Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Hai ngày liên tiếp tuần này, lực
lượng tuần duyên Nga đã chặn giữ hai tàu đánh cá của Trung Quốc trên
biển Nhật, trong khu vực lãnh hải miền Viễn Ðông, và bắt tổng cộng 36
thủy thủ. Cả hai tàu đánh cá này đều xuất phát từ Wei Hai (Uy Hải), một
ngư cảng ở bờ biển tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc.
|
Một tàu tuần duyên trong vùng biển Viễn Ðông Nga. (Hình: Wikipedia)
|
Sự kiện này xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang có những tranh chấp
với Nhật ở quần đảo Ðiếu Ngư Ðài (mà Nhật gọi là Senkaku) trên Ðông Hải,
cùng những hành động khiêu khích liên tiếp với Philippines và Việt Nam ở
biển Ðông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Tuy nhiên, ba biến động này có ý
nghĩa khác nhau, có thể tin rằng va chạm với Nga chỉ là thực tế tình cờ
không nằm trong ý đồ mở rộng thế lực ra những vùng biển kế cận mà người
ta nhận thấy Trung Quốc đã manh nha tiến hành từ lâu.
Hôm Chủ Nhật, một tàu Trung Quốc với thủy thủ đoàn 20 người bị hải
quân duyên phòng Nga chặn giữ trong khi đang đánh cá cách bờ biển miền
Viễn Ðông dưới 200 hải lý, được coi là vùng biển đặc quyền kinh tế của
Nga, chiếu theo công ước quốc tế về luật biển. Ngày Thứ Hai, một tàu
đánh cá khác bị tàu duyên phòng Nga phát hiện trong vùng biển đặc quyền
kinh tế, nhưng không chịu dừng lại theo lệnh, dù đã bị tàu Nga nổ súng
cảnh cáo. Sau ba tiếng đồng hồ rượt đuổi, tàu tuần Nga xáp lại gần, bắn
thẳng vào tàu cá khi các thủy thủ Trung Quốc kháng cự không cho lính Nga
qua tàu khám xét. Không có ngư dân Trung Quốc nào thương vong trong vụ
nổ súng, nhưng một người rớt xuống biển mất tích. Sau đó, khi thủy binh
Nga lên chiếm tàu cá nhận thấy trên tàu có 22.5 tấn mực, và thủy thủ
đoàn không có giấy phép đánh cá trong vùng.
Chiếc tàu đánh cá được dẫn về cảng Nakhodka và tất cả thủy thủ Trung
Quốc bị bắt được đưa tới Khabarovsk, thủ phủ tỉnh Primorsky, trong vùng
Viễn Ðông Nga.
Hôm Thứ Năm 19 Tháng Bảy, Tân Hoa Xã cho biết Lãnh Sự Quán Trung Quốc
ở Khabarovsk nói sẽ tiếp xúc với phía Nga để giải quyết vụ việc và trả
tiền phạt. Một nhân viên lãnh sự quán, không nêu danh tánh, nói rằng
“Trung Quốc không muốn chính trị hóa sự việc.” Theo BBC, lời phát ngôn
này sau đó bị Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bác bỏ không rõ vì lý do gì.
Tuy nhiên, điều này có thể hiểu được qua những phản ứng chính thức
của Bắc Kinh. Hôm Thứ Năm, Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Cheng
Guoping mạnh mẽ bày tỏ sự bất bình với Nga trong việc nổ súng vào tàu
đánh cá. Triệu một nhân viên ngoại giao Nga đến văn phòng Bộ Ngoại Giao
Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Cheng tuyên bố Nga phải bảo đảm an toàn và
quyền pháp định cho các ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ. Trong bản thông
cáo đưa ra sau đó, ông Cheng cho biết “đã yêu cầu Nga mở cuộc điều tra
đầy đủ về biến cố này và mau chóng thông báo kết quả cho Trung Quốc.”
Ông cũng yêu cầu Nga thả các tàu cùng ngư dân bị bắt và tiếp tục tìm
kiếm ngư dân mất tích.
Ðồng thời, một bài xã luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo lên án vụ Nga
bắn vào tàu đánh cá, gọi hành động này là “thiếu thận trọng”. Bài báo
viết: “Năm 1983, không quân Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay hàng không dân
sự Boeing 747 của Korean Airlines gần không phận miền Viễn Ðông. Bây
giờ, ít nhất là lần thứ hai, Nga bắn vào một tàu dân sự Trung Quốc.
Những hành động này sẽ còn lưu lại trong ký ức người dân Ðông Bắc Á
Châu.” Sau khi nhắc lại là năm 2009, hải quân Nga đã bắn chím một tàu
hàng Trung Quốc tình nghi chở đồ lậu làm 8 người thiệt mang, bài xã luận
viết tiếp: “Thái độ hiếu chiến của một số viên chức Nga ở cấp cơ sở
không những làm hại tới lòng tin cậy của Trung Quốc muốn xây dựng tình
hữu nghị lâu dài với Nga, mà còn tạo điều kiện biện minh cho những thế
lực muốn tìm cách phá hoại quan hệ Nga-Hoa.”
