samedi 12 janvier 2013

Việt Nam không chống lại hợp tác khai thác các vùng biển tranh chấp

 

Friday, January 11, 2013 7:20:54 PM

HÀ NỘI (NV) - Nhà cầm quyền Việt Nam không chống lại ý kiến hợp tác để dò tìm và phát triển các tài nguyên ở những vùng biển có tranh chấp, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói như vậy hôm Thứ Năm.

 

Một người lính Ðài Loan dùng ống nhòm quan sát 
từ đảo Thái Bình, quần đảo Trường Sa. (Hình: WantChinaTimes)

Hãng tin Ðài Loan CNA cho hay ông Lương Thanh Nghị nói Việt Nam không chống lại ý kiến phát triển tài nguyên ở các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng nhưng những sự hợp tác đó phải làm theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển từng được các nước ký kết năm 1982. Tuy nhiên, theo ông nói với CNA, không có sự hợp tác tại các vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Ông Lương Thanh Nghị phản ứng như trên khi được ký giả của CNA nêu vấn đề là tổng thống Ðài Loan, Mã Anh Cửu, đưa ra đề nghị hòa bình để tránh gia tăng căng thẳng trên Biển Hoa Ðông cũng có thể được áp dụng để giải tỏa căng thẳng tranh chấp trên Biển Ðông.

Tuy nhiên, ông Nghị nói Việt Nam kịch liệt chống lại kế hoạch của Ðài Loan tính dò tìm dầu khí gần khu vực đảo Thái Bình (Ðài Loan đang chiếm đóng) thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn luôn xác nhận chủ quyền. Ông đòi Ðài Loan phải dừng kế hoạch đó.

Ngày 1 tháng 1, 2013, Luật Biển của Việt Nam có hiệu lực thi hành. Ðạo luật xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Cả Ðài Loan và Bắc Kinh đều chống đối đạo luật này.

Quần đảo Trường Sa là một tập hợp gồm nhiều đảo san hô, cồn cát, bãi đá ngầm rải rác từ 6 độ 12' đến 12 độ 00' vĩ độ Bắc và từ 111 độ 30' đến 117 độ 20' kinh độ Ðông, trên một diện tích gần 160,000 km2 ở giữa Biển Ðông. Quần đảo kéo dài từ Tây sang Ðông khoảng 800 km, từ Bắc xuống Nam khoảng 600 km. Mỗi tài liệu lại có một con số thống kê riêng về số lượng quần thể địa lý của quần đảo này với hơn 100 đảo và rặng đá ngầm, bãi ngầm.

Việt Nam không chiếm giữ đảo lớn nhất (Thái Bình) nhưng lại đang đồn trú và bảo vệ nhiều đảo nhất trong số các nước tranh chấp quần đảo Trường Sa.

Một số các cuộc nghiên cứu nói tiềm năng dầu khí nằm dưới lòng biển rất lớn mà đây là cái chính yếu thúc đẩy lòng tham muốn chiếm đoạt hết của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Việt Nam tranh chấp quần đảo Trường Sa với cả Bắc Kinh và Ðài Loan bên cạnh Philippines, Brunei và Mã Lai.

Ông Mã Anh Cửu đưa đề nghị các nước liên quan gác qua một bên các tranh chấp chủ quyền, các quan điểm khác biệt, kềm chế các hành động thù địch, duy trì các cuộc đối thoại cũng như tôn trọng luật lệ quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Những đề nghị này tương tự như những lời dụ dỗ của Bắc Kinh, nhưng Bắc Kinh vẫn công bố cái bản đồ “Lưỡi Bò” chiếm 80% của Biển Ðông, gộp luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh mở rất nhiều cuộc tập trận trên Biển Ðông cũng như điều động thêm một số chiến hạm lớn và tàu tuần biển tới khu vực không ngoài ý định uy hiếp Việt Nam và các nước tranh chấp khác. (TN)