mercredi 14 novembre 2012

Tại sao công bố quốc tế của VN không bì được với Thái Lan (để bổ sung cho lập luận của GS NVTuấn)

Công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của VN không bằng ai cả, thua tất thảy các nước Đông Nam Á, có lẽ chỉ hơn Campuchia thôi, đó là lập luận của nhiều người nhưng tiêu biểu là GS NVT, hoặc cặp đôi tác giả NVT & PTL trong một bài báo gần đây.

Lý do tại sao VN thua kém thì chắc có nhiều; GS Tuấn cũng đã viết nhiều rồi, và tựu trung tôi thấy các ý chính của GS ấy là: các nhà khoa học của VN kém! Chấm hết. Kém đủ thứ, nào là kém tiếng Anh, nào là kém về đạo đức khoa học (đạo văn chẳng hạn), kém về kinh nghiệm công bố quốc tế, năng lực khoa học, tất tần tật. 


Ngoài ra, không chỉ có nhà khoa học (thực ra, theo định nghĩa của GS Tuấn thì chưa thể gọi họ là "nhà khoa học" vì họ đâu có làm khoa học, ở đây làm khoa học được hiểu là có công bố quốc tế ấy ạ) của VN kém, mà nói chung là các nhà chính sách, các vị có quyền điều hành, và cả các vị lãnh đạo chuyên môn của các trường, khoa, viện, trung tâm vv của VN cũng kém! Thiếu tâm và thiếu tầm. Nói tóm gọn lại trong một chữ thì là: Xổ toẹt!

GS Tuấn mà đã nói thì chắc là không sai (?), ấy là nhiều người ở VN vẫn nghĩ thế. Tôi cũng thiên về cách nghĩ như thế,  vì ông đang giảng dạy và làm việc tại một Viện nghiên cứu của một nước phát triển, English-speaking (Anglo-Saxon), thì làm sao mà chẳng có điều kiện tốt hơn chúng ta. 


Nhưng hiểu về tình trạng của các nước ĐNÁ, đặc biệt là các trường đại học ở đấy, để có thể so sánh với VN cho chính xác thì chắc ông Tuấn không biết nhiều hơn tôi đâu ạ (vâng, xin ông Tuấn đừng so sánh VN với Úc hoặc Mỹ, Anh, Nhật, Hàn ạ, vì làm sao mà so sánh được cơ chứ khi thu nhập bình quân đầu người của họ là đến vài chục ngàn đô, còn mình thì chỉ mới đâu đó trên ngàn đô thôi!).

Vậy nên, xin có vài lời để bổ sung thêm cho lập luận của ông GS Tuấn. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi ạ, đó là đồng lương của các vị giáo sư, tiến sĩ ở các trường của Thái Lan, trong tương quan so sánh với VN.


- Ở VN, xin lấy ví dụ ở một trường thuộc loại hàng đầu của TP HCM là ĐHQG-HCM, lương trung bình của một giảng viên có bằng tiến sĩ và giảng dạy trên chục năm trở lên chắc khoảng 500 USD, nhiều khi còn ít hơn. Cứ cho là họ dạy thêm, dạy nếm (!), chạy "sô" chỗ này chỗ khác được thêm một khoảng tương đương thế, thì họ mới đạt được mức thu nhập 1000USD/tháng. Mà phải làm quần quật, như ta hay nói là làm "thợ dạy". Tất nhiên cũng có những thầy giỏi, được mời tham gia nhiều đề tài, công trình, thì có thu nhập tốt hơn, nhưng đây là thiểu số chứ không phải là đa số.


Riêng ở ĐHQT, nơi được coi là "bờ sôi ruộng mật" của ĐHQG-HCM nói riêng và của hệ thống ĐH VN nói chung (vì được thu học phí cao, trả lương cao, học bằng tiếng Anh) thì lương giảng viên có bằng TS, không phải đi dạy thêm mà chỉ dạy cho trường chắc cũng dao động trong khoảng 1000-1500 USD. Là mong ước của nhiều người, và chen chân vào dạy ở trường này không phải dễ!


