Lại chuyện: “Dự án nghìn tỷ” “một phút huy hoàng rồi…bỏ hoang”
Toàn bộ mặt bằng nhà máy xi-măng Thanh Sơn đang trở thành bãi trồng ngô và cỏ dại mọc. |
Một phút huy hoàng rồi... chợt tắt
Bao nhiêu hy vọng rồi thất vọng bấy nhiêu khi hơn 300 lao động được tuyển đi đào tạo cả năm trời để chở về làm việc cho nhà máy, mỗi người mất từ 30 đến 40 triệu đồng để đi học, thế những sau khi hoàn thành khóa học đã hàng năm trời, hơn 300 lao động trên lại thất nghiệp vì dự án Nhà máy xi măng nghìn tỷ đồng chết đứng.
Còn nhớ cách đây hơn 4 năm (tháng 12/2007), một dự án gần 1.500 tỷ đồng được đầu tư tại huyện nghèo Ngọc Lặc khiến hàng nghìn người dân nơi đây hồ hởi mong chờ ngày “đổi đời”. Bởi lẽ, khi nhà máy hoạt động sẽ thu hút hàng nghìn lao động địa phương làm việc và phát triển các dịch vụ phụ cận. Hàng chục hecta đất màu, đất nông nghiệp đã được người dân ủng hộ góp phần vào “đại công trình” để nhà máy nhanh hoàn thành. Thế rồi năm này qua năm khác, cái hoành tráng của “dự án nghìn tỷ” chỉ còn trong lòng dân nỗi oán hận, bởi chính nó đã làm suy sụp kinh tế bao gia đình nghèo tại Ngọc Lặc.
Chòi canh siêu vẹo ngay cổng vào nhà máy.
|
Được khởi công từ tháng 12/2007, Nhà máy Xi - măng Thanh Sơn tại thôn Thanh Sơn xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng nhưng đến nay, đã hơn 4 năm trời khu vực nhà máy gần 36 ha ngoài 4 bức tường vây quanh thì chỉ là những bãi đất trồng ngô, cỏ dại chiếm chỗ.
Chủ đầu tư của “dự án nghìn tỷ” trên là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thăng Long. Nhà máy xi-măng được đầu tư xây dựng bằng công nghệ hiện đại, sản xuất theo phương pháp khô, điều khiển tự động với công suất 2.500 tấn clinker/ngày, chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024: 2002; nước thải sản xuất sinh hoạt đều được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài nhà máy theo hệ thống riêng …. Mục tiêu của nhà máy này là sản xuất xi - măng chất lượng cao, nhằm cung cấp cho thị trường miền Tây Thanh Hóa, các địa bàn nằm hai bên đường Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang nước bạn Lào, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Tin tưởng dự án, mong thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp, huyện Ngọc Lặc phải giải phóng 35,78 ha đất nông nghiệp, vườn tược và hoa màu của hơn 200 hộ dân ở 4 thôn: Thanh Sơn, Vân Sơn, Lương Sơn và Hồng Sơn của xã Thúy Sơn, trong đó có 37 hộ phải di dời hoàn toàn.
Sau khi mặt bằng được giải phóng, Cty đã tiến hành triển khai xây dựng nhưng theo người dân địa phương, Cty triển khai xây dựng được một thời gian dồn dập rồi bỗng chậm lại và dừng hẳn. Hết năm này qua năm khác, họ chờ, chờ nhà máy hoàn thành nhưng điều học chứng kiến không phải là một nhà máy xi măng mà là cả bãi đất hành chục hecta trồng ngô cùng cỏ dại mọc tràn lan. Dự án đã và đang “chết” nhiều năm.
Được biết, theo dự kiến của phía chủ đầu tư đưa ra, nhà máy này sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.
Hệ lụy của “dự án nghìn tỷ”
Như “hô hào” của Chủ đầu tư khi dự án vào, nếu nhà máy đi vào hoạt động cần rất nhiều công nhân và cán bộ, thế nên con em địa phương đặc biệt là con em các hộ trong diện di dời được ưu tiên chọn để đi đào tạo để về làm việc cho nhà máy.
