jeudi 29 novembre 2012

Cuộc chiến giữ đất của dân oan


Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-11-26

Có lẽ một trong những nan đề trong nước hiện nay – mà nói đúng hơn là “thảm cảnh dân oan" – là nạn cưỡng chiếm đất đai khiến diễn ra cuộc chiến giữ đất triền miên của dân oan.


Photo courtesy of danoanblogspot
Dân oan Nam định biểu tình tại trụ sở tiếp dân nhà nước


Không đi tới đâu

Nói theo blogger Nguyễn Hữu Vinh – “có đầy đủ đoạn trường gian nan vất vả, có đạn dược và quân lính, có súng nổ và bạo lực rồi đổ máu”, với phía thua thiệt oan khuất “vẫn là người nông dân muốn giữ lại mảnh đất cha ông của mình đã bao đời kiến tạo và giữ gìn” bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng người thân – như trường hợp dân oan Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Nhưng “cuộc chiến giữ đất” của dân oan khắp nước đang chứng tỏ không đi tới đâu, mà còn gây mất mạng oan nghiệt như trường hợp cụ Hà Thị Nhung mới đây, khiến blogger Nguyễn Anh Dũng - nhà giáo, cựu chiến binh trong nước - “Xin thắp một nén nhang" khi ông nhìn những tấm ảnh chụp cụ bà Hà Thị Nhung 76 tuổi, quê Thanh Hóa, “nằm chết dưới đất mà mắt vẫn không nhắm được bởi sự oan ức, tại vườn hoa Lý Tự Trọng, nơi được coi là trung tâm quyền lực của chế độ CS”.  


Vẫn theo blogger Nguyễn Anh Dũng thì “người bình thường cũng khó cầm lòng, xót thương cho một con người có công với chế độ, đã phải chịu một cái chết tức tưởi của một dân oan”. Cũng “cuộc chiến giữ đất” ấy khiến dân oan Trần Ngọc Anh cùng nhiều người khác đồng cảnh ngộ đã phải lặn lội ra Bắc để kêu oan, nhưng bị đáp trả bằng hành động đe doạ, đánh đập của giới cầm quyền, khiến bà Ngọc Anh trong nhiều ngày nay phải nhập viện từ bệnh viện huyện Đông Anh tới bệnh viện Saint Paul, Hà Nội vì chấn thương sọ não – bệnh tình mà công an nói là “không, chị bị nhẹ thôi”. 


 Dân oan Trần Ngọc Anh than rằng: Họ cho người dân đi khiếu kiện là đối kháng với họ, nên lúc nào cũng sẵn sàng dùng đòn nham hiểm để đối phó. Lúc nào họ cũng nhân danh là đảng viên của đảng CS học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Nhưng tôi nghĩ tôi quá xấu hổ sống trên một đất nước gọi là độc lập, tự do, hạnh phúc; một đất nước gọi là có đảng vinh quang lãnh đạo mà vô chính phủ như vầy. Tôi quá là đau khổ khi có hai người anh liệt sĩ đã hy sinh cho nhà cầm quyền cộng sản VN này (khóc). Nhưng cuối cùng, đến giờ phút này, họ đàn áp, đánh đập tôi như thế (khóc). Họ còn tung tin xuyên tạc rằng tôi là phản động.  


Dân oan Trần Ngọc Anh, cũng như bao nhiêu dân oan khác khắp nước, khăn gói ra Hà Nội khiếu kiện đề tìm lại “nguồn sống cùng quyền con người”. Nhưng họ cho biết là không ngờ bị giới cầm quyền “đàn áp, đánh đập, đưa vào trại giam…”. Bà Trần Ngọc Anh giải thích: Chúng tôi đi khiếu kiện là nghe theo lời động viên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chủ tịch nước nói là đi chống tham nhũng. Đúng ra chúng tôi phải được nhà nước hoan nghênh, được thưởng. Nhưng chẳng những không được thưởng mà cuối cùng còn đàn áp, đánh đập chúng tôi dã man, tống vào trại giam Đồng Dầu. Đây là hành động nói lên tội ác của một chính quyền lừa gạt người dân. Đây là một sự lừa đảo trắng trợn. Từ chỗ đó, tôi không thể nào về quê của tôi được. Nếu sau khi bình phục, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi lại tài sản mà nhà cầm quyền này đã tước đoạt nguồn sống và quyền con người của chúng tôi.

