Tình trạng thiếu chuyên gia sẽ cản trở sự phát triển điện hạt nhân
Khu vực lò phản ứng số 3 ở Fukushima ngày 21/3/11. Sự cố ở các nhà máy hạt nhân tại đây buộc Việt Nam phải xét lại chính sách phát triển điện nguyên tử.
Reuters
Trả lời phỏng vấn báo điện tử vnExpress ngày 13/04 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Quân đã tuyên bố rằng, để kịp khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2014, Việt Nam “cần có những chuyên gia giỏi và bảo đảm an toàn hạt nhân, nếu không tiến độ đề ra có thể bị dời lại một hai năm”.
Như vậy là cuối cùng đã có một thành viên chính phủ nhìn nhận một thực tế mà từ mấy năm qua nhiều chuyên gia đã cảnh báo, đó là tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân và do vậy Việt Nam có thể sẽ không thể phát triển điện hạt nhân theo như kế hoạch hiện nay.
Theo dự kiến, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào tháng 12 năm 2014 tại tỉnh Ninh Thuận với đối tác là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhà nước của Nga (Rosatom). Tổ máy số 1 của nhà máy này dự trù sẽ chính thức vận hành vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán với Nhật Bản về dự án Ninh Thuận 2, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 5 năm 2015, với tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vận hành từ năm 2021. Tổng cộng chính phủ Hà Nội dự tính xây dựng đến 8 nhà máy hạt nhân từ đây đến năm 2030.
Khác với những ngành công nghệ khác, công nghệ hạt nhân đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia không chỉ có trình độ cao, mà còn phải có tinh thần kỷ luật cao nhất, và ý thức trách nhiệm cao nhất, bởi vì những sự cố, tai nạn nhà máy điện hạt nhân không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia, còn cả ảnh hưởng cả khu vực, nếu không muốn nói là cả nhân loại.
Tại cuộc hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho chương trình Điện hạt nhân và quản lý tri thức hạt nhân” ngày 11/11/2011 tại Hà Nội do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam tổ chức, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo VN đã trình bày Đề án “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Đề án này dự trù đến năm 2020 các cơ sở đào tạo trong nước phối hợp với các đối tác bên ngoài sẽ đào tạo khoảng 2400 kỹ sư và cử nhân, 350 Thạc sĩ và Tiến sĩ nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Nhưng bản tin của VietnamNet đăng ngày hôm đó cho biết là một số chuyên gia Việt Nam tham gia hội thảo đặt vấn đề nghi ngờ về khả năng thực thi bản đề án của Bộ Giáo dục.
Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên với vnExpress, ông Nguyễn Quân cũng nhìn nhận là việc đào tạo nhân sự trong ngành điện nguyên tử hiện còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết cán bộ hiện nay được đào tạo ở các nước XHCN trước đây, cho nên kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Một số cán bộ trẻ có năng lực trình độ cao còn đang trong quá trình đào tạo.
Theo lời ông Nguyễn Quân, chính phủ mới đây có phê duyệt chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân với kinh phí 2.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa có chính sách đãi ngộ cho những người đi học và những người sau này làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Quân cho biết là việc tìm cán bộ trẻ đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân cũng gặp khó khăn, vì ít người theo học ngành hạt nhân, cho nên phải huy động cán bộ từ nhiều lĩnh vực khác để đào tạo lại từ đầu.
Ông Nguyễn Quân cho biết họ đang tính đến phương án lùi thời hạn khởi công nhà máy hạt nhân đầu tiên từ một đến hai năm. Lý do ông đưa là : khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài khiến các đối tác Nga, Nhật Bản cũng gặp khó khăn về tài chính. Mặt khác, sự cố Fukushima càng buộc Việt Nam phải chú trọng hơn nữa đến vấn đề an toàn hạt nhân, và như vậy chi phí sẽ tăng lên và công việc chuẩn bị sẽ kéo dài hơn. Nhưng rõ ràng là tình trạng thiếu chuyên gia nguyên tử cũng sẽ là một trong những lý do chủ yếu buộc Việt Nam phải sửa đổi lịch trình phát triển điện hạt nhân.