Ở trường ấy, người ta còn khuyến khích công bố quốc tế bằng cây gậy và củ cà rốt, tức là bắt buộc phải làm, nhưng làm rồi thì được thưởng bằng tiền, một bài đăng báo thì được đâu 1000 hay 1500 USD gì đó, tôi nghe thế không rõ có chính xác không. 


Và chỉ thế thôi, thì số bài công bố ở ĐHQT đã cao hơn hẳn nhiều nơi khác rồi. Tóm lại, nếu giảng viên toàn quốc đều có điều kiện làm việc như ở ĐHQT thì chắc chắn là công bố quốc tế của VN chẳng mấy chốc sẽ tăng lên. Thì, có thực (= lương tốt) thì mới vực được đạo (= làm nghiên cứu, tức là có công bố quốc tế, theo định nghĩa của GS Tuấn) mà, ông bà ta nói đố có sai vào đâu được.

- Thế ở Thái, thì lương của họ ra sao?

+ Giảng viên có bằng Tiến sĩ: đương nhiên hưởng mức lương 1 ngàn đô/tháng, tức 30 ngàn đồng baht của Thái. (tỷ giá: 1 đô bằng cỡ 30 baht). Bằng lương của ĐHQT.
+ Giáo sư: lương 2 ngàn đô, thêm 6 trăm đô trợ cấp. Tiền baht là 60 ngàn + 18 ngàn trợ cấp. Gấp hai lần rưỡi lương của giảng viên thường ở ĐHQT.

Thông tin ở đâu ra thế, bịa ra phải không? Dạ, em đâu dám thế (chính phủ yêu cầu kiểm tra, thì em chết mất), nó đây ạ. Trong báo cáo
năm 2010 của ĐH UM của Mã Lai, trong chuyến đi thăm trao đổi và học hỏi đến các trường đại học nghiên cứu của Thái Lan. Ở đây: http://vcoffice.um.edu.my/wp-content/uploads/2010/03/REPORT/Thailand.pdf.

Vâng, chỉ thế thôi, thì đã thấy ngay là tại sao Thái Lan có công bố khoa học nhiều hơn VN nhiều lần rồi. Đấy là chưa kể số lượng giáo sư và tiến sĩ của họ chắc chắn là hơn mình. Tôi dám nói chắc điều này vì trong khi ở VN thì số giảng viên có bằng tiến sĩ chỉ chiếm 20-25% tổng số giảng viên, còn ở Thái hầu như ai cũng phải có bằng tiến sĩ rồi mới được đứng lớp, tức tiến sĩ là xấp xỉ 100%. Chưa kể tỷ số sinh viên trên giảng viên của mình cao gấp mấy lần họ. 


Thế mà GS Tuấn cứ phán đại rằng VN có khá nhiều GS, TS so với các nước khác, mà chẳng đưa ra số liệu so sánh gì cả. Cứ xơi xơi phê phán, mạt sát các nhà khoa học - xin lỗi, phải nói lại cho chính xác kẻo ông Tuấn bắt bẻ, đó là các tiến sĩ trong nước nhưng không làm khoa học - của VN đến vuốt mặt không kịp. Xin thưa với ông Tuấn rằng, số lượng tiến sĩ và giáo sư của VN không nhiều đâu ạ, đặc biệt khi so với Thái Lan. Nhưng thôi, chi tiết ấy để hôm khác em hầu chuyện với GS Tuấn sau, GS nhé.

Và cuối cùng, rất mong ai đó ở trên cao đọc những dòng này và suy nghĩ một chút trước khi ép buộc các nhà giáo của VN phải ... rặn ra các công trình và công bố quốc tế, rồi lại xếp hạng đại học, có đẳng cấp quốc tế nữa chứ. Nếu có muốn thế, thì ít nhất hãy tạo cho mọi người điều kiện làm việc tương đương với ĐHQT của ĐHQG đi đã.


Và, xin  nhớ câu mà cha ông ta vẫn nói từ xưa, đó là


CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO


GS Tuấn nhỉ!