù hợp với tình hình ở Việt Nam và viết:
"Chính vì nhà nước làm chủ sở hữu của DNNN do đó mà nhà nước không thể phủi tay để chủ nợ đòi bán tài sản thu nợ theo đúng luật phá sản, như ta đã thấy là nợ của Vinashin đã được chính quyền dồn cho các DNNN khác phải trả."
Nợ gấp 10 lần vốn
Ông Việt nói nợ công của Việt Nam có thể thấp hơn con số mà ông ước tính khoảng 14 tỷ đô la do có thể có sự trùng lặp giữa nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và nợ do chính phủ bảo lãnh.
"Nếu không giảm được lạm phát, qua đó giảm lãi suất thì doanh nghiệp nói chung khó có khả năng sống còn." Tiến sỹ Vũ Quang Việt
Trong số này có tám doanh nghiệp nợ gấp 10 lần vốn và 10 doanh nghiệp nợ từ 5-10 lần.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định: "Như vậy có lẽ 30 tập đoàn này đã mất khả năng trả nợ.
"Nếu không giảm được lạm phát, qua đó giảm lãi suất, thì doanh nghiệp nói chung khó có khả năng sống còn."
'Phát triển bong bóng'
Theo Tiến sĩ Việt, nếu lấy 8,8% là tỷ lệ nợ xấu thì số nợ xấu trong nợ công của Việt Nam là hơn 11 tỷ đô la.
Ông nói con số này là 'rất lớn' và 'vượt ngoài sức chịu đựng của ngân sách' mà tổng thu của năm 2011 đạt gần 34 tỷ đô la Mỹ.
Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đặt câu hỏi: "Không lẽ ngân sách chỉ dùng để trả nợ xấu? Hay in tiền tạo lạm phát?"
Tiến sĩ Việt cũng nêu tình trạng phát triển dựa vào vốn vay thay vì vốn tự có ở Việt Nam và nói tình trạng "bơm tiền quá lố" khiến kinh tế Việt Nam "phát triển bong bóng".
"Những hoạt động này có thể là những hoạt động đầy rủi ro như chứng khoán, mua địa ốc (khác hoàn toàn với hoạt động xây dựng tạo ra việc làm), lập ngân hàng, v.v.
"Có thể nói dường như hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động không nhằm phục vụ sản xuất."
Ông Việt cũng khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê cần đưa ra các con số về phân phối tín dụng thường xuyên hơn vì nó cho thấy hệ thống ngân hàng phục vụ ai trong nền kinh tế.
Số liệu, theo ông, cũng cần được công bố hàng quý chứ không thể để tiếp tục tình trạng vào cuối năm 2012 mới biết số liệu của năm 2011