vendredi 20 juillet 2012

TQ sẽ làm gì sau vụ 30 tàu cá tại bãi Chữ Thập?


Việt Hà, phóng viên RFA
2012-07-19

Việc Trung Quốc mới đây gửi 30 tàu cá kèm theo tàu hộ tống đến bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đã khiến cả Việt Nam và Philippines phải lên tiếng quan ngại.



AFP PHOTO
Tàu đánh cá Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp với các nước, ảnh minh họa chụp tháng 12 năm 2010.



Tuy nhiên đây không phải là hành động đơn phương đòi chủ quyền gây nhiều tranh cãi đầu tiên trong năm nay của Trung Quốc. Có gì đằng sau hành động này của Trung Quốc? Việt Hà có bài chi tiết sau đây.

Hành động có tính toán?

Tình hình biển Đông những ngày gần đây lại tiếp tục trở nên căng thẳng khi vào ngày 13 tháng 7 Trung Quốc gửi 30 tàu cá cùng tàu hộ tống đến bãi chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam đòi chủ quyền. Trung Quốc tuyên bố các tàu này sẽ ở lại khai thác hải sản trong khu vực trong vòng 10 ngày. Hành động này của Trung Quốc ngay lập tức đã khiến Việt Nam và Philippines phải quan ngại vì đây không phải là hành động đơn phương gây căng thẳng đầu tiên của Trung Quốc kể từ đầu năm tới nay, và rất có thể là báo hiệu của nhiều hành động đơn phương khác của nước này trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc nhận xét:
Đây không thể coi là một hành động đơn lẻ mà là sự tính toán từ trước của TQ bằng cách sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự để áp đảo Philippines và VN.
GS Carl Thayer
“Đây không thể coi là một hành động đơn lẻ mà là sự tính toán từ trước của Trung Quốc bằng cách sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự  để áp đảo Philippines và Việt Nam bằng cách thể hiện cái mà họ gọi là quyền tài phán của mình.”
Trước khi sự kiện này xảy ra, vào đầu tháng 4, Trung Quốc và Philippines cũng có một vụ đụng độ liên quan đến khu vực bãi cạn Scarborough shoal mà Philippines đòi chủ quyền. Sự kiện bắt đầu khi tàu hải quân Philippines được gửi ra bãi này để tìm hiểu vụ các tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu vực để đánh bắt hải sản. Vụ việc sau đó đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước. Tranh chấp bãi cạn cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của các tàu cá của mình tại đây.
Theo giáo sư Carl Thayer thì đây là một chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng không chỉ đối với biển Đông mà còn đối với vùng biển đang tranh chấp với Nhật bản xung quanh đảo Senkaku. Với cách làm này, Trung Quốc muốn làm cho cả Việt Nam và Philippines phải mệt mỏi vì giới hạn về khả năng trang bị, trong khi đó tiếp tục gây sức ép về chủ quyền trên vùng biển tranh chấp.
“Họ đã tính toán kỹ lưỡng. Philippines có nguồn lực hạn chế và Việt Nam cũng vậy. Nếu Trung Quốc đưa hết các tàu bán quân sự ra đó để bảo vệ tàu cá của mình thì không ai có khả năng ngăn chặn các tàu cá này và họ có thể đi từ nơi này sang nơi khác. Và nếu nó cứ tiếp tục như vậy thì sẽ đến lúc nhưng hành động này sẽ quá nhiều và nó sẽ không thể bị ngăn chặn ngoài những phản đối về mặt chính trị. Đó là cách mà Trung Quốc đang làm để làm cho các bên mệt mỏi hoặc là để gây sức ép về chủ quyền của nước này lên khu vực.”

Các nước phản ứng thế nào?

035_pau437919_02-250.jpg
Tàu hải giám Trung Quốc, ảnh chụp tháng 11 năm 2010. AFP PHOTO.
Về mặt chính trị, ngay sau khi Trung Quốc gửi tàu cá đến khu vực chữ Thập, chính phủ Việt Nam và Philippines đã chính thức lên tiếng phản đối.
Đại diện ủy ban biên giới quốc gia thuộc bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng với báo giới, nói rằng họat động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Vào ngày 16/7, người phát ngôn bộ ngoại giao Philippines, Raul Hernadez cũng lên tiếng cảnh báo. Ông Hernadez nói rằng lực lượng bờ biển nước này sẽ kiểm tra vị trí của các tàu cá Trung Quốc ở biển Đông để đảm bảo chúng không đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Nói thì nói vậy, Philippines cũng đã gặp những khó khăn khi phải gửi tàu ra theo dõi các tàu Trung Quốc. Họ không chỉ phải đối đầu với Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough mà còn phải lo lắng về các động thái của Trung Quốc ở bãi chữ Thập, và có thể còn ở những nơi khác nữa trong tương lai. Vì vậy, họ phải tìm các giải pháp khác để đối phó với hành động của Trung Quốc. Giáo sư Rommel Banlaoi, giám đốc viện nghiên cứu hòa bình, bạo động khủng bố của Philippines cho biết:
“Tất nhiên Philippines sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện của mình ở trong khu vực bằng cách gửi ra thêm các tàu tuần duyên đến các khu vực này, nhưng chúng tôi không thể nào theo kịp về số lượng các tàu Trung Quốc tiếp cận vào các khu vực đang tranh chấp. Cho nên đang có  một lựa chọn khác đang được chính phủ Phi thực hiện là tìm cách gây sức ép trong khu vực lên Trung Quốc để họ thay đổi thái độ của mình, vì hành động và thái độ hiện tại của họ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng tại khu vực tranh chấp.”
Điều này giải thích tại sao Philippines kêu gọi đưa tranh chấp Scarborough vào tuyên bố cuối cùng của diễn đàn an ninh khu vực diễn ra vào tuần trước, nhằm gây sức ép của quốc tế lên Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này của Philippines đã thất bại do ảnh hưởng của Trung Quốc lên các nước ASEAN khác, mà đặc biệt là nước chủ nhà Campuchia.