Người dân lâm cảnh bần cùng

hungyen-hanoi-04272011-250.jpg
Người dân Hưng Yên phản đối việc lấy đất của dân cho dự án Eco Park. AFP photo


Tình cảnh của dân oan Trần Ngọc Anh quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc trong vô vàn bi cảnh dân oan khác khắp nước hiện nay, trong đó có 4 người từng chung sống an vui dưới mái ấm gia đình trong diện tích đất 50m2, cho đến khi – theo blogger Đào Tuấn trích dẫn lời Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội Trần Ngọc Vinh tại nghị trường hôm thứ Ba tuần rồi – “mảnh đất mồ hôi nước mắt ấy bị thu hồi để phục vụ ‘phát triển kinh tế xã hội’”. Hậu quả là gia đình khốn khổ đó “phải chọn hoặc vay tiền xây nhà hoặc bán lúa non mảnh đất mới để có thể xây nhà”, qua đó, “lựa chọn thế nào thì điểm cuối cùng là ‘cái hố bần cùng hoá’ ”.   Bài “Bần cùng hoá” của blogger Đào Tuấn báo động rằng “ Chưa bao giờ cơ chế thu hồi, ít nhất là đối với những dự án khoác chiếc áo mỹ miều ‘phát triển kinh tế’, lại bị nhân dân la ó, đại biểu ném gạch như trong kỳ họp này”.  


Bài blog mở đầu rằng cơ chế bồi thường, hỗ trợ theo Luật Đất đai hiện giờ khiến nhiều người dân bị mất đất phải lâm cảnh “bần cùng hoá”, bởi vì từ tình trạng có nhà, có đất, có tư liệu sản xuất lại trở thành trắng tay, cũng đồng nghĩa với “mất nghề, không sinh kế”.  Sau khi lưu ý về tình trạng “bần cùng hoá” như từng xảy ra qua các biến cố ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội hay “bất cứ đâu đó có dự án (gọi là) ‘phát triển kinh tế, xã hội’ ”, blogger Đào Tuấn nhắc lại: Có thời, báo chí đưa ra những “nghịch cảnh nước mắt” khi những người bị thu hồi đất bây giờ đang “vỡ hoang” các khu đô thị mới, đang trồng lậu cây trái trong những khu công nghiệp. Bởi quá trình thu hồi đất ồ ạt vừa qua đã đẻ ra sự lãng phí trầm trọng với nhà máy bỏ hoang, khu công nghiệp đắp chiếu, sân golf phục vụ chỉ vài chục người có tiền, khu du lịch biến thái thành biệt thự… Trụ sở bị sử dụng lãng phí, cho thuê, bỏ trống. Các dự án bị bỏ hoang… Tất cả những sự hoang phí và tràn đầy bất công đó, được khoác dưới chiếc áo “phát triển kinh tế xã hội”. 



 Tác giả nêu lên câu hỏi rằng liệu có một dự án lấy đất của dân nào lại không có ý nghĩa “phát triển kinh tế xã hội” không? Phát triển kinh tế xã hội là gì? Và sự phát triển đó mang lại lợi ích cho bao nhiêu người? cho ai? Nhà văn Đào Tuấn nhấn mạnh rằng hiện đã tới lúc luật Đất đai sửa đổi phẩi chấm dứt nạn “vinh thân phì da của một nhóm lợi ích” qua những dự án mỹ miều “phát triển kinh tế xã hội”, như Ngân hàng Thế giới từng khuyến nghị rằng “Trong tất cả dự án phát triển, mọi người đều phải được hưởng lợi ích chứ không thể để những người bị thu hồi trở thành nạn nhân của sự phát triển”.

