mardi 29 novembre 2011

VN Báo Nguy Nợ Xấu Tăng Vọt, Tư Bản Quốc Tế Vơ Vét Tìm Mua
 
(11/27/2011) 
Báo VN tóm gọn: Giá chứng khoán rẻ như rau, cơ nguy bị thâu tóm
HANOI (VB) -- Kinh tế Việt Nam vẫn liên tục dao động, tuy nhiên các viên chức cao cấp của chính phủ đã trấn an rằng mọi chuyện đang trong tầm kiểm soát.
Bản tin từ trang web thông tin doanh nghiệp CafeF ghi lời Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình  cho biết nợ xấu cuả các ngân hàng Việt Nam liên tục  tăng.
Bản tin CafeF nói:
“Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến nay là khoảng 3,3% trên tổng dư nợ cho vay. Dự kiến đến cuối năm 2011 là từ 3,6-3,8%.”
Dù vậy, ông Bình nói rằng tình hình nợ xấu dù có tăng, nhưng kiểm soát được.
Như thế là nợ xấu tăng bao nhiêu? Bản tin CafeF không ghi số liệu để so sánh.
Trong khi đó, bản tin từ trang Anh ngữ Canada.com cho biết, ông Bình nói trước Quốc Hội rằng lúc khởi đầu năm nay, nợ xấu là 2.14%.
Như thế, là nợ xấu tăng đáng ngại. Tuy nhiên, Canada.com ghi rằng, ông Bình nói mọi chuyện vẫn trong vòng kiểm soát.
Trong khi đó, nợ xấu của Việt Nam đang được nhiều công ty quốc tế vào tìm mua, nhằm chinh phục thị trường tương lai của VN.
Tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn trong bản tin “Hấp dẫn... nợ xấu” đã cho biết:
“Sự tham gia của giới đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam đang chuyển động theo hướng mới: không chỉ mua lại các dự án bất động sản, thâu tóm và đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) công ty niêm yết trên sàn và ngoài sàn, mà cả tìm mua các khoản nợ xấu.
“Việt Nam đã lên bậc trong mối quan tâm mua bán nợ xấu của giới tài chính quốc tế theo khảo sát của chúng tôi” - Debtwire viết trong báo cáo “Nợ xấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011” (Asia-Pacific Distressed Debt Outlook 2011 - Debtwire) - “Nếu năm ngoái chỉ có 2% và 13% những tổ chức tham gia khảo sát cho rằng “có đáng kể cơ hội” và “nhiều cơ hội” trong giao dịch nợ xấu ở Việt Nam, thì năm nay con số tăng lên tương ứng là 5% và 21%”...”(hết trích)
Một đặc điểm cho thấy, nhiều công ty VN có nguy sẽ lọt vào tay tư bản quốc tế (và có thể cả tư bản Bắc Kinh), với giá chứng khoán sụt tệ hại.
Báo Vef.vn chuyên về kinh doanh tại VN nói trong bản tin “Công ty niêm yết lũ lượt tính chuyện bỏ sàn” hôm 26-11-2011.
Bài viết ghi rằng:
“Không chỉ xót ruột vì tài sản sụt giảm theo giá cổ phiếu, nhiều ông chủ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán còn có một mối lo ngại lớn hơn nhiều đó là bị thâu tóm. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến một số công ty đã tính tới chuyện rời sàn?
Vụ Masan-VCF: Thâu tóm quá nhanh
Có thể thấy rõ nguy cơ này ngay hồi giữa tháng 9 vừa qua. Khi đó HĐQT Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF) đã không khỏi giật mình khi nhận được đề nghị chào mua công khai hơn 50% vốn điều lệ.
Người đưa ra đề nghị này là một đại gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - CTCP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer-MSF), cũng ở trên sàn chứng khoán HOSE.
HĐQT VCF đã ngay lập tức có một cuộc họp bất thường nhưng chốt lại VCF vẫn phải gửi công văn đến HOSE xin hoãn công bố thông tin về quan điểm chào mua công khai của Masan Consumer thêm 14 ngày bởi chưa nhận định được mục đích chào mua cũng như kế hoạch phát triển VCF của Masan sau khi chào mua thành công.
Vụ việc đã nhanh chóng đi đến hồi kết sau đó chỉ hơn 1 tháng với việc Masan đã mua được số cổ phần mong muốn và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan) và ông Trương Công Thắng (Tổng giám đốc Masan Consumer - MSF) đã ngồi vào HĐQT của VCF.
Mục đích của Masan cũng đã được phân tích một cách rõ ràng đó là chiếm lĩnh thị trường café hòa tan mà trong 30 năm qua VCF đã vươn lên thành người dẫn đầu thị trường với một hệ thống mạng lưới phân phối rộng lớn.”(hết trích)
Đó là tình hình mà Vef ghi nhận tóm gọn: “Cổ phiếu rẻ như rau, nguy cơ bị thâu tóm lớn.”