mercredi 9 novembre 2011

Vinashin chính thức bị kiện


Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Vinashin cùng hơn 20 tổng công ty, công ty con tại Việt Nam vừa bị khởi kiện tại tòa ở London.

Đơn kiện được Tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm nhận và mở hồ sơ ngày 01/11/2011, một viên chức tại tòa xác nhận với BBC Việt ngữ sáng ngày 08/11.
Viên chức này cho biết thêm nội dung đơn kiện đang ở dạng được giữ kín và sẽ được công bố chi tiết ngay khi bên bị đơn xác nhận việc bị khởi kiện.
Phần tóm lược đơn kiện số 11-1296 mà BBC Việt ngữ đọc được cho thấy bên nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. và bị đơn gồm 22 công ty với Vinashin đứng đầu danh sách bên bị.
Hàng loạt tổng công ty công nghiệp tàu thủy thuộc diện công ty con của Vinashin như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Hạ Long, Dung Quất, Nha Trang ... đều có tên trong đơn kiện.
Giới quan sát cho rằng đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đôla Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với khoản trả lần đầu 60 triệu đôla đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán.
Mặc dù tài sản của Vinashin nằm tại Việt Nam, đơn kiện được gửi tới tòa tại Anh vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh.
Vào ngày 17/10/2011, debtwire.com, trang chuyên về tin tức và phân tích về thị trường nợ có bài đăng trên Financial Times đánh giá việc một trong các chủ nợ của Vinashin có động thái khởi kiện có thể tạo thêm khủng khoảng cho nỗ lực tái cơ cấu nợ của tập đoàn Vinashin.
Bài báo (http://www.ft.com/cms/s/2/50f29bae-f8dd-11e0-a5f7-00144feab49a.html##axzz1dE2wt1iW )
cho biết Elliott Advisors, quỹ đầu tư dạng hedge fund, hồi đầu tháng Mười tỏ ý sẽ khởi kiện để truy thu lãi cho vay và nợ gốc.
"Vụ kiện Vinashin có thể nhấn chìm một đề xuất từ chính phủ Việt Nam, vốn trình bày trước các chủ nợ vào tháng Mười nhằm để đảm bảo khoản vay 600 triệu đôla được giữ ở hình thái nợ được tái cơ cấu.
“Đề xuất của Vinashin bao gồm hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là trả bằng tiền mặt 35% mệnh giá nợ,
“Lựa chọn thứ hai là hoán đổi hợp đồng vay 600 triệu đôla đáo hạn cho tới hết năm 2015 thành hợp đồng vay mới có thời hạn 13 năm được chính phủ bảo lãnh, trả nguyên nợ gốc nhưng không trả lãi”, bài báo cho hay.
Đơn phương khởi kiện

Hệ lụy từ khủng hoảng Vinashin
Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital tại Việt Nam bình luận về nợ khó đòi của tập đoàn đóng tàu Vinashin.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Chính phủ Việt Nam vào năm 2007 viết thư ủng hộ để Vinashin có thể vay được tiền nhưng không nói hẳn là Hà Nội bảo lãnh cho khoản vay này (trả trong 10 lần, 60 triệu đôla/lần trong giai đoạn 2010 tới 2015).
Trả lời BBC tiếng Việt vào tháng Sáu năm nay, ông Dominic Scriven, nhà đầu tư có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, mô tả điều ông gọi là "việc người ta bắt chính phủ Việt Nam phải trả nợ thay Vinashin thì không hẳn là hợp lý lắm". (Xem video bên trên)
Trở lại bài báo từ debtwire.com, bài này nhận định trong trường hợp Elliott khởi kiện, Vinashin sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc nộp đơn xin bảo hộ theo luật Việt Nam hoặc tìm kiếm sự công nhận từ tòa án quốc tế.
Được biết hồi tháng Sáu Elliott lúc đầu đã mời các chủ nợ khác để tham gia kế hoạch kiện Vinashin tại London nhưng sau đó đổi ý để đơn phương khởi kiện, một bước được xem là động thái không muốn chia tiền với các chủ nợ khác nếu thắng kiện theo phán quyết của tòa tại Anh.
Hồi tháng Năm, trang debtwire.com có bài phân tích về các bước chủ nợ có thể tiến hành với Vinashin.
Bài viết (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/05/110531_vinashin_creditors.shtml )
trích dẫn luật sư nhận định "trong khi phán quyết ở nước ngoài khó có thể thi hành tại Việt Nam, nơi Vinashin có tài sản, thì giới chủ nợ có thể can thiệp hoặc thậm chí giữ các khoản tiền chuyển khoản ở nước ngoài hoặc giữ thư tín dụng".
"Về cơ bản các chủ nợ có thể khiến Vinashin không thể nào kinh doanh được ở nước ngoài," bài viết cho biết.
Vinashin, tập đoàn bên bờ vực phá sản, đã và đang được tái cơ cấu theo hướng chuyển một số tài sản, dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines).
Chín quan chức cao cấp của Vinashin bị đề nghị truy tố vào tháng chín năm nay sau khi công an Việt Nam mô tả là đã hoàn tất điều tra giai đoạn một.
Giới quan sát nhận định bê bối Vinashin là gánh nặng đối với triển vọng của Việt Nam, gây tổn hại danh tiếng của Việt Nam trước giới tài chính quốc tế và có khả năng làm chậm lại dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tạo đà cho nền kinh tế của đất nước này.