Báo Tiền Phong ngày 27/3 vừa qua cũng loan tin Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vừa cho biết: Để vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong thời gian tới, số lượng nhân viên dự kiến lên đến 2.200 người, phân bổ cho các ngành kỹ thuật hạt nhân, công nghệ thông tin, thí nghiệm và điều khiển điện tử, an toàn bức xạ... Nhưng trong khi đó, theo ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ ( Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhân lực trong ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.
Ngay từ nhiều năm trước, Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã cảnh báo về tình trạng thiếu chuyên gia cho ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam. Cho tới nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, Việt Nam phải dời lại nhiều năm kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nhất là sau tai nạn hạt nhân Fukushima và sau việc Nhật Bản ngưng hoạt động toàn bộ 54 nhà máy điện nguyên tử.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với giáo sư Phạm Duy Hiển:
RFI : Thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, vì sao cho tới nay ông vẫn giữ quan điểm rằng Việt Nam nên chờ thêm nhiều năm nữa mới xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ở Việt Nam chưa làm điện hạt nhân được vì chúng ta thiếu hoàn toàn ba điều kiện cơ bản, có thể nói là ba cột trụ để xây nhà hạt nhân trên đó.
Thứ nhất là nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, có kinh nghiệm và am hiểu về công nghệ hạt nhân, có thể nói là chúng ta hoàn toàn thiếu.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng pháp lý để bảo đảm cho toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành, khai thác nhà máy điện hạt nhân theo đúng luật pháp, theo đúng những điều luật quốc tế và trong nước. Về cái này chúng ta còn chập chững, mới bắt đầu xây dựng trong những năm gần đây, chưa có thử thách gì cả. Trong khi đó, một trong những điều quan trọng là sự minh bạch trong tổ chức làm việc về điện hạt nhân, thì nước mình nói chung còn thiếu.
Cột trụ thứ ba mà người ta hay nói là văn hóa về an toàn công nghiệp. Có thể nói đó là cái rất đáng sợ. Các nước mà đã xảy ra những tai nạn hạt nhân lớn, như Tchernobyl ngày trước hay Fukushima vừa rồi, cho đến giờ, tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng văn hóa an toàn công nghiệp ở những nước đó vẫn còn thấp, nên chưa bảo đảm được an toàn, chứ không phải là vấn đề công nghệ tốt hay xấu.
Việt Nam chưa đủ cả ba yếu tố cơ bản ấy và phải làm rất nhiều để ba cột trụ ấy tương đối đủ điều kiện để làm điện hạt nhân. Nếu không, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, làm thế nào cho nó hiệu quả, chạy được liên tục và ổn định, kể cả phải tính đến khả năng mất an toàn. Cho nên, chúng ta quyết định như vậy là hơi sớm.
Trong những năm gần đây, nhất là sau vụ Fukushima, tôi đã nhiều lần đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu và tìm cách hoãn lại ít nhất là 10 năm. Trong dịp 100 ngày Fukushima, chúng tôi đã viết một bức thư cho thủ tướng Nhật lúc ấy là Naoto Kan, để nói rằng ông nên bàn với chính phủ nên hoãn lại ít nhất là 10 năm. Trong thời gian ấy, ông giúp chúng tôi xây dựng đội ngũ, các cơ sở hạ tầng về pháp lý, đợi nền kinh tế phát trìển thêm, con người có kinh nghiệm nhiều hơn về vấn đề an toàn, lúc ấy hẳn làm điện hạt nhân. Chứ còn bây giờ làm thì quá sớm.
Chính phủ thì vẫn nhất định làm, nhưng tôi rất mừng là gần đây, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rằng, trong vấn đề điện hạt nhân, an toàn hay không là do con người, chứ không phải là do kỹ thuật. Nghe như thế tôi cũng cảm thấy nhẹ đi phần nào, bởi vì như vậy là những điều mà mình nói từ bao năm nay, thì bây giờ, khi bắt đầu chính thức triển khai công việc, những người trong Nhà nước cũng đã nói những điều ấy.
