vendredi 13 juillet 2012

Mỹ đứng vào trước sân ngôi nhà Trung Quốc


Việt-Long, RFA
2012-07-12

Tuần này có nhiều sự kiện liên quan đến Việt Nam và Đông Nam Á. Được quốc tế chú ý nhiều nhất là hoạt động của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Việt Nam, chuyến thăm lịch sử của bà Ngoại trưởng Mỹ tại Lào, nhưng sự chú ý hơn hết của châu Á và Việt Nam hướng vào bài diễn văn của bà Clinton trong buổi khai mạc hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN- Hoa Kỳ tại Phnom Penh lúc chiều thứ tư.

RFA screen capture
Bà Clinton nhận hoa tặng trước buổi họp báo ở Hà Nội



Công việc ở Việt Nam

Mục đích chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton là thúc đẩy mậu dịch, mở rộng và tăng tiến mối quan hệ song phương về thương mại, giáo dục, song song với những khuyến cáo liên quan đến dân chủ, nhân quyền.
Bà Clinton nhấn mạnh đến việc gia tăng trao đổi thương mại cùng những biện pháp, những phương thức thực hiện chương trình đó. Quan hệ về giáo dục trong đó các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên được xem là một phương thức để siết chặt quan hệ song phương, đưa hai nước lại gần nhau hơn nữa, đồng thời giúp Việt Nam nâng cao phẩm chất nền giáo dục cùng với năng lực của hệ thống nhân sự cấp cao.
Nhiều ý kiến cho rằng bà Clinton đưa ra những khuyến cáo mạnh mẽ với những giới chức lãnh đạo của Việt Nam về vấn đề dân chủ và nhân quyền, quyền tự do bày tỏ ý kiến và phổ biến quan điểm,  là do sự chỉ trích mạnh mẽ chưa từng thấy của dân biểu Frank Wolf đối với hành pháp Mỹ, nhất là bộ ngoại giao và toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Dân biểu Frank Wolf khi trả lời cuộc phỏng vấn của RFA đã gọi đại sứ David Shear là người dối trá. Ông đã hứa mời những nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật đến toà đại sứ nhưng sau lại nói với ông Wolf là cần phải giữ cân bằng trong hoạt động ngoại giao. Nghĩa là ông đại sứ có thể đã không mời ai hoặc đã huỷ bỏ cuộc hẹn.

Vì sao đành thất hứa?

Đây là điều khá lạ lùng trong nền nếp hoạt động của chính quyền Hoa Kỳ, vì trong một buổi điều trần trước đây tại Hạ viện, phụ tá ngoại trưởng Mỹ về nhân quyền và lao động có hứa với dân biểu Frank Wolf là sẽ chỉ thị cho toà đại sứ mở rộng cửa đón mời những nhà dân chủ Việt Nam. Đại sứ David Shear cũng hứa là sẽ mời, nhưng vì sao ông lại đổi hướng nhanh như vậy?
 clinton-at-asean-250  Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại 
hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Hoa Kỳ - 
RFA sreenshot
Đó là một việc rất tế nhị về ngoại giao. Người ta còn nhớ đã có lần những người bất đồng chính kiến được mời đến toà đại sứ Mỹ nhưng nhiều người bị công an ngăn cản quyết liệt ngay trước cổng toà đại sứ. Cho nên chắc chắn đã phải có sự phản đối quyết liệt của Hà Nội về sự kiện này, và bộ ngoại giao Hoa Kỳ, vào lúc Ngoại trưởng Cllinton sắp đến Việt Nam, đã phải nhượng bộ.
Thêm nữa, bây giờ đang là thời gian hai đảng chính trị của Hoa Kỳ cạnh tranh quyết liệt cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nên dân biểu Frank Wolf thuộc đảng Cộng hoà đã không bỏ lỡ dịp đả kích chính quyền Obama của đảng Dân Chủ. Dân biểu Frank Wolf còn nói ông mong với vị Tổng thống sắp tới, ý nói người thay thế ông Obama, thì vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam sẽ là một người Mỹ gốc Việt.
Nhưng dù sao cũng khó cãi được với những điều ông Wolf lên án đại sứ David Shear vì vị sứ thần đã hứa mà không làm. Ông Shear còn bị chê là người kém khả năng, hay là cả một sự thất bại, khi vị dân biểu nhắc đi nhắc lại “he’s a failure”.

