Philippines chuẩn bị gì cho vụ kiện với Trung Quốc?
Thứ Năm, 24/01/2013 13:16
(NLĐO) - Trong thông báo chính thức giải thích về quyết định đưa tranh chấp tại biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc ngày 23-1, Bộ Ngoại giao Philippines đã liệt kê 27 câu hỏi kèm theo trả lời, cho thấy sự chuẩn bị tỉ mỉ của nước này.
Bên cạnh việc phân tích cụ thể quyết định kiện Trung Quốc, thông cáo còn kêu gọi người dân Philippines thể hiện tình thần yêu nước và hậu thuẫn cho quyết định của chính phủ.
"Nếu ai đó tự tiện xông vào nhà bạn và tìm cách lấy đi tài sản của bạn một cách bất hợp pháp, liệu bạn có để yên cho kẻ xâm nhập không? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia và vùng biển của mình" - thông cáo viết.
Tiếp đó, thông cáo đưa ra lời kêu gọi: "Mọi người dân Philippines nên đứng đằng sau tổng thống để bảo vệ những gì là của chúng ta. Tất cả chúng ta nên đoàn kết trước toàn thế giới để biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của tổng thống về vấn đề này”.
Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 5-2012. Ảnh: Reuters
Dưới đây là trích lược những câu hỏi và trả lời do Bộ Ngoại giao Philippines ban hành:
1. Vì sao phải đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài?
Đường 9 đoạn của Trung Quốc bao gồm toàn bộ biển Tây Philippines (cách Philippines gọi biển Đông). Chúng ta phải kiện tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp này để bảo vệ lãnh thổ và vùng biển quốc gia.
2. Tại sao phải làm điều này bây giờ?
Sau khi thử hết mọi khả năng ngoại giao và chính trị, bây giờ là thời điểm chúng ta phải hành động. Nếu không, chúng ta sẽ thua cuộc.
(...)
4. Chúng ta mong đợi gì từ vụ kiện?
Chúng ta hy vọng tòa sẽ ra phán quyết theo luật quốc tế, trong đó yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên biển Tây Philippines và ngừng các hành động bất hợp pháp vi phạm quyền lợi của chúng ta.
(...)
7. Bên nào khởi kiện và kiện ra tòa án nào?
Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các bên được lựa chọn đưa đơn ra một trong 4 tòa án: Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS), Tòa án Trọng tài và Tòa án Trọng tài đặc biệt. Philippines đã chọn Tòa án Trọng tài.
(...)
9. Liệu chúng ta có thắng kiện?
Chúng ta rất tin tưởng về chứng lý theo luật quốc tế. Tuy nhiên, mỗi vụ kiện đều có nhiều yếu tố khác tác động. Điều quan trọng hơn là chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc để bảo vệ lợi ích quốc gia trước một tòa án quốc tế độc lập.
10. Ê kíp pháp lý của Philippines gồm những ai?
Tổng chưởng lý Francis H. Jardeleza là đại diện pháp lý của Philippines trong vụ kiện này. Luật sư Paul Reichler của công ty luật Foley and Hoag (trụ sở tại Washington - Mỹ) sẽ dẫn đầu nhóm luật sư nguyên đơn.
11. Tại sao các nước khác không kiện Trung Quốc?
Philippines hành động dựa trên lợi ích quốc gia và không phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia khác.
12. Chuyện gì xảy ra nếu Trung Quốc từ chối can dự?
Philippines sẽ theo đuổi tiến trình vụ kiện theo Phụ lục VII của UNCLOS. Phụ lục này là hướng dẫn dành cho các vụ kiện bắt buộc.
13. Bước tiếp theo của Philippines là gì?
Philippines đang chuẩn bị cho sự thành lập hội đồng trọng tài gồm 5 thành viên.
(...)
15. Quan hệ kinh tế Philippines - Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Sự phân xử mang tính thân thiện và hòa bình nên chúng tôi hy vọng sẽ không có ảnh hưởng bất lợi đối với quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Chúng tôi luôn cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không thể đánh đổi bằng chủ quyền quốc gia.
16. Những ảnh hưởng đối với ngành du lịch là gì?
Philippines và Trung Quốc có sự tiếp xúc sâu rộng giữa người dân hai nước. Chúng tôi trông đợi củng cố điều này bằng chương trình du lịch hiệu quả.
17. Chuyện gì sẽ xảy ra đối với các lao động của Philippines ở nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện?
Chính phủ Philippines sẽ đảm bảo an ninh cho các lao động ở nước ngoài.
(...)
20. Hành động này có dẫn đến xung đột quân sự?
Trung Quốc là bạn tốt. Sự phân xử là một tiến trình hòa bình để giải quyết tranh chấp giữa những người bạn.
22. Hành động này có ảnh hưởng ASEAN không?
Chúng ta trông mong ASEAN sẽ hỗ trợ chúng ta tìm ra giải pháp hòa bình và lâu bền cho tranh chấp này. Philippines phải bảo vệ lợi ích quốc gia để qua đó tăng cường sự tôn trọng đối với các đối tác quốc tế đã ủng hộ chúng ta.
23. Đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) sẽ tiếp tục?
Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN và Trung Quốc để xây dựng COC và triển khai DOC.
24. Vì sao chúng ta không thể cùng phát triển với Trung Quốc?
Cùng phát triển, theo mô hình của Trung Quốc, là sự vi phạm đối với Hiến pháp Philippinea. Cùng phát triển phải phù hợp với luật pháp Philippines.
25. Vụ kiện sẽ có giá như thế nào đối với người dân Philippines?
Không thể định giá cho những nỗ lực của người dân và chính phủ Philippines để bảo vệ tài sản, lãnh thổ, lợi ích và danh dự quốc gia.
(...)
Hải Ngọc (Theo GMA News, Rappler, Bộ Ngoại giao Philippines)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Việt Nam khi mô đây?
Nguyễn Quang Lập (Blog Quê Choa) - Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch?...
*
Rứa là Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án LHQ ( tại đây): Ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết, nước ông đã đưa Trung Quốc lên tòa án Liên hợp quốc, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này đối với gần như toàn bộ Biển Đông. “Philippines sẽ dùng gần như mọi cách thức chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc theo phương thức đàm phán hòa bình… chúng tôi hi vọng rằng các tiến trình của tòa án sẽ đem vấn đề tranh chấp này tới một giải pháp lâu dài”, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết trong cuộc họp báo.
Philippines đã nói là làm. Khi mà không thể tranh cãi với nhau được thì cách tốt nhất nên đưa ra LHQ, nhờ LHQ làm trọng tài. Đó là một cách đắc lợi để chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình.
Câu hỏi đặt ra là khi mô Việt Nam mới đưa Hoàng Sa và Biển Đông ra tòa án quốc tế?
Nhà nước cũng thừa biết đàm phán song phương chỉ là cách cho sói gửi chân, nó vừa đàm vừa nịnh, vừa đàm vừa dọa nạt, dọa nạt xong rồi cho kẹo, vừa đàm vừa bảo gác tranh chấp cùng khai thác, trước sau gì Trường Sa và Biển đông cũng mất trắng vào tay con sói hung dữ và thâm độc có tên là TQ. Mình tin Nhà nước ta không đến nỗi quá ngu để chấp nhận đàm phán song phương, nếu như thực sự muốn bảo vệ chủ quyền Đất nước.
Đây là thời điểm thích hợp để VN hưởng ứng với Philippines, và vận động cả Brunei, Malaysia nữa, đưa "Cái lưỡi bò" TQ ra LHQ mới tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm chống lại âm mưu bá quyền Biển Đông của TQ. Không làm lúc này thì khi mô làm?
Nếu Nhà nước không làm phải giải thích rõ cho dân chúng biết lý do. Có phải vì bảo vệ chế độ mà chúng ta phải hy sinh Hoàng Sa và Biển Đông hay không, hay vì một lý do nào khác? Có người bảo ta bây giờ há miệng mắc quai, cái “quai” đó là gì vậy ta? Nếu cái quai đó là “16 chữ vàng”, “đồng chí 4 tốt” thì vứt lẹ đi, cái quai đó không bằng dân đâu. Có dân là có tất cả, chớ có lo.
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch?
Miệng thì nói phải bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khi có cách bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay rứa lại không làm. Thật lạ quá.
*