Gần đây hơn nữa, sau hội nghị ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nói rằng là có lẽ chúng ta nên lùi lại vài năm, vì lý do chính là không đủ nhân lực, mà việc đào tạo sẽ rất lâu và khó lắm. Sau đó, chính Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng nói rằng là có lẽ chúng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài để theo dõi giám sát các công trình. Chúng ta làm điện hạt nhân mà cứ bỏ tiền ra thuê hết người này đến người khác, thì nội lực chúng ta ở đâu ?
Rõ ràng là các nhà lãnh đạo bắt đầu hiểu ra rằng thiếu nhân lực và đặc biệt là nhân lực trình độ cao là một cản trở rất lớn cho việc làm điện hạt nhân một cách suôn sẻ.
RFI : Theo Giáo sư biết thì việc đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân hiện đang ở mức độ nào ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ngoài việc nhờ Nga và Nhật đào tạo, Nhà nước cũng đã chuẩn chi 3 nghìn tỷ đồng để đào tạo trong nước, nhưng tôi có thể nói là tất cả những việc này đang còn rất khó khăn.
Tôi đã đến thăm trường đào tạo của Nga, nơi có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Ngày xưa vào đấy thì khó, nhưng bây giờ người Nga có tổ chức trong đó một trường đào tạo kỹ thuật viên về hạt nhân và các sinh viên ngành hạt nhân cho nhiều nước. Tôi thấy điều kiện ở đó rất tốt, thầy ở đó rất tốt. Vấn đề là Việt Nam hiện chỉ mới có khoảng 70 em học ở đấy, một nữa học lớp dự bị, còn đang học tiếng Nga ; còn nữa khác khoảng 30 chục em thì năm nay mới học năm thứ nhất. Thế mà báo chí đã nói ầm lên rằng đây sẽ là những chủ nhân tương lai của ngành điện hạt nhân Việt Nam, bởi vì người ta không hiểu là những em đó mới năm thứ nhất, thì làm sao kịp cho năm 2014, là năm mà theo kế hoạch sẽ bắt đầy xây nhà máy hạt nhân. Vừa không kịp, vừa không đủ.
Điểm thứ ba, chính Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng nói rằng, nếu không có một chính sách đặc biệt cho những người tham gia phát triển điện hạt nhân, tham gia nghiên cứu về hạt nhân sau này, thì không thu hút được người vào, tức là sẽ khó tìm đủ người làm trong tương lai.
Cho nên cái khó ở đây không phải là không đào tạo được, mà vấn đề là khó mà có được người tình nguyện vào làm công việc này. Bộ trưởng chỉ mới nói đến chính sách ưu đãi về kinh tế thôi, nhưng còn làm thế nào cho mọi người ý thức được rằng làm hạt nhân sau này là làm cẩn thận, làm an toàn. Cần thể hiện việc ấy ra bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể chỉ bằng cách tuyên truyền khoác lác.
Cái mà tôi vẫn thường nói, đó là phải đào tạo ra những chuyên gia, tức là những người lãnh đạo. Để vận hành một lò phản ứng như của Nga thì phải cần ít nhất là 3 hoặc 400 người, trong đó phải những người đứng đầu, biết xử lý mọi tình huống, tức phải là những người có kinh nghiệm. Rồi phải có những người ở các cơ quan pháp qưy, thỉnh thoảng phải đi thanh tra, để biết ở chổ này có nguy cơ thế này, nguy cơ thế khác..., tức cũng phải cần những người rất có kinh nghiệm.
Thường những người như vậy ít ra là phải làm trong nghề độ 10 năm. Ta không có những người đấy. Cho nên phải cần một thời gian rất dài, phải có cố gắng rất lớn thì mới có được người. Còn bây giờ bỏ ra 3 ngàn tỷ đồng để đào tạo trong nước, nhưng một việc rất đơn giản là trong nước có người đào tạo hay không.
