mercredi 23 mai 2012

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Còn bao nhiêu "Vinalines" nữa đang ẩn mình?

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, vụ việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang bị báo chí phanh phui là minh chứng rõ ràng nhất về "căn bệnh" các doanh nghiệp Nhà nước.
Bà Kwakwa: Còn bao nhiêu `Vinalines` nữa đang ẩn mình?
Đầu tư dàn trải, thua lỗ nặng, Vinalines đang là "Vinashin" thứ 2 gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế

Xoay quanh câu chuyện về vụ việc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng tại Vinalines đang gây xôn xao dư luận, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam chia sẻ quan điểm: khi sự việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tạm lắng, thì những lùm xùm quanh chuyện đầu tư, quản lý tại Vinalines bị phanh phui đã là bài học "đáng giá" về cách quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp (DN), tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại Việt Nam hiện nay.

"Khi vụ Vinashin bị phanh phui đã có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu còn có một Vinashin thứ hai xuất hiện? Ở thời điểm đó thì khó có thể khẳng định rằng có hay không. Nhưng giờ thì câu trả lời đã rõ. "Vinashin" thứ hai đã xuất hiện" – bà Kwakwa nói và đặt câu hỏi, còn bao nhiêu "Vinashin" nữa đang "ẩn mình"?
Theo bà Kwakwa, từ vụ việc Vinalines, các nhà quản lý cần có cái nhìn tổng thể hơn, cần có thêm hành động mạnh tay để cải cách rốt ráo những vấn đề đang tồn tại trong nội hàm các tổng công ty, DNNN.

"Quá trình tái cơ cấu các DNNN đã được đề cập tới từ lâu nhưng vẫn đang chậm trễ. Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình này để giải quyết tận gốc những yếu kém trong khu vực DNNN, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế" – Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2007 – 2010 lãnh đạo quản lý Vinalines đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong nhiều dự án đầu tư.
Chẳng hạn như dự án “Đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam”, Vinalines mua ụ nổi No83M đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định. Giá mua ụ nổi và chi phí sửa chữa hai lần tại VN là 489,6 tỉ đồng (khoảng 26,3 triệu USD), tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới, gây lãng phí vốn đầu tư.
Trong số 73 tàu biển Vinalines mua từ nước ngoài, đa số đã qua sử dụng với tổng trị giá gần 23.000 tỉ đồng. Trong đó có 17 tàu qua sử dụng trên 15 năm, thậm chí có tàu trên 30 năm, nên tình trạng kỹ thuật kém, làm tăng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong khi vốn đầu tư, kinh doanh đều phải đi vay làm phát sinh chi phí lãi vay, chênh lệch tỉ giá hối đoái... Đó là chưa kể có một số tàu quá tuổi quy định không được phép đăng ký tại Việt Nam, phải đăng ký và treo cờ nước ngoài, làm xấu bộ mặt đội tàu quốc gia và làm kém sức cạnh tranh.
Vinalines đang có 5 khoản nợ có nguy cơ không thu hồi được với số tiền trên 23.062 tỉ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã bắt và khởi tố một số đối tượng liên quan để phục vụ quá trình điều tra vụ án. Riêng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng vẫn đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đặc biệt đối với bị can này.

Trường Giang