Phép thử của Trung Quốc

Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc gửi 30 tàu đến bãi chữ Thập liệu có thể dẫn đến một tình trạng tương tự như Scarborough của Philippines hay không? Hay có thể còn nặng nề hơn giống như vụ đụng độ đẫm máu diễn ra hồi năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam? Câu trả lời nằm ở phản ứng nào mà Việt Nam sẽ áp dụng đối với các hành động của Trung Quốc và đó cũng chính là cách mà Trung Quốc đang làm để thử khả năng phản ứng của Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer giải thích:
Trò chơi của họ là muốn để chúng ta rơi vào cái bẫy của họ. Họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng ta bắn phát súng đầu tiên. GS Renato Cruz de Castro
“Bãi đá này là biểu tượng vì đây là khu vực đã diễn ra giao tranh vào năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam. Gần khu vực này cũng đã xảy ra vụ cắt cáp tàu của Việt Nam vào năm ngoái. Vậy hành động này có ý nghĩa thế nào với Việt Nam? Nó có giống như vụ bãi cạn Scarborough của Philippines? Việt Nam có khả năng để theo dõi một lượng lớn tàu cá khoảng 30 chiếc không vào khu đặc quyền kinh tế hay không? Đây là cách mà Trung Quốc muốn thử khả năng của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc nói là họ chỉ điều tàu ra 10 ngày nhưng đây chỉ là một trong một loạt các vụ thử liên tục của Trung Quốc khiến phải Việt Nam phải tự củng cố lực lượng của mình để đối phó.”
Trong quá khứ Việt Nam cũng đã cho thấy khả năng đối phó của mình. Hồi tháng 11 năm ngoái, một đoạn video được tải trên youtube cho thấy tàu của cảnh sát biển Việt Nam đuổi và đâm vào tàu của Trung Quốc. Có những trường hợp Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao như vụ Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào tháng 5 và 6 năm ngoái. Và cũng có trường hợp Việt Nam chỉ im lặng như một vụ cắt cáp khác xảy ra trước đó.
Vì đã là phép thử, thì cũng sẽ không có gì lạ nếu các tàu cá Trung Quốc lần này tìm cách đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thử phản ứng từ phía Việt Nam. Việt Nam có thể áp dụng các cách đã từng làm nếu hành động này xảy ra. Đó là hoặc có thể tìm cách lên tiếng về chính trị, tìm mọi cách  ngăn chặn và đuổi các tàu này ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế, hoặc cũng có thể im lặng và chờ các tàu này ra khỏi khu vực khi hết 10 ngày.
Theo giáo sư Carl Thayer thì dù thế nào Việt Nam cũng nên học bài học Scarborough của Philippines. Mặc dù Philippines chỉ gửi tàu hải quân đến khu vực tranh chấp một thời gian ngắn nhưng đã tạo cớ cho Trung Quốc mạnh tiếng và phản ứng dữ dội. Đây là chiến thuật mà Trung Quốc đã áp dụng từ lâu nay đối với biển Đông theo như lời của giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc đại học De la Salle, Philippines:
“Trò chơi của họ là muốn để chúng ta rơi vào cái bẫy của họ. Họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng ta bắn phát súng đầu tiên, và điều này đã xảy ra với Việt Nam vào hồi năm 1988 và Việt Nam đã phải chịu một tổn thất lớn. Cho nên đây là một trò chơi mà họ đợi bạn bắn phát đầu tiên và sau đó họ sẽ nói là họ tự vệ.”
Vụ việc bãi chữ thập chỉ là một trong nhiều phép thử mà Trung Quốc đang và sẽ áp dụng đối với  Việt Nam trong năm nay và thời gian sắp tới, tương tự như họ đã làm với Scarborough của Philippines. Trong khi đó thì việc tìm ra chiến thuật đối phó với Trung Quốc trong những vụ việc này hoàn toàn không dễ đối với cả hai nước khi nguồn lực của họ còn hạn chế. Cách duy nhất mà hai nước vẫn đang làm là kêu gọi sự can thiệp của các nước trong khu vực, nhưng với sự thất bại của hội nghị an ninh khu vực vừa qua về vấn đề biển Đông, có lẽ sẽ còn mất nhiều thời gian cho hai nước để tìm ra các giải pháp cho các thách thức này. Mà thời gian lúc này dường như đang đứng về phía Trung Quốc.