Ðây không phải lần đầu tàu tuần duyên Nga bắn hay bắt giữ các tàu
đánh cá và ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế ở
miền Viễn Ðông Nga. Thông thường, các ngư dân được phóng thích sau khi
đã nạp một số tiền phạt, tuy nhiên, cũng có đôi khi họ bị cầm giữ nhiều
tháng trước khi được thả. Nga giữ quan điểm rành rẽ và đối phó cứng rắn
trong các trường hợp xâm phạm chủ quyền lãnh hải ở miền Viễn Ðông, với
Trung Quốc cũng như với Nhật, không bị giới hạn vì nỗi lo ngại có thể
làm căng thẳng quan hệ.
Giáo Sư Deng Peihua, thuộc học Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, nhận
xét: “Nga có vẻ không ngần ngại sử dụng biện pháp mạnh đối phó với các
ngư dân không võ trang, thái độ mà Trung Quốc cho là thiếu thân thiện và
không chấp nhận được.” Theo ông, “Trung Quốc và Nga cần phải thương
thảo một cơ chế ứng xử trong những tình trạng này.”
Nhân vụ này, tại Philippines, Nghị Sĩ Miriam Defensor-Santiago nói
rằng để có thể “đáp ứng mạnh mẽ,” giống như Nga đối với việc Trung Quốc
vi phạm lãnh hải, cần phải tăng cường lực lượng duyên phòng. Theo bà,
hải quân cũng như lực lượng duyên phòng Philippines hiện nay còn quá yếu
và mong sẽ được sự trợ giúp trang bị từ những nước như Hoa Kỳ, Úc. Tuy
nhiên, Tổng Thống Aquino bày tỏ quan niệm ôn hòa hơn. Qua phỏng vấn của
ANC, ông nói rằng, Philippines đã dự phòng mọi tình huống, nhưng ông tin
tưởng Trung Quốc sẽ tránh dùng biện pháp quân sự. Ông nói: “Chúng tôi
sẽ cố gắng xuống thang và theo đuổi một đường lối hòa bình để giải quyết
các tranh chấp. Chúng tôi sẽ thể hiện thái độ hợp lý nhất có thể được
và hy vọng sự đáp ứng thích đáng từ phía bên kia.” Ông nhắc lại là chiến
hạm hải quân đã rút khỏi Panatag Shoal sau khi tàu duyên phòng
Philippines đến thay thế, sự kiện ấy chứng minh rằng biến cố vừa qua nên
được giải quyết trong phạm vi dân sự.
“Chiến lược khai thác biển” của Trung Quốc đề ra năm 1995 với mục
tiêu tối hậu là đưa Trung Quốc đến vị trí một cường quốc thế giới về
biển, không chỉ cận duyên mà là viễn dương, có khả năng kiểm soát và
khống chế hàng hải, khai thác tài nguyên biển. Biển Ðông là hướng chính
để tiến ra biển và vì vậy tất cả mọi biến động xảy ra ở những giai đoạn
khác nhau tại khu vực này chỉ là từng bước tiến trong toàn bộ chiến lược
lâu dài. Người ta khó có thể dự đoán chuyện gì sắp đến, về tầm mức
nghiêm trọng cũng như thời điểm, vì điều ấy còn phụ thuộc vào nhiều yếu
tố khác về chính trị, ngoại giao và sự uyển chuyển trong sự thi hành
chiến thuật.
Nhưng rõ ràng Trung Quốc không muốn, hay không thể, cùng lúc thực
hiện chiến lược biển trên ba mặt trận. Cho nên, với những hành động
khiêu khích đang leo thang trên biển Ðông, Trung Quốc tỏ ra đấu dịu ở
Ðông Hải với Nhật, đã tuyên bố rút các tàu thám sát khỏi quần đảo Ðiếu
Ngư Ðài. Còn trên biển Nhật, ít nhất là cho đến bây giờ, Trung Quốc
không có chính sách tạo gây hấn và tranh chấp. Là một cường quốc quân sự
và hải quân có đầy đủ khả năng hơn tất cả các quốc gia trong vùng Ðông
Nam Á, Nga có yếu tố để hành xử mạnh. Vì vậy, sự phản đối có vẻ mạnh mẽ
của Trung Quốc về vụ hai tàu đánh cá và thủy thủ bị bắt giữ là trong thế
bó buộc và chỉ có tính cách tượng trưng. Mặt khác, cơ quan ngư nghiệp
và hải dương tỉnh Sơn Ðông đã xác định không cấp giấy phép cho tàu đánh
cá nào hoạt động trong khu vực gần hải phận Nga, và nói rằng các ngư dân
Trung Quốc “xâm nhập và đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh
tế của Nga” khi về nước sẽ bị kỷ luật.