Phải chứng tỏ bênh vực tự do

Và có lẽ vì bị thúc đẩy và chỉ trích như vậy nên ngoại trưởng Clinton đã nêu những khuyến cáo khá mạnh mẽ với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, mà tin tức quốc tế nói là đã khiến ông Trọng đang vui vẻ xã giao thì đã nghiêm mặt lại.
Bà Clinton đề cập ngay đến vấn đề tự do phổ biến quan điểm tại Việt Nam, và bà nhấn mạnh rằng dân chủ và thịnh vượng phải cùng nắm tay đi với nhau, đổi mới chính trị và tăng trưởng kinh tế có liên quan với nhau. Bà nhắc lại điều đã phát biểu tại Mông Cổ với ý phản bác quan điểm của lãnh đạo Việt Nam cũng như tại các nước độc tài, là muốn giành ưu tiên cho phát triển kinh tế thì phải có ổn định chính trị. Đây là điều bà Clinton đã nêu ra với lãnh đạo Mông Cổ khi thăm xứ này, và được cho là còn nhằm khuyến cáo cả Trung Quốc.
Sau đó bà Clinton thăm Lào trong một chuyến đi lịch sử kể từ khi ngoại trưởng John Foster Dulles thăm xứ Vạn Voi trong một ngày,cách nay đã 57 năm. Bà cổ võ tăng tiến quan hệ thương mại song phương và hứa hẹn mở rộng quan hệ, rồi vội vã rời nước Lào sau 4 giờ đồng hồ để bay qua Phnom Penh, đọc diễn văn khai mạc hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Hoa Kỳ. Bài diễn văn này có gì đáng chú ý?

Sáu trụ cột chiến lược

Ngoại trưởng Hillary Clinton đã xác định quyết tâm của Hoa Kỳ đặt chân trở lại và đứng vững mãi trên khu vực những láng giềng ở ngày sân trước của ngôi nhà Trung Quốc.  
clinton-zhang-250
Ngoại trưởng Clinton bắt tay  Ngoại trưởng Dương trước khi  vào họp song phương- AFP photo
Bà Clinton nhấn mạnh những điều gọi là quan thiết đối với Hoa Kỳ là an ninh hàng hải, chống phổ biến vũ khí nguy hiểm, cũng hàm ý chống bành trướng, và tăng trưởng kinh tế, trong khi bà xác định lại một lần nữa việc Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược về kinh tế cũng như quân sự sang châu Á.
Bà cho biết Hoa Kỳ đầu tư ở các nước ASEAN nhiều hơn ở Trung Quốc! Bà hứa hẹn lắng nghe mọi nhu cầu khẩn thiết của ASEAN để hợp tác và giải quyết, trong đó có nhu cầu cần Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện ở Đông Nam Á.Bà công bố một kế hoạch mới gọi là “Sáng kiến can dự chiến lược ở châu Á Thái Bình Dương” gọi tắt là APSEI, và nhiều vấn đề khác.
Kế tiếp đó Ngoại trưởng Mỹ nêu ra những nét tổng quát của kế hoạch ấy, cùng với những yếu tố chủ đạo trong chiến lược của Hoa Kỳ dành cho châu Á Thái Bình Dương. Bà nói Hoa Kỳ chú trọng vào sáu cột trụ chiến lược, gồm hợp tác vì an ninh khu vực, hội nhập kinh tế và trao đổi mậu dịch, khai mở vùng hạ lưu Mekong, thứ tư là đối phó những nguy cơ liên quốc gia, thứ năm là phát huy dân chủ, và thứ sáu là giải quyết những di hại của chiến tranh.
Bà Hillary Clinton hứa hẹn sẽ “đặt cược” cho kế hoạch này tại Diễn đàn Khu vực của ASEAN trong tuần này. Sau đó bà nói đến kế hoạch cứu trợ thiên tai cho Đông Nam Á, mà có thể hiểu là thường liên quan chặt chẽ đến hải quân Hoa Kỳ cũng như hải quân của những nước ven biển Đông, cũng đồng nghĩa với sự chuẩn bị cho những hoạt động sâu rộng của hải quân Mỹ ở biển Đông.

Trụ cột chống ngăn ai?

Về những hoạt động của bà ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Phnom Penh trong các hội nghị của ASEAN, có thể nói tóm tắt là Hoa Kỳ đang đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc chuyển trục chiến lược sang châu Á. Hoa Kỳ đang tiến vào đặt mối liên lạc chặt chẽ ở những vùng lân cận, những quốc gia “môi hở răng lạnh” cạnh Trung Quốc.
Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh của Trung Quốc tuyên bố không có gì e ngại trước chiến lược của Mỹ. Nhưng cùng lúc, Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải nói với Úc rằng các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn áp dụng những tư tưởng từ thời chiến tranh lạnh trong quan hệ với Bắc Kinh, qua ý đồ bao vây Trung Quốc trên vùng biển Thái Bình Dương.
Mỹ và đồng minh phương Tây vừa thắng lớn ở Miến Điện. Gần đây kế hoạch đặt một cơ sở của NASA tại Thái Lan đang bị quốc hội Thái đình hoãn, cũng nằm trong kế hoạch chiến lược này.
Hoa Kỳ rõ ràng đã quyết tâm tranh thắng cùng Trung Quốc ngay trong sân trước của Bắc Kinh, nơi địa bàn chiến lược trước cửa ngôi nhà Trung Quốc, nơi chứa đựng nguồn nguyên nhiên liệu sinh tử cho sức mạnh kinh tế, nơi thị trường quan yếu của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển.
Và ba nước Đông Dương Việt Lào Cambodia đang chiếm vị trí quan trọng nhất trên trận đồ quốc tế này.
Liệu Mỹ có để Trung Quốc tung hoành trên biển Đông như con hổ dữ giữa bầy dê tan tác?