Nợ xấu 7 ngân hàng niêm yết tăng gấp đôi sau 9 tháng
Thứ Bảy, 17/11/2012, 14:10
Đến nay, các ngân hàng thương mại cổ phần đều đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012.
Theo đó, lợi nhuận của Vietinbank đang dẫn đầu hệ thống với 2.711,9 tỷ đồng trong quý 3, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là ngân hàng Viecombank với mức lãi 1.108,9 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 4%.
Trong các ngân hàng tốp đầu, Eximbank ghi nhận mức lãi 414,1 tỷ trong quý 3 vừa qua, thấp hơn 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái; Sacombank giảm lãi 6,4% so với cùng kỳ xuống 411,3 tỷ đồng. Ngân hàng Quân đội (MB) là 1 trong 3 cái tên được nhắc đến khi làm ăn tốt hơn trong năm nay, với lợi nhuận tăng 26,3% so với cùng kỳ lên 651,9 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB ghi nhận mức lỗ 520,7 tỷ đồng trong khi SHB lỗ tới 1.706 tỷ đồng. Trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần thì chỉ có hai cái tên này được xướng lên vì làm ăn thua lỗ. Quý 3 năm ngoái, ACB lãi 658,7 tỷ còn SHB lãi 222,5 tỷ.
ACB lỗ vì hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ lỗ tới 1.144 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, khi nhà băng này phải đẩy mạnh mua vàng giá cao ở ngoài thị trường để bù trạng thái nhằm kịp tất toán đúng hạn theo quy định. Những biến động mạnh về nhân sự cấp cao thời điểm tháng 8 cũng tác động không nhỏ lên hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng SHB trong khi đó phải gánh khoản lỗ hơn 1.700 tỷ đồng do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ cũ của Habubank.
Các ngân hàng khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận khá xấu trong năm nay, khi lãi chỉ đạt 1 hay 2 con số. Điển hình như BaoVietBank chỉ lãi có 5,2 tỷ trong quý 3, giảm 84,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hay như LienVietPostBank giảm 81% lãi xuống 67,7 tỷ đồng. Ngân hàng PGBank cũng chỉ lãi 51,5 tỷ trong quý 3.
Tăng trưởng LNST của các ngân hàng so với cùng kỳ năm ngoái
(ĐVT: %, data: BCTC/CafeF )
Theo thống kê tình hình kinh doanh hợp nhất của 12 ngân hàng thương mại cổ phần thì cho thấy, lợi nhuận bình quân của các nhà băng này đã giảm 42,9% trong quý 3 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫu vậy, nhờ 6 tháng đầu năm làm ăn tốt hơn, nên mức giảm lợi nhuận này trong 9 tháng đầu năm chỉ dừng ở 11,1%.
Cụ thể, trong 9 tháng thì ngân hàng Vietinbank tăng 7,2% mức lãi so với cùng kỳ năm trước lên 4.501,2 tỷ đồng; của Vietcombank giảm 3,8% xuống 3.500,6 tỷ. Ngân hàng MB ghi nhận mức lãi tăng ấn tượng nhất, lên tới 66% so với 9 tháng đầu năm 2011, đạt 1.237,1 tỷ đồng. Sacombank tăng 4% lãi lên 1.524,2 tỷ.
Trong số các ngân hàng giảm lãi thì SHB dẫn đầu khi giảm đến 307,7% xuống còn 532,3 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ nặng ở quý 3. Ngân hàng LienVietPostBank giảm 52,6% lãi, của Eximbank hạ 9,5%, của ACB giảm 41,5%, của BaoVietBank hạ 24,6%...
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng quý 4 sẽ cải thiện so với quý 3, bởi đây là giai đoạn tín dụng thường tăng trưởng mạnh. Còn tính chung cả năm 2012, lợi nhuận chắc chắn thấp hơn năm ngoái và đa phần các ngân hàng sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra.
Về tín dụng, VietinBank cũng là ngân hàng cho vay khách hàng lớn nhất, giá trị gần 301 nghìn tỷ đồng. Xếp sau đó là 2 ngân hàng Vietcombank (227 nghìn tỷ đồng) và ACB (103 nghìn tỷ đồng).
SHB là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng lớn nhất với tỷ lệ 61,45%, do sáp nhập với Habubank. Có 2 ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm là Eximbank (âm 14,72%) và Navibank (âm 3,58%).
Trong quý III, giá trị khoản cho vay khách hàng tại Eximbank giảm gần 11.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là đến cuối tháng 6, Eximbank vẫn tăng trưởng tín dụng gần 1%. Như vậy, riêng trong quý III, giá trị khoản cho vay khách hàng tại Eximbank giảm hơn 11.700 tỷ đồng.
Tổng giá trị cho vay khách hàng của 8 ngân hàng đạt trên 906 nghìn tỷ đồng. Nếu không tính SHB (do sáp nhập với Habubank), 7 ngân hàng còn lại tăng trưởng tín dụng 3,16%.
Cho vay khách hàng tại ngày 30/9 và tăng trưởng tín dụng
Cột trái: Cho vay khách hàng (tỷ đồng). Cột Phải: Tăng trưởng (%)
So với cuối năm 2011, nợ xấu tại VietinBank tăng hơn 250% so với cuối năm 2011, nợ xấu tại Vietcombank tăng 72%. Nợ xấu tại các ngân hàng khác cũng đều tăng, riêng tại Eximbank, nợ xấu giảm nhẹ.
Nếu xét trên tổng dư nợ, nợ xấu của SHB lớn nhất khi chiếm 13,23%. Theo SHB, đến cuối năm 2012, nợ xấu tại ngân hàng có thể giảm về 10%. 2 ngân hàng Navibank và Vietcombank có nợ xấu trên 3%, lần lượt là 3,97% và 3,23%. Các ngân hàng còn lại nợ xấu dao động 1-2%.
Tổng nợ xấu tại 8 ngân hàng là 27.734 tỷ đồng. Nếu không tính SHB, nợ xấu của 7 ngân hàng còn lại là 21.507 tỷ đồng, lớn gấp gần 2 lần thời điểm cuối năm 2011.
Cơ cấu nợ xấu tại ngày 30/9
Cột trái: Nợ xấu (tỷ đồng). Cột Phải: Thay đổi (%)
Tổng huy động vốn của 8 ngân hàng đến cuối quý III là 994.500 tỷ đồng. Nếu không tính SHB, tăng trưởng huy động vốn là 8,1%.
Vinacorp tổng hợp
Theo TTVN/Gafin