Thế là một cuộc cách mạng lớn về tuyển chọn lao động đi học bắt đầu. Nghe về tiềm năng kinh tế và điều kiện làm việc thì ai cũng muốn được nhận vào làm, hơn 300 lao động có người đang làm thầy giáo, nhân viên bưu điện… đã chạy theo tiếng gọi của “dự án nghìn tỷ” để mong có cái ăn cái mặc ở vùng quê nghèo. Sau 14 tháng được Cty chọn đi đào tạo, mỗi lao động được Cty đưa đi mất từ 30 đến 40 triệu đồng để phục vụ việc học.
Cổng vào nhà máy đã rỉ sắt và luôn khép kín để tránh Trâu, bò vào phá hoại ngô.
|
Bao hy vọng, mong muốn chính đáng của người dân đặt cả vào Nhà máy xi – măng, thế rồi sau khi được đào tạo về, hàng năm nay các lao động từ chỗ có việc làm ổn định bỗng thất nghiệp, bám gia đình để sống, để chờ cái “dự án nghìn tỷ” ở huyện nghèo nhưng nó vẫn “chết”, còn cấp chính quyền như huyện Ngọc Lặc gần dân cũng chẳng nhận được hồi đáp của Doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Tám- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thúy Sơn, cũng là người có 3 đứa con đi học theo dự án cho biết: “Để nhường đất cho dự án nhà máy xi - măng Thanh Sơn, gia đình ông phải mất đi 26 sào đất (1,3 ha). Sau đó, nghe theo vận động của nhà đầu tư, tôi động viên 3 đứa con của mình đăng ký đi học công nghệ sản xuất xi- măng để về phục vụ cho nhà máy. Các con tôi đã đăng ký đi học, mặc dù lúc ấy đứa nào cũng đã có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định. Thậm chí, có đứa đang làm giáo viên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cũng xin ra khỏi ngành để về đi học, phục vụ cho nhà máy xi-măng. Trong thời gian đi học, tôi phải chi ra 40-50 triệu đồng cho mỗi đứa để chúng theo học trong thời gian 14 tháng trời. Thế nhưng, từ khi học xong trở về đến nay, các con tôi lại trở thành người thất nghiệp”.
Hy vọng rồi giờ xót xa cho các con, còn dự án thế nào chính ông Tám và người dân Ngọc Lặc cũng chẳng biết thế nào. Nói về cuộc sống hiện tại, ông Tám chia sẻ, vì làm cán bộ ở xã nên cũng có đồng ra đồng vào chứ nhiều gia đình ở xã ông đang rơi vào cảnh khốn khó. Trước đây, vì tin vào lời thuyết trình của cán bộ nhà máy, nên chúng tôi mới động viên con, em mình đi theo học lớp đào tạo sản xuất xi-măng để về làm cho họ. Ai ngờ, dự án này đã dừng hoạt động gần 2 năm nay, con em địa phương thì trở thành thất nghiệp cả lũ. Dân đã nghèo lại càng nghèo thêm vì không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm.
Tương tự như ông Tám, gia đình ông Phạm Ngọc Văn, ở thôn Hồng Sơn, cũng bị thu hồi đất để nhường đất cho nhà máy. Ông Văn cũng động viên hai đứa con đi học công nghệ sản xuất xi- măng của nhà máy, mặc dù lúc đó các con ông cũng đã có công ăn việc làm ổn định. Thế rồi, khi nhà máy đào tạo nghề cho chúng xong, trở về quê để đợi trở thành công nhân sản xuất xi-măng, thì lại trở thành thất nghiệp cho đến nay vẫn chưa tìm được việc làm.
Trao đổi với Tamnhin.net, ông Phạm Thanh Sơn - Bí thư huyện ủy huyện Ngọc Lặc, ông cho biết: “Hệ lụy của dự án xi-măng Thanh Sơn để lại khá nặng nề cho cả chính quyền địa phương và người dân. Trước tiên dự án đã làm mất lòng tin của người dân, thu hồi đất sản xuất, di chuyển mồ mả của họ, lấy con họ đi đào tạo hứa về sẽ có việc làm thế mà nay hàng trăm lao động, hàng chục gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn. Huyện đã nhiều lần chủ động đấu mối với Công ty, nhưng không thấy họ trả lời”.
Phúc Ngư - Hà Vy
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire