Nông dân Bắc Giang lại nổi giận - Vì sao?
Việt Hà, phóng viên RFA
2012-07-25
Đã hơn 9 năm trôi qua kể từ khi dự án trường bắn TB1 được bắt đầu tại 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, hàng trăm hộ gia đình nông dân của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục đi tìm công lý và công bằng.
Dự án trường bắn TB1
Kể từ sau khi dự án trường bắn quốc gia TB1 được bắt đầu trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang vào năm 2003, hàng trăm hộ gia đình thuộc xã Kim Sơn, Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa thể ổn định cuộc sống sau di dời và chưa ngừng hành trình đi tìm công bằng, công lý cho mình. Đây là một hành trình của không chỉ những khó khăn, khổ cực mà còn của cả máu và nước mắt.
Những người dân này đã bắt đầu hành trình đi tìm công lý bằng cách gửi các lá đơn khiếu nại đến các cơ quan thanh tra của chính phủ và bộ quốc phòng từ năm 2007. Cho đến giờ họ cũng không thể nhớ chính xác mình đã gửi đi bao nhiêu lần và bao nhiêu lá đơn. Một người dân giấu tên tại địa phương cho chúng tôi biết:
"Hơn 300 hộ dân gửi đi, nếu tính cả riêng cả chung thì chắc cũng phải hơn 1,000 lá đơn. Gửi mười mấy hai chục lần, cũng không nhớ nữa. Riêng lên thanh tra bộ quốc phòng gần 20 lần rồi, cũng không giải quyết, chỉ chuyển đơn về tỉnh, tỉnh lại về huyện. Hôm 8 tháng 3 vừa rồi gửi đơn về thanh tra bộ quốc phòng thì hôm 23 tháng 5 bộ quốc phòng gửi đơn về tỉnh, tỉnh đưa về huyện, yêu cầu ông La Văn Nam phó chủ tịch huyện phải trả lời dân, thông báo cho thanh tra bộ quốc phòng và báo cáo về tỉnh trước ngày 10 tháng 7 vừa rồi nhưng vẫn không có gì."
Dự án trường bắn quốc gia TB1 được bắt đầu vào năm 2003 trên địa bàn 13 xã của tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn và làm ảnh hưởng đến khoảng 3000 hộ dân địa phương, trong đó phần đông là những người dân tộc Nùng và Dao. Trong khi những hộ dân tại tỉnh Lạng Sơn được đền bù đất và hoa màu theo đúng quy định của chính phủ thì hơn 2300 hộ dân tại tỉnh Bắc Giang lại được nhận đền bù theo các mức chênh lệch khác nhau và không đúng với quy định.
Năm 2003, những hộ dân đầu tiên của tỉnh Bắc Giang bắt đầu được di dời. Những hộ này được đền bù thiệt hại là 15,000,000 đồng một khẩu cộng với tiền đền bù cây ăn quả là cây vải với giá 1,200,000 đồng một cây có đường kính tán từ 20 đến 22 cm.
Đến năm 2005 và 2006, dự án tiếp tục di dời những hộ dân xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Và đây chính là lúc nảy sinh những bất bình. Những người được di dời trong giai đoạn này là người dân tộc Nùng và Dao. Họ được đền bù thiệt hại là 15,000,000 đồng một khẩu nhưng tiền cây ăn quả là cây vải chỉ được đền bù với mức giá là 371,000 đồng một cây có đường kính theo tán từ 20 đến 22 cm. Trong khi đó giá một kg vải lúc này trên thị trường là từ 5000 đến 6000 đồng. Giá vải vào năm 2003 là khoảng từ 1,000 đến 1,500 đồng một kg.
Từ năm 2007 đến 2010, dự án tiếp tục di dời các hộ dân còn lại. Mức đền bù lúc này đã tăng lên 26,000,000 đồng một khẩu, và giá đền bù cho cây ăn quả là 1,050,000 đồng một cây. Không những thế một số hộ dân có nhà bên ngòai khu trường bắn và chỉ có một phần đất ruộng nằm trong trường bắn thì lại được đền bù tiền đất ruộng là 18,000,000 đồng một sào.
Từ năm 2006 những người dân nhận tiền đền bù đợt hai đã di dời khỏi trường bắn và đi tìm mua đất canh tác với lời hứa từ dự án là họ có thể mua được đất với mức từ 2,000 mét vuông một khẩu trở lên. Nhưng thực tế khác với những gì mà họ được nghe từ đại diện chính quyền địa phương và dự án. Người dân giấu tên cho biết:
"Cái này trước kia họp thì dự án thông báo là mỗi khẩu có thể mua được 2,000 mét vuông trở lên nhưng cả gia đình em chưa mua được 2,000 mét vuông. Những hộ có trâu bò mười mấy hai chục con thì đỡ, vì bù vào còn những hộ không có thì rất khó khăn."
Đền bù không công bằng
Người dân này cho biết gia đình ông trước khi di dời có đến gần chục hecta đất trong trường bắn bao gồm đất nhà, ruộng lúa và vườn cây ăn quả với khoảng 500 cây vải. Tuy nhiên vào năm 2006, khi gia đình ông chuyển sang mua đất ở xã khác bằng tiền đền bù từ dự án, ông chỉ có thể mua được khoảng 4 sào đất, không đủ đất làm ruộng, còn vườn chỉ đủ cho khoảng 40 cây vải.