Đối xử với dân như kẻ thù

nuvuongcongly-250.jpg
Cảnh đàn áp người dân trong một vụ cưỡng chế đất.
Trước cảnh nhiễu nhương cưỡng chiếm đất dân oan để “phát triển kinh tế, xã hội”, blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý rằng quan chức Hà Nội nói riêng và quan chức VN nói chung luôn quy trách mọi chuyện phức tạp đều do dân, hay nói cụ thể hơn là do “thế lực thù địch” từ dân mà ra, trong khi các quan chức thì lúc nào cũng “tuyệt vời”, ngoại trừ “một bộ phận không nhỏ” biến chất, hư hỏng khiến thành “cả bầy sâu” đục khoét, tước đoạt đất đai của dân. Blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý: Nếu như dân cứ im lặng, nhà nước muốn lấy bao nhiêu đất, dù là đất hương hỏa ngàn đời, mồ mả cha ông, dù là mảnh ruộng cày cuối cùng nuôi đàn con dại, dù là nơi an nghỉ cuối cùng của người chết hay đất nhà thờ, tu viện, nơi thờ tự… dân cứ thế câm miệng mà chấp nhận. Nếu nhà nước hô hào góp vàng, góp bạc, góp cửa nhà hay mạng sống, cứ thế mà góp, đừng một lời kêu ca, đói ráng chịu, khổ đừng kêu… thì đâu có những chuyện biểu tình, làm “xấu hình ảnh thủ đô”.   Tiếc rằng, dân cũng là con người, cũng cần sống, cần ăn, cần ở, cũng cần nuôi con cái. Cũng chính vì dân là con người, nên mới có thể làm lụng, chắt chiu, chịu thương chịu khó đổ mồi hôi sôi nước mắt làm nên của cải vật chất nuôi một bầy sâu không nhỏ”. Chính vì vậy mà họ có nhận thức, họ biết phân biệt đúng, sai, ân, oán và họ hiểu được ai vì họ và ai đang nô lệ hóa cuộc đời họ. Và chính cũng vì vậy, từ chỗ được coi là liên minh của giai cấp tiên tiến, là cha mẹ của quan chức, nuôi nấng quan chức, người nông dân bỗng nhiên được chuyển đổi thành thế lực thù địch rất nhanh chóng và bị đối xử như thù địch.  


Theo blogger Đoan Trang thì trong các biến cố đất đai từ Tiên Lãng đến Văn Giang, điều mà giới cầm quyền ngại nhất chính là luật pháp. Blogger này dẫn chứng rằng lâu nay họ đâu bao giờ làm theo luật mà chỉ dùng phương cách khủng bố, đàn áp qua việc huy động hệ thống công an, an ninh, dân phòng và cả bộ máy truyền thông cùng nhau đưa dân oan vào “bước đường cùng” – thậm chí bị mất mạng, như trường hợp cụ bà Hà Thị Nhung. Vẫn theo blogger này thì “họ làm vậy bởi vì, và để che đậy một điều, rằng điểm yếu của họ, cái khiến họ khó đấu lại được với xã hội, là luật pháp”. Nhưng xem chừng như không sao, vì các quan chức, ngoài quyền hành, còn có một “rừng luật để lách luật”. Qua bài “Rừng luật để lách luật”, blogger Đào Tuấn lưu ý tới tình trạng “quá nhiều văn bản luật liên quan đất đai” chính là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” dẫn tới khiếu tố triền miên và vô vọng của người dân. Hay nói cách khác, đó là một “rừng luật”. Tác giả phân tích:
Từ chỗ được coi là liên minh của giai cấp tiên tiến, là cha mẹ của quan chức, nuôi nấng quan chức, người nông dân bỗng nhiên được chuyển đổi thành thế lực thù địch rất nhanh chóng và bị đối xử như thù địch. Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Với một rừng luật, cái nọ xung đột với cái kia, cái nọ “chỏi nhau” với cái kia, người dân không “lạc” trong đó mới là lạ. Bởi nhiều văn bản luật không có nghĩa là sẽ có một hành lang luật thông thoáng. Bởi trong “cánh rừng luật” âm u vừa thừa vừa thiếu đó, người có thể “lách luật” lại là những người về danh nghĩa đang thực thi pháp luật. Sự lách luật biểu hiện trong thứ mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện từng nói “Thích thì giải quyết, không thích thì thôi”. Hoặc đó là những quyết định “không hợp lòng dân” từ “bệnh vô cảm” mà Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa từng lấy câu chuyện cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng để chỉ ra. Thậm chí, kinh điển hơn là phát ngôn nổi tiếng một thời về án dân sự: Xử thế nào cũng được. Nhà văn Đào Tuấn nhân tiện nhắc lại lời ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua một hội nghị trực tuyến toàn quốc rằng để phát triển kinh tế xã hội, VN “xác định củng cố cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, tất nhiên phải thu hồi đất theo quy hoạch”. 


Nhưng mặt khác, ông Dũng khẳng định “phải làm hài hoà đừng để nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai, có mâu thuẫn phải giải quyết thoả đáng, phù hợp”. Blogger Đào Tuấn cho rằng sự “làm hài hoà” ấy của ông Dũng có lẽ phải bắt đầu bằng việc “phát quang rừng luật” vừa nói, vốn lâu nay gây ra vô số vụ khiếu kiện của dân oan, tạo điều kiện phát sinh thêm “sự lũng đoạn, nhân danh luật pháp”.