Né thịt thối, ăn thịt chuột
Friday, November 16, 2012 1:57:41 PM
AN GIANG (NV) - Hình thành từ hàng chục năm nay, một ngôi chợ chuột “tự phát” ngày càng đông đảo kẻ bán, người mua tụ về. Ðặc biệt trong những tháng gần đây, nhiều người dân quay sang ăn thịt chuột, vì sợ ăn nhằm thịt heo, bò thối; thịt ướp tẩm hóa chất để cho siêu nạc; thịt heo nhiễm vi trùng “liên cầu khuẩn” gây chết người.
Nhóm làm thịt chuột. (Hình: báo Pháp Luật Sài Gòn)
Ðó là một ngôi chợ có một không hai mọc lên giữa vùng đất hẻo lánh của làng Phù Dật thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, chợ chuột làng Phù Dật hình thành từ sau năm 1975. Vì thiếu ăn, nghèo khó, một số dân làng Phù Dật rủ nhau đi gài bắt chuột đồng ở các vùng khác, rồi đưa về làng bán lại cho dân nhậu hoặc làm thịt dùng cho chính người nhà của mình. Thịt chuột lạ với dân thành thị, nhưng từ lâu đã trở thành món “khoái khẩu” của dân miệt vườn miền Tây.
Thịt chuột có thể chế biến thành những món “đặc sản” của miền Tây, như chuột “quay lu,” chuột “nướng muối ớt,” chuột “xào lăn,” chuột “nấu mẻ,” chuột “khìa”... Một số cư dân miền Tây cho biết, thịt chuột được bầm nhuyễn xào lăn, ăn thơm phức, giòn rụm, cứ tưởng như ăn thịt... gà.
Theo người đàn ông cư dân Phù Dật được mệnh danh là vua chuột, ông Lê Duy Khánh, đã có hàng chục nhóm “săn” chuột hình thành, chuyên sống về nghề gài bẫy chuột. Những người này sống dọc bờ kênh Phù Dật, thường theo ghe đến tận Hòn Ðất và các vùng hẻo lánh của tỉnh Kiên Giang để soi chuột cả đêm. Ðến tờ mờ sáng, họ quay trở lại Phù Dật để bán chuột nguyên con cho thương lái chuyển đi các tỉnh, hoặc bán cho bạn hàng trong vùng làm thịt đưa ra chợ.
Cạnh các vựa mua bán còn mọc lên các nhóm chuyên làm thịt chuột, đa số là phụ nữ. Họ hì hục lột da, mổ bụng, rửa sạch rồi ướp đá thịt chuột, chất vào giỏ chờ bán lẻ. Người ta còn bán đầu, đuôi, da chuột... cho các trại nuôi cá làm thức ăn “sạch” ngon lành. Ông “vua chuột” cho biết đã mua vào mỗi ngày ít nhất 3.5 tấn chuột rồi giao cho nhóm làm thịt, hoặc thương lái chở đi các tỉnh khác như Hậu Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...
Chuột được làm sẵn: lột da, mổ bụng,
rửa sạch trước khi ướp đá...
(Hình: báo Pháp Luật Sài Gòn)
Một số cư dân còn cho biết, nghề soi chuột không tốn chi phí, trong khi thịt chuột mang về bán lại cũng được 60,000 đồng, tương đương 3 đô mỗi ký Nhờ vậy, mỗi gia đình theo nghề đi soi để bán lại kiếm được trung bình khoảng 50 triệu đồng, tương đương 2,500 đô mỗi năm. Ðối với họ, soi chuột đang là nghề sống khỏe.
Báo Pháp Luật Sài Gòn còn cho biết, từ khi xe vận tải có thể vào chợ chuột Phù Dật trên con đường tráng nhựa, ngôi chợ này ngày càng trở nên phồn thịnh, đông đúc. Hầu hết các tỉnh miền Tây đều có thương lái đến mua thịt chuột làm sẵn, phân phối lại cho các nhà hàng, quán nhậu “đặc sản” của tỉnh mình.