Du học về nước: Thất nghiệp như thường
Ra trường tròn 1 năm, Đỗ Thị Phương Thùy (23
tuổi, Long Biên – Hà Nội), tốt nghiệp ĐH Lao động Xã hội sau một thời
gian kiên trì ‘rải’ hồ sơ không tìm được việc mong muốn đành chấp nhận
phụ giúp mẹ bán hàng ăn tại nhà. Kinh tế khó khăn, đến cả những người đi
làm có kinh nghiệm nhiều năm cũng ‘bạc mặt’ vì tìm việc.
Tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trần Vĩnh Linh (Nam Sách – Hải Dương) đã đi khắp các khu công nghiệp trong tỉnh, hi vọng tìm được công việc vừa ý. Nhưng giờ đây, Linh đã quen với việc những bộ hồ sơ một đi không trở lại vì không có nhà tuyển dụng nào gọi đi phỏng vấn.
“Nghe nói các khu công nghiệp thường tuyển nhiều người, nhưng không mấy khi thông báo trên mạng, em đã đến từng nơi hỏi thăm nhưng không mấy nơi cần người. Có người trong công ty nọ bảo kinh tế khó khăn, công ty ‘trảm’ bớt còn không được, tuyển về ích gì”, Linh thổ lộ.
Mong muốn được làm việc ở gần nhà, song Linh vẫn chấp nhận công tác tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội để mở rộng cơ hội việc làm. Hàng ngày, Linh liên tục vào các trang tìm việc làm mới hồ sơ, gửi đến cả trăm bộ hồ sơ qua mạng vẫn chưa tìm được việc. Linh còn ghi dòng chữ nổi bật lên hồ sơ “Mới ra trường, chấp nhận thử thách” nhưng ít ai đoái hoài đến mình. Duy có một số công ty bán hàng đa cấp, trá hình dưới nhiều hình thức kinh doanh thì có gọi đến nhưng Linh nhận thấy công việc này không phù hợp với khả năng của mình.
|
Những tưởng các tân cử nhân mới khốn khổ tìm việc, những người ra trường dày dạn kinh nghiệm như anh Nguyễn Đức Tuấn (Phường Láng Thượng, Đống Đa, HN) cũng lâm vào cảnh khổ sở tìm việc. Sau lần ức chế với ban lãnh đạo công ty, Tuấn lập tức viết đơn thôi việc mà không cần đắn đo gì thêm. Nghĩ bụng với 7 năm làm IT, chắc chắn anh sẽ sớm tìm được công việc tốt hơn. Ngờ đâu 3 tháng trở lại đây anh vẫn ở nhà nội trợ phục vụ người vợ bụng mang dạ chửa 8 tháng, trở thành lao động chính trong nhà.
Anh cho biết, dù đã tận dụng mọi mối quan hệ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũ nhưng vô ích. Nếu chấp nhận những công việc làm tạm thì lương lậu lại bèo bọt, không bõ tiền xăng xe.
“Không nghĩ tìm việc lúc này lại khó như vậy, đáng ra mình nên nhẫn nại, tìm được việc mới nghỉ. Thôi thì bây giờ ở nhà làm ô sin cho vợ một thời gian vậy”, anh Tuấn thở dài.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Như Sương (Phường Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng không khá hơn. Tốt nghiệp loại khá Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng và đã có trong tay văn bằng hai chuyên ngành kinh tế, nhưng công việc vẫn chưa đầu vào đâu. Chị cho biết, thị trường việc làm Đà Nẵng vốn đã khó khăn vì ít công ty, các doanh nghiệp nếu cần người cũng chỉ “rỉ tai” nhau, thời gian này coi như vô vọng.
“Trước ở nhà mình ăn diện lắm, nhưng giờ lấy chồng rồi, ăn bám mãi cũng ngại. Mình lâu lắm chưa mua sắm cho bản thân thứ gì, đến hũ kem dưỡng da cũng không dám chi. May chồng mình làm việc tốt, được cấp nhà, không thôi chẳng biết chi tiêu làm sao cho đủ”, chị kể.
Đến du học sinh cũng thất nghiệp
“Tìm hoài mà chẳng có việc nào phù hợp với mình. Chán+nản=đói!” là tâm sự của Nguyễn Gia Khánh (Quảng Ninh), người lập ra một hội nhóm thất nghiệp trên Facebook với hi vọng bản thân và những người lâm vào hoàn cảnh giống mình sẽ kiếm được việc làm, nhờ vào sự giúp đỡ, giới thiệu của bạn bè. Là du học sinh chuyên ngành kinh tế từ Úc trở về, bố mẹ lại làm chức cao ở các công ty lớn, nhưng cũng chưa xếp được việc cho con.
Khác với Khánh, Bùi Văn Minh, tốt nghiệp Trường ĐH California (Mỹ) sau nhiều năm làm việc tại một công ty phần mềm ở Mỹ nuôi ý định về Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, những kiến thức Minh học được, thậm chí đang làm rất tốt ở Mỹ lại chưa thể làm được ở Việt Nam. Khi hỏi ý kiến của chuyên gia và những người trong nghề, nhiều người cảnh báo anh sẽ không bán được hàng ở Việt Nam, vì phần mềm bán hàng của anh chưa phù hợp với thói quen thanh toán online của người Việt.
Trăn trở rất lâu, Minh cảm thấy khó khăn để hòa nhập vào môi trường Việt Nam. Minh nói: “Mình sẽ thuê người đi sales sản phẩm tới khách hàng, nếu không khả thi có lẽ mình sẽ ở lại Mỹ làm việc. Khi nào bố mẹ ép về hẵn hay”.
Giải pháp nào để tìm việc không khó?
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 quý đầu năm, cả nước có hơn 26.000 DN giải thể, ngưng hoạt động. Tại TP HCM, số người lao động đăng ký thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 70.397 người, tăng 22.009 người so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường lao động thu hẹp, những người có kinh nghiệm vẫn thất nghiệp dài. Nhiều người nghĩ rằng, việc nỗ lực rải hồ sơ khắp nơi, đăng ký trực tuyến sẽ giúp gia tăng cơ hội việc làm, nhưng nếu hồ sơ không được trình bày cụ thể, cơ hội việc làm của các ứng viên vẫn thấp.
Để kiếm được việc làm phù hợp, việc dành tâm sức để viết một bản sơ yếu lý lịch nổi bật vô cùng cần thiết. Trong bản khai này, các thông tin cá nhân, thành tích đạt được, cũng như mong muốn hoặc ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của công ty người lao động ứng tuyển là quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ ‘để mắt’ đến các ứng viên thể hiện được tâm huyết đóng góp cho công ty, kèm theo những nguyện vọng của mình.
Khi đi phỏng vấn, người tìm việc cần lưu ý từ cách ăn mặc đến nỗ lực gây ấn tượng nhà tuyển dụng không chỉ bởi thành tích mà còn ở phong cách giao tiếp, sự chuyên nghiệp trong ứng xử.
Đặc biệt, đối với các sinh viên chuẩn bị rời ghế nhà trường, cơ hội vẫn mở ra trước mắt họ. Khoảng thời gian thực tập là cơ hội tốt để thể hiện năng lực bản thân. Không dừng lại ở kết quả thực tập nộp về nhà trường, sinh viên cần xem đây thực sự là thời cơ để mình cố gắng. Khi phát hiện ra năng lực làm việc, sự nhiệt tình, tâm huyết ở thực tập sinh, chắc chắc các công ty sẽ không bỏ lỡ một nhân tài tương lai.
(Theo TTVN)