Những ảnh hưởng ngầm phía sau những kiến nghị
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-11-03
Lá thư khẩn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang 144 chữ ký của nhân sĩ trí thức yêu cầu trả tự do cho sinh viên Phương Uyên đang là đề tài được nhiều người chú ý hiện nay.
Từ những kiến nghị này tới thư ngỏ khác...
Bức thư khẩn với 144 chữ ký này không phải là điều gì lớn lao nếu so với "Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite tại Việt Nam" đã tập trung 2746 chữ ký vào tháng Tư năm 2009. Ngày 9 tháng 4 năm 2011 một kiến nghị đòi trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ với 1889 chữ ký. Ngày 10 tháng 7 năm 2011 thư ngỏ mang tên "Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay" quy tụ 1219 chữ ký. Tháng 9 năm 2011, 14 giáo sư, học giả trí thức hải ngoại soạn thảo một văn bản chi tiết đưa ra những đề nghị tâm huyết mang tên "Cải cách toàn diện để phát triển đất nước". Trong lời nói đầu nhóm chủ trương khẳng định "Văn bản này không phải là một bản kiến nghị, cũng không phải đưa ra để lấy chữ ký, mà cốt chia sẻ suy nghĩ về cải cách toàn diện để phát triển đất nước. Văn bản đã được gửi đến các ủy viên trong Bộ Chính trị cách đây khoảng một tháng và đến Quốc hội cùng Chính phủ gần đây hơn." Ngày 27 tháng Bảy năm 2012, 42 trí thức đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu nhà cầm quyền thành phố HCM tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 20 tháng Mười năm 2012 một thư cầu cứu khẩn cấp của 109 sinh viên trường Đại học Công Nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh gửi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu cứu cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị bắt giữ không minh bạch. Cũng từ bức thư cảm động này đã tác động mạnh mẽ đến lương tâm người nghe câu chuyện và 10 ngày sau, ngày 30 tháng Mười năm 2012, lá thư khẩn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chữ ký của 144 người đa số là trí thức với mục đích hỗ trợ cho cho những người trẻ có tấm lòng với mệnh nước như sinh viên Phương Uyên.Tiếp sức sinh viên qua kiến nghị
Giáo sư Tương Lai cho biết nguyên nhân ông tham gia vào việc ký tên như sau: “Tôi không tính đến chuyện cô tham gia cái gì, làm cái gì tôi không biết nhưng qua hình ảnh của cô ấy, một nữ sinh viên rất hiền dịu qua lời kể của bạn bè cô cho biết thì cô là một ủy viên Ban chấp hành chi đoàn. Một người sống rất hiền lành và rất hòa nhã. Cô tham gia vào hoạt động chống Trung Quốc vậy thì chuyện ấy là logic và tất yếu. Có thể về mặt này mặt nọ cô có thể bị gài bẫy, tôi không biết, nhưng về cơ bản thì hình ảnh đó nó gây xúc động và đó là lý do khiến chúng tôi ký tên vào bức thư gửi Chủ tịch nước. Mở đầu bức thư đó đã nói rất rõ: chúng tôi ký sau khi thư của sinh viên trường Đại học công nghiệp thực phẩm gửi cho Chủ tịch nước thì bức thư này là tiếp sức cho sinh viên.” Giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh cũng ký tên vào thư khẩn này, ngài cho biết lý do như sau: “Đây không phải lần đầu tiên tôi ký bức thư kiến nghị bênh vực những người yếu đuối, những người trong các vụ khiếu kiện không rõ rệt. Đặc biệt trường hợp em Phương Uyên thì tôi rất bức xúc. Khi tôi đọc thư của các bạn Phương Uyên thì chúng tôi một nhóm nhân sĩ cũng ngồi lại với nhau ký vào thư ấy với tính cách con người với nhau. Hơn nữa tôi cũng có một vai trò trong xã hội. Có vị thế để suy nghĩ vấn đề bảo vệ, vấn đề công bằng xã hội chúng ta nên tôi đã ký vào đó.”Mở đầu bức thư đó đã nói rất rõ: chúng tôi ký sau khi thư của sinh viên trường Đại học công nghiệp thực phẩm gửi cho Chủ tịch nước thì bức thư này là tiếp sức cho sinh viên.Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả bài viết mới nhất: "Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?" cũng ký tên vào thư kiến nghị này. Anh cho biết cảm giác của mình trước sự bắt giữ âm thầm đối với sinh viên Phương Uyên: “Việc ký tên xảy đến khi tôi nhận thư mời của một nhóm trí thức trong thư ngỏ kêu gọi những người có tấm lòng quan tâm đến trường hợp của bé Phương Uyên. Bên cạnh đó mẹ của Phương Uyên đang đi tìm cũng gây xúc động và người ta không biết tình trạng của bé như thế nào. Việc của nhà nước thì nhà nước làm, công việc của những người tổ chức lá thư ngỏ này người ta chỉ muốn sự rõ ràng để gia đình người ta yên tâm và mọi thứ cần phải cụ thể hơn. Tất cả bạn bè và xã hội đều lo cho bé Phương Uyên và không ai biết chuyện gì xảy ra. Tuấn Khanh nghĩ rằng sự ký tên như vậy là cách bày tỏ tấm lòng của mình với giới trẻ và có thể nó sẽ mang lại sự quan tâm nào đó của xã hội.” Đứng thứ hai trong bản danh sách kiến nghị là Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được xem là niềm tự hào của tuổi trẻ và trí thức Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông tham gia góp tiếng nói của mình vào một vấn đề thời sự. Lần thứ nhất ông đã ký vào kiến nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ. Trước đó GS Ngô Bảo Châu ông đã gửi một bức thư dài cho Quốc hội phân tích tại sao không thể khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh đến hình ảnh đã làm ông xúc động khi chứng kiến những cô gái như Phương Uyên kiên cường trước bạo lực như thế nào, ông nói: “Mắt tôi đã chứng kiến trong một cuộc biểu tình khi cô Thục Vy cùng với người chồng chưa cưới bị đàn áp trước mắt tôi chỉ một mét rưỡi thôi. Với tôi thì hình ảnh các cháu thanh niên, nhất là nữ thanh niên nữa mà nó dám xông pha vào chốn mạo hiểm như thế nó có sức lay động rất ghê gớm. Nó làm cho mình tin hơn ở dân tộc mình, sức sống của dân tộc mình. Nếu lịch sử nói hình ảnh Bà Trưng Bà Triệu thì dù sao nó cũng là chuyện lịch sử. Nhưng trước mắt tôi là những tấm gương bằng xương bằng thịt của những cô thanh nữ rất nhỏ nhoi trước bạo lực nhưng họ rất kiên cường. Cái hình ảnh ấy nó đập vào trong tim tôi và khi tôi đi biểu tình cùng với họ tôi được động viên bằng những hình ảnh đó. Vì sao? Vì chính họ là niềm tin của chúng tôi hiện nay.”
GS Tương Lai
Một người khác cũng có tên trong danh sách là ông Cao Lập, một sinh viên tranh đấu trong thời gian trước năm 1975 và bị giam tại nhà tù Côn Đảo, nguyên là giám đốc trung tâm du lịch Bình Quới đưa nhận xét: “Các cháu nó ở tuổi trưởng thành và tự quyết định vấn đề bản thân khi những vấn đề ấy liên quan đến đất nước dân tộc. Những thái độ dấn thân vì lợi ích dân tộc đất nước thì tôi trân trọng. Tôi chưa biết vấn đề bên trong là gì nhưng tôi ký vì muốn có một thái độ minh bạch từ phía nhà nước. Tôi thấy trước kia những vụ bắt bớ đều được thông báo cho gia đình được biết còn bây giờ khi bắt xong thì chẳng ai báo ai, chẳng công bố điều gì. Những việc như vậy nó sẽ không tốt và tôi thấy không có lý do gì để mà không minh bạch. Trong những lúc tình hình đất nước đang như thế này lại có những vụ xử án nặng nề với những người bày tỏ chính kiến nào đó thì không nên đối với nhà nước này. Điều đáng sợ nhất trong đất nước chúng ta là sự im lặng đáng sợ! Những tiếng nói có lương tâm dân tộc như vấn đề Bauxite hay các vấn đề lớn khác đều rơi vào vô vọng hết mà điều này tôi nghĩ là đáng sợ nhất của đất nước mình bây giờ. Khi tôi ký vào bản kiến nghị thì tôi nghĩ đây là cách bày tỏ thái độ chứ còn chờ kết quả thì thật lòng tôi không nghĩ một kết quả tích cực nào.” Trước câu hỏi từ xưa nay kiến nghị gửi đi quá nhiều nhưng không có một thư ngỏ kiến nghị nào được trả lời như vậy có phí công hay không, luật gia Lê Hiếu Đằng chia sẻ: “Kiến nghị, thư ngỏ chỉ là hình thức đấu tranh, phía chính quyền trả lời hay không trả lời thì đó là trách nhiệm của họ. Nếu họ không trả lời thì dân người ta càng thấy thôi. Khi tôi làm bản kiến nghị này thì nhiều anh chị em cũng nói rằng sao cứ làm thư ngỏ hoài? Nhưng đây là tiếng nói lương tâm cho người ta thấy phải bảo vệ em sinh viên đó. Cái nội dung là bảo vệ các em sinh viên và nói với nhân dân chứ đâu phải chỉ nhắm đến chính quyền? Và thông qua bức thư ấy mình cho xã hội thấy hiện nay cũng có nhiều người đang phản đối với hình thức như vậy.”