Trong thế hệ cũ có một số người, nhưng thế hệ mới bây giờ là thế hệ chưa từng qua những trường đào tạo về hạt nhân nghiêm chỉnh ở các nước. Họ thường đi ra nước ngoài vài ba tuần lễ hoặc vài tháng để học thứ này, thứ khác, nhưng chưa bao giờ được đào tạo một cách nghiêm túc. Vì vậy, không phải chỉ bỏ tiền ra, rồi chi cho mỗi nơi một ít, là sẽ đào tạo được. Thậm chí bây giờ người ta còn nêu lên chuyện là phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ. Tính cho vui vậy thôi, chứ sẽ không có đủ chổ ngồi cho các tiến sĩ trong các nhà máy điện hạt nhân. Ở đây người ta cần những nguyên gia về kỹ thuật, hiểu biết về công nghệ, không phải là những tiến sĩ, mà là những kỹ thuật viên cao cấp, chuyên gia cao cấp. Cách đào tạo hoàn toàn khác, chứ không phải chỉ mở một cái trường, với vài lớp học, vài máy tính là đào tạo được.
Nhà nước rất muốn làm chuyện này, nhưng trở ngại rất nhiều, cho nên phải xem vấn đề một cách nghiêm túc, giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc, chứ không thể là những người không biết gì về hạt nhân mà bây gìờ đi dạy hạt nhân, thì vô lý lắm.
RFI : Thưa Giáo sư dẫu sao thì Việt Nam chắc chắn sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Nếu tình hình nhân lực vẫn thiếu như thế, thì có nên dừng lại ở mức một nhà máy hạt nhân, đợi khi có đủ chuyên gia mới xây nhà máy thứ hai ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Bây giờ còn có một khó khăn nữa là Việt Nam không có tiền. Một lò phản ứng hạt nhân như vậy trước đây dự trù là khoảng 3 tỷ đôla, nhưng bây giờ trên thế giới, Mỹ đã xây đến 8 tỷ. Nga đã hứa giúp cho Việt Nam một khoản tín dụng 8, 9 hoặc 10 tỷ gì đó. Thế nhưng, khi mà anh nhận số tiền đó thì đồng hồ bắt đầu chạy và tính lãi suất. Nếu bị trễ hạn, thì tiền cứ tích lại đó và ta phải trả lãi.
Tiền đầu tư vào rất lớn vì chúng ta phải mua những yếu tố an toàn, ít khi xảy ra, nhưng cũng phải mua để đấy. Thứ hai là sẽ phải kéo dài thời gian xây dựng, bởi vì do vấn đề an toàn, mỗi động tác đều phải được kiểm tra. Nếu thấy nó không được an toàn thì phải dừng lại, xem xét lại thiết kế, rồi phải bàn tán với nhau, tức là sẽ kéo dài. Đó là viễn cảnh ở Việt Nam. Cho nên, trước khi khởi động xây dựng thì phải xem xét những yếu tố, chứ nếu không sẽ cực kỳ tốn kém.
Nga thì cam kết rồi, còn Nhật thì chưa. Cho nên, bước đầu tiên có lẽ là đàm phán với Nhật để lùi lại chuyện của Nhật đi và ngay cả chuyện của Nga thì cũng phải tính lại là liệu có thể khởi động ngay trong năm 2014 hay không. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã nói là có thể phải lùi lại vài năm. Nói như vậy là còn dè dặt đấy, chứ còn trên thực tế có lẽ phải lùi lại hơn nữa.
Nhiều người cũng hỏi tôi : thế thì tại sao không bỏ hẳn năng lượng hạt nhân đi ? Nhưng một khi mà trên thế giới còn nhiều nước, trong đó có những nước tiên tiến, vẫn còn chấp nhận điện hạt nhân, thì mình cũng không nên bỏ khả năng ấy đi. Vấn đề đối với mình là lúc nào bắt đầu là thích hợp. Đó là trách nhiệm của những người trong Nhà nước và trong ngành hạt nhân. Phải xem xét cho kỹ, đừng để một khi bắt tay vào, rồi giữa chừng muốn tháo lui không được.
RFI: Xin cám ơn Giáo sư Phạm Duy Hiển.
Tai nạn hạt nhân