Giá đất lúc này cũng đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm năm 2003 khi dự án bắt đầu, từ 5 triệu đồng một sào lên đến hơn 10 triệu đồng một sào.
Không đủ đất làm ăn, và bất bình vì sự thiếu công bằng trong giá đền bù, bắt đầu từ năm 2007, người dân đã gửi đơn khiếu nại lên bộ quốc phòng, lên chính phủ để được xem xét giải quyết. Đến năm 2008, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn và đại diện dự án di dân trường bắn quốc gia có cuộc đối thoại với dân. Trước thắc mắc của người dân vì sự không công bằng trong mức giá đền bù, đại diện địa phương cho biết họ làm theo quy định của chính phủ.
Trong khi đó, theo khoản 3b, quyết định số 1287/QĐ-TTg ký ngày 6 tháng 12 năm 2004 của phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư trường bắn quốc gia khu vực 1, chính phủ quy định những hộ di chuyển đến điểm tái định cư tập trung được nhận giao đất ở từ 200 mét vuông đến 400 mét vuông một hộ cộng với đất sản xuất là từ 2,000 mét vuông một khẩu trở lên.
Ở khoản 3c trong quyết định, hộ tái định cư xen ghép và tự nguyện di chuyển thì được bồi thường bằng tiền là 15,000,000 đồng một khẩu. Cũng trong khoản 3c, quyết định nêu rõ ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể việc sử dụng tiền bồi thường nêu trên để đảm bảo mức diện tích đất ở, đất sản xuất cho hộ tái định cư theo đúng quy định tại điểm b khoản 3.
Người dân không đồng ý với giải thích của chính quyền địa phương, nên tiếp tục đi khiếu kiện lên trung ương. Đến ngày 27 tháng 10 năm 2010, phó thủ tướng thường trực nguyễn Sinh Hùng quyết định giao Bộ tài nguyên mội trường, kết hợp với Bộ tài chính và bộ quốc phòng xem xét xử lý kiến nghị của người dân, ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phải báo cáo chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2010.
Đến ngày 6 tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng có công văn khác yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thực hiện đúng quyết định ký ngày 6 tháng 12 năm 2004 của PHó thủ tướng về mức đền bù cho dân vào giao Bộ quốc phòng kết hợp giải quyết. Tuy nhiên đến tháng 4 năm 2011, người dân Bắc giang vẫn không nhận được trả lời từ chính quyền địa phương về vấn đề này.
Dẫn đến đổ máu
Thiếu đất làm ăn, kinh tế khó khăn trong khi đơn khiếu nại nhiều năm ròng không được giải quyết đã đẩy hàng trăm hộ dân thuộc các xã Kim Sơn, Phong Minh và Phong Vân thuộc huyện Lục Ngạn trở về quê cũ để tìm cách canh tác vào khoảng giữa tháng 4 năm 2011. Sự việc này đã dẫn đến một vụ cưỡng chế đất gây đổ máu vào ngày 11 tháng 8 năm 2011 khi chính quyền huyện Lục Ngạn huy động một lực lượng khoảng 1000 công an, bộ đội và dân phòng đến cưỡng chế đất của những người dân địa phương gây ra đụng độ với hơn 1000 dân chỉ có trang bị là đất đá và gậy gộc. Đã có 22 người bị bắt sau vụ việc này.
Vào khoảng trung tuần tháng 3, tòa án quân đội quân khu 1, khu vực 2 đã lần lượt mở các phiên tòa xét xử 22 người này và kết tội họ gây rối trật tự công cộng. Những người này bị kết án tù từ 12 đến 54 tháng tù giam.
Để tìm hiểu thêm sự việc từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi tìm cách phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tám, giám đốc dự án di dân trường bắn TB1 và được ông này cho biết:
"Theo kết luận của thủ tướng chính phủ và văn phòng chính phủ vừa rồi thì dự án TB1 là rất nhạy cảm. Có hai công văn liền một của phó thủ tướng và của văn phòng chính phủ là thanh tra chính phủ đã thanh tra 5 tháng rồi trong khi chờ kết luận của thanh tra chính phủ thì không đăng tin và không cung cấp số liệu. Đây là văn bản của thủ tướng chính phủ cho nên chị hỏi tôi cũng không cung cấp."
Trong khi đó ông Hoàng Văn Thiện, chủ tịch xã Kim Sơn, nơi có hơn 300 hộ dân đang khiếu kiện, đã từ chối trả lời:
"Cô có nhu cầu gì, cần gì thì đến đây, tôi không có thời gian trao đổi qua điện thoại đâu."
Vào hôm 20 tháng 7 vừa qua, những người dân xã Kim Sơn lại tiếp tục lên văn phòng thanh tra chính phủ để hỏi về kết quả thanh tra thì được người đại diện cơ quan này cho biết kết quả thanh tra đã được chuyển cho thủ tướng chính phủ và đang chờ kết luận của thủ tướng.